Yêu cầu HS chuyển trường để lên chuẩn là nóng vội, có dấu hiệu "bệnh thành tích"

30/06/2022 06:39
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên coi chuẩn quốc gia như là khung tham chiếu, để các trường đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của đơn vị, chứ không nên chạy theo lấy thành tích đạt chuẩn.

Mới đây, nhiều phụ huynh bức xúc về việc hàng trăm học sinh tại Trường tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được phân tuyến sang Trường tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) để đảm bảo số học sinh, lớp học xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, việc phân tuyến học sinh này đã gây bức xúc cho các phụ huynh. Điều đáng nói, Trưởng tiểu học Chu Văn An - nơi hàng trăm học sinh sẽ được chuyển sang nhiều năm nay được biết đến là đang quá tải sĩ số.

Trước phản ứng của phụ huynh, nhà trường đã ra văn bản tạm dừng việc phân tuyến học sinh từ lớp 2 đến 5 sang trường khác học để lấy ý kiến phụ huynh về vấn đề này.

Từ vụ việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi nếu Trường tiểu học Hoàng Liệt lên trường chuẩn, lớp sĩ số 35 học sinh, học sinh nào học ở đây thì sĩ số ít. Cũng là trường công, cùng đảm bảo quyền học tập cơ bản cho trẻ, ở trên địa bàn cùng là quận Hoàng Mai, nếu học sinh học ở Trường tiểu học Chu Văn An sẽ phải học lớp có sĩ số trên 35 học sinh trở lên. Điều này có đảm bảo việc công bằng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục công?

Trường tiểu học Hoàng Liệt (Ảnh: Mạnh Đoàn)Trường tiểu học Hoàng Liệt (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên (chuyên gia giáo dục độc lập) cho hay, việc lên chuẩn quốc gia là tốt nhưng phải có lộ trình để không ảnh hưởng tới học sinh hiện tại. Cách giải quyết của Trường tiểu học Hoàng Liệt là chưa hợp lý, và Phòng Giáo dục - đơn vị quản lý, nếu ra Quyết định cho phép việc này thì cần xem xét lại.

Theo đó, để lên trường chuẩn quốc gia thì cần có sự hài hòa, phải đánh giá xem quyết định đó sẽ có ảnh hưởng như nào đến các bên liên quan, bao gồm học sinh, cha mẹ, trường có học sinh chuyển đi và trường có học sinh chuyển đến.

"Trường hợp như của Trường tiểu học Hoàng Liệt thể hiện sự nóng vội, đặt thành tích của trường cao hơn lợi ích của học sinh. Việc bắt học sinh chuyển lớp, chuyển trường có thể sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ huynh, học sinh và cả trường tiếp nhận học sinh. Do vậy, không phải chỉ phụ huynh, mà ngay cả học sinh cũng cần được nêu ý kiến.

Nếu nhà trường có mục tiêu lên trường chuẩn quốc gia thì phải có lộ trình. Ví dụ một lớp trước đây có 40 em, họ chỉ tuyển 35 em/lớp, làm như vậy trong 5 năm thì họ sẽ đạt được số lớp đạt tiêu chuẩn", Thạc sĩ Nguyên chia sẻ.

Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên (Ảnh: NVCC)

Theo chuyên gia, tiêu chí về chuẩn quốc gia là cách để nền giáo dục chung của cả nước hướng đến tiêu chuẩn chung. Tuy nhiên, thực tế có những trường đào tạo tốt nhưng không đạt chuẩn quốc gia do sĩ số đông, hay khuôn viên không đủ rộng, hay có những trường đã đạt chuẩn nhưng việc đào tạo lại chưa chất lượng. Do vậy, trường chuẩn quốc gia cũng cần tính tới những tiêu chí có thể cải thiện được và không thể cải thiện được, trong ngắn hạn và dài hạn.

Vì vậy, Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên cho rằng nên coi chuẩn quốc gia như là khung tham chiếu, để các trường đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của đơn vị, từ đó có các phương án phát triển trường phù hợp với nguồn lực thực tế chứ không nên chạy theo thành tích.

Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên mở rộng vấn đề, đối với các quốc gia khác, hệ thống giáo dục rất đa dạng. Bộ tiêu chuẩn đánh giá các trường học cũng thường đưa ra các nguyên tắc chung, chứ cũng không đưa ra các con số quá cụ thể, sẽ gây khó cho việc thực hiện, cũng như dễ bị lạc hậu theo thời gian, vì các chuẩn mực cũng liên tục thay đổi với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, cũng như của nền giáo dục.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), một trường học được đánh giá bằng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, và công nhận đạt chuẩn quốc gia, điều này đã quy định rõ trong Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT và Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT.

Theo đó, các trường sau khi đạt kiểm định chất lượng giáo dục theo mức độ, tiếp đó là đề xuất công nhận và cấp bằng trường chuẩn quốc gia.

Đơn vị chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục sẽ là Sở Giáo dục và Đào tạo cấp. Còn đơn vị công nhận và cấp bằng chứng nhận trường chuẩn quốc gia thì sẽ do Ủy ban Nhân dân tỉnh, Thành phố thực hiện.

Cụ thể, tại Thông tư 17 quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học, thì tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học có 4 mức (từ Mức 1 đến Mức 4) với yêu cầu tăng dần. Trong đó, mức sau bao gồm tất cả các yêu cầu của mức trước và bổ sung các yêu cầu nâng cao.

Khi trường tiểu học đạt kiểm định chất lượng từ Mức 2 (gồm 5 tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý nhà trường; Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục) thì sẽ được công nhận đạt chuẩn.

"Trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia khi đáp ứng quy định các tiêu chuẩn và có kết quả đánh giá ngoài đạt từ Mức 2 trở lên.

Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục có giá trị 5 năm. Trường hợp Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục còn thời hạn, mà trường tiểu học không còn đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá thì Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục bị thu hồi", Phó Giáo sư Chu Cẩm Thơ cho hay.

Phó Giáo sư Cẩm Thơ nói thêm, việc kiểm định chất lượng, hay các tiêu chuẩn là tiêu chí để nhà trường tự điều chỉnh trong trường học.

Ví dụ việc kiểm định chất lượng trường tiểu học là để xác định trường đó đang đáp ứng mục tiêu giáo dục trong giai đoạn này như nào. Đồng thời làm thế nào để cải tiến chất lượng, duy trì nâng cao hoạt động của trường đó.

Khi kiểm định chất lượng của trường xong thì cơ quan quản lí công khai để mọi người cùng biết chất lượng của nhà trường, đáp ứng tiêu chuẩn đến mức nào.

Trong thực tế, Hà Nội vẫn thiếu trường học, nhiều lớp bị quá tải sĩ số. Về nguyên tắc, các địa phương phải đảm bảo chất lượng của trường học, trong đó phải đạt được tiêu chuẩn tối thiểu để vận hành.

Tài liệu tham khảo:

1.https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/tieu-hoc-hoang-liet-tu-y-phan-tuyen-hoc-sinh-khi-chua-co-quyet-dinh-cua-quan-post953012.vov

Mạnh Đoàn