Yêu cầu ngoại ngữ trong Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên xa rời thực tế

16/09/2018 06:59
Thanh An
(GDVN) - Chúng tôi cho rằng việc ban hành Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên phổ thông có yêu cầu ngoại ngữ như vậy không sai nhưng nó quá xa rời thực tế.

LTS: Chuẩn hiệu trưởng và Chuẩn giáo viên phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tuy nhiên, thầy giáo Thanh An đưa ra một số phân tích về sự thiếu thực tế trong việc yêu cầu ngoại ngữ theo chuẩn trên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành chính thức Chuẩn hiệu trưởng và Chuẩn giáo viên phổ thông với hy vọng sẽ thúc đẩy được chất lượng nhân lực cho ngành giáo dục.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, nhìn từ nội dung 2 văn bản đã ban hành thì có lẽ trong thời gian tới cũng rất khó thay đổi được điều gì.

Thực tế, 2 loại chuẩn này lâu nay vẫn được xem là hình thức và làm cho có lệ mà thôi. Nhất là 2 văn bản chuẩn vừa ban hành có những tiêu chuẩn, tiêu chí không hẳn đã phù hợp với thực tế của ngành giáo dục hiện nay.

Chúng ta cứ nhìn vào tiêu chí về ngoại ngữ sẽ thấy nhiều điều chưa phù hợp.

Vẫn biết rằng muốn phát triển được giáo dục thì khâu then chốt nhất là phải nâng cao được chất lượng người thầy.

Người quản lý giỏi có thể thúc đẩy đơn vị mình đi lên, biết khích lệ, động viên giáo viên trong trường phấn đấu.

Yêu cầu ngoại ngữ trong Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên xa rời thực tế? Ảnh minh họa: TTXVN
Yêu cầu ngoại ngữ trong Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên xa rời thực tế? Ảnh minh họa: TTXVN

Người thầy giáo giỏi phải biết thường xuyên trau dồi về chuyên môn, biết vận dụng nhiều phương pháp trong giảng dạy, biết rõ năng lực của học trò, đưa ra những phương pháp phù hợp để mọi học sinh cùng phấn đấu và ra sức học tập.

Thế nhưng, thực tế thì ngành giáo dục hiện nay có bao nhiêu người giỏi và tận tâm như thế.

Chính sách thu hút người giỏi đến với ngành sư phạm trong mấy chục năm qua không thay đổi, vẫn là tư tưởng “chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Người vào học và công tác trong ngành giáo dục vẫn bấp bênh trong công việc. Những tiêu cực, những thủ tục quản lý hành chính lạc hậu khiến cho bao nhiêu nhà giáo nản lòng khi theo đuổi nghề giáo.

Vì thế, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các loại chuẩn cho hiệu trưởng, giáo viên phải căn cứ vào thực tế của ngành. Những đòi hỏi, yêu cầu không thực tế không chỉ làm cho giáo viên bất lực mà lại nảy sinh ra những tiêu cực.

Vậy nên, khi Bộ công bố dự thảo 2 loại chuẩn này, chúng ta đã thấy có một số bài viết phân tích về những bất cập trong nội dung của từng loại văn bản.

Yêu cầu ngoại ngữ trong Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên xa rời thực tế ảnh 2Chồng chéo và khập khiễng trong chuẩn giáo viên và Nghị định 56

Nhìn chung, nó chỉ khác cơ bản so với các loại Chuẩn trước đây ở chỗ các tiêu chí được co giãn lại ít hơn trước đây nhưng nội dung thì vẫn cơ bản như trước.

Cả 2 loại chuẩn này không có nhiều điểm nhấn mới và những điểm mới lại xa với thực tế.

Vì thế, khi được nâng lên thì nó lại không phù hợp mà chuẩn về ngoại ngữ là một ví dụ điển hình.

