Xuân mới và những tín hiệu vui trong ngành giáo dục

16/02/2022 06:24
Vương Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường học trên cả nước đã đồng loạt mở cửa đón chào học sinh trở lại học trực tiếp là một trong những tin mừng của ngành Giáo dục đầu năm mới.

Học sinh trở lại trường học

Sau kỳ nghỉ Tết, trong thời gian từ ngày 7-14/2, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã thực hiện kế hoạch đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp sau một thời gian dài học trực tuyến vì lý do dịch bệnh.

Cả giáo viên và học sinh đều hào hứng với sự chuẩn bị kỹ càng để trở lại dạy và học một cách an toàn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nêu rõ: “Việc đưa học sinh trở lại trường học lúc này là cần thiết và phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả bậc học từ mầm non đến đại học, đặc biệt là cấp học mầm non và phổ thông tại các địa phương.

Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh".

Những học sinh lớp 1 vui mừng khi lần đầu được đến trường học trực tiếp. (Ảnh minh họa: Vương Thủy)

Những học sinh lớp 1 vui mừng khi lần đầu được đến trường học trực tiếp. (Ảnh minh họa: Vương Thủy)

Bộ tổ chức lấy ý kiến giáo viên trên TEMIS

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong giai đoạn lấy ý kiến sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lấy ý kiến từ cơ sở về những hạn chế, vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm, xếp lương giáo viên.

Đây là một dịp tốt để giáo viên có cơ hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, giúp các nhà quản lý xây dựng và hoàn thiện chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh những bài viết đóng góp những nội dung cụ thể, chi tiết của các thầy cô giáo, còn có một số ý kiến góp ý Bộ Giáo dục nên chọn thời gian góp ý phù hợp hơn.

Bởi vì Bộ tổ chức góp ý đúng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên khi giáo viên và nhà trường tiếp cận được với thông tin cũng là lúc hạn nộp góp ý cận kề, giáo viên không có nhiều thời gian để suy nghĩ đưa ra đóng góp thiết thực, hiệu quả.

Có giáo viên bày tỏ mong muốn Bộ hãy kéo dài thời gian lấy ý kiến góp ý của giáo viên để Bộ có thể lắng nghe chính xác và đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng của thầy cô.

Cũng có ý kiến cho rằng Bộ nên thay đổi phương thức khảo sát, có thêm những phương án trả lời mở thay vì chỉ trả lời Đồng ý hay Không đồng ý như trong bảng khảo sát hiện tại.

Giáo viên bày tỏ quan điểm đa chiều về xếp hạng

Liên quan đến các chủ đề góp ý của giáo viên về việc sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, đã có những ý kiến trái chiều xoay quanh chủ đề xếp hạng giáo viên.

Đây là chủ đề được nhiều nhà giáo quan tâm vì liên quan trực tiếp đề quyền lợi của các thầy cô giáo. Trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết được đăng tải bày tỏ quan điểm cá nhân của các nhà giáo xung quanh chủ đề này.

Đa phần các ý kiến gửi đến Tạp chí đều cho rằng Bộ nên xem xét lại việc chia hạng giáo viên bởi một số lý do như: bổ nhiệm hạng chưa hợp lý, giáo viên giỏi nhưng bị xếp hạng thấp, giáo viên được bổ nhiệm hạng cao giữ mãi ở hạng đó mà không có cơ chế xuống hạng,…

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc chia giáo viên làm 3 hạng là phù hợp để các thầy cô có động lực phấn đấu, người làm tốt làm giỏi sẽ có chế độ lương xứng đáng, chứ không thể "cào bằng".

Đặc cách tuyển dụng giáo viên hợp đồng lâu năm

Ngày 27/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Theo đó, việc tuyển dụng đặc cách giáo viên được thực hiện theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ.

Đây là một tin vui trong dịp đầu năm mới dành cho các giáo viên hợp đồng nhiều năm có trình độ đạt chuẩn. Chính sách này đã giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc để giáo viên hợp đồng có cơ hội gắn bó với nghề và yên tâm công tác.

Năm 2019, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng.

Việc tuyển dụng phải bảo đảm các quy định của Bộ Giáo dục về tiêu chuẩn chức danh, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập tại thời điểm năm 2019.

Những địa phương chưa thực hiện xong việc tuyển dụng đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn tại Công văn số 5378 của Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành để bảo đảm quyền lợi của giáo viên có nhiều năm công tác.

Sau khi tuyển dụng, các địa phương áp dụng các quy định tại các văn bản hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương.

Bộ phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10

Ngày 28/1/2022, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ký Quyết định số 438/QĐ-BGDĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 3 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; Quyết định số 441/QĐ-BGDĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 7 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; Quyết định số 442/QĐ-BGDĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Chương trình sức khỏe học đường 2021-2025

Ngày 10/2 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Sự kiện này có sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Nghi thức công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Nghi thức công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Theo đó, ngày 2/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt.

Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.

Đây là một trong những chính sách thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của những mầm non tương lai của đất nước.

Vương Thủy