Việt Nam bị đánh giá thấp về năng lực Anh ngữ là điều không bất ngờ

17/12/2019 06:09
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài
(GDVN) - Cách đào tạo tiếng Anh còn nhiều bất cập là một trong những lí do khiến năng lực ngoại ngữ của Việt Nam chỉ ở mức thấp.

Năng lực tiếng Anh của Việt Nam xếp ở mức thấp

Vừa qua, tổ chức EF (Education First) đã xếp hạng năng lực Anh ngữ cho 100 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2019. [1], [2]

Theo đó, trang EF.com thông tin, Việt Nam chỉ đứng thứ 52 với 51,57 điểm, xếp hạng ở mức thấp.

Theo bảng xếp hạng này, những quốc gia lọt tốp 5 ở mức rất cao lần lượt là: Hà Lan (70,27 điểm), Thụy Điển (68,74 điểm), Na Uy (67,93 điểm), Đan Mạch (67,87 điểm), Singapore (66,82 điểm).

Đáng chú ý, Singapore được đánh giá “vô cùng thông thạo tiếng Anh” kèm theo những thông số về đất nước này như: GNI bình quân đầu người 41,049,32$; mức độ sử dụng Internet 84,0%; số năm đào tạo trung bình 11,5 năm; dân số 5.888.926 người.

Cũng theo bảng xếp hạng, một nước được đánh giá “vô cùng thông thạo Anh ngữ” là người dân nước đó hiểu được sắc thái của ngôn ngữ, có thể đọc hiểu dễ dàng những tài liệu khó và nói chuyện lưu loát bằng tiếng Anh với người bản ngữ.

Trong khi đó, Việt Nam được xếp hạng 52 trên toàn cầu (ở mức thấp) và hạng 10 so với 25 nước/khu vực ở châu Á.

Kết quả này được EF phân tích từ điểm thi của 2,3 triệu người trưởng thành đã làm bài kiểm tra tiếng Anh của tổ chức này trong năm 2018 để xếp hạng.

Việt Nam được xếp hạng 52 trên toàn cầu (ở mức thấp) và hạng 10 so với 25 nước/khu vực ở châu Á.
Việt Nam được xếp hạng 52 trên toàn cầu (ở mức thấp) và hạng 10 so với 25 nước/khu vực ở châu Á.

Giáo viên tiếng Anh nói gì?

Thầy N.T.L, giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, thầy không bất ngờ với bảng xếp hạng của EF.

(Thầy L. là một trong 10 giáo viên tiếng Anh thi đỗ FCE B2 Khung Châu Âu của Hội đồng thi Đại học Cambridge tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014. Kì thi này có 210 giáo viên tiếng Anh các cấp trên địa bàn thành phố tham dự và chỉ đỗ 10 người).

Chứng chỉ FCE B2 Châu Âu
Chứng chỉ FCE B2 Châu Âu

Theo thầy L., giáo viên tiếng Anh hiện nay còn nhiều yếu kém từ phổ thông đến đại học. Cùng với đó, cách đào tạo ngoại ngữ này cũng nhiều bất cập, khiến năng lực tiếng Anh của chúng ta chưa được cải thiện rõ nét.

Thầy L. kể, trường thầy có 14 giáo viên dạy tiếng Anh, nhưng giao tiếp tốt thì chỉ có 2 người.

Thầy L. cho biết, giáo viên trường mình yếu hai kĩ năng nói và viết vì mức độ sử dụng (nói và viết) không thường xuyên nên thiếu phản xạ, mặc dù nắm vững ngữ pháp.

“Giáo viên viết cũng chỉ quanh đi quẩn lại tập trung vào từng chủ điểm ngữ pháp trong chương trình phổ thông, nên có thế mạnh về việc hoàn thành một câu đúng ngữ pháp, nhưng để viết một bài văn hay bài luận dài với nhiều dẫn chứng, lập luận liên kết là chịu.

Những tiết ra chơi hay tiết trống, tôi cũng không thấy thầy cô nói chuyện với giáo viên bản ngữ, có thể họ sợ nói sai (phát âm không chuẩn)”, thầy L. nêu thực trạng.

Cùng quan điểm, thầy V.Đ.H, tổ trưởng tổ Ngoại ngữ của một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, nhìn chung giáo viên chỉ nói chuyện với người bản ngữ ở mức “giao tiếp” thông thường.

Còn khi đề cập đến một chủ đề nào đó, có tính chuyên sâu, thầy cô gặp rất nhiều khó khăn vì không đủ kiến thức, không đủ vốn từ.

Bàn về việc dạy tiếng Anh ở các trường đại học, thầy N.T.L. nói thêm, việc dạy tiếng Anh tại các trường đại học không chuyên ngoại ngữ, ít có trường nào có giáo trình bài bản, hệ thống.

Vì sao khó giữ chân được giáo viên tiếng Anh ở các thành phố lớn?
Vì sao khó giữ chân được giáo viên tiếng Anh ở các thành phố lớn?

Thầy L. dẫn chứng, một trường đại học có tiếng (có cơ sở 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh) mà đào tạo tiếng Anh thương mại còn yếu và thiếu, trong khi đa phần sinh viên có đầu vào tốt, đặc biệt là thí sinh khối D (thầy L. đã từng học trường này 2 năm – tác giả).

Ngoài ra, theo tìm hiểu của thầy L., các ngành như Luật, Kinh tế, Kĩ thuật, Công nghệ… của một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng có chung tình cảnh (đào tạo) như thế.

Thầy L. phân tích, giáo viên dạy tiếng Anh chuyên ngành của một số trường đại học, nhiều thầy cô xuất thân từ ngành khác (chẳng hạn như Sư phạm tiếng Anh), nhưng khi về làm việc tại các trường đại học thì đa số họ tự học tiếng Anh chuyên ngành để phục vụ cho công việc.

“Nhưng đó là sự cố gắng từ nỗ lực của bản thân là chủ yếu, chứ có mấy ai được đào tạo từ trường lớp căn cơ, bài bản nên cũng khó đòi hỏi những sản phẩm đào tạo ra có chất lượng”, thầy L. nêu quan điểm.

Thầy L. nhận thấy, hầu hết các trường đại học đều yếu và thiếu giáo viên dạy tiếng Anh chuyên ngành, một lượng kiến thức quan trọng phục vụ công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Nên đa số các trường đều cho các sinh viên tự tích luỹ, hay nói cách khác là tự tìm cách tiếp cận một lượng kiến thức chuyên ngành quan trọng mà lẽ ra trường/ngành của họ phải có trách nhiệm đào tạo.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến năng lực tiếng Anh của Việt Nam ở mức thấp.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.ef.com.vn/epi/

[2] //www.ef.com.vn/__/~/media/centralefcom/epi/downloads/full-reports/v9/ef-epi-2019-vietnamese.pdf

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài