Xảy ra bạo hành rồi mới dạy đạo đức nghề giáo, "mất bò mới lo làm chuồng"?

29/12/2020 06:07
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà trường mà để xảy ra sự việc rồi mới tổ chức tập huấn, tổ chức học đạo đức nghề giáo thì chẳng khác gì “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ngày 21/12/2020, dư luận cả nước sục sôi với sự việc trẻ 3 tuổi đang ốm bị cô giáo mầm non bắt đứng ngoài cửa giữa thời tiết lạnh giá tại nhóm trẻ Bé Hạnh Phúc- Happy Kids (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội).

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) đã xác nhận sự việc như sau:

Vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 21 tháng 12 năm 2020, tại lớp mẫu giáo 3 tuổi do cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Y. sinh năm 1998 có xảy ra sự việc cháu D.T. Đ quấy không ngủ, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Y. có lại gần chỗ cháu nằm và hỏi xem cháu có đau chỗ nào không, cháu nói không nhưng cháu vẫn quấy, không ngủ.

"Đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non thì không được phép bạo hành trẻ", cô Hiền nhấn mạnh. Ảnh: NVCC
"Đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non thì không được phép bạo hành trẻ", cô Hiền nhấn mạnh. Ảnh: NVCC

Đến khoảng 14 giờ, khi hết giờ ngủ của trẻ, cô Y. cùng giáo viên trong lớp, bật đèn để đánh thức các cháu dậy. Sau đó cô Y. đã cho cháu Đ.ra ngoài cửa lớp (sảnh lớp nằm trong khuôn viên ngay cạnh cửa ra vào của lớp), sau đó cô tiếp tục cùng giáo viên trong lớp cho các cháu trong lớp đi vệ sinh, và phát hiện cháu Đ. tè dầm nên đã thay quần áo cho trẻ và tiếp tục gập chăn, cất đệm để chuẩn bị cho hoạt động tiếp theo.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Phòng Giáo dục đã đình chỉ hoạt động giáo dục của nhóm trẻ Bé Hạnh Phúc. Sau đó, bà Trần Thị Phượng, chủ nhóm trẻ Bé Hạnh Phúc thông tin là đã cho cô Y. nghỉ việc và trường tổ chức cho giáo viên học đạo đức nghề giáo.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông thông tin thêm là ngay sau sự việc xảy ra đã cho tập huấn 100% các chủ cơ sở mầm non trên địa bàn để rút kinh nghiệm.

Điệp khúc sau mỗi vụ giáo viên bạo hành học sinh ở nhiều cơ sở giáo dục mầm non, nhóm trẻ là họ sẽ cho giáo viên nghỉ việc, sau đó là tập huấn, dạy đạo đức nghề giáo. Đó có phải là giải pháp tốt và hiệu quả sau khi vụ việc xảy ra?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết là việc cho giáo viên nghỉ việc hay không còn phải tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng vào thể chất và tâm lý của trẻ đồng thời là sự cống hiến trong công việc của cô giáo.

“Trước tiên tôi khẳng định là trong đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non thì không được phép bạo hành trẻ.

Bạo hành thì có nhiều hình thức, bạo hành về thể chất, bạo hành về tinh thần, nhiều khi giáo viên dùng những từ ngữ không đúng mực với trẻ thì đó cũng là một hình thức bạo hành. Thế nên phải tùy vào mức độ nghiêm trọng hay không thì mới đưa ra quyết định xử lý khác nhau đối với những giáo viên bạo hành trẻ.

Việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ là cả một quá trình dài. Để đi đến quyết định có nên cho giáo viên bạo hành trẻ nghỉ việc hay không thì cần phải nhìn vào cả quá trình làm việc của cô giáo đó.

Ví dụ như cô giáo đó là người rất tận tâm với công việc và trước giờ có mối quan hệ rất tốt với các phụ huynh thì nếu như có mắc phải lỗi lầm nhỏ thì tôi nghĩ cũng không đến mức phải đuổi việc. Còn nếu như cô giáo đó mắc sai phạm nhiều lần thì nhà trường hoàn toàn có thể ra quyết định nghỉ việc”.

Bên cạnh việc cho giáo viên bạo hành trẻ nghỉ việc, nhiều nơi cứ sau mỗi vụ giáo viên bạo hành trẻ là lại tổ chức tập huấn, học đạo đức nghề giáo. Về vấn đề này, cô Hiền cho biết việc học đạo đức nghề giáo phải được tổ chức liên tục chứ không phải xảy ra sự việc rồi mới tổ chức học.

“Việc tổ chức học đạo đức nghề giáo thì nhà trường phải tổ chức liên tục. Có nghĩa là phải luôn luôn tuyên truyền thông tin đó đến tất cả các giáo viên trong xuyên suốt cả quá trình, để giúp cho giáo viên luôn luôn tự nhắc nhở bản thân mình là phải làm những việc trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, để không xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Còn nếu như nhà trường mà để xảy ra sự việc rồi mới tổ chức tập huấn, tổ chức học đạo đức nghề giáo thì chẳng khác gì “mất bò mới lo làm chuồng”.

Cô Hiền cho rằng, để hạn chế những việc giáo viên bạo hành trẻ thì cần phải có sự chung tay, phối hợp giữa 3 bên: nhà trường – giáo viên – phụ huynh.

Về phía nhà trường cần phải luôn luôn tuyên tuyền đạo đức nghề giáo, giảm tải áp lực cuộc sống và tìm cách nâng cao thu nhập cho giáo viên.

“Tôi nghĩ thứ nhất là phải có những biện pháp tuyên truyền, có thể là dùng các câu slogan để luôn luôn nhắc nhở giáo viên phải cư xử chuẩn mực.

Thứ hai là có các biện pháp giảm tải áp lực cho giáo viên mầm non bởi vì hiện tại công việc của giáo viên mầm non rất nhiều. Cho nên khi phải đối mặt với công việc như vậy thì một số giáo viên họ khó có thể kiểm soát cảm xúc cá nhân trong những tình huống nhất định.

Thứ ba là tìm kiếm cơ hội để giáo viên có thêm nguồn thu nhập, qua đó giảm tải chi phí cuộc sống”.

Về phía bản thân giáo viên cần lấy sự trưởng thành từng ngày của trẻ làm hạnh phúc.

“Khi giáo viên chọn ngành nghề này thì tôi nghĩ là họ đã yêu trẻ rồi. Tuy nhiên những sự việc không hay như thế này thực sự là ngoài ý muốn.

Vì thế, trước những vấn đề của trẻ nếu như giáo viên cảm thấy trẻ chưa theo được sự giáo dục của mình, thay vì trút giận lên trẻ thì mình sẽ nghĩ là do phương pháp giáo dục của mình chưa đủ. Khi trẻ có khiếm khuyết thì giáo viên nên lấy đó làm động lực để làm cho trẻ tốt hơn”.

Về phía phụ huynh cần đồng hành cùng với nhà trường và giáo viên nhiều hơn trong việc giáo dục con.

“Khi phụ huynh thực sự đồng hành cùng với nhà trường, với cô giáo thì họ sẽ biết rằng con mình còn những khiếm khuyết gì mà các cô cũng đang rất cố gắng để giáo dục. Từ đó phụ huynh sẽ thông cảm với nhà trường, với cô giáo và đồng hành trong việc giáo dục con”.

Đình Hùng