Xe gì và ai đưa đón thì sự an toàn của học sinh vẫn là trên hết

24/09/2019 06:31
Tùng Dương
(GDVN) - Quy trình từ bến ô tô đón học sinh vào lúc 6h35 phút cho đến 7h45 phút đầu giờ học của tiết 1 là toàn bộ học sinh được kiểm đếm theo quy trình tất cả là 4 lần.

“Đối với tôi thì sự an toàn, thoải mái của các em học sinh là trên hết và hết sức quan trọng, quy trình đưa đón có từ ngày thành lập trường, được chỉnh sửa và bổ sung hàng năm cho đến tận bây giờ”, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, chia sẻ.

Xe ô tô đưa đón học sinh của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Xe ô tô đưa đón học sinh của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Phương Thảo - Phụ trách việc đưa đón học sinh của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, cho biết: “ Việc đưa đón học sinh thì chúng tôi có xây dựng một quy trình chặt chẽ.

Theo quy định, phụ huynh phải đưa con mình ra bến trước khi xe ô tô đến từ 3 - 5 phút, nếu phụ huynh đưa con ra bến muộn thì phải tự đưa con đến trường, xe không đợi vì còn phải đảm bảo lịch trình của các điểm đón học sinh toàn tuyến.

Khi nhận học sinh thì các cô đi theo xe sẽ kiểm tra và đối chiếu với danh sách các em đi xe tuyến đó.Với những trường hợp không thấy học sinh ra bến thì cô theo xe sẽ gọi điện ngay hỏi thăm và thông báo để phụ huynh biết hôm nay con không có mặt trên xe.

Đồng thời báo cho giáo viên chủ nhiệm biết và kết hợp với giáo viên tiết đầu ở trên lớp để thống nhất về vấn đề điểm danh học sinh. Thường thì đó là những trường hợp học sinh xin nghỉ ốm và phụ huynh cũng đã có xin phép cô chủ nhiệm.

Tất cả những việc học sinh đi xe hay ra bến muộn, hoặc hôm đó không đi xe thì đều được giáo viên theo xe đưa đón ghi đầy đủ vào lịch trình để thông báo cho các bộ phận có liên quan trong nhà trường cùng biết được”.

Theo quy định 7h30 là các xe phải đưa học sinh đến cổng trường, nếu trên đường xảy ra trục trặc, hỏng xe hoặc do tắc đường thì đều được giáo viên theo xe thông báo ngay.

Việc thông báo này giúp cho nhà trường nắm bắt được và sắp xếp việc ăn sáng của học sinh tại trường.

“Nếu xe đến muộn thì tất cả các em sẽ được hướng dẫn vào thẳng phòng ăn của nhà trường, ở đây một lần nữa danh sách học sinh đến muộn sẽ được đối chiếu với danh sách đã được giáo viên theo xe báo trước.

Nếu thấy thiếu học sinh nào thì các cô sẽ biết ngay và truy ngược lại, có thể em đó trốn không ăn sáng hoặc đã tự đi thẳng vào lớp.

Với những xe đến đúng giờ, giáo viên theo xe hướng dẫn các em vào trường và đếm đủ số lượng như lúc các em lên xe tại các bến.

Sau khi học sinh xuống hết, giáo viên theo xe có trách nhiệm kiểm tra kĩ các ghế xem có còn học sinh nào bị ngủ quên trên xe, hoặc quên đồ cá nhân hay không, tất cả những việc này được các cô ghi vào lịch trình trình rồi lúc đó mới cho xe ô tô về bãi đỗ.

Việc điểm danh trên lớp vào tiết học đầu tiên lúc 7h45 phút, nếu thấy thiếu học sinh hoặc em này có trong danh sách xe đến muộn thì lập tức giáo viên phải kiểm tra lại xem xe đó đến trường lúc nào? Em đó có vào nhà ăn không?

Có thể nói, từ bến đón học sinh vào lúc 6h35 phút cho đến 7h45 phút đầu giờ học của tiết 1 là toàn bộ học sinh được kiểm đếm theo quy trình tất cả là 4 lần từ lên xe, xuống xe, vào nhà ăn và cuối cùng là vào đầu tiết 1 trên lớp”, cô Thảo cho biết.

