Vụ trưởng Thành cho thấy Bộ Giáo dục lúng túng, bị động triển khai CT2018

25/03/2022 06:36
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn việc tổ chức cho học sinh bậc trung học phổ thông lựa chọn môn học tự chọn.

Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Học sinh chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn việc tổ chức cho học sinh bậc trung học phổ thông lựa chọn môn học tự chọn khiến mỗi địa phương làm một kiểu.

Chương trình mới "đẻ" ra 108 nhóm môn, mỗi nơi làm một kiểu, học sinh thiệt thòi. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Chương trình mới "đẻ" ra 108 nhóm môn, mỗi nơi làm một kiểu, học sinh thiệt thòi. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Loay hoay với môn học tự chọn

Ngày 16/3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản số 717/SGDĐT-GDTrH gửi các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 7, 10 năm học 2022-2023. [1]

Theo đó, "đối với các môn Âm nhạc, Mĩ thuật cấp trung học phổ thông: cơ sở giáo dục phổ thông căn cứ điều kiện thực tế nhà trường để tổ chức.

Nếu chưa thể đáp ứng, cơ sở giáo dục phổ thông có thể sử dụng nguồn giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học cơ sở có trình độ đại học trở lên để bố trí dạy học môn Âm nhạc, Mĩ thuật cấp trung học phổ thông trong năm học 2022-2023."

Về dạy học môn tự chọn, ngày 21/3/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, tại một số trường trung học phổ thông ở Hải Phòng, các nhà trường đã có phương án tổ chức dạy học môn tự chọn phù hợp với định hướng giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực hiện có.

Chẳng hạn, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng) cho biết:

“Đối với nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật, tuỳ theo điều kiện của mỗi nhà trường để lựa chọn. Ví dụ như trường hợp có học sinh đăng ký môn nghệ thuật mà nhà trường thuê được giáo viên thì mới có điều kiện tổ chức dạy còn nếu không sẽ chọn môn có sẵn giáo viên như môn Tin, Công nghệ”.

Hay, ngày 23/3/2022, Báo VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) chia sẻ, các nhà trường cũng không nhận được chỉ đạo từ trên xuống về việc này và chưa có sự chuẩn bị. [2]

"Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở công lập ở ngoại thành Hà Nội cho hay, thông tin về chương trình "chủ yếu do giáo viên chủ động chia sẻ", bởi không có hướng dẫn hay kế hoạch, yêu cầu tuyên truyền cụ thể từ thành phố hay Bộ Giáo dục và Đào tạo", theo Báo VnExpress.

Như thế để thấy rằng, các địa phương rất bị động, lúng túng khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, đặc biệt đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Có trường không hề che giấu "sẽ chọn môn có sẵn giáo viên như môn Tin, Công nghệ", bởi không còn cách nào khác.

Có phải Bộ Giáo dục cũng đang lúng túng?

Trước thắc mắc liệu sẽ có chuyện học sinh đổ xô chọn một số môn trong khi có môn quá ít sự lựa chọn dẫn tới không tổ chức được lớp học và dôi dư giáo viên, ngày 9/1/2019, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định trên Báo VOV: "sẽ không có chuyện đó và Bộ Giáo dục sẽ có hướng dẫn cụ thể vấn đề tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học tự chọn. [3]

Tiếp đến, cuối tháng 8/2021, nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu giáo viên dạy theo chương trình mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết "sẽ có kế hoạch làm việc với hệ thống trường đại học sư phạm để trao đổi về nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và phát triển ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm.

Việc này nhằm đảm bảo cung cấp đủ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo." [4]

Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa là các trường trung học phổ thông triển khai Chương trình mới đối với lớp 10 nhưng cho đến thời điểm này Bộ Giáo dục vẫn không có văn bản nào hướng dẫn việc tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học tự chọn.

Cá nhân người viết cho rằng, phải chăng Bộ Giáo dục cũng đang lúng túng chẳng khác gì sở giáo dục và đào tạo các địa phương hay hiệu trưởng các trường trung học phổ thông? Nghi vấn này hoàn toàn có lí bởi từ năm 2019 đến nay - đã hơn 3 năm trôi qua mà lời hứa của Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành vẫn chưa được thực hiện.

