Xã hội hóa STEM vừa tốn kém vừa lãng phí, thầy cô nên bắt đầu từ đâu?

22/03/2021 07:07
VÕ PHI HÙNG - Hiệu trưởng Trường tiểu học Quỳnh Ngọc - Quỳnh Lưu - Nghệ An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do cách tiếp cận khác nhau, nên STEM được hiểu và triển khai cũng theo mức độ khác nhau.

Thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2020-2021, nhiều trường đã triển khai hoạt động STEM như là giải pháp đột phá để đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.

Giáo dục STEM có những điểm phù hợp với nội dung đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018: dạy học theo định hướng phát triển năng lực; vận dụng tích hợp kiến thức của nhiều môn học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn; nuôi dưỡng đam mê, khơi gợi tò mò, ham học hỏi cho học sinh.

Đặc biệt, thông qua tổ chức các hoạt động giáo dục STEM, sẽ giúp giáo viên hiểu sâu sắc hơn về chương trình giáo dục phổ thông 2018; tin tưởng vào khả năng thay đổi tác động sư phạm có thể làm thay đổi diện mạo chất lượng giáo dục nhà trường và tự hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của bản thân.

Do cách tiếp cận khác nhau, nên STEM được hiểu và triển khai cũng theo mức độ khác nhau.

Để đưa nhanh giáo dục STEM vào dạy học, nhà trường đã hợp tác với các cơ sở giáo dục khác tổ chức hoạt động STEM bằng hình thức xã hội hóa.

Các hoạt động STEM được các cơ sở giáo dục ở nhiều địa phương trường triển khai theo hình thức: câu lạc bộ STEM, sân khấu tương tác, hội thi, giao lưu...

Bên được mời hợp tác cung cấp hoàn toàn dịch vụ, nhà trường cho thuê địa điểm và tổ chức cho học sinh đăng ký tham gia.

Cha mẹ học sinh trả chi phí học tập theo thỏa thuận. Các hình thức hợp tác nói ở trên, có có rất nhiều hạn chế dễ dàng thấy được như sau.

+ Chưa chú ý đến yêu cầu “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo” (Nghị quyết số 29/NQ-TW).

Giáo dục STEM - một hình thức giáo dục tiên tiến, nhưng giáo viên của trường không được tạo điều kiện để tiếp cận sẽ mất thêm một cơ hội học tập và tự hoàn thiện năng lực nghề nghiệp của mình.

+ Quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 là “đảm bảo định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục, cốt lõi bắt buộc đối với học sinh toàn quốc”. Nội dung giáo dục cốt lõi đó là: hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.

Mọi học sinh đều có quyền “Được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân”; “Được tham gia các hoạt động phát huy khả năng của cá nhân; được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của cá nhân” (Điều lệ trường tiểu học ban hành tại Thông tư số: 28/2020/TT-BGD ĐT ngày 04/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Cho nên, nếu triển khai giáo dục STEM với mục tiêu “giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực” nhưng không mang tính đại trà mà chỉ dành cho một bộ phận học sinh như trên là chưa hợp lý. Chưa tạo bình đẳng về cơ hội học tập cho học sinh.

+ Tốn kém, lãng phí! Đó là nhận xét của nhiều thầy cô khi chứng kiến một số sự kiện giáo dục STEM bằng hình thức sân khấu tương tác.

Kết quả để lại cho thầy trò sau sự kiện STEM là sân trường đầy rác! Lãng phí ở đây không phải là tiền bạc, mà là đánh mất niềm tin. Con đường nhận thức STEM đối với giáo viên vốn đã khó khăn, gập ghềnh nay lại càng mịt mờ hơn.

Mặc dù có rất nhiều hạn chế, nhưng cách tiếp cận giáo dục STEM như trên vẫn được khuyến khích, vẫn được triển khai rầm rộ. Phải chăng do bị thị trường đánh bóng thuật ngữ và lý tưởng hóa STEM mà nhiều trường vội vàng đưa vào chương trình giảng dạy. Hay vì, làm STEM theo quan điểm “Vẽ gì khó” trong sách giáo khoa Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1: “Chó trâu, quanh năm ngày tháng ai chẳng thấy, vẽ sai bị chê ngay. Ma quỷ đã ai thấy bao giờ, thích thế nào thì vẽ thế ấy, ai dám hoạnh họe”.

