TS Phạm Đình Khang - GĐ Trung tâm Đào tạo hạt nhân:

"Việt Nam chưa xây dựng xong chương trình đào tạo ngành điện hạt nhân"

25/06/2013 13:56
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Vấn đề quan trọng nhất được đặt ra là: Đào tạo xong thì họ làm gì, ở đâu thì cái đó chưa được xác định rõ. Học ngành hạt nhân ra thường khó xin việc vì số cơ quan tuyển ngành này ít lắm. Ở Việt Nam chưa có nhiều cơ sở công nghiệp điện hạt nhân nên đa số sinh viên ra trường từ nay đến khi tuyển người vào làm ở cơ sở công nghiệp điện hạt nhân sẽ đi xin việc khác rất xa thứ được đào tạo".

Hơn 2 tháng trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo Định hướng nghề nghiệp ngành điện hạt nhân dành cho học sinh lớp 12 năm 2013 nhằm thu hút học sinh, sinh viên theo học ngành điện hạt nhân. Mục tiêu trước mắt chính là thu hút nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, dự án đang đi vào thực hiện của tỉnh Ninh Thuận.

Tuy nhiên, TS Phạm Đình Khang – Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa xây dựng xong chương trình đào tạo sinh viên ở ngành này.

TS Phạm Đình Khang - Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam).
TS Phạm Đình Khang - Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam).

Nhiều ưu đãi, vẫn khó hút sinh viên

Thưa TS Phạm Đình Khang, vừa qua Bộ Giáo dục và EVN đã phối hợp tổ chức hội thảo giới thiệu về chương trình đào tạo sinh viên ngành điện hạt nhân với rất nhiều chính sách ưu đãi. Là một chuyên gia ở lĩnh vực này, ông có thể chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi của chương trình lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam?

TS Phạm Đình Khang: Tôi phải nói thật là còn có rất nhiều khó khăn và nhiều việc cần phải làm. Do số chuyên gia là người Việt Nam ở lĩnh vực này đang làm việc trong nước không nhiều nên kết quả đã đạt được cũng rất ít. Nhưng có một lý do cơ bản là chúng ta chưa xây dựng được quy hoạch số người và chuẩn nghề nghiệp với số liệu đáng tin cậy nên các trường đại học phải mò mẫm xây dựng khung chương trình đào tạo.

Riêng ngành hạt nhân và chung cho các ngành khác, sự "đặt hàng" cho Bộ GD&ĐT quá mờ nhạt nên Bộ GD&ĐT hay đúng hơn là các trường chẳng biết đường nào mà thiết kế, quy hoạch chương trình đào tạo (và sinh viên thất nghiệp nhiều là tất nhiên).

Vừa rồi, trong đoàn công tác mà anh nhắc đến, có ý kiến đánh giá hiệu quả về việc vận động các em học sinh từ phổ thông vào học các ngành hạt nhân. Chính sách ưu đãi của Nhà nước thì đã nói rõ tại hội thảo: Được miễn học phí, được ở ký túc xá có nhiều tiện nghi, được hỗ trợ sinh hoạt phí, hỗ trợ 2,5 lần lương tối thiểu với sinh viên đại học xếp loại học lực giỏi trở lên.

Những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc sẽ được thực tập tại những nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển, sau khi ra trường được làm việc ngay mà không cần qua thời gian thử việc... Tuy nhiên, nếu phân tích ra thì sẽ thấy: các em có học lực tốt, học trường chuyên lớp chọn và nhất là những em gia đình kinh tế khá giả hầu như không chọn ngành này.

Vì sao? ngành hạt nhân là ngành đòi hỏi sự bền bỉ và nỗ lực học tập, để trở thành kỹ sư hay chuyên gia đúng nghĩa của ngành hạt nhân, phải mất cỡ chục năm học tập và nghiên cứu mà không phải ai cũng thành công. 

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT) của nước ta đến năm 2020 cần khoảng 4.355 người, riêng lĩnh vực hạt nhân cần 2.850 người, trong đó, số cán bộ chuyên môn về công nghệ, an toàn lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) khoảng 1.600 người.

Đó là một rào cản mà tôi nghĩ là nhiều em không lựa chọn ngành này. Còn nếu học các ngành khác thì chỉ cần 4 – 5 năm là ra trường để giải quyết cấp thiết về đời sống. Phải nói rằng em nào thực sự đam mê ngành hạt nhân thì mới có đủ động lực phấn đấu và xin vào ngành.

Thưa ông, với tình hình hiện tại, nếu tuyển chọn các em đang học ngành Vật lý hoặc các ngành đào tạo có liên quan tới năng lượng nguyên tử thì sẽ rút ngắn được thời gian đào tạo?

TS Phạm Đình Khang: Đúng là có thể tuyển chọn ngay sinh viên đang học tại các khoa Vật lý hoặc các ngành đào tạo liên quan tới năng lượng nguyên tử, chứ không nhất thiết cứ phải tuyển từ phổ thông.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất được đặt ra là: Đào tạo xong thì họ làm gì, ở đâu thì cái đó chưa được xác định rõ. Học ngành hạt nhân ra thường khó xin việc vì số cơ quan tuyển ngành này ít lắm.

Ở Việt Nam đã có cơ sở công nghiệp điện hạt nhân nào đâu nên đa số sinh viên ra trường từ nay đến khi tuyển người vào làm ở cơ sở công nghiệp điện hạt nhân sẽ đi xin việc khác rất xa thứ được đào tạo.

