Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức

02/04/2017 06:22
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Hy sinh giáo dục vì kinh tế ngắn hạn sẽ đẩy đất nước tụt hậu nhanh chóng mà không thể phục hồi, dù là dưới góc độ về kinh tế hoặc về nhân lực trình độ cao.

LTS: Là một nghiên cứu về giáo dục Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ một số điều mà chính phủ Mỹ gặp phải khi cắt giảm chi phí cho giáo dục đào tạo.

Qua đó, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực tri thức cũng như phát triển đào tạo nghề tại Việt Nam nhằm phát triển kinh tế đất nước.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trong năm 2016, Ngân hàng thế giới (World Bank) và Chính phủ Việt Nam đã ban hành một Báo cáo Việt Nam 2035 (*), hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ, trong đó nêu ra các chính sách và đường lối phát triển cho Việt Nam. 

Là người nghiên cứu về giáo dục và quốc tế hóa giáo dục, tôi quan tâm đến chiến lược phát triển Việt Nam 2035 dưới góc độ về phát triển giáo dục và qua đó, phát triển nhân lực có tri thức cao nhằm thúc đẩy khả năng hướng đến phát triển kinh tế với tiêu chí Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ như trên.

Khát vọng Việt Nam 2035. (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô)
Khát vọng Việt Nam 2035. (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô)

Xin được chia sẻ một số kinh nghiệm của Mỹ dựa trên một Báo cáo 2016 của Gallup với tiêu đề “Không phục hồi, những phân tích về việc suy giảm tính hiệu quả của Mỹ trong dài hạn” (“Báo cáo Gallup”) [1], với hy vọng có thể đưa ra một số góc nhìn mới cho những kế hoạch phát triển Việt Nam đến 2035.

I – Những cái giá phải trả cho sự lựa chọn phát triển kinh tế mà không cân bằng với giáo dục và phát triển nguồn nhân lực tri thức – Bài học từ Mỹ 

Trong nhiều thập kỷ liên tiếp sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ luôn là đất nước được xếp hạng cao nhất với vai trò tăng trưởng kinh tế, kỹ thuật, nhân lực. 

Có vẻ như điều này là “từng” như Thomas Friedman viết trong cuốn sách nổi tiếng của mình “Từng là như vậy” [2] và nó được phân tích khoa học và thuyết phục trong báo cáo Gallup với những lý do sau đây (liên quan đến giáo dục và nguồn nhân lực):

1. Chi phí giáo dục, một trong ba vấn đề nghiêm trọng của nước Mỹ, khi cùng với sức khỏe và nhà cửa đang chiếm đến 36% chi phí của toàn dân. 

Nợ cho giáo dục của người học ở Mỹ đã lên tới 1.300 tỷ đô la Mỹ và sẽ tiếp tục tăng khi tiền học ngày càng tăng, trong khi việc làm và tiền lương không tăng tương ứng.

Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức ảnh 2

Việt Nam - giấc mơ 2035

2. Chi phí giáo dục tăng cao nhưng nó không phản ánh được chất lượng tương ứng, khi tỷ lệ người học bỏ học vẫn chiếm hơn 50% (cho cấp cử nhân), 39% (cho cấp cao đẳng) [3] và tỷ lệ cao hơn nữa cho cấp sau đại học.  

Người có bằng đại học cũng thất nghiệp do ngày càng khó khăn trong cạnh tranh ở Mỹ và trên thế giới.  

Điều này đang đặt ra câu hỏi về việc đại học không còn là điều đảm bảo công việc, đặc biệt khi tự động hóa ngày càng gia tăng trong công nghiệp cần nhiều lao động, gồm cả những việc trong môi trường giáo dục. 

Lấy ví dụ, đa số trợ giảng ở đại học hiện tại đang lĩnh lương tối thiểu theo tháng và có hợp đồng lao động theo từng năm, số giáo sư trọn đời đang được giảm rất lớn. 

