Vì sao Trưởng phòng giáo dục không cho thưởng tết giáo viên hơn 3 triệu đồng?

28/01/2018 06:40
Thảo Ly
(GDVN) - Nếu chúng ta quan tâm đến giáo dục, hãy dành cho giáo viên một khoản tiền thưởng cuối năm xứng đáng chứ đừng để cảnh nhà trường phải “thắt lưng buộc bụng”.

LTS: Sau yêu cầu không cho thưởng tết giáo viên hơn 3 triệu đồng của Trưởng phòng Giáo dục Rạch Giá, với mong muốn lên tiếng để phần nào lý giải được hành động trên, cô giáo Thảo Ly đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Câu chuyện Phòng Giáo dục thành phố Rạch Giá đề nghị các trường có số tiền tăng thu nhập lớn hơn 3 triệu đồng/giáo viên, làm bản điều chỉnh tỷ lệ trích lập quỹ trong quy chế chi tiêu nội bộ đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều bạn đọc.

Một số người bức xúc cho rằng “Sự việc này thể hiện sự quan liêu, mệnh lệnh của cấp trên, thiếu tôn trọng cấp dưới” hay “phòng giáo dục đã can thiệp quá sâu vào nội bộ các trường học”…

Giáo viên bức xúc vì bị phòng giáo dục không cho chi phần thưởng quá 3 triệu đồng đã nhận được câu trả lời:

“Trong quy chế chi tiêu nội bộ có xây dựng tỷ lệ chi, có một số trường có tỷ lệ vượt mức, lên đến hơn 10 triệu đồng tiền tăng thu nhập, mà cơ sở vật chất ở những trường này còn yếu, nên cần phải điều chỉnh tỷ lệ lại, tăng tỷ lệ sửa chữa cơ sở vật chất lên, còn tiền tăng thu nhập hạn chế khoảng 3 triệu đồng hay hơn cũng được.

Vì sao Trưởng phòng giáo dục không cho thưởng tết giáo viên hơn 3 triệu đồng?  ảnh 1Trưởng phòng Giáo dục Rạch Giá không cho thưởng tết giáo viên hơn 3 triệu đồng?

Còn trường nào cơ sở vật chất còn chưa đảm bảo đủ điều kiện thì trích lập quỹ, chuyển qua quỹ phát triển sự nghiệp, hỗ trợ sửa chữa máy móc, thiết bị trong đơn vị trường học, đỡ cho kinh phí của năm 2018”.

Người ngoài nhìn vào ắt sẽ thấy lạ, thấy bất bình vì sao Trưởng phòng Giáo dục lại không muốn cho giáo viên tiền thưởng nhiều?

Nếu là xí nghiệp sản xuất hay là đơn vị kinh doanh thì tiền thưởng cho nhân viên sẽ đi cùng với lợi nhuận mà xí nghiệp, hay đơn vị kinh doanh ấy đạt được. Còn chuyện các trường học công lập lại hoàn toàn khác.

Là giáo viên nên tôi cũng hiểu được vì sao ông Trưởng phòng giáo dục Rạch Giá phải ra một quyết định như vậy. Đúng như lời kế toán phòng giáo dục khẳng định “thầy Trưởng phòng cũng muốn tốt cho các trường chứ không có ý cá nhân gì hết”.

Tôi biết nếu bài viết được đăng, tôi cũng sẽ nhận được không ít “gạch đá” từ một số đồng nghiệp. Tôi cũng xin khẳng định lại rằng, là giáo viên, tôi cũng như các bạn, cũng trông chờ vào từng đồng tiền thưởng tết hàng năm của trường, cũng sẽ rất buồn đôi khi bức xúc khi không nhận được mức thưởng nhiều hơn vì sự chỉ đạo từ trên xuống.

Thế nhưng tôi vẫn phải lên tiếng để phần nào lý giải được hành động “không muốn giáo viên được thưởng tết nhiều” của Phòng Giáo dục Rạch Giá.

Từ đó, sẽ giúp bạn đọc thấy được những nghịch lý trong việc thưởng tết cho giáo viên ở nhiều đơn vị trường học của chúng ta hiện nay.

Giáo viên không có tiền thưởng Tết

Phải khẳng định một điều, giáo viên không có tiền thưởng Tết, không có lương tháng 13 như nhiều đơn vị khác.

Hiệu trưởng và kế toán trường học nhiều trường thường nói câu này trong các cuộc họp cuối năm khi nhà trường đang cân đối thu chi “để anh chị em giáo viên có chút gì đó khỏi chạnh lòng”.

Thưởng tết cho giáo viên (Ảnh minh họa: tuoitre.vn).
Thưởng tết cho giáo viên (Ảnh minh họa: tuoitre.vn).