Cùng với đó, cách trấn an của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn theo kiểu "sẽ có kế hoạch làm việc với hệ thống trường đại học sư phạm để trao đổi về nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và phát triển ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm" - cũng cần phải bàn thêm.

Tôi không biết Bộ Giáo dục "làm việc với hệ thống trường đại học sư phạm" ra sao, nhưng giáo viên ở Sài Gòn vẫn chưa được giảng viên của đại học nào tập huấn các môn: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương; Âm nhạc; Mỹ thuật - vì năm học 2021-2022, Sở Giáo dục Thành phố không tuyển giáo viên các môn này. [5]

Thay lời kết

Chưa biết Chương trình giáo dục phổ thông mới (bậc trung học phổ thông) ưu việt đến đâu - ngoại trừ các tác giả sách đua nhau quảng cáo sách giáo khoa, nhưng việc "đẻ" ra 108 nhóm môn khiến cơ quan quản lí giáo dục, lãnh đạo trường học, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh quá hoang mang.

Bên cạnh đó, học sinh chỉ mới rời trường trung học cơ sở, ở độ tuổi 15, 16 các em làm sao hiểu rõ năng lực bản thân để chọn môn cho phù hợp?. Kể cả học sinh lớp 12 tôi đang dạy, đến hết học kì 1 năm học này, khi làm hồ sơ xét tuyển vào các trường đại theo phương thức lấy điểm học bạ thì nhiều em vẫn còn lơ ngơ, không biết chọn ngành nào.

Vấn đề đặt ra là, giáo viên chủ nhiệm lớp 10 phải tư vấn để học sinh chọn môn phù hợp là quá khiên cưỡng. Thầy cô chưa dạy học sinh ngày nào làm sao biết được khả năng từng em? Trong khi đó, thầy cô chủ nhiệm lớp 9 đã hết trách nhiệm, chỉ còn phụ huynh làm công tác tư vấn chọn môn - mà đâu phải bậc cha mẹ, người thân nào cũng hiểu chương trình.

Ngoài ra, sẽ có nhiều trường hợp học sinh năm lớp 10 chọn nhóm môn này (ví dụ nhóm môn xã hội) nhưng khi lên lớp 11 lại chọn nhóm môn khác (ví dụ nhóm môn tự nhiên) thì giáo viên sẽ dạy thế nào để đảm bảo chất lượng trong kiểm tra, thi cử?

Tôi đã gặp rất nhiều học sinh lớp 12 đầu năm chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng đến giữa năm đuối sức không theo kịp thì xin chuyển sang tổ hợp Khoa học xã hội, không còn cách nào khác lãnh đạo phải cho chuyển lớp.

Việc cho phép học sinh chọn môn học theo sở trường thể hiện tinh thần tiến bộ của chương trình mới. Nhưng chương trình này "đẻ" ra 108 nhóm môn, trong khi Bộ Giáo dục chưa có hướng dẫn, mỗi địa phương làm một kiểu, cuối cùng học sinh chịu thiệt thòi nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1] //hcm.edu.vn/thong-bao/tin-khan-huong-dan-de-xuat-lua-chon-sach-giao-khoa-lop-7-10-nam-hoc-2022-2023/ct/41000/68174

[2] //vnexpress.net/hoc-sinh-phu-huynh-lo-mo-ve-chuong-trinh-lop-10-moi-4442408.html

[3] //vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hoc-sinh-se-chon-mon-hoc-trong-chuong-trinh-gdpt-moi-nhu-the-nao-861909.vov

[4] //vnexpress.net/thach-thuc-voi-truong-hoc-khi-chuong-trinh-lop-10-thay-doi-4441679.html

[5] //hcm.edu.vn/thong-bao/tin-khan-thong-bao-ve-tuyen-dung-vien-chuc-cong-tac-o-cac-don-vi-su-nghiep-cong/ct/41012/66965

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương