Xin điểm cuối năm học- câu chuyện buồn lại tái diễn

05/05/2019 07:04
THANH AN
(GDVN) - Nhiều giáo viên cương quyết chối từ nhưng cũng có giáo viên vì nể nhau rồi…xiêu lòng để sửa điểm cho học trò.

Hiện nay, các trường học thường sử dụng phần mềm điển tử để nhập điểm nên khi kiểm tra học kỳ xong là phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm biết được điểm của học trò.

Những em mà có điểm nằm ở "ngưỡng an toàn" thì không sao nhưng những em nằm cận điểm giỏi, khá, trung bình thì giáo viên bộ môn vẫn thường nhận được điện thoại của giáo viên chủ nhiệm nhờ nâng điểm.

Nhiều giáo viên cương quyết chối từ nhưng cũng có giáo viên vì nể nhau rồi…xiêu lòng để sửa điểm cho học trò. Bệnh thành tích vì thế cũng được đẩy cao lên và nhiều học sinh cũng ngộ nhận là mình…học giỏi.

Bệnh thành tích ăn sâu vào máu nhiều giáo viên (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
Bệnh thành tích ăn sâu vào máu nhiều giáo viên (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Việc giáo viên sửa và nâng điểm cho học trò là trái với quy chế chuyên môn  của ngành giáo dục hiện nay nhưng vì cùng là giáo viên trong trường, nhiều người còn thân thiết với nhau nữa nên họ nể nhau nhận lời để sửa điểm.

Tư tưởng ấy đã hình thành lâu đời và có lẽ đó đã là “một nét văn hóa” truyền thống đối với một bộ phận giáo viên hiện nay.

Một nữ giáo viên dạy Ngữ văn lớp 9 chia sẻ với chúng tôi rằng sau khi nhập điểm học kỳ vào phần mềm thì có một giáo viên chủ nhiệm 9 trong trường điện thoại xin cô lưu ý một số trường hợp.

Trường hợp em A được điểm tổng kết trung bình là trên 8 điểm nhưng khổ nỗi cả 2 môn là Toán và Văn đều chỉ được 7,9 nên chỉ được tổng kết loại khá cả năm.

Nên em điện thoại nhờ cô xem "có thể" nâng cho em A lên 1 phẩy để em đó được xếp loại giỏi không? Bởi, môn của cô nhiều cột điểm, sửa một cột thì nó cũng dễ dàng hơn các môn khác.

Ngoài trường hợp này thì cô chủ nhiệm còn đề nghị sửa điểm thêm một học sinh không đủ điều kiện được xét tốt nghiệp. Đó là điểm 2 môn Văn và Toán đều dưới 5 điểm tổng kết cả năm.

Thôi, cô nâng lên chút xíu để cho trò tốt nghiệp đi kẻo tội nghiệp!

Xin điểm cuối năm học- câu chuyện buồn lại tái diễn ảnh 2Thỏa hiệp là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng bệnh thành tích

Vẫn biết em này học hành lơ mơ và chưa có ý thức trong quá trình học tập. Nhưng, 9 năm học mà không xét tốt nghiệp thì tội em đó quá.

Chính những câu nỉ non đó thành ra cô giáo dạy Ngữ văn cũng đành phải sửa điểm cho học trò theo yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm.

Không chỉ giáo viên ở cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông được giáo viên chủ nhiệm xin sửa điểm mà giáo viên Tiểu học còn xin giáo viên bộ môn nhiều hơn.

Bởi, Thông tư 22 hiện nay quy định học sinh muốn được khen thưởng thì các môn kiểm tra viết phải được 9 điểm trở lên, các môn không kiểm tra viết thì xếp loại T (hoàn thành tốt) mới được khen thưởng cuối năm.

Chính vì thế, có giáo viên Âm nhạc đang dạy Tiểu học phản ánh với chúng tôi rằng nhiều giáo viên chủ nhiệm bây giờ "kỳ lạ" lắm.