Theo quy định của nhà trường thì sau 7h30 phút mà xe chưa đưa học sinh đến trường thì giáo viên theo xe phải thông báo lên Group của nhà trường.

“Riêng đối với học sinh Tiểu học thì ngoài việc kiểm tra danh sách học sinh có mặt trên xe, các cô còn phải đỡ học sinh ngồi vào chỗ vì các em còn quá nhỏ để có thể tự tìm ghế ngồi theo quy định, tất cả để làm sao an toàn nhất cho các em.

Hiện nhà trường có 3 tổ giám thị phụ trách theo từng khối, những giám thị này thường xuyên cập nhật tình hình học sinh đến muộn, nghỉ học…để kịp thời có phương án điều tiết các bộ phận trong trường.

Vào đầu tiết học, các giám thị sẽ đi cập nhật sĩ số học sinh tại các lớp, giáo viên tiết đầu sau khi điểm danh sẽ viết vào một bảng ngay ngoài cửa lớp số lượng học sinh trong lớp và tên của học sinh vắng mặt.

Ngoài ra, tại các cổng trường thì đều có giáo viên trực để hướng dẫn và quan sát học sinh từ lúc xuống xe đi vào trong trường, bộ phận này cũng giám sát vào buổi chiều khi các em học sinh ra xe”, cô Thảo nói.

Những tấm bảng ghi sĩ số và vắng mặt của học sinh tại các cửa lớp của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, vào đầu giờ học hàng ngày.
Những tấm bảng ghi sĩ số và vắng mặt của học sinh tại các cửa lớp của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, vào đầu giờ học hàng ngày.

Luôn chú trọng khâu đưa đón học sinh

Trong những năm qua các đơn vị như Thanh tra giao thông, đội giao thông từ thành phố đến quận thường xuyên phối hợp với nhà trường để kiểm tra các quy trình về đăng kiểm xe, về hợp đồng, về lái xe, về biển hiệu…

Hiện có 9 công ty cung cấp xe ô tô đưa đón học sinh, và hợp đồng theo từng năm một với Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

“Về phía nhà trường luôn yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về chất lượng xe, tên tuổi và số điện thoại của lái xe, giấy phép chuyên chở…đăng kiểm xe.

Trước khi kí hợp đồng với các đơn vị, giáo viên của trường sẽ kiểm tra thực tế và đi thử xe tuyến đó xem chất lượng xe ra sao, hệ thống an toàn, điều hòa, lái xe có đi đúng luật hay không…

Tất cả những kiểm tra đó sẽ được tập hợp và báo cáo lên Ban giám hiệu nhà trường. Những xe được nhà trường kí hợp đồng đưa đón thì trong cả năm đó không được đổi xe và thay lái xe khác.

Nếu xe có sửa chữa thì phải đảm bảo cung cấp một xe khác đủ tiêu chuẩn để đưa đón học sinh nhưng không được lâu quá 3 ngày, và chiếc xe thay thế đó cũng được cán bộ của nhà trường đi kiểm tra thực tế.

Nếu trong quá trình vận chuyển học sinh mà lái xe lạng lách, hay vi phạm luật giao thông, nói năng bừa bãi, mở nhạc to, phóng nhanh vượt ẩu, tác phong, ăn mặc…thì sẽ được cô giáo theo xe nhắc nhở, nếu không thay đổi thì nhà trường sẽ hủy hợp đồng.

Ngoài hợp đồng kí với nhà cung cấp xe thì bản thân mỗi lái xe phải kí cam kết riêng với nhà trường nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, và lái xe cũng phải là người kiểm tra trên xe lần cuối cùng khi cất xe ở bãi”, cô Thảo chia sẻ.

Được biết các cô đi theo xe đưa đón học sinh của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, thì 100% là cán bộ cơ hữu của nhà trường phụ trách bán trú, ngoài việc đưa đón thì các cô còn phụ trách công việc chăm sóc ăn ngủ của học sinh trong ngày tại trường.

