“Yêu Nước thì phải yêu Lịch sử”

12/01/2021 06:50
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi tự làm những video, Infographic, file Powerpoint… để trình chiếu trên lớp cho học sinh, làm sao với thời lượng 45 phút đó các em nắm chắc được kiến thức.

“Về nhận công tác tại Trường Trung học phổ thông Đông Đô năm 2015, nhớ lại thời còn đi học nhìn các thầy cô đứng trên bục giảng thấy rất là thích và ước mơ sau này mình cũng làm nhà giáo.

Thời gian đầu đi dạy, khoảng cách tuổi giữa tôi với học trò không quá xa, tôi lại hay quan tâm gần gũi nên thường được học sinh chia sẻ. Qua những chuyện tâm sự hàng ngày của học trò và sự quan tâm gần gũi tôi cũng cảm nhận được nghề giáo có những ưu điểm mà nghề khác không có được.

Gần gũi học sinh tôi cũng nhận ra nhiều em có hoàn cảnh không được may mắn, có nhiều tâm sự tuổi học trò sẽ tác động, chi phối những hành động chưa đúng của các em hàng ngày.

Sau khi mình hiểu được những việc đó và biết được các con đang cần gì, cần được sự quan tâm của người lớn ra sao? Lúc này tôi hiểu mình như một người chị, một người bạn đồng cảm với những chia sẻ của các em khi ở trường.

Khi mình quan tâm, động viên, chia sẻ thì các con sẽ có những chiều hướng tích cực, tiến bộ, định hướng đúng hơn với môi trường xung quanh và định hướng suy nghĩ với cuộc sống sau này. Mặc dù lúc đó tôi là giáo viên dạy môn phụ chứ không phải giáo viên chủ nhiệm.

Từ những tình cảm hàng ngày khi lên lớp đã khiến tôi phải nhìn lại bản thân, để ý và trau chuốt hơn những hành động, cử chỉ, lời nói, bài giảng của mình ở trên lớp vì mỗi việc mình làm đều có ảnh hưởng đến các em học sinh”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Đoàn Thị Thúy - Nhóm trưởng môn Lịch sử, Bí thư chi đoàn cán bộ giáo viên Trường Trung học phổ thông Đông Đô, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ.

Cô Thúy cho biết: "Khi mình quan tâm, động viên, chia sẻ thì các con sẽ có những chiều hướng tích cực, tiến bộ, định hướng đúng hơn với môi trường xung quanh và định hướng suy nghĩ với cuộc sống sau này". Ảnh: Tùng Dương.
Cô Thúy cho biết: "Khi mình quan tâm, động viên, chia sẻ thì các con sẽ có những chiều hướng tích cực, tiến bộ, định hướng đúng hơn với môi trường xung quanh và định hướng suy nghĩ với cuộc sống sau này". Ảnh: Tùng Dương.

Cô Thúy cho biết: “Ở trên lớp tôi rất nghiêm khắc và mỗi học sinh tôi đều khuyến khích khi đã học môn Lịch sử thì phải học thật nghiêm túc, không để các em có suy nghĩ đó là môn phụ và sao nhãng việc học. Bất kì môn nào cũng có tác dụng riêng.

Nhiều người cho rằng môn Lịch sử khô khan, khó học và nội dung trong sách giáo khoa rất dài nhưng đối với học sinh Trường Đông Đô thì chưa bao giờ các em cảm thấy môn Lịch sử khó học.

Điểm thuận lợi là ban giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, các thiết bị nghe nhìn nên cũng giúp giáo viên khá nhiều khi truyền tải kiến thức đến học sinh.

Trong giờ giảng ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, tôi luôn tìm những hình ảnh, video để trình chiếu giúp cho học sinh có cái nhìn trực quan, tác động trực tiếp gần gũi dễ hiểu hơn những mốc sự kiện.

Lịch sử là những cái đã qua nên mình không thể cho các con xem lại được, chỉ có một cách là thông qua bài giảng, các thiết bị nghe nhìn trực quan.

Tôi thường kể cho học sinh nghe những câu chuyện lịch sử, cho các em hóa thân vào các nhân vật, thông qua những hoạt động đó học sinh được trải nghiệm, sẽ hiểu và yêu thích hơn các sự kiện.

