Vì sao bộ sách giáo khoa mới "đắt" hơn gần 4 lần bộ sách hiện hành?

13/11/2020 06:00
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguyên nhân sự chênh lệch giá được lý giải là do bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có số lượng quyển nhiều hơn từ 1,5 đến 1,7 lần so với bộ sách hiện hành.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - Giai đoạn 2015-2020 gửi Quốc hội.

Trong báo cáo có đề cập đến việc lựa chọn sách giáo khoa và vấn đề phát hành và giá sách giáo khoa phổ thông.

Cụ thể, đối với việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2020-2021 được thực hiện theo đúng quy định của Nghị quyết 88, tạo tiền đề để hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Luật Giáo dục 2019 trong những năm tới.

Thực hiện Nghị quyết 88, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, theo đó thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa thuộc cơ sở giáo dục.

Thực hiện Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Giữa hai văn bản hướng dẫn đã thể hiện sự kết nối, kế thừa các quy định về quy trình lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, việc ban hành văn bản hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 còn chậm, khi lần đầu các cơ sở giáo dục chọn sách giáo khoa, với số bộ sách nhiều (5 bộ sách); bên cạnh đó, một số địa phương, do hiểu chưa đầy đủ về quy định của Luật Giáo dục 2019, nên còn băn khoăn về tính ổn định, lãng phí nếu không sử dụng lại bộ sách giáo khoa lớp 1 đã lựa chọn, vì thay đổi phương thức chọn sách giáo khoa (từ thẩm quyền của cơ sở giáo dục sang thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Về phát hành và giá sách giáo khoa phổ thông: Việc phát hành sách giáo khoa lớp 1 theo phương thức xã hội hóa cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai giá với Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Tuy nhiên, giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn sách giáo khoa lớp 1 hiện hành khoảng 2, 3 lần một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng sách tham khảo tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của một bộ phận dân cư trong khi nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về sách giáo khoa cho các nhóm đối tượng khó khăn.

Qua khảo sát của Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho thấy tuy đơn giá tính trên mỗi trang in biến động không nhiều nhưng giá của cả bộ sách giáo khoa mới có cao hơn giá của cả bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành từ 3,3 lần đến 3,7 lần (sách giáo khoa mới có giá từ 179.000 đ/bộ đến 199.000 đ/bộ bao gồm cả sách giáo khoa điện tử, trung bình khoảng 19.000 đ/cuốn), trong khi sách giáo khoa hiện hành có giá là 54.000 đ/bộ, trung bình khoảng 9.000 đ/cuốn).

Nguyên nhân sự chênh lệch giá được lý giải là do bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có số lượng quyển nhiều hơn từ 1,5 đến 1,7 lần (bộ sách giáo khoa mới gồm từ 9 đến 10 quyển, bộ sách giáo khoa hiện hành chỉ có 6 quyển); mỗi cuốn có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn; được in 4 màu (trong khi sách giáo khoa lớp 1 cũ chỉ in 2 màu) nên đòi hỏi giấy in sách giáo khoa phải tốt hơn; được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí như sách giáo khoa lớp 1 cũ. Bộ Tài chính đã thẩm định giá nhưng các cấu thành giá sách giáo khoa (nguyên vật liệu, nhân công) vẫn phải bảo đảm đủ các chi phí.

Ngoài ra, năm học 2020-2021, việc cung ứng sách giáo khoa cho đa số cơ sở giáo dục chậm (theo giám sát của Ủy ban đến cuối tháng 8/2020 sách mới về đến các cơ sở), gây khó khăn trong việc triển khai các khâu: lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn giáo viên, trao đổi chuyên môn giữa các giáo viên, giữa các đơn vị trường, cụm trường.

Linh Hương