Về sách giáo khoa mới, xin đừng đổ lỗi cho giáo viên không biết dạy

05/10/2020 08:57
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta đang thấy ý kiến giữa những người “thiết kế” chương trình, sách giáo khoa mới và những thầy cô dạy lớp cùng với phụ huynh đang hoàn toàn trái ngược nhau.

Chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới thực dạy được 4 tuần nhưng đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Giáo viên thì cho rằng kiến thức quá nặng, phụ huynh thì nói chương trình quá tải nên con em họ phải học đến khuya vẫn chưa hết bài…

Ở chiều ngược lại thì những thầy, cô viết chương trình tổng thể, chương trình môn học và sách giáo khoa thì cho rằng chương trình mới đã giảm tải hơn trước, giáo viên chê kiến thức nặng khi giảng dạy là do “chưa biết cách dạy”…

Hình chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Việt Dũng.

Hình chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Việt Dũng.

Vậy chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa lớp 1 năm nay có nặng không và đâu mới là nút thắt cần được tháo gỡ khi mà chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chỉ mới bắt đầu thực hiện ở năm học đầu tiên?

Khi “người thiết kế” và “người thi công” đang có ý kiến trái ngược nhau

Ngay từ khi mới bắt đầu bước vào năm học này thì một số giáo viên đã lên tiếng về chương trình, sách giáo khoa lớp 1 của năm nay có phần nặng nề hơn. Điều này đã được nhiều thầy cô lên tiếng và báo chí cũng đã phản ánh khá nhiều trong suốt mấy tuần vừa qua.

Trước luồng ý kiến giáo viên và phụ huynh lên tiếng về nội dung, yêu cầu và kiến thức ở lớp 1 nặng nên lãnh đạo Bộ mà đặc biệt là các thầy cô đã từng tham gia viết chương trình tổng thể, chương trình môn học mà sau này là tác giả sách giáo khoa đã phản bác lại ý kiến của đội ngũ giáo viên đứng lớp và phụ huynh trên cả nước.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết:

“Trong chương trình của khối 1 có 9 môn học thì chương trình quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học đó. Trong đó, cũng quy định chuẩn đầu ra khi kết thúc năm học. Ví dụ với môn Tiếng Việt, kết thúc lớp 1 thì các em viết trong một phút được bao nhiêu từ? Đọc hiểu như thế nào…

Và để đạt được chuẩn đó thì chương trình quy định số tiết của môn Tiếng Việt là 420 tiết và tất cả 5 bộ sách giáo khoa phải dựa trên chuẩn đầu ra và khung thời lượng đó, thiết kế bằng những con đường khác nhau để đi đến cái đích đó.

Khi ban hành chương trình, chúng ta đã tổ chức rất nhiều công đoạn, trong đó có khâu thực nghiệm và lấy ý kiến của hội đồng thẩm định quốc gia.

Với những quy trình làm việc rất chặt chẽ thì những nhận định như vậy ngay ở những bước đầu là chưa có đủ căn cứ xác đáng”. [1]

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hạnh là thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn; Chủ biên môn Tiếng Việt bộ sách giáo khoa Cùng học để phát triển năng lực đã chia sẻ:

“Trong khi khoa học kỹ thuật phát triển, yêu cầu trình độ đội ngũ lao động ngày càng phải tăng lên, cập nhật mà giáo dục lại yêu cầu học ít thôi, giảm tải,... thì đó là câu chuyện rất ngớ ngẩn. Muốn đổi mới mà không muốn trả giá là việc không tưởng”.[2]

Bà Hạnh cho rằng, việc nặng có chăng do nhà trường, giáo viên chưa biết cách đổi mới phương pháp dạy học.

“Ví dụ dạy 3 vần “át - ất - ắt”, khi tập huấn tôi nghe giáo viên nói dạy 3 vần thì nặng lắm nhưng thực tế sau đó tôi đưa ra một bài dạy về 3 vần này, giáo viên chỉ cần dạy kỹ vần “át” thôi, sau đó chỉ học sinh thay chữ ă thì ra vần “ắt”, thay chữ â thì ra vần “ất”.

