Vi phạm dạy học trái phép sẽ bị xử phạt như thế nào?

06/10/2019 07:10
Bùi Nam
(GDVN) - Hiện nay, văn bản thì có nhưng không ai kiểm tra, không ai xử lý, không ai chịu trách nhiệm,…nên “loạn” dạy học trái phép là đương nhiên.

Sau bài viết “Nhiều nơi đang dạy thêm trái pháp luật, phải ngừng lại ngay lập tức” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Có đến hơn 100 bình luận được tòa soạn cho đăng tải, đa số ý kiến của bạn đọc đều đồng thuận, hoan nghênh với Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Nhiều bạn đọc cho rằng quyết định này là quyết định vô cùng đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đây là cơ sở để chấm dứt việc o ép, trù dập, lôi kéo học sinh học thêm, nói xấu đồng nghiệp,…hợp lòng dân.

Có một số ý kiến cho rằng, chương trình nặng hay phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm…thì tôi cho rằng đó là những nhu cầu không có thật, do giáo viên cần có thêm thu nhập tạo ra.

Nếu chấm dứt dạy học trái phép từ chính những giáo viên đang dạy trong trường sẽ làm cho nền giáo dục tốt hơn gấp nhiều lần, học sinh sẽ học tốt hơn, đừng vì những chuyện nhỏ mà bỏ qua những chuyện lớn quyết định đến kết quả thực chất của học sinh, nền giáo dục trong sạch, chân thật.

Cần có biện pháp xử lý đối với việc vi phạm dạy học trái phép (Ảnh minh họa: Báo Hải Dương).
Cần có biện pháp xử lý đối với việc vi phạm dạy học trái phép (Ảnh minh họa: Báo Hải Dương).

Tôi tin rằng, trong chương trình mới hướng đến nền giáo dục tiến bộ theo xu thế hội nhập của thế giới thì học sinh sẽ được học ngày, có thể được học thêm tại trường được giáo viên giảng dạy hết mình, yêu thương thì các em sẽ dần dần tiến bộ thực chất chứ không phải tiến bộ “ảo” do dạy học trái phép gây ra.

Nhưng thật sự rất nhiều bạn đọc lo lắng, với lợi nhuận quá lớn ở một số địa phương vẫn sẽ tiếp tục diễn ra dạy học trái phép, như trước đây ở Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm học thêm, đã cấm học sinh tiểu học học thêm nhưng hầu như dạy thêm ở tiểu học không những không chấm dứt mà còn tăng lên, bởi vì không ai xử lý khi giáo viên vi phạm.

Tôi cho rằng trong thời gian này và sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp với các ban ngành Nội vụ, Công an quyết liệt dẹp nạn dạy học trái phép.

Tôi cho rằng Bộ Nội vụ, Công an chỉ cần ban hành văn bản nơi nào có dạy học trái phép thì cách chức Chủ tịch huyện, xã; cách chức trưởng công an huyện, xã đó là ngay lập tức chấm dứt dạy học trái phép.

Còn hiện nay, văn bản thì có nhưng không ai kiểm tra, không ai xử lý, không ai chịu trách nhiệm,…nên “loạn” dạy học trái phép là đương nhiên.

Bên cạnh đó nhiều bạn đọc có cùng thắc mắc nếu phát hiện giáo viên vi phạm dạy học trái phép, cơ sở dạy học trái phép thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Tôi xin được chia sẻ những thông tin sau đây.

Mức phạt xử lý vi phạm dạy thêm

Hiện nay, việc xử lý được thực hiện theo Nghị định số: 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 7. Vi phạm quy định về dạy thêm

1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về dạy thêm theo các mức phạt sau đây:

Thông tư 17 giờ là cái khiên che chắn cho dạy thêm thu tiền
Thông tư 17 giờ là cái khiên che chắn cho dạy thêm thu tiền

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định.

b) Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng.

c) Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép.

d) Từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này.

b) Đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

b) Buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c và d Khoản 1 Điều này”.

Mới nhất, tại Dự thảo lần 2 Nghị định của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì mức phạt do vi phạm quy định về dạy thêm học thêm đã được tăng lên đáng kể như sau:

“Mục 2. Các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm

Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức dạy thêm

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.

Thủ phạm khiến dạy thêm trái phép, biến tướng là Thông tư 17
Thủ phạm khiến dạy thêm trái phép, biến tướng là Thông tư 17

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đối với hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.

5. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa.

6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép.

8. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn.

9. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm.

10. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

11. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều này.

12. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phépdạy thêm khi giấy phép đã hết hạnkhi chưa được cấp phép; ép buộc học sinh học thêm;

b) Buộc giải thể cơ sở dạy thêm đối với hành vi tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp phép.

Điều 9. Vi phạm quy định về dạy thêm

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm ngoài trường của giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên.

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người dạy thêm không đạt trình độ chuẩn.

Ai sẽ thu hồi giấy phép dạy thêm khi xóa bỏ một số quy định tại Thông tư 17?
Ai sẽ thu hồi giấy phép dạy thêm khi xóa bỏ một số quy định tại Thông tư 17?

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày.

4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào nội dung dạy thêmdạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá”.

Bên cạnh đó, do vi phạm dạy thêm thường gắn liền với các hành vi khác nên các hành vi sau đây sẽ bị phạt theo dự thảo như sau:

Điều 22. Vi phạm quy định về tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học không đúng quy chế”.

Nếu kèm theo hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người học sẽ bị xử phạt như sau:

Điều 32. Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩmdanh dự người học

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối vi hành vi xúc phạm nhân phẩmdanh dự người học.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối vi hành vi xâm phạm thân thể người học.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.”

Bên cạnh đó, theo Luật Viên chức nếu giáo viên vi phạm thì sẽ bị kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc, nếu vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì xử lý theo Bộ Luật hình sự.

Hy vọng bài viết sẽ là những thông tin bổ ích cho mọi người tham khảo và mọi người sẽ không vì lợi ích trước mắt mà làm trái quy định của pháp luật và mong mọi người cùng chung tay cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo chặn đứng dạy học trái phép.

Bùi Nam