Viên chức ngành nào chả phải có chứng chỉ chức danh, sao mỗi giáo viên kêu?

12/03/2021 06:30
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mọi viên chức đều phải có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phù hợp với hạng viên chức, chức danh nghề nghiệp mà mình đang làm, chứ không riêng giáo viên.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã được quy định trong Luật Viên chức 2010, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Như vậy, mọi viên chức của nước ta đều phải có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phù hợp với hạng viên chức, chức danh nghề nghiệp mà mình đang làm, chứ không riêng giáo viên.

Thế nhưng, trên dư luận hiện nay, chỉ có mỗi giáo viên lên tiếng đề nghị bỏ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp!

Ảnh chụp màn hình, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Ảnh chụp màn hình, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Giáo viên học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp còn biết hệ thống quản lý nhà nước!

Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia cho hay "Nếu nói là biết rồi không cần phải qua những lớp bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp nữa là chủ quan. Anh là giáo viên dạy giỏi, dạy tốt nhưng vẫn phải yêu cầu chuẩn các điều kiện về vị trí việc làm.

Giáo viên nghĩ rằng hàng ngày lên lớp dạy Văn-Toán-Lý-Hóa... đảm bảo đủ kiến thức và dạy giỏi là được rồi.

Nhưng ở vị trí của người giáo viên, họ phải biết được hệ thống quản lý nhà nước là gì? Hệ thống mà anh đang làm việc tại nhà trường “dọc ngang" thế nào?

Khi cần thiết thì phải biết những cơ quan nào liên quan đến cơ quan nào? Cái này không thể nói là không cần thiết. Không thể nói làm một giảng viên, một giáo viên của hệ thống ấy lại không biết và nếu không được đào tạo thì không thể biết được". [1]

Có phải học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không được gì, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục?

Lấy ví dụ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng Tiểu học hạng II có 10 chuyên đề phải học, đó là:

Chuyên đề 1: Lí luận về nhà nước và hành chính nhà nước; Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo;

Chuyên đề 3: Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường; Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường;

Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên; Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh;

Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường; Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên;

Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.

Nội dung của 10 chuyên đề trên nếu được đào tạo bài bản, học hành nghiêm túc, không thể nói không có tác dụng nâng cao chất lượng công tác cho mỗi giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại sao giáo viên lại muốn bỏ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?

Thứ nhất, ngành giáo dục còn thiếu, còn yếu trong công tác truyền thông nội bộ, chưa tuyên truyền thấu đáo nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật khác nói chung.

Thứ hai, đại đa số giáo viên muốn bỏ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không biết Luật quy định giáo viên nói riêng, viên chức nói chung phải có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, cứ nghĩ chỉ có ngành mình mới có quy định này.

Thứ ba, giáo viên phải tự bỏ tiền túi để học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, trong khi đó thu nhập còn eo hẹp, cuộc sống còn khó khăn.

Thứ tư, công tác đào tạo Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thiếu nghiêm túc, người dạy muốn dạy ít, rút ngắn thời gian để có thu nhập cao; kiểm tra đánh giá không trung thực, cứ có tiền đóng đủ là có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp học online chỉ có “Thời gian học khoảng 8 buổi, mỗi buổi học 2 tiếng rưỡi. Giảng viên mỗi lần giảng cho khoảng 3 lớp, mỗi lớp 100 học viên. Tuy nhiên, một số thầy cô giáo nói rằng chỉ đăng nhập vào lớp học và để cho máy tự nói, còn mình đi làm việc khác, hết giờ sẽ điểm danh xem như đã học đầy đủ.

Cuối khóa học, giáo viên làm một bài thu hoạch nộp về nơi tuyển sinh. Ai không muốn làm sẽ có dịch vụ làm hộ, giá cho một bài làm là 100 ngàn đồng.

Khóa học kết thúc, ai cũng nhận được tấm giấy chứng chỉ có dấu đỏ dù vẫn thấy xót vì tiếc số tiền bằng hơn nửa tháng lương giáo viên mới ra trường” lời tự sự của một học viên. [2]

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ có thể mua bán dễ giàng, nên các loại chứng chỉ trên phản tác dụng, không như mong muốn ban đầu của các nhà hoạch định chính sách.

Chính việc tiêu cực trong dạy và thi Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã vô hình trung làm giáo viên có tâm lý Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là vô ích, mua cho xong, bỏ đi là tốt nhất.

Thứ năm, thời điểm học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không phù hợp, hành nghề hàng chục năm, sắp về hưu mới học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, đã gây tâm lý ức chế cho người học.

Thứ sáu, nội dung học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được cho là trùng lặp với 1 số nội dung Bồi dưỡng thường xuyên, đặc biệt là học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III, gây tâm lý chán học, ngại học cho giáo viên.

Không muốn học, không hứng thú, học sinh sẽ phá phách trong giờ học, còn giáo viên đề nghị bỏ học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là điều dễ hiểu.

Đôi điều kiến nghị

Thứ nhất, giáo viên đã công tác trong ngành được miễn lệ phí học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III.

Thứ hai, lược bỏ kiến thức trùng lặp Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và Bồi dưỡng thường xuyên. Nội dung học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III ngắn gọn, thiết thực.

Thứ ba, đưa nội dung học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III vào trường Sư phạm coi như một tín chỉ, với giáo sinh chưa học chứng chỉ này sẽ được đào tạo trước khi dạy học, tránh gây tâm lý ức chế đã hành nghề rồi mới bắt học chứng chỉ hành nghề.

Thứ tư, ngành giáo dục phải có bộ phận truyền thông, kịp thời giải đáp, tuyên truyền pháp luật đến nhà giáo, đưa pháp luật vào cuộc sống cho mỗi giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://toquoc.vn/giao-vien-hoc-chung-chi-nghe-nghiep-de-con-biet-he-thong-quan-ly-nha-nuoc-20210310101740564.htm

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-vai-trieu-dong-hoc-chung-chi-phong-than-con-hon-bi-tut-hang-giam-luong-post216099.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai