Vì hàm ơn mà được phong bì thì xót quá, còn vì quý trọng thì...đau quá

24/01/2015 08:15
Xuân Trung
(GDVN) - “Nếu vì hàm ơn, vì sự giúp đỡ mang tính dạy dỗ mà được phong bì thì nghe xót quá. Nhưng nếu nói rằng quý trọng thầy cô để gửi phong bì thì đau quá”.

Lời PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý Giáo dục, (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) khi ông trao đổi tiếp xung quanh câu chuyện “Văn hóa phong bì” và truyền thống tôn sư trọng đạo trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Viết tiếp câu chuyện này, PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, để có tình trạng phong bi thầy cô có thể chính một số thầy, cô có những định hướng vật chất hóa trong quà tặng… Song song đó là thái độ thiếu sự tôn trọng mình bằng cách vòi vĩnh, gợi ý… Bên cạnh đó là một số phụ huynh lợi dụng đồng tiền và tung hô sức mạnh của nó để giao tiếp, quan hệ và định hướng hành vi đánh giá… Một số phụ huynh sử dụng phong bì như sự chuộc lỗi… 

Đau và xót

PV: Thưa PGS. Huỳnh Văn Sơn, chắc hẳn ông đã nghe nhiều tới các từ “văn hóa phong bì”, “thầy sợ ngày 20/11”…, những câu chuyện về “tôn sư trọng đạo” trong xã hội hiện đại được biến tướng thành những việc làm mang tính chất thương mại hóa. Ông có nghĩ rằng, đi phong bì thầy cô giáo những dịp lễ, lễ tết đã thành thông lệ bình thường trong xã hội hiện đại? Nó tốt hay xấu?

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Thú thật tôi nói những điều trải nghiệm này với tư cách là một người từng đi học và là một người đang có khá nhiều học trò. Tôi nghĩ điều đó có thể tồn tại nhưng nếu nói đó là thông lệ bình thường thì thật chưa thỏa đáng. 

Tôi nghĩ với không ít người thầy, người lớn,… việc nhận phong bì của người khác mà đặc biệt là học trò của mình mà không có lý do chính đáng thì thật là khiên cưỡng. 

Tôi nói chính đáng là do sự làm việc, sự phối hợp thậm chí là sự cố vấn đích thực. Nhưng ngay cả việc trả công hay trả lương hoặc nhận thù lao cố vấn thì cũng cần danh chính ngôn thuận. 

Vì hàm ơn mà được phong bì thì xót quá, còn vì quý trọng thì...đau quá ảnh 1

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn. Ảnh nhân vật cung cấp.

Và điều đó cần được công khai, tôn trọng. Nếu vì hàm ơn, nếu vì sự giúp đỡ mang tính dạy dỗ mà được phong bì thì nghe xót quá. Nhưng nếu nói rằng quý trọng thầy cô để gửi phong bì thì đau quá.

Nguyên nhân để có “văn hóa phong bì” từ đâu, thưa ông? Nhiều nhà giáo lên tiếng cho rằng, một phần do kinh tế thị trường, một phần chính phụ huynh học sinh làm “hư” người thầy? Ở góc độ nhà giáo, nhà tâm lý ông nghĩ điều này như thế nào?

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Tôi nghĩ lý giải từ góc độ quan hệ, cung cầu là hợp lý. Nhưng cần chú ý đến người lớn đầu tiên, trước hết. Chính một số thầy cô muốn đơn giản hóa và nhanh gọn hóa lời cảm ơn. 

Chính một số thầy cô có những định hướng vật chất hóa trong quà tặng… Song song đó là thái độ thiếu sự tôn trọng mình bằng cách vòi vĩnh, gợi ý… Bên cạnh đó là một số phụ huynh lợi dụng đồng tiền và tung hô sức mạnh của nó để giao tiếp, quan hệ và định hướng hành vi đánh giá… Một số phụ huynh sử dụng phong bì như sự chuộc lỗi… 

Vì hàm ơn mà được phong bì thì xót quá, còn vì quý trọng thì...đau quá ảnh 2

Đừng lấy phong bì làm thước đo sự tri ân

(GDVN) - “Nên để chính các em tự bàn bạc và tự lên kế hoạch, tổ chức chọn 1 món quà ý nghĩa cho thầy cô của mình” lời thầy Trần Trung Hiếu.

Còn học sinh làm điều đó khi quan sát, bắt chước và ước lượng rằng chắc điều đó cũng chẳng sao… Lâu dần nó trở thành hành vi dễ được chấp nhận bởi không ít cá nhân.

Cần nhìn nhận đúng nghĩa thế nào về quan niệm “văn hóa phong bì”, thưa ông?

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn:  Tôi nghĩ nếu đã gọi là cảm ơn nhau thì chút tình thể hiện qua rất nhiều cách… Còn nếu đã nhận phong bì thì cần hiểu được ý định của người trao và trách nhiệm của người nhận. 

Tôi nghĩ, chúng ta không nhất thiết phải vẽ nên cái văn hóa phong bì mà vẽ nên văn hóa giao tiếp, văn hóa cảm ơn, văn hóa lễ nghĩa sẽ hay hơn và cần thiết hơn…

Với tâm lý là một người thầy thì ông mong gì ở học trò khi tới những ngày kỷ niệm nhà giáo, ngày lễ tết? Và điều hạnh phúc nhất với người thầy là gì?