Hầu hết các giáo sư và nhân sự ở đại học rất quan ngại về hệ thống chất lượng dạy và học, bởi tác động của suy giảm mức lương, thời gian làm việc, ngân sách nghiên cứu và đó chính là những nguyên nhân dẫn đến, mặc dù chi phí giáo dục tăng cao, chất lượng giáo dục suy giảm ở tất cả các cấp.

3. Trong 30 năm qua, 40% người trung lưu (có thu nhập khá) đã bị phân hóa và chuyển xuống là người có thu nhập trung bình, với mức lương tối thiểu.  

Bất bình đẳng trong thu nhập đang là vấn nạn cho việc phát triển năng lực nhân lực cao cho Mỹ [4], do không thể chi trả tiền học cao hơn (sau phổ thông), và do lương giáo viên thấp, không thu hút được giáo viên với chất lượng tốt, chất lượng dạy và học kém cũng làm suy giảm năng lực nhân lực lao động tốt nghiệp cấp 3. 

Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức ảnh 3

Cuộc chiến trong chính sách giáo dục Mỹ

Với chất lượng học không đáp ứng đa phần nhu cầu của thời đại công nghệ cao, tỷ lệ thất nghiệp càng cao và ảnh hưởng đến những chính sách hỗ trợ hay trợ cấp của nhà nước, chi phí cho đào tạo lại và chi phí cho tạo công ăn việc làm cho những lao động không có trình độ tương ứng.

Lấy một ví dụ về ngân sách của chính quyền Trump đang dự kiến cho giáo dục 2017-2018: dự kiến cắt 9 tỷ đô la Mỹ cho toàn bộ hệ thống giáo dục (giảm 13% so với 2016-2017).

Trong đó, chỉ trừ ngân sách hỗ trợ cho người khuyết tật và cho cựu chiến binh, tất cả các chương trình hỗ trợ của liên bang cho học sinh và giáo viên bị cắt giảm, với lý do không có tính hiệu quả (mặc dù không hề trích dẫn được bất kỳ nghiên cứu khoa học nào). 

Điều này gây phẫn nộ cho toàn bộ hệ thống giáo viên và nhà trường Mỹ. Nó được coi là một vi phạm nghiêm trọng quyền được học có chất lượng của học sinh, tính dân chủ trong hệ thống quản trị nhà nước và ít nhất, đảm bảo tương lai thịnh vượng và thành công cho các thế hệ tương lai của Mỹ.  

Báo cáo của Gallup đã chỉ rõ tính quan hệ chặt chẽ giữa đầu tư vào giáo dục và phát triển kinh tế, phát triển đất nước, khi so sánh giai đoạn hiện nay với những năm 1970. 

Vấn đề là các chính trị gia, chính phủ đã lựa chọn con đường nào cho phát triển: tăng trưởng kinh tế ngắn hạn hay đầu tư dài hạn cho giáo dục chất lượng cao để tạo phát triển dài hạn và bền vững cho đất nước, cho số đông người học hôm nay và là số đông người lao động ngày mai. 

Có lẽ tiêu đề “Không phục hồi” mà Gallup đặt tên báo cáo là một quan điểm cho tương lai dài hạn của nước Mỹ khi chính phủ Mỹ lựa chọn và tiếp tục cắt giảm ngân sách cho giáo dục như hiện nay?

II – Việt Nam 2035 – Chính sách giáo dục nào cho phát triển kinh tế Việt Nam bền vững?

Trong Báo cáo Việt Nam 2035, rất nhiều nội dung về phát triển kinh tế đã được bàn đến và cách chúng ta sẽ phát triển, một cách bền vững và sáng tạo. 

Như tác giả của bài viết “Việt Nam - Giấc Mơ 2035” [5] đã đặt câu hỏi, giáo dục đang ở đâu trong bản báo cáo này? 

Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức ảnh 4

Vay 77 triệu đô la Mỹ cho đổi mới giáo dục Phổ thông và Quyền được thông tin

Hay nói một cách thẳng thắn, chúng ta sẽ phát triển kinh tế Việt Nam bền vững và sáng tạo, bởi ai? Những người có nền giáo dục và tri thức nào?  

Trong Báo cáo Việt Nam 2035, tác giả “Việt Nam - Giấc Mơ 2035” cho rằng báo cáo này có lẽ chỉ là giấc mơ, bởi “trong 160 trang của Báo cáo, phần dành cho giáo dục chỉ chiếm một dung lượng rất khiêm tốn, khoảng 3 trang từ giữa trang 77 đến đầu trang 80. 

Nhìn vào thành phần tham gia soạn thảo Báo cáo, chỉ có duy nhất một cựu Thứ trưởng giáo dục là ông Bành Tiến Long, số còn lại phần lớn là chuyên gia kinh tế, ngân hàng và vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Giáo dục không được quan tâm đúng mức trong Báo cáo”.  

Nghĩa là không có thật lòng coi trọng giáo dục như một phương tiện quan trọng để phát triển Việt Nam, một sự thật đã và đang được minh chứng qua hơn 20 năm qua, bất chấp từ ngữ đẹp đẽ nào chúng ta đang viết ra.

Chúng ta không thể trách Ngân hàng thế giới về thực tế này, mặc dù tương lai gần của 2017 là:

1. Dự án Đổi mới Giáo dục Phổ thông là tiền vay 77 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng thế giới [6]

2. Dự án nâng cao năng lực dạy học của giáo viên là tiền vay 100 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng thế giới [7]

Và có rất nhiều dự án khác mà nhờ có Ngân hàng thế giới, chúng ta có tiền để thực hiện nghiên cứu và thực hiện cải cách giáo dục từ những năm 1990 đến nay.  

Nhưng hiệu quả của những dự án tương tự như vậy trong quá khứ 20 năm qua là gì? Những bài học gì từ quá khứ cho những dự án tương lai là gì? Có lẽ mọi thứ đều chưa rõ ràng.

Câu hỏi cho giáo dục Việt Nam không chỉ cho Ngân hàng thế giới, mà câu hỏi chính sách giáo dục nào cho phát triển Việt Nam phải được những lãnh đạo của Việt Nam đưa vào Báo cáo Việt Nam 2035 như thế nào? 

Liệu năng lực làm chiến lược phát triển đất nước chúng ta chỉ chú trọng vào kinh tế (như 20 năm qua?), và bỏ qua phát triển giáo dục, bỏ qua gìn giữ và phát triển văn hóa Việt, nền tảng của một xã hội văn minh và tử tế?

Có nhiều chỉ dấu khi xem xét đến hạn chế lớn của phát triển Việt Nam đã dẫn đến một nguyên nhân cơ bản là do hạn chế tầm nhìn.  

Chúng ta hiện mới đang dừng ở mức nhìn nhận những vấn đề, chủ đề do các tổ chức quốc tế đưa ra, nhưng để “nội địa” hóa, để tìm ra giải pháp cho thị trường nội địa thì không hề dễ dàng, nhất là khi các dự án đều không dựa trên nền tảng nghiên cứu từ nhu cầu thực tế.

Chính vì vậy, thực tế giáo dục và dạy nghề ở Việt Nam hiện đang chứng minh là vấn đề không dừng ở những báo cáo, những thứ hạng quốc tế hay khu vực.

Phát triển bền vững một đất nước được đo lường rất cụ thể, xuất phát từ nền tảng phát triển của con người, thông qua chất lượng giáo dục họ được hưởng và năng suất lao động, khả năng tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ mà người lao động được học tập và có tri thức đóng góp. 

Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức ảnh 5

Chúng ta đang không thể chỉ ra đâu là con đường cho giáo dục tương lai

Người Việt Nam đang tụt hậu xa so với những nước xung quanh chúng ta như Lào, Campuchia, và rất gần, sẽ là Myanmar.