Tiền thưởng tết cho giáo viên thực chất là tiền ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của nhà trường.

Nếu như trước đây, khoản tiền này sẽ không được phép trích ra dù là vài chục nghìn đồng để thưởng cho giáo viên.

Vài năm trở lại đây, cũng theo đề xuất của cấp trên, nhà trường biết tiết kiệm trong chi tiêu thì cuối năm giáo viên có thêm ít đồng tiền thưởng “cho vui cửa vui nhà”. Và tiền thưởng tết đã được chi như thế.

Vì là tiền tiết kiệm chi tiêu từ tiền hoạt động mà ngân sách cấp cho nhà trường nên trường nào tiết kiệm được nhiều, giáo viên được thưởng nhiều, trường tiết kiệm ít giáo viên được thưởng ít.

Điều này phụ thuộc vào cái tài biết “thắt lưng buộc bụng” của hiệu trưởng và trường ít phải đón các đoàn thanh kiểm tra trong năm học.

Nghịch lý nảy sinh từ việc “thắt lưng buộc bụng”

Vì là tiền hoạt động nên có trường hiệu trưởng sẽ đầu tư vào việc xây dựng, gia cố cơ sở vật chất, làm mới hay mua sắm thêm trang thiết bị dạy học, bổ sung nguồn sách cho thư viện, chi phần thưởng cho học sinh giỏi, học sinh có thành tích đột xuất…hoặc nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động dạy và học, các hoạt động phong trào…vì thế tiền phải chi ra khá nhiều.

Trường chi nhiều đương nhiên cuối năm tiền thưởng cho giáo viên sẽ ít lại nhưng nhà trường sẽ khang trang, đầy đủ hơn nhiều.

Ngược lại, có trường cơ sở vật chất sập xệ, trang thiết bị cũ, nghèo nàn nhưng hiệu trưởng vẫn không cho tu bổ và sắm sửa. Lẽ đương nhiên cuối năm tiền dư nhiều và như thế giáo viên sẽ có nhiều tiền thưởng.

Vì sao Trưởng phòng giáo dục không cho thưởng tết giáo viên hơn 3 triệu đồng?  ảnh 3Năm nay trường bạn thưởng Tết bao nhiêu?

Nếu hai trường trong cùng một địa phương mà có mức thưởng tết chênh nhau chỉ mấy trăm nghìn đồng đã có “tiếng bấc, tiếng chì” qua lại.

Khá nhiều hiệu trưởng đau đầu bởi bị mang tiếng là ‘xà xẻo” là chi tiêu vô tội vạ nên giáo viên cuối năm được thưởng ít.

Người ta chê chẳng cần biết nhà trường đã sắm những gì, đã chi cho các hoạt động ra sao? Họ chỉ khen ngợi, tung hô những hiệu trưởng chi mức tiền thưởng cho giáo viên cao hơn trường kia là liêm khiết, trong sạch.

Khá nhiều hiệu trưởng cũng bị mang tiếng vì tiền thưởng cuối năm cho giáo viên được ít hơn trường bạn.

Cũng vì những lời qua lại mà không ít hiệu trưởng cũng chẳng muốn tổ chức hoạt động nhiều, chẳng mua sắm hoặc gia cố, sửa chữa cơ sở vật chất để tiết kiệm tiền cuối năm dành thưởng tết cho giáo viên.

Chuyện Trưởng phòng giáo dục không cho các trường lấy tiền ngân sách để chi thưởng chẳng phải chỉ xảy ra ở Rạch Giá. Một số nơi phòng trực tiếp chỉ đạo miệng cũng vì họ thấy được cái nghịch lý ấy.

Trường ít hoạt động đương nhiên giáo viên khỏe. Trường ít mua sắm thì học sinh thiệt thòi khi phải học và sinh hoạt trong môi trường thiếu thốn. Thế nhưng tiền thưởng cuối năm thầy cô được nhận cao.

Còn trường thường xuyên hoạt động, luôn đầu tư trang thiết bị để phục vụ việc học của các em thì giáo viên vừa phải làm việc nhiều vừa nhận được ít tiền thưởng.

Để tạo sự công bằng cho các trường trong cùng địa bàn cũng như để các trường đầu tư chăm lo cho cơ sở vật chất của trường thì việc chế tài tiền thưởng tết bằng ngân sách chi cho hoạt động là cần thiết.

Nếu chúng ta thật sự quan tâm đến giáo dục, hãy dành cho giáo viên một khoản tiền thưởng cuối năm xứng đáng chứ đừng để cảnh nhà trường phải “thắt lưng buộc bụng” như cách làm hiện nay.

Thảo Ly