Vì sao việc xử lý học sinh vi phạm giao thông chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa"

12/03/2014 14:50
Xuân Trung
(GDVN) - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, thực tế trong trường ý thức các em rất tốt nhưng cứ khi ra khỏi trường là ý thức kém.
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải hình ảnh nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia điều khiển xe gắn máy ở hai trường THPT Việt Đức và THPT Trương Định (Hà Nội), nhiều người cho rằng, đó là do ý thức của chính các em, mặc dù nhà trường cũng đã có nhiều biện pháp để giáo dục, răn đe. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, thực tế trong trường ý thức các em rất tốt nhưng cứ khi ra khỏi trường là ý thức kém, vấn đề này rất khó.

Ông Bình cũng khẳng định, nhà trường trước đó đã phối hợp với cha mẹ học sinh làm cam kết đủ kiểu, ngoài ra, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động về an toàn giao thông đường bộ nhưng các em cứ như vậy. 

Tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy ngày càng nhiều. Ảnh Trần Kháng chụp tại Hà Nội.
Tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy ngày càng nhiều. Ảnh Trần Kháng chụp tại Hà Nội.

Trường cũng từng có những biện pháp đánh vào hạnh kiểm. Những học sinh mà vi phạm lần thứ nhất bị xếp loại hạnh kiểm trung bình, lần thứ hai hạnh kiểm yếu, bằng những biện pháp đó nhưng học sinh vẫn chưa ý thức được, hoặc chưa sợ.

Ông Bình cho rằng, nếu học sinh bị bắt ở ngoài đường trường phải phối hợp với công an, UBND phường. Nhà trường hằng năm đều có ký cam kết với bãi gửi xe không trông xe máy cho học sinh, nhưng rồi cũng vì lý do này kia mà họ vẫn nhận.

Mặc cho trường có nhiều động thái tích cực để quán triệt, xử lý hiện tượng học sinh không đội mũ và đi xe máy, nhưng chỉ được một thời gian làm mạnh rồi sau đâu vẫn vào đó:

“Thường xuyên làm mạnh thì chúng tôi không đủ sức để làm, vấn đề này phải kết hợp với các ban ngành, trường TPHT Việt Đức là một trong những trường điểm về an toàn giao thông, nhưng trọng tâm của nhà trường là giáo dục, trong đó có cả giáo dục an toàn giao thông, thậm chí trường có cả ban chụp ảnh những học sinh vi phạm để xử lý.

Nhưng không phải lúc nào cũng làm được cái đó, chỉ cần xao nhãng là y như rằng học sinh lại đâu vào đấy” ông Bình than thở.

Hiện tượng này ông Bình cho rằng đó là tình trạng chung, thậm chí có học sinh cách trường vài trăm mét cũng đi xe máy, nhà trường chỉ nhắc nhở các em, nếu vi phạm mà bị bắt thì bị kỷ luật.

“Bản thân tôi phải ra tận bãi xe để bắt nhưng sau đâu vẫn vào đó vì, học sinh lại gửi xe máy ở những chỗ xa. Đầu năm nào cũng bắt bố  mẹ các em ký cam kết nhưng các em viện lý do nọ kia để được đi xe máy, đặc biệt là xe đạp điện”.

Nguyên do của tình trạng này, ông Bình bày tỏ do cha mẹ nuông chiều học sinh, nhà trường và cách của chúng ta cũng nuông chiều. Nhìn sang các nước như Nhật Bản, một đất nước sản sinh ra xe đạp điện nhưng không bao giờ được đi xe đạp điện tới trường, chúng ta thì “thả rông” muốn đi là được đi và trở thành phong trào.

Theo thông tin ông Bình cho biết trường ông hiện có khoảng dưới 50% học sinh đi xe đạp điện, với tốc độ này và tính cách của học sinh hiện nay hầu hết không đội mũ bảo hiểm. Nhưng nếu CSGT bắt cả xe đạp điện không đội mũ thì đúng là không xuể.

“Đây là vấn đề xã hội, cha mẹ nuông chiều và nhà trường cũng phải xử lý theo hình thức mềm dẻo hơn, bởi tâm lý học sinh lứa tuổi này thường có xáo động, xử lý nhưng cũng phải xem xét tới đặc điểm tâm sinh lý. Các em buồn chán vì bị kỷ luật rồi bỏ học, bố mẹ đến sẽ  gây sự với trường. Chúng tôi cũng đang chịu nhiều áp lực” ông Bình khẳng định. 

Chia sẻ thêm, Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình ví von, nếu chúng ta không có biện pháp nào hữu hiệu hơn thì việc xử lý học sinh không đội mũ, vi phạm an toàn giao thông thì cũng như việc “bắt cóc bỏ đĩa” mà thôi, và chỉ giảm khi chúng ta làm quyết liệt. Vấn đề này theo ông Bình phải có sự đồng bộ của nhiều ngành, đặc biệt là cha mẹ học sinh, nếu con giao xe, giao phương tiện cho con thì đành chịu. 

Trao đổi thêm về tình trạng này, Phó giám đốc Sở Giáo dục& Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, văn bản tuyên truyền của Sở rất cương quyết xuống tận các phòng, các trường để ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, cần sự phối hợp giữa các bên để răn đe, để kiểm tra, một mình nhà trường thì không thể làm được. 

“Chúng tôi giao ban cũng đã quán triệt phải tăng cường kiểm soát, nếu thấy học sinh như vậy cương quyết xử lý. Tuyệt đối không được coi học sinh vi phạm an toàn giao thông là vi phạm nhẹ.

Năm 2014 chúng tôi triển khai Chỉ thị 01 và cũng nhắc đi nhắc lại các trường về việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông trong  buổi họp trực tuyến sáng nay với 29 cơ sở” ông Thống cho hay. 

Ngày 15/1/2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 19 về việc thực hiện công tác an toàn giao thông trường học năm 2014.

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới bậc THPT, quy định các cơ sở giáo dục phổ thông cần nhắc nhở phụ huynh ký cam kết với nhà trường không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, có trách nhiệm đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông.

Giáo viên chủ nhiệm có hình thức kiểm tra, giám sát hàng ngày đối với học sinh, nhà trường cần tăng cường đưa các tình huống xảy ra khi tham gia giao thông để học sinh thảo luận và đề ra các phương án giải quyết trong các giờ sinh hoạt lớp và các hoạt động ngoại khóa. 

Thành lập Ban chỉ đạo an toàn giao thông cấp trường đối với trường có từ 5.000 học sinh trở lên, ban chỉ đạo do một người trong Ban giám hiệu làm trưởng ban.

 Theo các bạn, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông ở thủ đô có chiều hướng gia tăng? Để giải quyết được vấn nạn này chúng ta phải làm gì? Mời bạn độc thảo luận, cho ý kiến ở box bình luận ở phía dưới.

Xuân Trung