Với thực tế về năng suất lao động của Việt Nam chính thức thấp hơn Lào [6] trong giai đoạn sau 2010, tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo là đa số (trên 60%), và ở nông thôn, lao động chưa qua đào tạo lên tới trên 97%, chất lượng nhân lực của Việt Nam xếp hạng 11/12 nước ở châu Á [7], giáo dục cơ bản và đào tạo nghề phải trở thành một điều ưu tiên số 1 trong hoạt động phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt khi chính sách phát triển của Việt Nam đang dịch chuyển sang phát triển nông nghiệp chất lượng cao và du lịch [8].

III – Những kiến nghị chương trình cho Giáo dục và phát triển nhân lực tri thức

Cũng nhìn từ các học thuyết phát triển kinh tế của Mỹ, từ những nghiên cứu của Mỹ, “hiệu quả” (“productivity”) là từ quan trọng nhất trong quá trình phát triển kinh tế, phát triển nhân lực và xã hội.  

Với sự tụt hậu về giáo dục khá xa so với trình độ của thế giới và khu vực, với thực tế của xếp hạng nhân lực 11/12 ở châu Á, chúng ta không có lựa chọn nào khác về việc chúng ta cần có một kế hoạch phát triển giáo dục (nói chung) và nhân lực có tri thức, để đáp ứng nhu cầu phát triển của một kinh tế tri thức và một nền kinh tế công nghệ 4.0 đang tới. 

Dựa trên nền tảng và xuất phát điểm thấp, xin gửi một số kiến nghị cho Chính phủ và các tổ chức có liên quan, nhằm phát triển một kế hoạch tổng thể về phát triển nhân lực như sau:

1. Giáo dục cần được xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể, bao gồm quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề và giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và sau đại học, bởi một Hội đồng cải cách giáo dục quốc gia gồm những chuyên gia thạo nghề, có hiểu biết sâu sắc về hệ thống giáo dục và thực tiễn của các nước. 

Ý kiến này đã được đề xuất chi tiết trong bản kiến nghị của Giáo Sư Chu Hảo, Giáo sư Pierre [9] và nhiều bản kiến nghị về cải cách toàn diện giáo dục Việt Nam. 

Thực tế của “bỏ điểm sàn” trong giáo dục đại học và “teo tóp” giải thể trường nghề trong khi chưa có một nghiên cứu phát triển tổng thể nền giáo dục và phát triển nhân lực thực ra là một “khủng hoảng” nhìn thấy trước cho thị trường lao động của Việt Nam.

2. Tạm ngừng các chương trình cải cách giáo dục và dạy nghề, cho đến khi chúng ta xác định rõ định hướng ưu tiên phát triển đất nước sẽ đi theo hướng nào, phát triển công nghiệp, phát triển công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hay phát triển du lịch.  

Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức ảnh 6

"Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông"

Trong hơn 20 năm cải cách giáo dục, chúng ta bỏ qua một ý nghĩa quan trọng: giáo dục là để phục vụ phát triển đất nước, phát triển kinh tế.  

Vậy chúng ta đã có kế hoạch phát triển 2035 rồi, kế hoạch giáo dục tổng thể cho Việt Nam 2035 cần được xây dựng tương ứng và thực hiện nghiêm túc.

Bài học từ Mỹ cho 2 lần cải cách giáo dục năm 1970 và 1980, đó là buộc phải có 1 đội ngũ thạo việc thu thập dữ liệu cẩn thận từng địa phương, tổng kết và ghi nhận những vấn đề hiện hữu đang là rào cản cho phát triển giáo dục. 

Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục nhằm thúc đẩy và đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và đất nước đến 2035. 

Ở đây rất rõ là phát triển giáo dục và nhân lực cần được ưu tiên trước hoặc song song với kinh tế đất nước. 