Để triển khai STEM vào nhà trường trường một cách thiết thực và hiệu quả, trước hết cán bộ quản lý, giáo viên phải hiểu đúng và nắm vững kiến thức về STEM. Tuy nhiên, để giúp giáo viên tiếp cận với STEM trong bối cảnh hiện nay mới là điều cần bàn.

Hiện nay, quy mô lớp học ngày mỗi tăng, các địa phương trên cả nước đều thiếu giáo viên có nơi thiếu trầm trọng.

Chủ trương giảm bớt áp lực cho giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được thực hiện ráo riết, nhưng thực tế thì áp lực chẳng giảm được là bao, đổi mới chương trình và sách giáo khoa lại đang diễn ra.

Kỳ vọng của cha mẹ học sinh không chỉ tạo áp lực học tập của học sinh, mà hàng ngày, hàng giờ thầy cô đang phải đối mặt với hiện tượng tâm lý gọi là “giấc mơ cha, đè nát cuộc đời con” nhưng vẫn phải nâng niu đón nhận "trăm sự nhờ thầy cô".

Giúp giáo viên tiểu học tiếp cận STEM bằng giáo huấn, hàn lâm qua một số buổi tập huấn thì không chỉ kém hiệu quả mà lại làm cho giáo viên “dị ứng” với tập huấn.

Bằng còn đường cung cấp tài liệu, khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu rồi áp dụng vào thực hành chắc sẽ không khả thi (có thể nghiên cứu đến lúc về hưu vẫn chưa thực hành được).

Bên cạnh khó khăn nhưng cũng có nhiều thuận lợi rất cơ bản. Giáo viên tiểu học là những người được đào tạo để dạy được toàn cấp và dạy được nhiều môn học; hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động theo nhóm được giáo viên thực hiện thường xuyên, các phương pháp và hình thức dạy học tích cực được giáo viên sử dụng khá thành thạo: phương pháp vấn đáp, phương pháp đặt và giải quyết vấn đề, phương pháp bàn tay nặn bột, phương pháp khăn trải bàn; kỹ thuật KWLH ...

Học sinh tiểu học hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, các em rất yêu thích hoạt động, thực hành...

Dựa trên bối cảnh hiện nay, chúng tôi đã giúp giáo viên tiếp cận STEM bằng con đường học tập trải nghiệm.

Học tập trải nghiệm trình bày ở đây hiểu theo quan điểm của Hele Kelle (nữ văn sĩ khiếm thính, khiếm thị người Mỹ; người được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20): “Cuộc sống là một chuỗi các bài học mà các bạn phải sống mới hiểu được”.

Giải pháp có thể chia làm năm bước.

Bước thứ nhất: Chọn một số bài học tiêu biểu về STEM để tổ chức dạy minh họa.

Bài học STEM được chọn phải là những hoạt động giáo dục đơn giản, tốn ít thời gian và kinh phí, gần gũi với hoạt động dạy học thường ngày, tất cả các đối tượng học sinh trong lớp đều tham gia.

Bài học được chọn làm tiêu biểu để minh họa phải có mặt ít nhất hai trong bốn yếu tố trụ cột của STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Dạng bài học này đã có rất nhiều trong các tài liệu hay trên Youtube.

Bước thứ hai đó là: Chuẩn bị cho việc tổ chức dạy minh họa sau khi đã chọn được bài học tiêu biểu.

Nhiệm vụ quan trọng nhất trong bước chuẩn bị là dự kiến quy trình giải quyết vấn đề. Dự kiến quy trình không đơn thuần là thiết kế các kỹ thuật dạy học, mà là định hướng, phản hồi, và tổ chức thông qua các việc làm như: đặt vấn đề (khởi động), thu thập thông tin, phản hồi thông tin thu thập được.

Đặt vấn đề (khởi động) ở bài học STEM không chỉ phục vụ mục tiêu tạo không khí vui tươi trước khi vào bài học, không chỉ tạo yếu tố bất ngờ để các em có hứng thú học tập bài mới, mà phần đặt vấn đề này có giá trị quan trọng trong việc định hướng cho quy trình thực hiện giải quyết vấn đề, hay nói cách khác đây chính là tạo môi trường (hoàn cảnh thực tiễn) để đặt nội dung cần giải quyết vào đó.

Ví dụ: Nếu vấn đề cần giải quyết là cứu người đặt ra trong tình huống gặp người đang đuối nước thì quy trình giải quyết vấn đề chắc chắn sẽ khác với quy trình trong tình huống có một số bạn bị ho, sốt trong bối cảnh địa phương xa trung tâm, khó khăn về y tế lại đang có dịch COVID-19, hay tình huống nhóm mình được nhận nhiệm vụ chia cơm cho các em học sinh khối lớp 1 (bán trú) mới tuyển vào trường...

Có thể nói rằng, luyện tập cách tạo dựng quy trình giải quyết vấn đặt ra trong từng bối cảnh cụ thể là mục tiêu cốt lõi mà giáo dục STEM hướng tới.

Thu thập thông tin là việc nhận diện các yếu tố trụ cột của STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán) trong quá trình giải quyết vấn đề của bài học STEM minh họa.

Chỉ ra được những phẩm chất và năng lực sẽ được hình thành và phát triển qua việc giải quyết vấn đề (thực hiện nhiệm vụ bài học minh họa).

Để xác định được thông tin một cách chính xác và đầy đủ thì thầy cô sẽ chuyển vai “người dạy” sang vai “người học”.

Ghi chép lại những yếu tố khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán sẽ cần có mặt trong quy trình giải quyết vấn đề, những khó khăn mà học sinh sẽ gặp phải, xác định rõ nguyên nhân gây nên khó khăn để có kế hoạch điều chỉnh để giảm bớt, tăng thêm mức độ khó khăn.

Trên cơ sở thu thập các thông tin, giáo viên chuẩn bị các câu hỏi định hướng. Câu hỏi định hướng là yếu tố then chốt của bài học STEM. Câu hỏi định hướng sẽ được sử dụng suốt quá trình gải quyết vấn đề và trong quá trình báo cáo thu hoạch của các nhóm. Câu hỏi định hướng phải là những câu hỏi mở: làm thế nào, cái gì, tại sao, có nên,…

Một số vấn đề dễ hiểu nhầm và hay tranh luận về bài học STEM: số lượng các yếu tố trụ cột của STEM tham gia trong bài học; quan điểm về công nghệ và kỹ thuật trong STEM..

Nếu cho rằng, bài học STEM phải có đầy đủ 4 yếu tố (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) là chưa đúng. Bởi bất cứ bài học/hoạt động STEM nào cũng xuất phát từ thực tiễn.

Thực tế, có những vấn đề giải quyết được mà không nhất thiết phải tham gia đầy đủ các kiến thức, khoa học, công nghệ, kỹ thuật hay toán.

Ngược lại, giải quyết bất kỳ một vấn đề nào trong thực tiễn để đạt hiệu quả thì vận dụng không ít hơn 2 yếu tố của STEM.

Giáo dục theo phương pháp STEM luôn hướng đến mục đích giải quyết vấn đề cụ thể trong thực tiễn, cho nên một bài học/hoạt động giáo dục có đầy đủ cả 4 yếu tố nhưng thiếu đi bối cảnh (vấn đề thực tiễn cần giải quyết) thì không thể gọi là STEM.

Khái niệm kỹ thuật cần phải hiểu rộng ra không phải chỉ là thao tác mà là cả quy trình giải quyết vấn đề; công nghệ không phải có máy tính hay thiết bị số mà phải hiểu là việc sử dụng thành thạo, việc cải tạo phù hợp các công cụ/thiết bị.

Giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc - Quỳnh Lưu- Nghệ An đang xây dựng bài học STEM. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc - Quỳnh Lưu- Nghệ An đang xây dựng bài học STEM. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Bước thứ ba: Tiến hành dạy minh họa

Thầy cô tổ chức cho học sinh giải quyết vấn đề của bài học STEM theo hình thức hoạt động nhóm như đã làm thường ngày, nhưng cần đặc biệt quan tâm các nội dung cơ bản như sau:

- Đặt vấn đề: Cần rõ và cụ thể về bối cảnh, đảm bảo tất cả các học sinh đều nghe rõ.

- Nhắc rõ nhiệm vụ và luật chơi (nếu có) chứ không hướng dẫn về quy trình thực hiện.

- Quan sát kỹ năng làm việc nhóm: Cần chú ý quan sát về quy trình mà học sinh đã thực hiện; việc sử dụng, cải tiến dụng cụ; các hoạt động phối hợp của các thành viên trong nhóm (lắng nghe nội dung các học sinh đã trao đổi với nhau; thái độ của các em khi trao đổi, khi hợp tác với nhau thế nào...); không khí của buổi học.

