Yêu cầu về ngoại ngữ trong Dự thảo chuẩn giáo viên là không khả thi

03/04/2018 06:44
Nhật Duy
(GDVN) - Đa phần giáo viên phố thông nếu không phải chuyên môn dạy ngoại ngữ hiếm có cơ hội sử dụng ngoại ngữ hằng ngày, vì thế, khả năng ngoại ngữ dần bị mai một.

LTS: Tiếp tục đưa ra ý kiến đóng góp về Dự thảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, thầy giáo Nhật Duy cho rằng yêu cầu về ngoại ngữ với giáo viên như trong dự thảo là không thể thực hiện đúng chuẩn được.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Phải nói rằng môn Ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh rất quan trọng đối với đại bộ phận giáo viên trong thời đại ngày nay, khi mà chúng ta đang hội nhập, mạng Internet đã được kết nối toàn cầu.

Nếu giỏi ngoại ngữ không chỉ giúp cho giáo viên chủ động trong giảng dạy mà còn có thể tham khảo được nhiều nguồn tư liệu quý của nhân loại.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn trình độ ngoại ngữ của giáo viên phổ thông nước ta hiện nay đa phần “vừa câm, vừa điếc” ngoại ngữ.

Nhất là đối với những giáo viên đã ra trường từ khoảng 10 năm về trước thì gần như không thể giao tiếp được.

Việc yêu cầu tất cả giáo viên đều có thể sử dụng được ngoại ngữ là bất khả thi. Ảnh minh hoạ: Báo Tuổi trẻ Thủ đô
Việc yêu cầu tất cả giáo viên đều có thể sử dụng được ngoại ngữ là bất khả thi. Ảnh minh hoạ: Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Vì thế, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục ban hành các văn bản quy định về chuẩn ngoại ngữ cho giáo viên phổ thông có thể rất khó, thậm chí không thể thực hiện được.

Nếu thực hiện được thì cũng chỉ là có tờ giấy chứng nhận chứng chỉ mà thôi.

Trong Tiêu chí 4, Tiêu chuẩn 2 của Dự thảo Chuẩn giáo viên phổ thông mới được Bộ Giáo dục công bố đã yêu cầu:

Sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số) trong hoạt động chuyên môn và giáo dục”.

Từ tiêu chí này, ở phần phụ lục đã mô tả nội dung mức chuẩn này như sau:

Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc để khai thác, thiết kế, xây dựng học liệu phục vụ các hoạt động dạy học và giáo dục”.

Yêu cầu về ngoại ngữ trong Dự thảo chuẩn giáo viên là không khả thi ảnh 2Tiêu chuẩn giáo viên phổ thông mới không sát thực tế

Và, phần gợi ý minh chứng thì hướng dẫn các nguồn minh chứng cho tiêu chí này như sau:

Giấy xác nhận/chứng chỉ trình độ ngoại ngữ đạt mức 2/6 theo khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam hoặc các chứng chỉ tương đương về ngoại ngữ;

Đối với giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có Chứng chỉ tiếng dân tộc phù hợp với vị trí công việc;

Phiếu dự giờ/Biên bản sinh hoạt chuyên môn/Biên bản họp hội đồng sư phạm;

Báo cáo/bài báo/sáng kiến được đăng tải thể hiện được nội dung mức độ đạt được”.

Thực tế ở các các nhà trường phổ thông hiện nay, ngay cả một bộ phận giáo viên dạy Ngoại ngữ ở một số trường cũng chưa thông thạo ngoại ngữ, chưa giao tiếp tốt được bằng tiếng Anh thì đối với giáo viên các bộ môn khác lại càng không thể.

Bởi thực tế, việc sử dụng ngoại ngữ chỉ cần bỏ một thời gian ngắn là đã có thể quên.

Vì cách học, cách dạy ngoại ngữ của giáo dục nước ta đối với học sinh, sinh viên chủ yếu là để “qua” môn.

