Vì sao nhiều phụ huynh bỏ trường công, chọn trường tư cho con?

04/05/2018 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Sĩ số lớp học không lớn như trường công lập, thầy cô thân thiện, mỗi học sinh là một cá tính được trân trọng.

Điều đầu tiên, tôi xin nhấn mạnh là cả 3 học sinh mà tôi tiếp xúc tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hà Nội đều có thể vào trường công lập. Tuy nhiên, các em và gia đình đã không chọn đường đi đó.

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn chính các em học sinh, những người trong cuộc, điều gì khiến các em chọn trường tư thục thay vì theo học trường công lập.

Ác mộng sĩ số không còn

Theo học tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hà Nội từ năm lớp 9, em Nguyễn Thế Nhật Vinh – học sinh lớp 12SN cho hay, điều em ấn tượng nhất tại trường là các thầy cô luôn tôn trọng, tạo điều kiện cho em phát huy cá tính, năng lực của bản thân.

Em Nguyễn Thế Nhật Vinh (bên phải ảnh). (Ảnh: N.B.K)
Em Nguyễn Thế Nhật Vinh (bên phải ảnh). (Ảnh: N.B.K)

Vinh kể, khi em học ở cấp 2 ở trường Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), sĩ số lớp quá đông lên tới 61 người/lớp. Còn ở đây, sĩ số lớp chỉ có 24 người. Đặc biệt là năm lớp 9, lớp Vinh chỉ có 14 học sinh/lớp.

Số lượng học sinh ít nên các thầy cô nhớ được từng tính cách mỗi bạn. Thầy cô có thể giảng, hướng dẫn từng bạn theo các cách khác nhau.

Theo Vinh, quan trọng hơn nữa là ở đây, các em có một không gian thoải mái, thầy cô thân thiện.

Vì sao nhiều phụ huynh bỏ trường công, chọn trường tư cho con? ảnh 2Tuyển sinh lớp 5, trường trung học chất lượng cao tại Đức tổ chức thế nào?

Mỗi lần Vinh và các bạn tham gia các hoạt đồng của trường, các thầy cô thường lưu lại các khoảnh khắc này. Chắc chắn rằng khi ra trường, những kỷ niệm thân thương đó sẽ theo Vinh dù bạn có học tập ở bất cứ nước nào.

Vinh nhớ lại, năm em học lớp 9 tại trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Vào đầu học kỳ 2, cô Nguyễn Thị Thu Thủy là giáo viên chủ nhiệm lớp đã đưa ra đề nghị. Mỗi bạn chuẩn bị một mẩu giấy viết tên người mà mình muốn ngồi cạnh.

Lúc đó, Vinh đã viết là em muốn ngồi cạnh tất cả các bạn trong lớp trừ những người Vinh đã ngồi cạnh quá lâu rồi. Bất ngờ, bạn nam sinh này biết có một bạn nữ chọn đích danh người muốn ngồi gần chính là Vinh.

Bạn nữ đó có nói lý do rằng, bạn muốn ngồi gần một người học giỏi. Vì Vinh luôn ở top 5 của lớp. Vinh khá bất ngờ vì có một bạn nữ chọn ngồi cạnh cậu một cách cụ thể như vậy. Ngay cả cô giáo chủ nhiệm của em cũng bất ngờ vì lá thư của bạn nữ sinh này.

Đối với Vinh, điều này hoàn toàn khác biệt so với trường công mà em từng theo học. Nó củng cố thêm sự tin yêu của Vinh với ngôi trường tư thục này.

Vinh bảo, ở đây các thầy cô luôn muốn học sinh là chính mình. Mỗi học sinh được sống, theo đuổi đam mê do chính mình lựa chọn.

“Giống như mỗi bản thân học sinh là động cơ, thầy cô là năng lượng, là nhiên liệu. Thầy cô luôn cho chúng em năng lượng tốt nhất để động cơ hoạt động trơn tru”, chàng trai đam mê kỹ thuật này ví von.

Vinh bật mí, với những kiến thức, kỹ năng em được trau dồi tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm em sẽ theo học ngành Kỹ thuật lượng tử ánh sáng ở Canada.

Nhờ sự gần gũi của giáo viên, em phát hiện ra công việc mình thực sự đam mê

Khác với Vinh, em Hoàng Thùy Trang, học sinh lớp 12D đến với trường Nguyễn Bỉnh Khiêm từ năm lớp 10. Lý do Trang chọn Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải do trượt cấp 3 công lập như nhiều người nghĩ. Theo Trang, những trường dân lập thuộc top ở Hà Nội như Nguyễn Bỉnh Khiêm, học sinh cũng phải nỗ lực rất nhiều.

