Xóa bỏ môn chính - môn phụ: Trước chỉ học thêm 3 môn, giờ phải đầu tư 6 môn

29/08/2021 07:13
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tuyển sinh lớp 10, tuyển sinh đại học thì toán, văn, tiếng Anh vẫn là tổ hợp môn chiếm ưu thế nhất. Rồi điểm đầu vào sư phạm môn toán cũng cao hơn các môn khác.

Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành có hiệu lực từ ngày 5/9 sẽ thay thế cho 2 Thông tư 58 và 26 quy định về đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được ban hành trước đó. Đánh giá vì sự tiến bộ của người học, kế thừa Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT và yêu cầu việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của người học.

Theo đó, việc đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình Giáo dục phổ thông, bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan. Việc đánh giá thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Hoạt động này phải coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh này với học sinh khác.

Cô Đặng Bích Hà - Giáo viên dạy môn Anh, Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (quận hai bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Cô Đặng Bích Hà - Giáo viên dạy môn Anh, Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (quận hai bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Để có thêm thông tin đa chiều, thực tế về Thông tư 22, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Đặng Bích Hà - Giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (quận hai bà Trưng, Hà Nội).

Cô Hà nhận xét: “Điểm nổi bật trong Thông tư 22 là bỏ đánh giá học sinh yếu kém, về góc độ nào đó có thể thấy đây là điều nhân văn, nó xóa được mặc cảm bởi học sinh có cố gắng nhưng sức học mỗi em một khác, theo tôi đó cũng là cách để động viên học sinh vươn lên trong học tập cũng như trong quá trình sau này.

Hơn nữa điều này cũng sẽ giảm bớt được áp lực “chỉ tiêu thành tích” bởi các trường luôn muốn giảm số học sinh yếu kém. Một điều nữa là không tính điểm trung bình các môn, theo tôi cũng được.

Nhưng điều rất băn khoăn khi nghiên cứu Thông tư này, tôi thấy mới chỉ thay đổi từ ngữ, cách gọi mà thôi, còn bản chất vấn đề dạy học, thi cử thế nào thì tôi chưa thấy nói rõ. Đổi mới từ năm lớp 6, nhưng đổi như vậy thì cũng phải tính toàn diện là học sinh sẽ thi thế nào, thi cái gì?

Giờ đây tính cào bằng các môn như nhau, nhưng khi thi vẫn lại toán, văn, tiếng Anh. Thật sự là tôi chưa nhìn thấy các em sẽ học cái gì và thi ra sao. Việc học và thi cử chưa đồng bộ, nếu đã đổi mới thì phải đồng bộ từ học đến thi.

Một điều nữa là Thông tư 22 áp dụng cho toàn bộ khối lớp 6 trong năm học này, vậy giáo viên đã được tập huấn kĩ chưa, tập huấn thế nào thì tôi cũng không thấy nói đến. Và đã coi như nhau thì xin hãy điều chỉnh số tiết dạy các môn văn, toán…trong một tuần bằng với số tiết dạy các môn khác để giáo viên có sự công bằng.

Không còn coi trọng môn chính, môn phụ, về vấn đề này tôi cũng không đồng ý. Trong Thông tư 26 đã có thay đổi khi điểm môn toán, văn không nhân đôi là đã là hợp lí rồi, không còn quá coi trọng 2 môn này.

Nhưng đã là đi học thì môn toán, văn, ngoại ngữ cũng là những môn rất quan trọng, bây giờ lại cào bằng các môn đều học như nhau, vậy khi thi sẽ thi thế nào? Ngay như tuyển sinh lớp vào 10 và tuyển sinh đại học thì môn toán, văn, tiếng Anh vẫn là tổ hợp môn chiếm ưu thế nhất. Rồi tại sao điểm đầu vào sư phạm môn toán cao hơn các môn khác.