Cảnh báo lãng phí từ nguồn kinh phí 3000 tỷ đồng

Thưa ông, kỳ thi đại học năm 2013 đã đến gần, vậy bây giờ công tác chuẩn bị tuyển sinh và chương trình đào tạo đã triển khai đến đâu?

TS Phạm Đình Khang: Các trường bây giờ mới bắt đầu khởi động xây dựng chương trình  đào tạo. Chúng ta đều biết là có 6 cơ sở đào tạo đại học ngành này đó là 2 Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội và TP.HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực và Đại học Đà Nẵng, nhưng hiện tại để có được chương trình giảng dạy cũng không dễ.

6 cơ sở này có 13 tiến sĩ ngành hạt nhân, nhưng một nửa trong số ấy đang làm công tác quản lý , lại không có ai làm về công nghệ hạt nhân. Vậy thì thiết kế chương trình đào tạo để phát triển điện hạt nhân với họ là vấn đề "hơi nặng".

Chúng ta đều thấy rằng, đầu tiên phải tìm đúng được nhóm chuyên gia thì mới ra được bản thiết kế chương trình đúng. Tôi tin là với lực lượng chuyên gia hiện nay của Việt Nam thì hoàn toàn có thể làm được một chương trình phù hợp với nhu cầu đào tạo.

Điện hạt nhân được xác định là một trong những lĩnh vực phát triển trong tương lai tại Việt Nam. Ảnh minh họa.
Điện hạt nhân được xác định là một trong những lĩnh vực phát triển trong tương lai tại Việt Nam. Ảnh minh họa.

Chúng ta lấy đâu ra giảng viên chuyên ngành để đào tạo hàng nghìn sinh viên như thế? Có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, dù mục đích của chương trình đúng đắn, nhưng nếu triển khai kém có thể sẽ cho “ra lò” một loạt sinh viên chất lượng kém, sau đó lại đưa đi đào tạo nước ngoài để “lấp kiến thức” thì sẽ vô cùng tốn kém?

TS Phạm Đình Khang: Chương trình như thế nào và khi nào mới chính thức đưa vào áp dụng thì phụ thuộc vào các trường đại học và Ban chỉ đạo quốc gia. Còn những lo ngại về việc có thể sẽ đào tạo ra những sinh viên năng lực không đáp ứng được nhu cầu là hoàn toàn có thể xảy ra, bởi vì chương trình đào tạo chỉ là một khâu, còn chuẩn bị giảng viên, tài liệu giảng dạy và trang thiết bị thực hành... mà trong đó chuẩn bị giảng viên và tài liệu giảng dạy là khâu tốn thời gian nhất.

Theo như phân tích từ thực tế của tôi, chuẩn bị 1 giảng viên từ khi tốt nghiệp đại học đến khi dạy tốt thì

Hiện tại, nước ta mới có 792 cán bộ có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Các trường đào tạo lĩnh vực này hàng năm đều tuyển sinh thiếu chỉ tiêu.
nhanh cũng mất 5 năm. Chương trình đào tạo nếu làm theo kiểu của Nga là do Bộ GD&ĐT phê duyệt cũng tốn thời gian. Các chương trình đào tạo thì các trường chuẩn bị nhiều lần rồi và phải làm lại, nhưng phân tích, đánh giá và cố gắng đưa sát về yêu cầu thực tiễn của điện hạt nhân thì có lẽ Đại học Đà Lạt làm nhiều nhất và sẽ đến đích nhanh nhất.

Chúng ta còn xoay trở kịp vì 2 năm đầu, sinh viên chưa học ngay về khoa học và công nghệ hạt nhân. Và sự đào tạo phải đồng bộ với chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử nên đào tạo sinh viên thế nào dù có lo thì cũng chưa đáng lo bằng chuẩn bị đội ngũ chuyên gia, đội ngũ giảng viên.

Giai đoạn hiện nay cũng chưa nên đào tạo nhiều mà phải chọn lọc những người có tố chất để làm giảng viên, nhà nghiên cứu giỏi. Chúng tôi cũng có dự kiến xây dựng ngân hàng đề thi xét tuyển người từ đội ngũ sinh viên đã tốt nghiệp cho ngành. Hệ thống thông tin này sẽ trợ giúp cho các trường trong việc đào tạo, cho Ban chỉ đạo trong việc đánh giá và điều chỉnh hoạt động của các trường.


Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng đang chuẩn bị huấn luyện về phương pháp giảng dạy cho các cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên góp phần hỗ trợ đào tạo. Chắc chắn là phải xây dựng 1 nhóm chuyên gia biết về quản lý nhà nước, biết về đào tạo, biết về khoa học và công nghệ hạt nhân để cố vấn cho Ban chỉ đạo.

Việc sử dụng các hội đồng khoa học xem xét có ý kiến không có hiệu quả bằng nhóm cố vấn này vì các hội đồng dù nhiều người giỏi nhưng trước vụ việc, họ ít suy ngẫm như trách nhiệm nhóm cố vấn, sau khi họp xong là họ quên luôn. Do trách nhiệm ít hơn nên hiệu quả cũng ít hơn.

Cuối cùng, tôi khẳng định việc cấp khoản kinh phí 3000 tỷ cho chuẩn bị nhân sự là một chủ trương đúng, nhưng nếu không xác định được mục tiêu cụ thể phù hợp các nhiệm vụ từng giai đoạn và chương trình đào tạo tương ứng thì sẽ dẫn tới tình trạng vừa đi vừa dò đường, sẽ gây ra tốn kém và lãng phí không lường trước được.

Ngọc Quang (Thực hiện)