- Sử dụng các câu hỏi định hướng tới để học sinh tranh luận, phản biện (có nên, thì sao nhỉ...), hướng tới sản phẩm (bằng cách nào để...), hướng tới đề cao vai trò học sinh (Với tư cách là nhà tạo mẫu, các con sẽ thiết kế...; là kỹ sư... các con sẽ lắp đặt...)

- Tổ chức cho học sinh báo cáo thu hoạch. Quan trọng nhất của việc báo cáo thu hoạch ở bài học STEM là trình bày quy trình giải quyết vấn đề; hoạt động phối hợp của các thành viên trong nhóm. Giáo viên tiếp tục sử dụng câu hỏi định hướng để giúp học sinh, phân tích, nghi vấn, giải quyết...

Có thể gợi ý để các nhóm đặt câu hỏi như thường ngày giáo viên đã làm. Xin chia sẻ một tình huống thành công bất ngờ ở trường chúng tôi, khi dạy minh họa bài STEM “Giải cứu bạn sâu Fred” (bài học STEM dành cho học sinh lớp 3 của Mỹ).

Ở phần các nhóm báo cáo thu hoạch, học sinh dại diện nhóm mô tả khá mạch lạc: việc thảo luận với nhau, các ý tưởng giải cứu mà các bạn trong nhóm đưa ra, các bạn đã chọn cách nào, khó khăn trong việc thống nhất chọn ý tưởng, phân công nhiệm vụ ra sao, mô tả các thao tác...

Kết thúc phần trình bày với trạng thái phấn khởi: “Xin các bạn góp ý kiến cho nhóm mình”! Lập tức một học sinh nhóm khác đặt câu hỏi: “Thuyền bị lật, bạn Sâu đang sắp chết đuối, nhưng nhóm bạn lại bàn bạc lâu như vậy, bạn Sâu bị chìm thì sao?”.

Trong suy nghĩ của nhiều người dự giờ hôm đó sẽ xuất hiện cụm từ “Ừ nhỉ” (theo kiểu: Ừ nhỉ, vác tre về làm giàn mướp nhưng giàn mướp phá mất rồi...).

Không khí học tập bỗng rộn lên...

Đó là câu câu hỏi nhưng cũng là câu khẳng định sự thất bại của việc giải cứu bạn sâu mà trước đó mấy phút tưởng chừng như thành công tuyệt đối của nhóm bạn.

Tình huống đến đây kết thúc (mọi người đều nghĩ vậy) sau khi thấy học sinh đại diện cho nhóm báo cáo lúng túng, nói: “Nhóm mình xin ý kiến giúp đỡ của cả lớp” và đi xuống.

Bất ngờ, có học sinh nêu ý kiến: “Thuyền lật úp, bạn sâu đang ở trên đáy thuyền, ở dưới thuyền lại đang có cái phao nên bạn sâu không thể chìm nhanh được!”

Quá bất ngờ bởi tình huống mà 25 năm đứng trên bục giảng giờ mới gặp! Lại nghe thêm tiếng “Ừ nhỉ” và tiếng thốt nho nhỏ của ai đó: Luật sư!

- Cần quay video ghi lại giờ học phục vụ cho bước thảo luận. Người quay không nên đứng ở cuối lớp mà đứng ở bên hông hoặc phía trước. Máy quay sẽ luôn thay đổi đối tượng.

Khi thay đổi nên lưu ý đến thời gian vì nêu nhanh quá sẽ khó xem, chú ý quay sao để xem lại thấy rõ thao tác của học sinh, nét mặt, thái độ, học sinh, cách thể hiện khác nhau về thao tác kỹ thuật của từng nhóm, đặc biệt là cách sử dụng dụng cụ/thiết bị học tập của từng nhóm, dụng cụ được cải tiến nếu có. Cố gắng thu âm được lời nói học sinh, không khi lớp học.

1 tiết trại nghiệm STEM của học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc - Quỳnh Lưu - Nghệ An. (Ảnh do tác giả cung cấp)

1 tiết trại nghiệm STEM của học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc - Quỳnh Lưu - Nghệ An. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Bước thứ tư: Tổ chức thảo luận sau khi dự tiết dạy minh họa

Cần tổ chức thảo luận với tinh thần của hình thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để tất cả các giáo viên tham gia trao đổi thoải mái.