Nếu cho toán, văn không phải là môn chính, vậy cách tính điểm là 6 môn trên 8,0 sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng học sinh đua nhau đi học thêm các môn khác dễ học hơn với mục đích gỡ điểm cho toán, văn, như vậy là sẽ học dàn trải quá nhiều, vô tình lại tạo “đất sống” cho việc dạy thêm, học thêm. Trước đây chỉ đầu tư 3 môn, giờ đây các em phải đầu tư 6 môn, thêm thời gian và tiền bạc và công sức.

Nếu đã không còn môn chính môn phụ thì đối với học sinh cần phải có định hướng thế nào, ví dụ: Học như thế này, nhưng khi vào cấp III vẫn có thể chia được tổ hợp phù hợp với các con, có như vậy học sinh mới định hướng nghề nghiệp sớm sau này.

Nay lại được học dàn trải, không chuyên sâu cái gì, có học sinh không giỏi về toán, văn nhưng lại giỏi về thể thao và những năng khiếu đó có được tính hay không, có được cộng gì không bởi trong quá trình học các con không được tính điểm. Như vậy mới chỉ là đổi mới về từ ngữ, còn đổi mới thực sự trong quá trình học và thi thì tôi chưa hề thấy nói đến trong Thông tư này”.

Cô Đặng Bích Hà và học sinh Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Cô Đặng Bích Hà và học sinh Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Đạt hay chưa đạt là quá chung chung

Theo cô Hà: “Một điểm nữa là nhận xét, và muốn đánh giá kiểu gì trong quá trình học tập, có thể là tiến bộ hoặc không tiến bộ…Nhưng một nhận xét để ra được kết quả đạt và chưa đạt thì rất chung chung.

Vậy giáo viên được tập huấn việc này ra sao, thế nào là đạt và không đạt, hay do quan niệm của từng thầy cô? Có thầy cho rằng như thế là đã đạt rồi, nhưng cũng có giáo viên yêu cầu cao hơn nữa mới là đạt. Vậy nên hình thức chấm điểm là chuẩn chỉ nhất, nó ra được biểu điểm cụ thể mà nhìn vào ai cũng có thể biết được chính xác trình độ của học sinh đó đến đâu.

Tôi thấy Thông tư 22 đánh giá sự phát triển năng lực của người học theo 4 mức “tốt, khá, đạt, chưa đạt” đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số, và 2 mức “đạt, chưa đạt” đối với môn chỉ đánh giá bằng nhận xét.

Vậy đạt, hay chưa đạt ở đây chỉ là thay đổi cách gọi, đổi câu chữ mà thôi, mọi người vẫn ngầm hiểu đánh giá là chưa đạt sẽ tương đương với kém, như vậy thì thực chất mọi chuyện vẫn nguyên như cũ, kém vẫn hoàn kém chứ có phải gọi theo cách mới là tự nhiên giỏi lên đâu. Nếu chỉ thay đổi cách gọi, nhưng không thay đổi được các biện pháp cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục, mọi chuyện vẫn “quanh quẩn” như cũ mà lại còn khó hơn cho giáo viên.

Ví dụ: Muốn đánh giá đạt hay không thì giáo viên vẫn ngầm quy ra điểm số mặc dù không ghi vào sổ, rồi dựa trên điểm số đó mới quy tiếp ra đánh giá. Như vậy loanh quanh vẫn là điểm số chiếm ưu thế, vẫn là tiêu chí để đánh giá đạt hay không đạt. Hơn nữa, chúng ta nói cho học sinh gỡ điểm nhiều môn thì đương nhiên phải tính điểm hết các môn, còn đánh giá thì khó có thể quy thành điểm để cộng được”

Cô Hà nhấn mạnh: “Thông tư 22 cũng sẽ rất lúng túng khi triển khai, giáo viên phải đồng bộ, được tập huấn ra sao để việc triển khai đổi mới có hiệu quả? Còn chỉ thay đổi câu chữ mà không có hướng cụ thể thì vẫn chỉ là “bệnh” thành tích mà thôi, và việc học thật, thi thật vẫn chưa được thay đổi về bản chất nếu cứ theo Thông tư này. Bộ cần phải xây dựng được một chuẩn đánh giá, chuẩn nhận xét thế nào, cũng như việc thi cử ra sao.