Không thể đi ngược quy trình, vì như đã nhìn thấy hệ quả từ nhiều nước, hy sinh giáo dục vì kinh tế ngắn hạn sẽ đẩy đất nước tụt hậu nhanh chóng mà không thể phục hồi, dù là dưới góc độ về kinh tế hoặc về nhân lực trình độ cao.

3. Trong bối cảnh chính trị và kinh tế quốc tế đều là ẩn số, Việt Nam phải có lựa chọn phát triển giáo dục như một động lực phát triển nội lực và sử dụng như một mục tiêu ưu tiên để phát triển đất nước, thông qua phát triển nhân lực và giáo dục. 

Với những hạn chế về nguồn lực, cần có đánh giá và xem xét giáo dục như một đầu tư dài hạn và do những chuyên gia chuyên ngành, thạo việc và có sự hiểu biết về giáo dục Việt Nam và giáo dục quốc tế một cách sâu sắc. 

Những tư duy về chiến lược giáo dục mà chỉ tập trung vào lợi ích của hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc chỉ dành cho đào tạo nghề nên được loại bỏ. 

Những tư duy chỉ biết “copy và paste”, “franchise” chương trình nước ngoài vào Việt Nam cần được đánh giá kỹ, bởi giáo dục không phải chỉ là copy và paste, năng lực người học, văn hóa học và bối cảnh xã hội đòi hỏi người làm chính sách và chiến lược dài hạn những hiểu biết và phân tích sâu sắc hơn là những tư duy dễ dãi khi chỉ mong mang một số chương trình nước ngoài về để điền vào chương trình Việt Nam dưới mác “quốc tế hóa” chương trình.  

Để thực hiện hiệu quả được vấn đề giáo dục và nhân lực, kinh nghiệm quốc tế rất quý, và cần được diễn giải ở “địa phương Việt Nam”, chi phí Việt Nam, người học Việt Nam và để thỏa mãn thị trường Việt Nam, khu vực và quốc tế, đi cùng với nghiên cứu khoa học về bất kỳ đề xuất cải cách hay đề án phát triển giáo dục nào, từ này đến 2035.

Mong là Báo cáo Việt Nam 2035, không chỉ là phát triển kinh tế, mà cùng với phát triển giáo dục và nhân lực, chúng ta sẽ biến giấc mơ thành hiện thực.

Tài liệu tham khảo:

(*)http://www.thesaigontimes.vn/142779/Bao-cao-Viet-Nam-2035-tong-quan-ban-tieng-Viet.html

[1] http://www.gallup.com/reports/198776/no-recovery-analysis-long-term-productivity-decline.aspx

[2] http://www.nytimes.com/2011/10/03/books/that-used-to-be-us-by-friedman-and-mandelbaum-review.html

[3] https://www.theatlantic.com/education/archive/2016/07/why-do-so-many-graduate-students-quit/490094/; https://nces.ed.gov/fastfacts/display.asp?id=40

[4] https://ed.stanford.edu/news/darling-hammond-releases-flat-world-and-education

[5] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Viet-Nam--giac-mo-2035-4-Giao-duc-nam-o-dau-post171871.gd

[6] http://www.baomoi.com/toc-do-tang-nang-suat-lao-dong-viet-nam-da-thap-hon-lao/c/21800571.epi

[7] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tren-97-lao-dong-nong-nghiep-chua-qua-dao-tao-nghe-926410.tpo; http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2016-01-18/dao-tao-nghe-doi-moi-de-khong-bi-tut-hau-27975.aspx

[8] http://thanhnien.vn/kinh-doanh/100000-ti-dong-ho-tro-nong-nghiep-cong-nghe-cao-787957.html

[9] http://tiepthithegioi.vn/loi-song/van-hoa/dien-tu-nhan-giai-phan-chau-trinh-cua-gs-pierre-darriulat/

Nguyễn Thị Lan Hương