Xã hội hoá sách giáo khoa: Chất lượng định đoạt từ thị trường

19/11/2021 13:30
Bích Hạnh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2020-2021 đã minh chứng, sự lựa chọn sách giáo khoa của ngành giáo dục đòi hỏi chất lượng là trên hết.

Nghị quyết 88/2014/QH13 và Luật Giáo dục đã xác định, xã hội hóa hoạt động biên soạn sách giáo khoa là nhằm phát huy các nguồn lực xã hội, bảo đảm đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng sách giáo khoa, điểm gút của một nền giáo dục toàn diện.

Năm học 2020-2021 đã minh chứng, sự lựa chọn sách giáo khoa của ngành giáo dục đòi hỏi chất lượng là trên hết. Một thị trường ăm ắp, chọn trúng sách giáo khoa, chỉ có một: Đó là vì chất lượng.

Xã hội hóa là sự dần hoàn thiện

Như chúng ta đã biết, từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 trong cả nước học 5 bộ sách sách giáo khoa. Đó là bộ sách Cánh Diều do Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn và 4 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Gạt bỏ những cạnh tranh trước đó của các nhà xuất bản, việc phổ cập 5 bộ sách giáo khoa trên, hay nói cách khác là sự lựa chọn của ngành giáo dục với các bộ sách, cho thấy tính ưu việt từ xã hội hóa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã từng cho rằng, xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa là một chủ trương đúng với kỳ vọng, vì thông qua xã hội hóa sẽ có những sản phẩm sách giáo khoa tốt nhất.

Theo bà, năm đầu sẽ không thể tránh khỏi những điểm chưa ổn trong sách giáo khoa, song đây chính là những dấu hiệu tốt để chứng tỏ xã hội đang rất quan tâm lần thay sách giáo khoa này.

“Xã hội hóa chính là sự dần hoàn thiện. Những va đập từ thực tiễn sẽ giúp các nhà xuất bản có những điều chỉnh kịp thời. Chất lượng sẽ là yếu tố tiên quyết. Một khảo sát cho thấy, 63 tỉnh thành, sự lựa chọn sách giáo khoa đã khác nhau. Vậy điều cốt lõi là sách giáo khoa phải đảm bảo chất lượng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Điều cốt lõi là sách giáo khoa phải đảm bảo chất lượng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Điều cốt lõi là sách giáo khoa phải đảm bảo chất lượng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Lựa chọn sách giáo khoa từ chất lượng

Thông tư 25/2020 của Bộ Giáo dục và Đào (trước đó là Thông tư 01) quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa là phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy và học tại nhà trường. Việc lựa chọn sách giáo khoa được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ và phải dựa trên ý kiến đề xuất từ các nhà trường.

“Sách giáo khoa trong cơ chế thị trường, nhất là thị trường có nhiều bộ sách giáo khoa là hàng hóa đặc biệt, nên cơ quan quản lý giáo dục các cấp đã công tâm, làm việc trung thực để chọn lựa bộ sách giáo khoa có chất lượng và tốt nhất cho mỗi nhà trường. Đổi lại, sách giáo khoa trong cơ chế thị trường phải tự đổi mới, dần hoàn thiện, nếu không sẽ tự diệt vong, kể cả khi có cạnh tranh chưa lành mạnh”, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết.

Theo thống kê về kết quả lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm 2020-2021 của Bộ GD&ĐT, trong 46 đầu sách giáo khoa được phân thành 5 bộ, có 61 địa phương chọn các đầu sách giáo khoa của từ 3 bộ sách giáo khoa trở lên, trong đó 35 tỉnh chọn sách giáo khoa của đầy đủ cả 5 bộ. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng đã chỉ ra, hầu hết các tỉnh thành không chọn sách theo bộ, mà chọn theo môn.

