Vì 1 trường lên chuẩn đổ gánh nặng sĩ số qua trường khác, có công bằng với HS?

28/06/2022 08:50
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu chỉ vì 1 trường lên chuẩn mà đẩy các trường khác phải chịu thêm áp lực trong giảng dạy và học tập thì có nên không?

Mới đây, nhiều phụ huynh có con theo học tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã tỏ ra vô cùng bất ngờ và bức xúc sau khi nhận được thông báo về việc phân tuyến học sinh năm 2022-2023 để sắp tới nhà trường đủ điều kiện lên chuẩn quốc gia.

Cụ thể nhà trường đã thông báo: "Để giảm số học sinh vào trường tiểu học, số lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, được sự chỉ đạo của UBND phường Hoàng Liệt, UBND quận Hoàng Mai về việc phân tuyến học sinh năm 2022-2023, nhà trường xin thông báo toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 khu vực HH3 (HH3A – tổ 28, HH3B – tổ 29, HH3C – tổ 30) được phân tuyến sang Trường Tiểu học Chu Văn An, phường Hoàng Liệt”. {1}

Trước phản ứng của phụ huynh, nhà trường đã ra văn bản tạm dừng việc phân tuyến học sinh từ lớp 2 đến 5 sang trường khác học để lấy ý kiến phụ huynh về vấn đề này.

Ảnh minh họa: Báo Công lý

Ảnh minh họa: Báo Công lý

Xây dựng trường chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng giáo dục

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là yêu cầu tất yếu và là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục của nước ta. Đây chính là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.

Chuẩn quốc gia về trường học được xem là thước đo đánh giá hình thức hoạt động và hiệu quả đạt được của các loại hình trường, trên cơ sở đó để thực hiện mục tiêu: “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Vì thế phải khẳng định ngay rằng, xây dựng trường chuẩn quốc gia là mục tiêu đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Trở lại việc hàng trăm phụ huynh tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt bức xúc khi con họ bất ngờ bị chuyển trường để trường học đủ điều kiện về sĩ số, về lớp học lên chuẩn quốc gia.

Dù thế, vẫn có phụ huynh khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Dân Việt luôn khẳng định: chủ trương nâng trường lên chuẩn quốc gia là một chủ trương đúng đắn.

Cũng có người đặt câu hỏi: Đã là chủ trương đúng đắn sao phụ huynh lại bức xúc? Lại phản đối? Cũng phụ huynh này lên tiếng, không phản đối việc trường lên chuẩn mà phản đối cách làm của nhà trường.

Vì sao phải điều chuyển học sinh?

Tiêu chuẩn để trường học đạt chuẩn quốc gia, phải đảm bảo về cơ sở vật chất như được đầu tư xây dựng khang trang, có khuôn viên xanh, sạch, đẹp, có trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy, học, đảm bảo tỷ lệ học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp, tỷ lệ học sinh bỏ học và lưu ban hàng năm…

Ngoài ra, sĩ số học sinh mỗi lớp phải đảm bảo (bậc tiểu học không quá 35 em/lớp) và số lớp học trong trường không quá 30 lớp/trường.

Vì những lý do trên, Trường Tiểu học Hoàng Liệt thực hiện việc điều chuyển học sinh qua trường học khác.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết: Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia là Nghị quyết của thành phố, giai đoạn 2021-2025 thành phố giao cho các quận, huyện tỉ lệ đạt chuẩn quốc gia đạt từ 80-85%.Tại quận Hoàng Mai xây dựng chuẩn quốc gia quá khó bởi số lượng học sinh ở các trường đông trong khi theo tiêu chí của Bộ là 35 học sinh/lớp, không quá 30 lớp/trường".{1}

Vì một trường lên chuẩn đổ gánh nặng về sĩ số qua trường khác liệu có công bằng với giáo viên, học sinh?

Rõ ràng, vì để Trường Tiểu học Hoàng Liệt đủ điều kiện lên chuẩn quốc gia, nhà trường đã thực hiện việc điều chuyển học sinh của trường sang Trường Tiểu học Chu Văn An.