Sau đó chính các giáo viên cũng thừa nhận như vậy thì không khó. Nghĩa là nếu biết cách dạy thì rất nhẹ nhàng, như vậy tức là giáo viên chưa giỏi về phương pháp”. [2]

Cũng vấn đề này, thầy Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông năm 2018- Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt (Cánh Diều) thì cho rằng:

“Tôi ngờ rằng nhiều phụ huynh và cả thầy cô đang lẫn lộn giữa chương trình với sách giáo khoa. Mục tiêu chính của chương trình Tiếng Việt lớp 1 từ xưa đến nay vẫn là dạy học sinh biết đọc, biết viết.

Muốn thế thì theo chương trình nào cũng phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Chương trình mới không thể thêm chữ nào, vần nào vào tiếng Việt nên không thể nói rằng nặng hơn chương trình cũ”. [3]

Như vậy, chúng ta đang thấy ý kiến giữa những người “thiết kế” chương trình, sách giáo khoa mới và những thầy cô đứng lớp cùng với phụ huynh đang hoàn toàn trái ngược nhau.

Lãnh đạo Bộ và những tác giả viết chương trình, sách giáo khoa thì cho rằng việc đánh giá nội dung chương trình, sách giáo khoa lớp 1 trong thời điểm này là còn quá sớm và chưa khoa học, chưa khách quan và “chưa biết cách đổi mới phương pháp dạy học”.

Chương trình, sách giáo khoa mới có nặng không?

Thực ra không phải bây giờ mà ngay từ khi Bộ ban hành chương trình tổng thể, chương trình môn học đã có nhiều ý kiến cho rằng kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là có phần nặng hơn chương trình năm 2000.

Cái nặng không chỉ dừng lại ở kiến thức mà phương pháp, cách tiếp cận chương trình mới cũng hoàn toàn khác với chương trình cũ. Điều này đòi hỏi việc tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên phải được chu đáo.

Thế nhưng, thực tế thì nhiều giáo viên dạy lớp 1 năm nay được tập huấn còn quá ít, chủ yếu vẫn tự mày mò để dạy vì có những môn học thì giáo viên chỉ được tập huấn trực tiếp 1 ngày, thậm chí có 1 buổi mà thôi.

Vì tập huấn quá ít, chưa đủ thời gian để giáo viên lĩnh hội một cách thấu đáo chương trình, sách giáo khoa, phương pháp tiếp cận mới nên họ lên tiếng cũng là lẽ thường tình.

Chương trình có nặng hay không chỉ cần nhìn vào số môn học thì mọi người cũng có thể nhìn ra vấn đề. Học sinh lớp 1 mà ngay đầu năm học đã có 9 môn học thì làm sao nói là nhẹ nhàng được vì các em mới bắt đầu học âm, học vần và tập ghép chữ.

Ngoài 9-10 cuốn sách giáo khoa thì môn nào cũng có thêm sách bổ trợ, thành ra học sinh lớp 1 có tới hơn 20 đầu sách (chưa kể vở riêng) thử hỏi dư luận lên tiếng đâu có gì khó hiểu.

Hơn nữa, nếu đội ngũ giáo viên chỉ một vài người lên tiếng về nội dung kiến thức lớp 1 nặng thì cho là giáo viên đó chưa tốt phương pháp nhưng thời gian qua có nhiều giáo viên cùng lên tiếng thì lãnh đạo Bộ cũng cần phải xem lại xem việc bồi dưỡng, tập huấn của ngành về chương trình mới như thế nào.

Việc giao cho các Nhà xuất bản tập huấn cũng tốt nhưng nếu không có sự kiểm tra, giám sát kĩ lưỡng thì e là Bộ còn thiếu sót. Bởi suy cho cùng, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì giáo viên vẫn là nhân tố quyết định việc thành bại.

Chính vì vậy, từ bài học của việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 năm nay thì Bộ và các Sở Giáo dục cần có kế hoạch tập huấn kĩ càng cho đội ngũ giáo viên lớp 2, lớp 6 trong năm tới để giáo viên chủ động hơn trong việc giảng dạy.

Đừng để tình trạng tập huấn, bồi dưỡng một cách cho có rồi để giáo viên dạy lớp tự bơi, tự mò mẫm nhưng cuối cùng lại nói là giáo viên “chưa biết cách dạy”…như những gì mà chúng ta đang thấy.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/phu-huynh-keu-chuong-trinh-lop-1-nang-bo-gd-dt-noi-gi-677712.html

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/chuong-trinh-sgk-lop-1-moi-nang-la-do-chua-biet-cach-day-678265.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=moinong6

[3]https://vnexpress.net/chuong-trinh-moi-khong-ep-hoc-tieng-viet-nhanh-4170455.html

THANH AN