Những câu chuyện đó không phải chỉ truyền tải nội dung một chiều, mà học sinh được tham gia đóng vai nhân vật, được sáng tạo từ những câu chuyện đó các em sẽ hiểu và nhớ hơn là chỉ học theo cách thông thường.

Ví dụ câu chuyện về nạn đói, nạn mù chữ và những khó khăn của đất nước sau năm 1945, vì vậy mới có những đợt quyên góp chia sẻ lương thực, đồng thời mở nhiều lớp để xóa nạn mù chữ…nếu chỉ để học như vậy sẽ rất khô cứng và học sinh khó nhớ.

Chính vì vậy tôi sáng tạo thêm để học sinh xây dựng câu chuyện ở một ngôi làng của Việt Nam, ở ngôi làng đó bao gồm rất nhiều nhân vật trong văn học, từ nhân vật Thị Nở, Chí Phèo, Bá Kiến rồi có cả nhân vật Trà, nhân vật Thị… và những tác phẩm có liên quan đến hình tượng, sự việc nạn đói, nạn mù chữ.

Học sinh rất thích những giờ học như vậy, các con nhập tâm và hứng thú hơn. Khi dạy tôi cũng không dừng những câu từ quá hàn lâm, nhưng câu từ đó khiến học sinh khó nhớ, từ một khái niệm mình đưa ra một dẫn chứng hay ví dụ nào đó dễ hiểu nhất để các con nhớ được”.

Cô giáo Thúy với các em học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô giáo Thúy với các em học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng

Theo cô Thúy: “Những tư liệu chính thống thì đương nhiên tôi sẽ đưa vào bài giảng, nhưng cũng có nhưng tư liệu tôi phải nghiên cứu, cắt ghép cho phù hợp với nhận thức của học sinh.

Tôi tự làm những video, Infographic, file Powerpoint…để trình chiếu trên lớp cho học sinh và làm sao để thời lượng 45 phút đó các em tiếp thu hết được, chính vì thế nội dụng phải trọng tâm, cô đọng, dễ hiểu không quá dài gây nhàm chán.

Phần kiến thức ở khối lớp 12, khi các con học xong phần trong sách giáo khoa sẽ chuyển sang giai đoạn ôn tập để thi tốt nghiệp, với học sinh ôn thi tôi dùng nhiều phương pháp.

Hướng dẫn các em học theo từ khóa, giúp các con tự lẩy ra những từ khóa trong bài đã học để học thuộc. Phương pháp học theo sơ đồ tư duy tôi cũng khuyến khích các con tự vẽ sơ đồ, nhìn vào đó dễ nhận biết và nắm bắt được chính xác các mốc sự kiện lịch sử trong từng giai đoạn.

Hơn nữa tôi vẽ sơ đồ “câm” rồi để học sinh tự tìm từ khóa kiến thức điền vào sơ đồ đó, hoặc các con có thể tự sáng tạo sơ đồ theo ý tưởng bằng những kiến thức của mình nắm được.

Tôi làm đề cương đưa ra bộ câu hỏi trắc nghiệm với từng cấp độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao và việc này đòi hỏi rất công phu.

Kiến thức trên mạng Internet rất nhiều nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác, lo lắng điều đó nên tôi đã đầu tư thời gian nghiên cứu, sàng lọc, kiểm chứng mọi thông tin để làm sao có được một bài giảng hay nhất, thông tin chính xác nhất khi đến với học sinh”.

Cô Thúy chia sẻ: “Học sinh trong một lớp luôn có sự phân hóa nên trong khi dạy tôi luôn chuẩn bị hai bộ giáo trình câu hỏi dành cho các học sinh trung bình và các em khá giỏi.

Đây cũng là tâm huyết và trách nhiệm, có như vậy những em với học lực thấp hơn vẫn theo kịp và nắm bắt được kiến thức trên lớp, còn đối với những em khá giỏi tôi thường giao thêm bài tập, cho các em nghiên cứu thêm giáo án nâng cao, đọc và làm bài tập.

Đối với những em học sinh giỏi có tố chất, mình phải khơi dậy làm sao để các em bật lên được, nếu chỉ đưa những giáo trình bình thường sẽ không hiệu quả.