Trong khi, Trường Tiểu học Chu Văn An nhiều năm nay vốn đã quá tải khi sĩ số học sinh luôn duy trì từ 55-60 học sinh/một lớp, các học sinh của trường Chu Văn An chỉ được học bốn ngày (8 buổi)/một tuần, và các lớp thay nhau nghỉ luân phiên các ngày trong tuần. {2}

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt nói rằng: việc thực hiện sự chỉ đạo của các cấp cũng như phân tuyến, xây dựng Trường Tiểu học Hoàng Liệt lên chuẩn quốc gia phải giảm sĩ số, đó là điều rất tốt cho học sinh. Xây dựng chuẩn quốc gia sĩ số giảm xuống, điều kiện cơ sở vật chất được nâng lên. {2}

Quả thật, nếu một trường học nào đó được lên chuẩn quốc gia bằng nội lực (nghĩa là, không cần điều chuyển học sinh, không cần vay mượn cơ sở vật chất hay trang thiết bị dạy học) mà tự thân vận động và đạt được điều đó sẽ rất đáng tự hào.

Phải khẳng định ngay rằng, đó là điều rất tốt cho học sinh, cho giáo viên và cho chính ngôi trường ấy.

Tuy nhiên, để Trường Tiểu học Hoàng Liệt đạt chuẩn quốc gia thì người ta phải chuyển hàng trăm em học sinh qua trường học khác. Điều đáng nói là, chính Trường Tiểu học Chu Văn An nơi sẽ nhận hàng trăm học sinh tình trạng quá tải đã được cải thiện chưa? .

Nếu chưa, vậy chẳng hóa ra, học sinh Trường Tiểu học Hoàng Liệt sau khi được điều chuyển sẽ có sĩ số đúng chuẩn, sĩ số đáng mơ ước của ngành giáo dục.

Giáo viên sẽ giảm được áp lực giảng dạy, học sinh sẽ được học trong một lớp mà không bị áp lực nhiều về sĩ số, các em sẽ nhận được sự giáo dục, chăm sóc nhiều hơn từ giáo viên.

Ngược lại, Trường Tiểu học Chu Văn An nhận thêm nhiều học sinh nữa chắc chắn áp lực, gánh nặng lại đổ lên đầu người dạy, người học nơi đây gấp nhiều lần.

Sĩ số một lớp học quá đông, học sinh sẽ không nhận được nhiều sự chăm lo từ các thầy cô giáo. Vậy có công bằng cho chính các em ở trường học này?

Bất công sẽ xảy ra ngay trong cùng một địa bàn khi ngôi trường này được tạo điều kiện về mọi mặt để lên chuẩn thì ngôi trường kia lại phải gánh thêm áp lực.

Nếu chỉ vì 1 trường lên chuẩn mà đẩy các trường khác phải chịu thêm áp lực trong giảng dạy và học tập do không đủ điều kiện cơ sở vật chất (phòng học, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, sĩ số...) thì có nên không? Có phải là việc nên làm không?

Để một trường lên chuẩn, một trường khác phải chịu thiệt thòi, chắc chắn cũng không thể nâng cao được chất lượng giáo dục.

Thực hiện Nghị quyết của thành phố, giai đoạn 2021-2025 các quận, huyện tỉ lệ đạt chuẩn quốc gia đạt từ 80-85%, người viết cho rằng không thể dùng biện pháp chuyển học sinh từ trường này qua trường khác như Trường Tiểu học Hoàng Liệt đã áp dụng.

Cách tốt nhất lúc này, địa phương phải quy hoạch vị trí thuận lợi nhất để xây thêm trường học, thực hiện tốt việc giãn cách học sinh ở các trường trong địa bàn. Có như thế, việc lên chuẩn quốc gia sẽ không bị ảnh hưởng mà chất lượng học tập vẫn được đảm bảo và nâng cao.

Tài liệu tham khảo:

{1} https://danviet.vn/thong-tin-moi-vu-hang-tram-hoc-sinh-bi-day-sang-noi-khac-de-truong-len-chuan-quoc-gia-20220627055846045.htm

{2} https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hang-tram-hoc-sinh-bi-ep-chuyen-truong-de-truong-len-chuan-quoc-gia-20220627172106411.htm

Đỗ Quyên