Vào Nam chống dịch, tôi yêu cầu các em sinh viên phải ăn hết suất cơm

17/09/2021 06:30
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là yêu cầu của nữ trưởng đoàn Đại học Y Dược Hải Phòng khi thấy các sinh viên bỏ bữa cơm do quá giờ, món ăn không hợp khẩu vị sau thời gian làm nhiệm vụ.

Đến nay đã 3 tuần, 209 người gồm giảng viên, sinh viên, bác sĩ nội trú của trường Đại học Y Dược Hải Phòng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục công việc hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, tại các Khu cách ly và bệnh viện dã chiến tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Là Trưởng đoàn, bác sỹ - Tiến sỹ Nguyễn Thị Thắm cho biết, lần vào Thành phố Hồ Chí Minh này là lần đầu tiên chị nhận nhiệm vụ nặng nề khi quản lý trên 200 người, trong một bối cảnh có nhiều nguy cơ dịch bệnh, công việc liên tục.

“Chúng tôi nhận được sự điều động của Bộ Y tế, đoàn của tôi đi là đoàn thứ 3 trong trường tham gia hỗ trợ chống dịch ở miền Nam”, Tiến sỹ Thắm cho hay.

Đoàn Đại học Y Hải Phòng trước giờ vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.Đoàn Đại học Y Hải Phòng trước giờ vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.

Với cương vị là Trưởng khoa y tế công cộng, Tiến sỹ Thắm nhận định chuyến đi này bên cạnh những khó khăn, gian nan phía trước, thì đây cũng là cơ hội để các cán bộ, sinh viên trong trường được đóng góp thế mạnh của khoa về chuyên môn là truy vết người bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm, tiêm chủng… cho công tác dập dịch Covid-19 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, nữ trưởng đoàn còn đảm nhận lo toan khâu hậu cần, đến động viên tinh thần cho mọi người trong đoàn, cùng gia đình, người thân.

“Có những em sinh viên dù tình nguyện đi vào miền Nam chống dịch, nhưng gia đình nhất quyết ngăn cản không cho đi vì dịch bệnh nguy hiểm. Chúng tôi đã động viên, giải thích cho gia đình hiểu thì họ mới đồng ý cho con em tham gia.

Chúng tôi xác định không ngại khó, ngại khổ”, Tiến sỹ Thắm chia sẻ.

Bên cạnh sự chuẩn bị trên, tập thể cán bộ, sinh viên nhà trường cũng có những buổi tập huấn về kiến thức và thực hành chăm sóc điều trị, dự phòng Covid-19….

Các em phải ăn hết suất cơm

Từng vào trong Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần, trong kí ức của của Tiến sỹ Thắm thì nơi đây là một thành phố “không ngủ”, cuộc sống rất sôi động và nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.

Nhưng ngay khi bay từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đến sân bay Tân Sơn Nhất, những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt vị Tiến sĩ này chỉ có bóng dáng những đoàn công tác vào chống dịch. Trên chuyến xe khách về nơi nghỉ, đường phố vắng bóng người dân, chỉ có những cán bộ, chiến sỹ đứng chốt trực.

“Dù chuẩn bị trước tâm lý khi đến vùng dịch nóng bỏng nhất cả nước, nhưng tôi vẫn cảm thấy cũng hơi hoang mang vì khác so với những gì mình nghĩ”, vị nữ trưởng khoa chia sẻ.

Sau ngày nghỉ ngơi, đoàn công tác được phân bổ về 2 đơn vị bệnh viện dã chiến tại quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức, còn lại là vào các khu cách ly tại quận 8.

Tại những đơn vị này, bác sỹ Thắm không chỉ chứng kiến sự khốc liệt của dịch bệnh đến với người bệnh, mà còn thấy rõ sự vất vả trong công việc của các y, bác sĩ và của cả các em sinh viên.

“Trong bệnh viện, lực lượng y tế mặc đồ bảo hộ cấp 3, cấp 4 và mặc trong khoản 3-4 tiếng. Khi cởi đồ ra thì bên trong người như tắm, mồ hôi chảy trong chân tóc do không thể thoát hơi, đồ lót còn bị ướt… Có nhiều em sinh viên bị ngất”, Tiến sỹ Thắm chia sẻ.

Thời gian làm việc của lực lượng y tế không có ngày nghỉ lễ hay thứ bảy, chủ nhật. Họ luôn phải vào guồng với công việc để mong sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Tại những bệnh viện dã chiến thì thời gian làm việc khoảng 8 tiếng, còn những nhóm tham gia lấy mẫu ngoài cộng đồng thì thời gian không cố định, có hôm họ làm việc tới 9-10 giờ đêm hoặc có thể tới 1-2 giờ sáng.

“Thấy các em làm xong công việc có khi tới đêm hoặc tới sáng, cơn đói cũng đã qua. Nhiều em không muốn ăn nữa, tôi liền đề nghị các em sinh viên phải ăn hết suất cơm, bởi vào đây chống dịch thì không để mình nhiễm bệnh mà còn phải đảm bảo cả sức khỏe cho bản thân, không làm gánh nặng cho địa phương”, Tiến sỹ Thắm nhận định.

Tiến sỹ Thắm chia sẻ thêm, sau lời yêu cầu các em sinh viên phải ăn hết suất cơm thì mọi người đều hiểu ý của cô và từ đó trở đi, dù cơm có ngon hay không thì đều được các em ăn hết sạch.

Tiến sỹ Thắm chia sẻ, đa số các em sinh viên trong đoàn đang học năm thứ 6, năm cuối chuẩn bị ra trường. Việc các em ở lại chống dịch thêm thời gian 1-2 tháng hay lâu hơn nữa thì cũng tương đương thời gian lấy bằng tốt nghiệp của các em muộn hơn. Nhưng chúng tôi đều động viên nhau, mỗi người góp sức lực của mình sẽ giúp địa phương sớm kiểm soát được dịch bệnh, người dân sớm trở về cuộc sống bình thường

Tiến sỹ Thắm ngoài đời thường.Tiến sỹ Thắm ngoài đời thường.

Chia sẻ về gia đình, bác sỹ Thắm cho hay, ngày chị nhận được nhiệm vụ và với cương vị là trưởng đoàn thì chị chia sẻ thông tin đó với chồng và được anh ủng hộ, động viên.

Hai đứa con của chị chỉ biết mẹ sắp vào Nam chống dịch khi thấy mẹ hay điện thoại với các đồng nghiệp, cậu con trai út thì mếu máo vì mẹ sắp đi công tác dài ngày. Thấy vậy, mẹ hứa với các con là sẽ cho chúng ra sân bay tiễn mẹ.

Tuy nhiên, trong buổi sáng lên máy bay, chị không đánh thức chúng dậy, bởi sợ chúng đi theo sẽ khóc lóc, khiến cả đoàn bị phân tán tư tưởng.

Chị và các thành viên trong đoàn đã và đang cố gắng làm hết sức mình để chung tay dập dịch, góp phần đem lại cuộc sống bình thường cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cũng như công cuộc phòng chống dịch của cả nước nói chung.

Mạnh Đoàn