Em Hoàng Thùy Trang chia sẻ lý do lựa chọn trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội. (Ảnh: N.B.K)
Em Hoàng Thùy Trang chia sẻ lý do lựa chọn trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội. (Ảnh: N.B.K)

Ngôi trường này “hút” em và gia đình bởi môi trường học tập thân thiện, cơ sở vật chất khang trang.

Điểm khác biệt Trang nhận ra đầu tiên ở ngôi trường này với các trường công lập là học sinh ở đây có nhiều dịp được trải nghiệm sáng tạo, được xả stress ít nhất mỗi tháng/lần.

“Các bạn cùng lứa với em ở các trường công lập hiện chỉ có “học, học và học”. Nhưng với các học sinh lớp 12 của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, mỗi tháng một lần chúng em được tự do trải nghiệm tại khu trải nghiệm sáng tạo tại Vĩnh Phúc.

Ở đó, không có mạng xã hội. Đó là những kỷ niệm khó quên với tất cả học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Trang thích thú cho biết.

Vì sao nhiều phụ huynh bỏ trường công, chọn trường tư cho con? ảnh 4

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chỉ rõ nguyên nhân kìm hãm giáo dục Hà Nội phát triển

Đặc biệt, với Trang, sự thân thiện của giáo viên, đặc biệt là cô giáo Ngữ văn Hà Ngọc Thủy đã có ảnh hưởng rất nhiều đến em.

“Phương pháp giảng dạy của cô luôn hướng tới sự chủ động tìm tòi của học sinh. Học sinh tự tìm hiểu, sau đó lên lớp thuyết trình.

Cô là người tổng hợp, phân tích lại các điểm tốt, chưa tốt trong bài chuẩn bị của học sinh. Chúng em có 3 lần học với mỗi tác phẩm, mỗi chủ đề văn học”, Trang phân tích.

Ngoài ra, cô nữ sinh lớp 12 này còn bật mí, ở ngôi trường này, học sinh có thể nhắn tin, gọi điện chia sẻ với giáo viên của mình mọi vấn đề để cân bằng chuyện học tập, tình cảm.

Trang tiết lộ, sự gần gũi, quan tâm, chia sẻ của các thầy cô đã giúp em nhận ra lựa chọn nghề nghiệp thực sự mà mình đam mê.

“Cấp 2 em luôn nghĩ lớn lên em sẽ theo con đường nghệ thuật làm diễn viên hay gì đó.

Tuy nhiên, trong quá trình học tập, được tham gia các hoạt động trải nghiệm tại trường, em nhận ra mình phù hợp với ngành truyền thông, tổ chức sự kiện. Đây sẽ là lựa chọn của em sau khi tốt nghiệp ra trường tới đây”, Trang nói.

Chỉ cần cố gắng, bạn sẽ được khuyên ngợi

Với Lưu Kỳ Dương, học sinh lớp 10 CA2, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, dù mới trải nghiệm học tập ở đây gần một năm nhưng với em là một sự khác biệt rất lớn so với 9 năm học tập ở trường công lập.

Em Lưu Kỳ Dương. (Ảnh: N.B.K)
Em Lưu Kỳ Dương. (Ảnh: N.B.K)

Dương tâm sự: “Trước kia, ở trường công, bản thân em cũng rất, rất muốn được gần, được chia sẻ với các thầy cô. Nhưng thực sự, khoảng cách đó rất khó ngắn lại.

Còn ở đây, ngay đầu năm vào học, các thầy cô đã hỏi han, chia sẻ với từng học sinh. Sự thân thiện của thầy cô khiến chúng em dễ mở lòng mình hơn. Thực sự mỗi giáo viên bộ môn ở trường đều như một tư vấn viên tâm lý”.

Ngoài ra, Dương còn ấn tượng vì ở đây, chỉ cần bạn cố gắng, kết quả tiến bộ dù nhỏ, bạn vẫn nhận được khen ngợi trước lớp.

“Nếu bạn đang ở mức học lực 6 điểm, bạn cố gắng được 7. Thầy cô sẽ khen ngợi bạn trước lớp. Ở đây, mỗi học sinh đều được là chính mình, được tạo cơ hội phát huy mọi khả năng vốn có”, Dương chia sẻ.

Đỗ Thơm