Điều này cho thấy, mỗi sách giáo khoa có cách tiếp cận khác nhau tùy theo vùng miền, có sử dụng một số phương ngữ. Như vậy, các địa phương đã dựa trên yếu tố địa phương, người học để chọn sách giáo khoa, tạo thuận tiện trong quá trình tổ chức dạy học tại trường… Một tổng kết mới đây của Bộ GD&ĐT về một năm triển khai sách giáo khoa lớp 1 mới, nhiều ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên dày dạn kinh nghiệm dạy học lớp 1 cho rằng các bộ sách giáo khoa đều được thiết kế với tính mở, giáo viên rất hào hứng. Học sinh lớp 1 chủ động hơn, khả năng đọc viết năng động hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại kỳ họp Quốc hội trước đã từng phát biểu: “Dù có một bộ sách giáo khoa hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải tốt”. Xã hội hóa sách giáo khoa là tiến trình mỗi ngày một hoàn thiện. Chất lượng tốt, sách sẽ tự khắc được lựa chọn.

Công tác kiểm định, đánh giá là khâu vô cùng quan trọng.
Công tác kiểm định, đánh giá là khâu vô cùng quan trọng.

Sự cạnh tranh thị trường sẽ thải loại sách yếu

Giáo sư Phạm Minh Hạc, Nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nhiều bộ sách giáo khoa nhưng cũng vẫn phải lựa chọn bao nhiêu bộ sẽ được coi là đủ, nếu không sẽ xảy ra tình trạng “loạn” sách. Mà “loạn” sách sẽ dẫn tới “loạn” thi.

Giáo sư Nguyễn Minh Hạc nhấn mạnh: “Có nhiều sách giáo khoa là chủ trương tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là trăm hoa đua nở. Công tác kiểm định, đánh giá là khâu vô cùng quan trọng. Đó là cổng gác để những bộ sách giáo khoa kém chất lượng không thể lọt ra ngoài thị trường”.

Thực tế qua một năm học cho thấy, có những sai sót nếu không được rút kinh nghiệm kịp thời đã gây rất nhiều ồn ào.

Có thể kể đến sự kiện “Tiếng Việt 1 Cánh diều” năm 2020 đã được mổ xẻ trong một thời gian khá dài.

Sự ảnh hưởng ầm ĩ tới mức Hội đồng quốc gia thẩm định phải họp, yêu cầu sửa; Bộ GD&ĐT phải ra khá nhiều văn bản chỉ đạo rà soát không chỉ Cánh diều mà tất cả các bộ sách giáo khoa; đơn vị xuất bản sách phải xây dựng hẳn một phụ lục để thông tin về hệ thống trang sách phải thay, ngữ liệu phải chỉnh sửa gửi tới các trường sử dụng sách… Cũng bộ sách này, ở môn Tiếng Việt lớp 2, các tác giả sử dụng tới trên 40 văn bản trong sách giáo khoa cũ. Kèm theo đó là hệ thống câu hỏi đọc hiểu sau 20 năm hầu như giữ nguyên, có chăng là thêm bớt một vài từ hoặc điều chỉnh thứ tự câu hỏi hay đổi sang câu trắc nghiệm… Câu hỏi đặt ra là, xã hội hoá sách giáo khoa để có thêm sự lựa chọn, nhưng nếu không có gì đổi mới thì sự lựa chọn ấy có còn ý nghĩa ?

“Chất lượng sách giáo khoa được thẩm định từ thực tiễn, hay nói cách khác sự cạnh tranh của thị trường sẽ dần thải loại sách yếu”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đã cho biết. Xã hội hoá sách giáo khoa, chất lượng định đoạt từ thị trường và người trong cuộc là các thày cô giáo, người thụ hưởng - học sinh - là những thành tố cốt lõi cho sự định đoạt minh bạch ấy.

Theo Quyết định phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký ngày 09/02/2021 thì chỉ còn ba bộ sách: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo được phê duyệt sử dụng trong năm học 2021-2022.

Bích Hạnh