Chúng ta lâu nay luôn căn cứ vào việc thi, thi gì thì luyện đó, vậy nên chương trình học của các con phải được thay đổi đồng bộ. Chúng ta thi cử vẫn còn nặng nề, sách giáo khoa thay đổi nhiều nhưng tôi thấy không hề giảm tải, rồi lại đổi mới chương trình…nhưng lượng kiến thức về lí thuyết vẫn nhiều, thực hành hầu như rất ít, học sinh toàn học “chay” thì lấy đâu ra phẩm chất và năng lực.

Theo tôi, Thông tư cũng nên đề cập đến vấn đề chú trọng kĩ năng thực hành, chúng ta cứ thay đổi Thông tư nọ, Thông tư kia nhưng định hướng nghề nghiệp vẫn chưa rõ ràng, học gì cũng dàn trải. Học thế này dù nói thay đổi, nhưng chương trình cụ thể vẫn chưa thay đổi thì chất lượng giáo dục tôi nghĩ nó vẫn chưa thay đổi được”.

Thầy Nguyễn Tấn Lập - Giáo viên dạy Vật lý Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản (Thành phố Vũng Tàu). Ảnh: NVCC.
Thầy Nguyễn Tấn Lập - Giáo viên dạy Vật lý Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản (Thành phố Vũng Tàu). Ảnh: NVCC.

Quy định 6 môn trên 8,0 là làm giảm chất lượng

Cũng về Thông tư 22, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Nguyễn Tấn Lập - Giáo viên dạy Vật lý Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản (Thành phố Vũng Tàu).

Thầy Lập cho biết: “Trước đây, muốn đánh giá một học sinh giỏi sẽ căn cứ vào điểm trung bình các môn từ 8.0 trở lên, còn hiện nay lại chỉ yêu cầu 6 môn có điểm tổng kết 8,0 như vậy là giảm yêu cầu, tôi cho là chưa chuẩn bởi xã hội phát triển thì kiến thức con người ta cũng như chất lượng giáo dục phải đòi hỏi cao hơn để hội nhập, vậy sao lại giảm đi?

Theo tôi, muốn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo thì rất cần những thay đổi như sau: Nâng dần yêu cầu về năng lực đội ngũ giáo viên, đổi mới cách dạy, chú trọng việc học đi đôi với thực hành, xem trọng giáo dục hướng nghiệp, đổi mới cách học và việc thi cử, chứ không phải chỉ thay đổi câu chữ, cách gọi như trong Thông tư.

Việc tăng lương cho đội ngũ giáo viên cũng rất quan trọng, nhưng đồng thời hàng năm cũng rất cần “gạn lọc” những giáo viên không chịu đổi mới, có năng lực yếu không đáp ứng đổi mới chuyên môn.

Tăng lương nhưng đồng thời có “gạn lọc” để bắt buộc các thầy cô phải thay đổi, phấn đấu đáp ứng yêu cầu năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm. Không ít những thầy cô đã vào biên chế nhưng rất “ngại” thay đổi, vẫn đi theo lối dạy cũ đã không còn thích hợp, đây sẽ là những “viên đá” cản đường. Điều này còn làm mất cơ hội cho nhiều lớp giáo viên trẻ mới ra trường có trình độ nhưng không tìm được việc làm.

Nếu không làm quyết liệt những việc nêu trên thì việc đổi mới của Bộ Giáo dục cũng không có ý nghĩa gì bởi có quá nhiều “viên đá” cản đường, bởi quan hệ “gửi gắm”, bởi xin cho, tiêu cực…trong quá trình tuyển dụng giáo viên”.

Tùng Dương