Khi ra trường thì nhiều môn học không bao giờ đụng đến ngoại ngữ thì việc giáo viên quên và không sử dụng được ngoại ngữ có lẽ cũng là điều rất đỗi bình thường.

Trước đây, ở các trường phổ thông ở nhiều nơi không chú trọng dạy môn Ngoại ngữ cho học sinh.

Thời chúng tôi học thì chỉ lên đến cấp 3 là trường đã chú trọng phân ban.

Học sinh nào theo khối nào thì chỉ tập trung vào 3 môn học của khối đó, xếp theo từng lớp cụ thể.

Các môn còn lại dạy và học rất thờ ơ, thậm chí lên đến lớp 12 thì bỏ mặc các môn không phải khối thi của mình.

Chính vì thế, ngoài 3 môn thi đại  học và thêm một số môn thi tốt nghiệp thì nhà trường và học sinh tập trung vào chừng ấy môn.

Yêu cầu về ngoại ngữ trong Dự thảo chuẩn giáo viên là không khả thi ảnh 3Một giáo viên phổ thông phải có 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí

Chỉ những học sinh có ý định thi khối D thì mới tập trung vào môn tiếng Anh hoặc một số ngoại ngữ khác để nhằm mục đích duy nhất là thi đỗ đại học.

Khi vào đại học thì sinh viên chúng tôi phải học tiếng Anh bắt buộc, trong đó có 1 học kì học tiếng Anh chuyên ngành.

Ngoài ra còn phải đến các trung tâm để học và thi chứng chỉ Ngoại ngữ để đúng với các văn bằng khi ra trường.

Tuy nhiên, từ khi đi làm thì gần như không sử dụng ngoại ngữ nữa.

Chúng tôi không bao giờ có cơ hội giao tiếp tiếng Anh. Và, trong quá trình dạy học thì cũng hiếm khi phải sử dụng.

Đối với giáo viên Văn thì thỉnh thoảng chỉ đọc một vài cái tên nhân vật trong tác phẩm văn học, môn Sử, Địa thì đọc vài địa danh, nhân vật nước ngoài, một số môn tự nhiên thì đọc vài cái tên nhà khoa học… mà trong các sách giáo khoa hiện nay thì tất cả chữ nước ngoài đều được phiên âm ra tiếng Việt.

Vì vậy, đa phần vốn tiếng Anh ngày nào của giáo viên giờ đây gần như rơi vãi hết.

Những thầy cô trước chúng tôi thì nhiều người lại học tiếng Nga. Bởi học sinh phổ thông thời trước chúng tôi lại học tiếng Nga nhiều hơn.

Yêu cầu về ngoại ngữ trong Dự thảo chuẩn giáo viên là không khả thi ảnh 4Nhiều trung tâm lại có cơ hội móc túi giáo viên

Tuy nhiên, cũng giống như thế hệ chúng tôi, khi ra trường đi dạy thì phần lớn không có cơ hội quay lại những thứ tiếng mà ngày xưa mình đã học nên hình như đa phần giáo viên bây giờ…vốn ngoại ngữ gần như bằng không.

Không nói được, không nghe được, đọc thì cũng lõm bõm từ được, từ mất, viết thì sai hết văn phạm.

Thực tế cho thấy ngành giáo dục nước mình trước đây chưa chú trọng ngoại ngữ nên phần lớn người Việt nếu không phải là “dân ngoại ngữ” hoặc công tác, làm việc trong các ngành có sử dụng và giao tiếp với người nước ngoài thì gần như ai cũng quên hết những gì đã học.

Bởi học xong mà không sử dụng thì rất nhanh quên, nhất là đối với môn ngoại ngữ.

Có lẽ vì vậy mà năm 2014, ông Đoàn Dung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quãng Ngãi đã chia sẻ với báo chí:

Tỉnh Quãng Ngãi có hơn 70 giáo sư, tiến sĩ và 796 thạc sĩ nhưng chỉ có 5 người giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Quảng Ngãi có 600 giáo viên tiếng Anh từ tiểu học đến Trung học phổ thông nhưng qua khảo sát bậc tiểu học có 13% giáo viên đạt chuẩn, Trung học cơ sở có 11%, Trung học phổ thông chưa đến 5%.

Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết nhiều năm không có học sinh đoạt giải quốc gia môn tiếng Anh dù có giải các môn toán, lý, hóa...

Hiện nay có tình trạng giáo viên tiếng Anh chỉ dạy văn phạm chứ không thể giao tiếp được” .

Thực trạng ở Quãng Ngãi về việc sử dụng ngoại ngữ cũng có thể là thực trạng trung của các địa phương hiện nay.

Yêu cầu về ngoại ngữ trong Dự thảo chuẩn giáo viên là không khả thi ảnh 5Giáo viên "khổ càng thêm khổ" với Thông tư 20/2017/BGDĐT

Thực tế nó là vậy, nếu Bộ yêu cầu chuẩn giáo viên phổ thông phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo Thông tư Số 01/2014/TT-BGDĐT Ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam là điều khó thực hiện vô cùng.

Thực tế, khi giáo viên ra trường phần nhiều cũng đều có chứng chỉ A, B ngoại ngữ. Nhưng, bây giờ không sử dụng nên quên hết.

Giờ đây Bộ lại hướng dẫn chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ sẽ dẫn đến giáo viên đua nhau đi học để có chứng chỉ của các trường đại học, trung tâm ngoại ngữ mà Bộ cho phép.

Vô tình lại làm giàu cho một số trung tâm và trường đại học.

Bởi thực tế, cách mà các trường và trung tâm ngoại ngữ đang dạy cũng  chẳng  khác gì trước đây chúng tôi đã học ở các trung tâm bên ngoài.

Vẫn là nộp tiền, vào học thời gian ngắn rồi trước khi thi là đã có bài “cùng  dạng” với nội dung thi.

Mấy kĩ năng: nghe-nói-đọc-viết thì sẽ được người dạy chỉ tỉ mỉ…rồi ai cũng có chứng chứng…

Thực tế, trong các trường phổ thông có nhiều môn học, mỗi môn một vai trò khác nhau.

Có thể yêu cầu giáo viên ngoại ngữ, giáo viên dạy bộ môn khác ở kiến thức chuyên ngành sâu hơn thì đó là điều thiết thực và dễ đạt.

Còn đòi hỏi giáo viên dạy các môn học khác phải có chứng chỉ ngoại ngữ, phải nói, viết được ngoại ngữ như chuẩn giáo viên phổ thông là điều không thể đối với phần lớn giáo viên Việt Nam hiện nay.

Nếu muốn đạt được yêu cầu như vậy, theo chúng tôi cần phải có lộ trình, thời gian… chứ không thể đưa vào văn bản rồi giáo viên lại phải đổ xô đi học thì tốn kém và chẳng có ích lợi gì.

Thực tế, trong chuẩn hiệu trưởng đang thực hiện hiện nay có tiêu chí về ngoại ngữ.

Nhưng, đa phần là các hiệu trưởng các trường phổ thông cũng đâu có mấy người biết ngoại ngữ là gì.

Thế là khi tự đánh giá, mấy vị này tự cho thang điểm 8/10. Bởi dưới 8 điểm thì tuột xuống hạng khác, mà trên 8 điểm thì thấy… ngượng ngùng.

Thành ra, họ tự cho mình 8 điểm để… an toàn. Suốt từ năm 2009 đến nay, các hiệu trưởng, hiệu phó đều xếp như vậy.

Bây giờ, yêu cầu ngoại ngữ được đưa vào dự thảo chuẩn giáo viên phổ thông và rồi... chắc giáo viên cũng phải học tập các hiệu trưởng từ nhiều nhiều năm qua.

Tài liệu tham khảo:

https://www.google.com.vn/thanhnien.vn/giao-duc/day-tich-hop-nhung-chua-hieu-ve-tich-hop

Nhật Duy