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn:  Với tôi trong những ngày lễ tết, tôi thực sự không thích lắm với màn quà tặng hay phong bì. Có những đợt 20/11 hay tết, tôi ở nước ngoài hoặc bệnh nặng hay gia đình có việc buồn, tôi không muốn gửi cảm xúc buồn ấy cho người thầy tôi rất yêu quý… 

Có thể thầy sẽ buồn nhưng tôi muốn mình sẽ đến bằng sự yêu thương tràn đầy ngay sau đó khi mọi thứ cân bằng… Tôi có thói quen tự giải quyết vấn đề của mình là thế.

Còn tôi, gần 20 năm đi dạy, tôi bắt đầu nhận thấy mình cũng có kha khá học trò yêu quý… Và trẻ nhất trong số học trò tôi dạy là sinh viên, người đẹp, MC (người dẫn chương trình), nhà quản lý… Nhưng tôi thích nhất là mình rất bận trong những ngày tết… Đến cùng nhau, dùng bánh mứt, nói chuyện dăm ba câu, thầy trò cùng đi xem phim là vui lắm thay… Còn nếu mừng tuổi hay lì xì thì chúng ta sẽ cùng dành cho nhau…

Hạnh phúc nhất với tôi là nghe thành công mới của học trò. Vui mừng thay vì sự trưởng thành của học trò hay chỉ là sự nên người của các em…

Phong bì luôn đi kèm với hành động người tặng

Là một nhà sư phạm, ông chắc không dưới 1 lần rơi vào tình huống mà sinh viên đi phong bì, nếu có thì ông đã xử lí tình huống đó như thế nào?

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Tôi cảm ơn và sẽ cân nhắc hoàn cảnh để ứng xử. nếu phù hợp, tôi sẽ nhận hoa hay sách và gửi lại phong bì. 

Vì hàm ơn mà được phong bì thì xót quá, còn vì quý trọng thì...đau quá ảnh 3

Ảnh minh họa. Internet

Tôi nói bằng sự yêu thương: Thầy nhận quà của em là được rồi. Còn nếu không tiện nếu đó là trước tập thể hay một hoàn cảnh đông người, tôi sẽ dành nó làm phần thưởng cho chính tập thể ấy vào cuối môn hay chuyển nó thành học bổng… cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. 

Vì hàm ơn mà được phong bì thì xót quá, còn vì quý trọng thì...đau quá ảnh 4Thầy Văn Như Cương ứng xử thế nào với phong bì?

(GDVN) - Người nhận và người trao phong bì trong một hoàn cảnh nào đó đều thấy mình ngại ngùng, ngại không phải mình làm điều gì xấu mà ngại ở ngay “món quà” giấy này.

Tôi không muốn hay thể hiện mình dị ứng với phong bì nhưng tôi muốn mình sẽ ứng xử rất nhân văn và đầy tôn trọng nhưng có bản sắc.

Có quan điểm nói rằng, việc tặng hoa, tặng quà hay phong bì không quan trọng, quan trọng là ở thái độ tặng như thế nào? Ông có cùng quan điểm này không?

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn: Tôi nghĩ điều đó cần được đặt sau câu: Của biết là của lo, của cho là của nợ hay mỗi một món quà đều có ý nghĩa nhất định ở bản thể. Lẽ đương nhiên, không nên trách người tặng nếu đó là sự tự nhiên của suy nghĩ và cảm xúc.

Thái độ tặng quà rất quan trọng vì nó nói lên suy nghĩ và hành động của người tặng quà ngay sau đó. Và quà tặng phong bì sẽ dễ đi kèm những hành động và thái độ thiếu tôn trọng người nhận ngay sau đó nếu người trao đã có ý định rõ ràng và cụ thể.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư. 

Không nhận phong bì sẽ được coi là khác người

Cũng trao đổi về chủ đề “Văn hóa phong bì” trong môi trường giáo dục, “người đương thời” Đỗ Việt Khoa (giáo viên Trường THPT Thường Tín, Hà Nội) cho hay, phần lớn trong xã hội nếu có chủ yếu đi phong bì những thầy, cô đang công tác chứ ít khi đi phong bì với những người đã nghỉ hưu.

Thầy Đỗ Việt Khoa nói: “Chuyện phong bì trong nhà trường bây giờ rất công khai, như là thách thức cái liêm sỉ của người thầy. Phong bì ngày ngày 20/10, ngày 20/11, ngày Tết nguyên đán, ngày 8/3, ngày bế giảng...

Sẽ là không oan nếu đâu đó để người ta nói rằng phong bì đã hư hỏng người thầy, là bán chữ giá đắt.
Nguyên nhân thì có nhiều. Phần lớn là do hiện trạng đạo đức xã hội bị tụt đáy, vì cấp quản lý biết nhưng làm ngơ thậm chí cổ vũ khiến cho cái xấu trong ngành giáo dục có dịp bùng phát. Lâu nay báo chí nói nhiều về tình trạng lạm thu – một kiểu công khai tham nhũng trong các trường học, nhưng có thấy cấp nào xử lý đâu. Vì thế chuyện người dân phải đi phong bì, nhà giáo và quả lý giáo dục nhận phong bì, đòi ăn phong bì  đã trở nên công khai.

Đừng đổ lỗi cho lương thấp, mà phải nói thẳng là do lòng tham, do buông xuôi trước sự cám dỗ của tiền bạc. Chuyện phụ huynh học sinh nhằm ngày 20/11 hay tết nguyên đán để phong bì với tôi và các giáo viên chỗ tôi là không hiếm. Đồng nghiệp đều nhận phong bì, mình không nhận mà kiên quyết từ chối cho nên bị coi là khác người”

Xuân Trung