World Bank đưa ra nhiều con số bất ngờ về giáo dục đại học Việt Nam

29/11/2020 07:17
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo World Bank, Việt Nam phân bổ nguồn lực cho giáo dục hơn 5% GDP, tuy nhiên trong đó, mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam hiện chỉ chiếm 0,33%.

Đó là một trong những nội dung được đại diện World Bank đưa ra tại hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”.

Tại hội thảo, ông Christophe Lemiere – Quản lý chương trình phát triển con người của Ngân hàng thế giới (World Bank) đã chỉ ra những thành tựu chính của giáo dục đại học Việt Nam, gồm:

Thay đổi tích cực đối với sự quản trị đại học hiện đại; Luật Giáo dục Đại học (2018) và các cải cách về quyền tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập năm 2014-2017; Tỷ lệ tuyển sinh tăng gấp đôi lên tới 2 triệu kể từ năm 2000 (trên 50% là nữ); Tỷ lệ phần trăm giảng viên đại học có bằng thạc sĩ/tiến sĩ hiện nay đạt trên 75%; Số lượng chương trình đào tạo và được quốc tế công nhận tăng nhiều; Số lượng kết quả nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học tăng gấp 3 lần.

Ngoài ra, các trường đại học Việt Nam đã xuất hiện trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ hoàn vốn của giáo dục đại học Việt Nam lên tới trên 15% - một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Ông Christophe Lemiere – Quản lý chương trình phát triển con người của Ngân hàng thế giới (ảnh: Thùy Linh)

Ông Christophe Lemiere – Quản lý chương trình phát triển con người của Ngân hàng thế giới (ảnh: Thùy Linh)

Khi đánh giá về những thách thức, World Bank vẫn cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt ở bậc giáo dục phổ thông, tuy nhiên cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Thách thức có tính hệ thống trong quản trị giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay là: Rời rạc trong nhiều bình diện; Khoảng cách giữa chính sách và thực thi; Các cơ chế giả trỉnh chưa hoàn thiện (hệ thống thông tin và cơ chế bảo đảm chất lượng); Các kết nối giữa cơ cơ sở đào tạo và thị trường hạn chế; Sáng tạo giáo dục thấp (bao gồm cả việc sử dụng công nghệ thông tin); Và quản lý nhân sự học thuật bất cập.

Ngoài ra, đại diện World Bank cũng chỉ ra các thách thức về xã hội hóa nguồn lực trong tài chính giáo dục đại học ở Việt Nam đó là tỷ lệ huy động nguồn lực công thấp và quá phụ thuộc vào học phí dẫn đến không bền vững.

Tổng quan mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam và một số nước trên thế giới.

Tổng quan mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam và một số nước trên thế giới.

Chính vì vậy đại diện World Bank cho rằng, Việt Nam cần tăng ngân sách công cho giáo dục đại học từ mức 0,33% hiện tại lên 0,8% GDP trước năm 2030. Đồng thời hướng tới tính đa dạng thể chế- chuyển dịch từ các trường đại học công lập tốn kém sang các cơ sở tư nhân, cao đẳng, trực tuyến có hiệu quả mà chi phí cao hơn.

Thùy Linh