Ở bước này nên sử dụng các hình ảnh video quay giờ học để phân tích. Trên cơ sở các thông tin đã thu thập được qua bước hai, người điều phối (thông thường nên là giáo viên đã dạy thể nghiệm) sẽ đặt ra các câu hỏi định hướng phân tích.

Nội dung định hướng cần tập trung xoay quanh 4 nền tảng cốt lõi của STEM: quy trình giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, tính sáng tạo, kỹ năng hoạt động nhóm.

- Về quy trình giải quyết vấn đề nên đặt các câu hỏi: liệt kê các bước, thứ tự thực hiện các bước, các thao tác kỹ thuật, cách sử dụng dụng cụ, cách hợp tác của học sinh trong nhóm.

So sánh, đối chiếu quy trình của mỗi nhóm đã thực hiện để thấy sự giống nhau, khác nhau (nội dung các bước, thứ tự thực hiện các bước,...).

- Cần dựa vào các góc quay video để đặt ra các câu hỏi nhằm phát hiện các yếu tố trụ cột của STEM có mặt trong chuỗi hoạt động nào; những phẩm chất và năng lực nào đã được hướng tới hình thành và phát triển.

- Lập bảng so sánh từng nội dung đã tiến hành ở bài dạy minh họa và hoạt động nhóm thường ngày. Đây là nội dung rất quan trong trong cuộc sinh hoạt chuyên môn. Thông qua việc tự so sánh, giáo viên sẽ cảm thấy STEM không xa lạ, không quá khó.

Bước thứ năm: Lập kế hoạch cá nhân.

- Sau các buỏi dự giờ dạy minh họa và sinh hoạt chuyên môn, dựa vào bẳng so sánh mỗi giáo viên tự lập cho mình một kế hoạch áp dụng phương phương pháp dạy học STEM ( nhất là tổ chức dạy học nhóm, các câu hỏi định hướng...) đối với các môn học, thực hiện một số bài học tiêu biểu về STEM để củng cố thêm kiến thức về STEM.

Ví dụ: Bảng so sánh.

Nội dung so sánh

Bài học minh họa

Hoạt động nhóm thường ngày

Đặt vấn đề

Bối cảnh được đặt ra cụ thể

Thường không đặt bối cảnh

Vấn đề cần giải quyết

Nhiệm vụ được nêu rõ ràng, kèm theo các quy định (luật chơi)

Giáo viên thường đặt câu hỏi định hướng

Nhiệm vụ được nêu rõ ràng, kèm theo các quy định (luật chơi)

Quy trình giải quyết vấn đề của học sinh

Không sắp sẵn quy trình. kết quả mỗi nhóm thể có quy trình khác nhau.

Quy trình được thực sắp sắn, giống nhau ở các nhóm (các bước trong PPDH bàn tay nặn bột, phương pháp khăn trải bàn...).

Các thao tác kỹ thuật của học sinh

Thao tác kỹ thuật dựa trên ý tưởng của nhóm các nhóm.

Giáo viên chỉ đặt các câu hỏi định hướng

Cơ bản giống nhau hoàn toàn về thao tác kỹ thuật, giáo viên hướng dẫn giúp đỡ nếu có nhóm thực hiện chưa đúng quy trình

Công cụ/thiết bị chuẩn bị để cho học sinh sử dụng

Công cụ nhưng có thể sử dụng nhiều mục đích, có thể cải tiến được nếu chưa phù hợp.

Gần gũi với sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

Mỗi công cụ cơ bản đã chuẩn bị cho mỗi hoạt động cụ thể và dễ sử dụng nhất.

Công cụ gần gũi với sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

Cách sử dụng công cụ của học sinh

Cùng một mục đích, nhưng cách sử dụng khác nhau. Có sự cải tiến công cụ cho phù hợp với mục đích. Sự cải tiến cũng khác nhau.

Công cụ được sự dụng gần như giống nhau. Không có sự cải tiến công cụ trong quá trình thao tác.

Đánh gia hoạt động nhóm

Không khí sôi động. Các thành viên trong nhóm đều tham gia tích cực, Có sự tranh luận đôi khi “cãi nhau”. Có nhiều giải pháp được nêu ra trong nhóm. Có sự thảo luận để chọn giải pháp thực hiện. Có sự chọn lựa giải pháp khác khi thấy khó thực hiện.