Chẳng hạn ta thấy trong Chuẩn hiệu trưởng thì tiêu chí để đánh giá ngoại ngữ về hiệu trưởng như sau:

a) Mức đạt: giao tiếp thông thường bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh);

b) Mức khá: chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) cho giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường;

c) Mức tốt: sử dụng ngoại ngữ thành thạo (ưu tiên tiếng Anh); tạo lập môi trường phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) cho giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường”.

Với yêu cầu như vậy thì một số hiệu trưởng trẻ mới ra trường những năm gần đây thì có thể còn đáp ứng được.

Nhiều hiệu trưởng trường Tiểu học, Trung học cơ sở hiện nay một chữ ngoại ngữ bẻ đôi không biết thì làm sao có thể “giao tiếp thông thường” bằng ngoại ngữ để được đánh giá ở mức “Đạt” đây?

Có bao giờ ngành giáo dục làm cuộc khảo sát trình độ đào tạo ban đầu của các hiệu trưởng chưa?

Nếu cứ nhìn vào bằng cấp thực tại thì đa phần có trình độ đại học nhưng thực tế có những hiệu trưởng ở cấp học từ Trung học cơ sở trở xuống đều có điểm xuất phát là được đào tạo từ các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp, thậm chí có người chỉ 9+3 rồi hàm thụ thêm cho đủ chuẩn.

Vì thế, nếu được đánh giá Chuẩn mới một cách khách quan, trung thực thì chúng tôi tin rằng phần lớn hiệu trưởng sẽ bị đánh giá sẽ “chưa đạt” về ngoại ngữ.

Yêu cầu ngoại ngữ trong Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên xa rời thực tế ảnh 3Từ nay, có 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí để đánh giá giáo viên

Còn đối với Chuẩn giáo viên phổ thông thì yêu cầu về ngoại ngữ như sau:

a) Mức đạt: Có thể sử dụng được các từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

b) Mức khá: Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày hoặc chủ đề đơn giản, quen thuộc liên quan đến hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc biết ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

c) Mức tốt: Có thể viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc trong hoạt động dạy học, giáo dục (ưu tiên tiếng Anh) hoặc ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoặc tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc”.

Khi tiếp cận với Chuẩn giáo viên phổ thông mà Bộ mới ban hành thì nhiều giáo viên nói vui rằng nếu trình độ ngoại ngữ của giáo viên mà đạt được như Chuẩn quy định thì họ… không làm giáo viên nữa.

Họ sẽ đi kiếm một việc làm khác phù hợp hơn, thu nhập cao hơn và áp lực ít hơn. Khi còn đi học, thì bản thân của giáo viên cũng đã từng học tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác.

Khi ra trường, nhiều môn học hiện nay không hề đả động gì đến ngoại ngữ, vậy nên kiến thức, vốn liếng ngoại ngữ đã học thì giờ “bay” mất.

Nếu, Bộ đòi hỏi chứng chỉ A2 thì rõ ràng là quá cao, không sát với thực tế. Vì thế, giáo viên muốn hợp thức hóa bằng cấp bắt buộc phải mua.

Nhưng, nói mua thì “tiêu cực” quá nên họ cũng tham gia đi học dăm bữa, nửa tháng cho có lệ rồi thi… để lấy chứng chỉ.

Từ lâu, những trung tâm ngoại ngữ mọc lên khắp nơi như nấm sau mưa để phục vụ nhu cầu của mọi người, trong đó có giáo viên.

Yêu cầu ngoại ngữ trong Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên xa rời thực tế ảnh 4Thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ có chống trượt dành cho giáo viên

Vì Bộ quy định cả nước chỉ có 10 trường đại học, trung tâm ngoại ngữ được phép đào tạo và cấp chứng chỉ theo chuẩn ngoại ngữ Châu Âu nên các trung tâm họ liên kết đào tạo.

Một số trung tâm ngoại ngữ đã chủ động liên kết với các trường, trung tâm ngoại ngữ mà Bộ cho phép để lấy danh nghĩa nhưng thực chất là tự họ đào tạo, bồi dưỡng.

Khi thi, có thể trường đại học, trung tâm ngoại ngữ đứng ra tổ chức thi cho hợp pháp.