Ví dụ học sinh Trần Long lớp 12D1 của tôi vừa qua đã đạt được điểm 10 môn Lịch sử trong kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, đây cũng là 1 trong số 371 học sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử trên toàn quốc, ngoài ra còn 5 em đạt điểm từ 9 trở lên trong môn thi này.

Đối với những em học sinh giỏi như vậy, nhận thấy các em có khả năng đạt điểm cao thì trong giờ học mình phải thường xuyên quan tâm, gọi các em trả lời. Khi giao các bài tập nâng cao cho các con thì điều quan trọng nhất là mình phải xem lại và chữa bài.

Nếu chỉ giao bài mà không chữa thì theo tôi sẽ không có tác dụng, đã giao bài thì phải dành thời gian ngồi lại với học sinh để cùng chữa bài, xem các con thắc mắc gì, chỉ ra những điểm sai, chưa đầy đủ. Có như vậy thì các con mới nắm chắc kiến thức hiểu bài sâu hơn”.

Cô giáo Thúy cho biết: "Theo kinh nghiệm nếu các em đã thích thú, học không nhàm chán như vậy thì các con sẽ không bao giờ sợ môn Lịch sử”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô giáo Thúy cho biết: "Theo kinh nghiệm nếu các em đã thích thú, học không nhàm chán như vậy thì các con sẽ không bao giờ sợ môn Lịch sử”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lời khuyên của cô giáo Thúy

Cô Thúy nói: “Tôi luôn có phương châm yêu Nước thì phải yêu Sử, phải học hết mình với bộ môn này, nên quản lý tốt học sinh thì các em học mới hiệu quả được.

Các em tập trung nắm chắc bài ngay tại lớp, 45 phút phải được tận dụng tối đa, không sao nhãng. Luôn luôn tự học, tìm các từ khóa viết ra thẻ nhớ hoặc vẽ sơ đồ tư duy.

Phần củng cố kiến thức tôi thường yêu cầu học sinh trả lời xem các em nắm kiến thức đến đâu để từ đó có biện pháp bổ sung những phần các con còn thiếu, hơn nữa khuyến khích các con vận dụng được các phần bài tập giáo viên đã giao.

Ngoài ra tôi cũng áp dụng phương pháp đôi bạn cùng tiến, chia thành từng nhóm 2 bạn để hỏi và trả lời sau đó thay đổi, nhiều khi trả lời giáo viên các con sợ sai nhưng trả lời bạn thì các con rất mạnh dạn, việc này giúp các con bình tĩnh tự tin hơn trong việc cập nhật kiến thức cũng như trình bày quan điểm của mình.

Cuối cùng tôi sẽ là người chốt lại đáp án, đúng hay sai ở vấn đề nào đó, học sinh sẽ rút được kinh nghiệm và cũng đồng thời cập nhật được phương án chuẩn của giáo viên đưa ra. Có như vậy các con mới ham học hỏi cập nhật kiến thức.

Theo kinh nghiệm khi các em đã thích thú, học không nhàm chán như vậy thì các con sẽ không bao giờ sợ môn Lịch sử”.

Cô giáo Đoàn Thị Thúy - Nhóm trưởng môn Lịch sử, Bí thư chi đoàn cán bộ giáo viên Trường Trung học phổ thông Đông Đô, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Khi còn học phổ thông đã nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia.

Tốt nghiệp khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 2012.

Học Cao học tại Trường Đại học Khoa học và nhân văn.

Năm 2012 đạt giải nhì cuộc thi tài năng khoa học trẻ toàn quốc (không có giải nhất).

Khi đi dạy học đã đạt Giải thưởng Chu Văn An, đây là danh hiệu cao quý của trường dành cho các cán bộ giáo viên có thành tích suất sắc.

Nhiều giấy khen công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2019 – 2020.

Đồng tác giả cuốn sách ôn thi đối với bộ môn Lịch sử có tên: Bứt tốc, luyện đề trung học phổ thông quốc gia môn Lịch sử đã xuất bản năm 2020.

Trong 3 năm hướng dẫn ôn thi cho học sinh thì năm nào điểm thi môn Lịch sử của Trường Trung học phổ thông Đông Đô cũng cao hơn điểm trung bình chung của cả nước.

Năm 2020 được quận ủy Tây Hồ, Hà Nội tặng bằng khen đạt giải nhì trong cuộc thi viết về điển hình dân vận khéo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tùng Dương