Những cán bộ này được nhà trường tập huấn nghiệp vụ hàng năm vào dịp hè, và công việc nhắc nhở các cán bộ này vẫn được duy trì hàng tuần vào những buổi họp rút kinh nghiệm.

Quy trình kiểm đếm học sinh rất chặt chẽ vào mỗi buổi đưa đón hàng ngày. Ảnh: Tùng Dương.
Quy trình kiểm đếm học sinh rất chặt chẽ vào mỗi buổi đưa đón hàng ngày. Ảnh: Tùng Dương.

“Việc đưa học sinh về bến sau buổi học cũng được quản lý chặt chẽ, các giáo viên theo xe có trách nhiệm kiểm tra xem số lượng có khớp với thực tế hay không, tại sao buổi sáng có học sinh này mà buổi chiều về lại vắng mặt?

Nhiều trường hợp phụ huynh đến trường xin đón con đã được cô chủ nhiệm thông báo đến cô đưa đón và tổ xe để mọi người nắm bắt được tình hình.

Nếu có trục trặc xe đưa học sinh về bến muộn thì cô theo xe có trách nhiệm báo ngay để phụ huynh nắm bắt được lý do xe về muộn và muộn bao nhiêu phút đồng hồ.

Có trường hợp học sinh xuống xe và đã đi vào tòa nhà chung cư nơi em đó sinh sống, nhưng khoảng 1 tiếng đồng hồ sau phụ huynh của em đó lại báo em chưa về đến nhà.

Với những trường hợp như vậy thì sau khi đưa học sinh cuối cùng xuống bến thì giáo viên theo xe phải quay lại tòa nhà đó để phối hợp tìm kiếm học sinh, cuối cùng nguyên nhân là em đó vào nhà bạn chơi trong cùng tòa nhà.

Đối với những em học sinh không đi xe tuyến đưa đón mà ở lại trường chơi chờ bố mẹ đến đón, với những học sinh này nhà trường luôn có một bộ phận các cô chăm nuôi túc trực đến tận 19h tối hàng ngày cho đến khi các em học sinh về hết.

Xe gì và ai đưa đón thì sự an toàn của học sinh vẫn là trên hết ảnh 4
Nghề dạy học cần lắm hiểu và thương

Hiện nay hệ thống xe đưa đón học sinh của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, là 41 xe tương đương với 41 tuyến đưa đón, trong đó có 6 xe loại nhỏ đưa đón tại nhà theo yêu cầu, còn lại là xe 45 chỗ.

Phí đưa đón học sinh bằng xe ô tô từ 800 nghìn đến 1.100 nghìn đồng trên 1 tháng cho 1 học sinh, tùy vào điểm đón xa hay gần”, cô Thảo cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hạnh - cán bộ quản lý xe của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, cho biết: “Từ đầu tháng 8 hàng năm là chúng tôi đã kiểm tra thực tế xe, cũng như đi thử xe trên tất cả các tuyến đưa đón để chuẩn bị kí hợp đồng cho năm học mới, 

Chúng tôi luôn đặt mục tiêu an toàn cho học sinh lên hàng đầu, nhà trường cũng đã trang bị máy kiểm tra nồng độ cồn để kiểm tra các lái xe nếu có nghi ngờ.

Hàng ngày tôi đều có mặt từ sớm để kiểm tra các xe đưa đón học sinh, xem có đảm bảo đúng biển số xe và lái xe đã đăng kí hay không để có chấn chỉnh kịp thời.

Ngoài ra mỗi cô đưa đón học sinh đi theo xe cũng sẽ liên tục cập nhật tình hình thực tế xe để báo cáo hàng ngày với tổ phụ trách xe.

Yêu cầu thuê xe của nhà trường đối với loại xe lắp ráp trong nước thì không quá 9 năm và xe nhập từ nước ngoài không quá 12 năm kể từ ngày sản xuất.

Với những xe hết hạn quy định về số năm thì chúng tôi có báo trước 1 năm và yêu cầu nhà cung cấp thay bằng nhưng xe khác, và cụ thể năm học 2019 này nhà trường đã yêu cầu đơn vị cung cấp thay 9 xe ô tô đã quá số năm theo quy định của nhà trường”.

Tùng Dương