Vì thế, họ phải thuê mướn địa điểm, đi lại ăn ở với chi phí tương đối cao cao. Tất nhiên, chi phí đó đều được đổ đồng lên vai người học.

Một cái chứng chỉ chẳng để làm gì, có xong rồi bỏ xó nhưng giáo viên phải bỏ ra nhiều triệu đồng mới có thể có được. Những bất cập này Bộ có biết hay không?

Chúng tôi cho rằng việc ban hành Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên phổ thông có yêu cầu ngoại ngữ như vậy không sai nhưng nó quá xa rời thực tế.

Thực ra, việc đưa ra Chuẩn như vậy cũng nhằm mục đích muốn trình độ ngoại ngữ của hiệu trưởng hay giáo viên được nâng lên để có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, đổi mới trong tình hình mới.

Nhưng, phải nhìn nhận lại thực tế giáo viên được đào tạo lâu nay như thế nào. Khi ra trường thì nhiều môn học có điều kiện để tiếp cận, giao lưu bằng ngoại ngữ gì đâu.

Ngay cả một bộ phận giáo viên ngoại ngữ hiện nay của ngành giáo dục Việt Nam cũng đã đáp ứng được yêu cầu đâu. Chúng ta hãy nhìn lại cách tuyển sinh, đào tạo sinh viên sư phạm trong hàng chục năm qua.

Có những giai đoạn ngành giáo dục phải từ nhiều nguồn khác nhau để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành. Qua từng giai đoạn cụ thể, các thầy cô được bồi dưỡng, hàm thụ lên dần.

Vì thế, các trường sư phạm cũng chỉ chú trọng đào tạo các môn chuyên ngành, các môn ngoại ngữ thì cũng chỉ đào tạo cho có.

Hơn nữa, có những giai đoạn chúng ta chủ trương cho sinh viên học tiếng Nga, tiếng Trung…

Vậy mà ra trường đi làm hàng chục năm lại đòi chứng chỉ tiếng Anh có phải là nghịch lý và mâu thuẫn quá không?

Chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên như thế nào là hợp lý và có nhất thiết phải cần chuẩn không. Theo chúng tôi vừa cần mà lại vừa không.

Cần là phải đánh giá thực chất, không chạy theo bằng cấp, chứng chỉ và phải căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể để đánh giá giáo viên.

Giai đoạn nào thì yêu cầu chứng chỉ A2, giai đoạn nào thì yêu cầu chứng chỉ A, B, giai đoạn nào thì miễn cho giáo viên.

Và, phải xét xem giáo viên ngành học nào thì cần chứng chỉ ngoại ngữ bởi hiện nay giáo viên phổ thông mỗi giáo viên đảm nhận một môn học.

Môn nào cần ngoại ngữ cả yêu cầu, môn nào không cần thì không nhất thiết phải có chứng chỉ ngoại ngữ làm gì.

Bộ nên nhớ là giáo viên phổ thông thì có nhiều môn học, giáo viên trang bị cho các em những kiến thức phổ thông chứ đâu phải đào tạo chuyên ngành ở đại học mà đòi hỏi trình độ ngoại ngữ cao như vậy làm gì.

Hơn nữa, công cụ dịch thuật bây giờ đâu có khó khăn gì khi giáo viên muốn tìm một tài liệu nước ngoài. Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên mạng Internet là hàng chục trang tài liệu nước ngoài trở thành tài liệu tiếng Việt.

Để đánh giá nhiệm vụ của một giáo viên trong một năm học hiện nay có rất nhiều công cụ đánh giá, rất nhiều văn bản phải thực hiện. Thêm bộ Chuẩn nữa cũng không thể nào nâng cao được trình độ giáo viên.

Nhất là chuẩn về ngoại ngữ, nó không chỉ xa rời thực tế mà là nguyên nhân để dẫn đến những tiêu cực, tốn kém cho giáo viên khi phải chạy theo bằng cấp, chứng chỉ!

Thanh An