Chính vì họ nuôi học sinh ở nhà mình và nhận được sự gửi gắm từ phụ huynh nên giáo viên chủ nhiệm tìm mọi cách để học trò được khen thưởng.

Hơn nữa, cả một năm phụ huynh gửi con cho giáo viên chủ nhiệm nuôi dạy nên bao giờ cha mẹ học sinh cũng muốn thành quả cuối năm là con mình được nhà trường phát thưởng.

Những em học tốt thì không nói làm gì nhưng có nhiều em học chưa tốt mà cứ gần lúc kiểm tra học kỳ là giáo viên chủ nhiệm đưa danh sách và đánh dấu một số em để giáo viên bộ môn lưu ý để xếp loại "T".

Vì giáo viên chủ nhiệm dạy nhiều môn mà các môn đó thì phải kiểm tra lấy điểm nên họ chủ động nâng điểm cho học trò. Đề kiểm tra thì họ ra, họ ôn ở lớp, ở nhà cho học trò nên việc được 9 hay 10 điểm là việc trong tầm tay của họ.

Các môn còn lại là Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục thì giáo viên khác dạy nên cuối kỳ, cuối năm bắt buộc giáo viên chủ nhiệm phải xin điểm. Nhưng, có nhiều em không xứng đáng được xếp loại "T" thì giáo viên chủ nhiệm "chai mặt" để nhờ vả.

Nói thật, có nhiều giáo viên chủ nhiệm đi xin điểm cho học trò mà không biết ngại. Giáo viên bộ môn mà không cho là giáo viên chủ nhiệm tìm cách giận hờn, trách móc sau lưng.

Xin điểm cuối năm học- câu chuyện buồn lại tái diễn ảnh 3Ghi thêm mấy điểm, có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế?

Có những giáo viên còn xúi phụ huynh vào đứng ở cửa sổ xem giáo viên bộ môn dạy, sau đó phụ huynh gặp giáo viên bộ môn nhờ vả để con mình được xếp loại "T".

Rõ ràng, việc giáo viên đi xin điểm cho học trò đang tạo thành một nét "văn hóa xấu" trong nhà trường. Bởi, năm này xin được thì năm khác lại tiếp tục.

Vẫn là những điệp khúc cũ để cầu cứu đồng nghiệp của mình. Bởi, giáo viên chủ nhiệm nào cũng muốn học sinh lớp mình có nhiều em được xếp loại khá giỏi, không có học sinh thi lại, ở lại để được khen thưởng, được lòng phụ huynh và được lòng Ban Giám hiệu.

Điều cốt lõi là nhứng giáo viên Tiểu học "lấy uy" với phụ huynh, với học trò để các khóa sau tin tưởng gửi gắm học thêm.

Không chỉ xin điểm để học sinh có được những danh hiệu học sinh giỏi (cấp 2-3) hay học sinh xuất sắc (Tiểu học) mà một số giáo viên còn muốn học sinh của mình được xét danh hiệu "học sinh danh dự toàn trường", "học sinh xuất sắc toàn trường".

Đây là những danh hiệu cao nhất trong năm, mỗi loại chỉ có 1 học sinh và thường trao cho học sinh cuối cấp. Vì thế, một số giáo viên chủ nhiệm cũng muốn danh hiệu này là học sinh của mình.

Những kiểu cạnh tranh không lành mạnh, những kiểu xin điểm trong nhà trường đang làm méo mó hình ảnh người thầy và đẩy chất lượng ảo ngày một cao. 

Nhiều em thấy năm nay học bình thường mà cũng được khen thưởng thì sang năm cũng sẽ thế. Giáo viên thì năm nay xin được, năm sau lại tiếp tục...phát huy. Cứ thế, nhiều học sinh được khen thưởng mà trong đầu lơ mơ về kiến thức cơ bản.

Lâu nay, chúng ta nói nhiều về chuyện giao chỉ tiêu của cấp trên nhưng thực tế nhiều giáo viên vẫn đang rất "hào phóng" cho học trò điểm cao và "hào hứng" đi xin điểm cho học trò!

THANH AN