Biểu hiện rõ sự sung sướng cao độ khi hoàn thành nhiệm vụ qua thái độ tự nhiên của các học sinh trong nhóm.

Một số hoạt động sôi nổi, đa số là hình thức

Một vài học sinh trong nhóm tich cực hoạt động, còn lại nhất trí,... ngồi im không nói gì.

Ít có tranh luận, không có ý kiến trái chiều. Không đưa ra nhiêu giải pháp để lụa chọn. Không có sự thay đổi giải pháp đã chọn.

Vận dụng kiên thức liên môn vào việc giải quyết vấn đề

Có sự tham gia của ít nhất 2 môn

Giáo viên quan tâm đến việc tích hợp kiến thức các môn để giải quyết vấn đề

Có sự tham gia của ít nhất 2 môn

Giáo viên không quan tâm đến việc vận dụng tích hợp các kiên thức ở các môn, chỉ quan tâm đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Việc báo cáo thu hoạch

Đại diện nhóm, đôi khi tất cả các thành viên trong nhóm báo cáo.

Lới lẽ tự nhiên, có niềm tin trong báo cáo, tập trung vào nội dung chính.

Quan tâm đến quy trinh thực hiện, mô tả cách cách thực hiện.

Quan tâm đến nguyên nhân thành công và chưa thành công.

Có đặt ra câu hỏi phản biện, có so sánh đối chiếu cách làm của các nhóm.

Đại diện nhóm báo cáo. Lời lẽ gượng gạo, hình thức, không tự nhiên.

Báo cáo chỉ quan tâm đến kết quả của hoạt động.

Có đặt ra câu hỏi nhưng ít mang tính phản biện. Ít mang tính so sánh.

Ưu tiên quyền báo cáo cho những nhóm đã hoàn thành.

Trưng bày sản phẩm

Chú ý đề cao công sức, trí tuệ tập thể, cá nhân đã làm ra sản phẩm đó, hướng đến việc tiếp tục cải tiến sản phẩm

Đề cao cái đúng, cái đẹp của sản phẩm.

Thời gian giành cho các các hoạt động

Thời gian dài. Mỗi bài có thể 1 đến 2 tiết học.

Thơi gian cho hoạt động chỉ 1 đến 7 phút cho mỗi hoạt động.

Bài học STEM có thể tìm thấy trong nhiều lĩnh vực, công việc. Ví dụ: Sắp tới có 200 học sinh của trường đăng ký thi TOEFL Primary, trường chưa có phòng tin, làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất để tất cả học sinh đã đăng ký được tham gia.

STEM là phương thức giáo dục dành cho tất cả mọi người, mọi đối tượng học trò, thể hiện rõ vai trò chủ động của người học và vai trò định hướng của người dạy.

Dạy học theo phương pháp STEM là một hành trình dài, không vội vã, không làm tắt. Thành công trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục STEM không chỉ là số lượng bao nhiêu học sinh và thầy cô tham gia mà là khả năng lan tỏa phương pháp giáo dục STEM trong từng buổi học, trong từng hoạt động hàng ngày ở nhà trường như thế nào.

Muốn vậy, chúng ta hãy chuyển từ vai “người dạy” sang vai “người học” hãy cố gắng trở về với những thứ giản dị của tuổi thơ và dùng trí tưởng tượng của mình giúp học sinh nhận ra chính mình là những nhà kiến tạo thực sự trong tương lai.

Các em hiểu rằng: muốn thế trước hết phải tìm cách sáng tạo để giải quyết những vấn đề xung quanh mình.

Chỉ với mục đích duy nhất của chúng tôi là mong muốn gửi đến thầy cô và quý bạn đọc thông điệp đến với “Hãy làm những gì có thể, để học sinh được tận hưởng ngọn gió mát lành của sự đổi mới giáo dục”.

Nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ với thầy cô và bạn đọc tham khảo khung chương trình bài học STEM (sát chương trình giáo dục phổ thông 2018 của lớp 1 và 2); một số bài học trong chương trình hiện hành của các lớp có thể sử dụng phương pháp giáo dục STEM.

VÕ PHI HÙNG - Hiệu trưởng Trường tiểu học Quỳnh Ngọc - Quỳnh Lưu - Nghệ An