Văn mẫu là biểu hiện xuống cấp trầm trọng của hoạt động dạy-học Ngữ văn

21/08/2021 07:24
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không ít giáo viên với nhiều lí do khác nhau đã không chịu khó trau chuốt kiến thức và kĩ năng dạy học mà chỉ dựa vào các bài văn mẫu, giáo án mẫu...

Văn mẫu làm “thui chột” sáng tạo của học sinh

Trong hai ngày 12-13/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu năm học mới các trường Trung học Phổ thông phải học thật, thi thật. Riêng môn Ngữ văn phải chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu.

Ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận được sự đồng thuận của đông đảo các chuyên gia, các nhà giáo tâm huyết.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Chu Đình Kiên, giảng viên khoa Sư Phạm, Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, các bài làm văn mẫu trên mạng Internet cũng như sách tham khảo ở các nhà sách rất nhiều, đủ mọi cấp học từ Tiểu học đến Trung học phổ thông. Việc ghé mua, tìm một quyển văn mẫu bất kì cấp học nào ở nhà sách thực sự quá dễ dàng.

Nếu đó là những bài văn được xây dựng, viết ra từ tâm huyết của thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp thì quả thực đáng quý. Nhưng hầu hết, các bài viết này là kết quả của sự sao chép, “xào nấu” từ trang website này qua trang website nọ, sách tham khảo này qua sách tham khảo khác. Đặc biệt với công nghệ tiên tiến như hiện nay, thao tác, thủ thuật đó diễn ra đơn giản và nhanh chóng.

“Không ít bài văn được cắt ghép kiểu ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’. Nguy hiểm hơn là khi học sinh chưa ý thức được sự nguy hại của văn mẫu, vội vàng xem đó là chuẩn mực để làm theo.

Có một thực tế là đa số giáo viên thực sự có tâm huyết trong dạy học Ngữ văn lại không viết văn mẫu và dùng văn mẫu để giảng dạy.

Họ chỉ định hướng cách làm bài, còn năng lực hiểu biết, kĩ năng thực hành văn bản, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn văn chương hoàn toàn thuộc về các em.

Vậy các bài văn mẫu đó xuất hiện là kết quả của những thầy cô ‘tay ngang’ chứ không phải của giáo viên dạy Ngữ văn thực thụ”, Tiến sĩ Kiên chia sẻ.

Tiến sĩ Chu Đình Kiên, giảng viên khoa Sư Phạm, Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Chu Đình Kiên, giảng viên khoa Sư Phạm, Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo Tiến sĩ Chu Đình Kiên đánh giá, sự xuất hiện của văn mẫu là biểu hiện của sự xuống cấp trầm trọng trong dạy học Ngữ văn hiện nay. Bởi văn mẫu có quá nhiều hậu quả, hệ lụy.

Từ áp đặt kiến thức của giáo viên đến việc thui chột vẻ đẹp tâm hồn, sự sáng tạo của học sinh, văn mẫu làm sai lệch ý nghĩa đích thực của bộ môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông.

Tiến sĩ Chu Đình Kiên cho rằng: “Đối với học sinh, không đọc văn bản nhưng vẫn có thể viết được văn. Các bài văn mẫu đã “mớm” cho các em một số tuyệt chiêu để rồi không ít lần chúng tôi đọc bài làm của học sinh dở khóc dở cười.

Cũng không ít giáo viên với nhiều lí do khác nhau đã không chịu khó trau chuốt kiến thức và kĩ năng dạy học mà chỉ dựa vào các bài văn mẫu, giáo án mẫu, dạy thao thao bất tuyệt từ năm này qua năm khác.

Chúng tôi nghĩ, văn mẫu thực sự có lỗi rất lớn đối với học sinh. Vì vậy, với tư cách là một giáo viên trong ngành, nhất là giáo viên Ngữ văn phải kiên quyết nói không với văn mẫu”.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, cô Lê Thị Hải Yến, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học Phổ thông Trần Văn Kỷ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho hay:

“Đối với học sinh, văn mẫu sẽ triệt tiêu sự sáng tạo và biến học sinh trở thành một cỗ máy. Các em chỉ cần ghi nhớ máy móc mà không có tư duy. Điều này dẫn đến tình trạng khi gặp một đề bài mà các em không thuộc, không kịp ghi nhớ, hoặc đã quên thì các em không thể giải quyết được.

Chức năng của văn học muốn các em hướng tới là giáo dục về chân, thiện, mỹ. Khi đọc văn mẫu, các em được nhồi nhét ngôn từ của các thầy cô, thậm chí là các nhà nghiên cứu và các em nói theo, viết theo. Các em không có những rung động từ trái tim mình”.

Thực tế trong quá trình dạy học, cô Lê Thị Hải Yến chia sẻ, cô gặp nhiều trường hợp cùng một bài thơ, nhưng các em phân tích khổ này rất dài, viết theo trí nhớ bài văn mẫu mình đã học thuộc, còn khổ kia bỏ giấy trắng.

Những học sinh đọc văn mẫu sẽ dẫn đến tình trạng ghi nhớ máy móc, không đào sâu tác phẩm nên học trước quên sau, mất nhiều thời gian mà không hiểu gì. Lẫn lộn các nhân vật, không nhớ sự việc, chi tiết của tác phẩm.

Ngoài ra theo cô Hải Yến, Ngữ văn là môn học cần truyền cảm hứng, học sinh phải cảm nhận được “lửa” từ người dạy. Việc đọc văn mẫu cho học sinh chép, bản thân người dạy cũng nhàm chán. Bởi chỉ bằng một kịch bản, một bài giảng được diễn đi, diễn lại ở nhiều khối lớp, nhiều thế hệ học trò.

Cô Lê Thị Hải Yến, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường Trung học Phổ thông Trần Văn Kỷ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Lê Thị Hải Yến, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường Trung học Phổ thông Trần Văn Kỷ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phải thay đổi thói quen sử dụng văn mẫu

Cô Lê Thị Hải Yến cho rằng, việc thay đổi thói quen sử dụng văn mẫu phải được thực hiện ở cả người học lẫn người dạy, đặc biệt là giáo viên. Môn Ngữ văn là môn học cảm thụ, điều đó đồng nghĩa học sinh có quyền sáng tạo. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều vào văn mẫu khiến học sinh mất dần quyền năng đó cũng như giáo viên bị thụ động trong việc triển khai bài giảng và đánh giá học sinh.

“Có nhiều giáo viên không cho học sinh có quyền sáng tạo, nếu viết sai ý, không đúng với các luận điểm thầy cô đã dàn bài thì bài đó bị điểm thấp. Ngược lại, nếu các em chép y nguyên các luận điểm thầy cô đã vạch ra, bản thân người chấm bài thực chất đó là chấm lại văn mình.

Vì vậy, để các em yêu thích môn Ngữ văn, chúng ta cần bỏ ngay văn mẫu, phải làm sao mỗi giờ dạy giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp tạo hứng thú cho học sinh. Có như vậy thì giờ học môn Ngữ văn mới trở thành tiết học truyền cảm hứng, không phải giờ đọc-chép”, cô Hải Yến bày tỏ.

Theo Tiến sĩ Chu Đình Kiên, với sự thay đổi của chương trình sách giáo khoa mới như hiện nay đã dần thay thế việc sử dụng văn mẫu trong nhà trường.

Năm học 2021-2022, chương trình Ngữ văn 6 có ba bộ sách được đưa vào giảng dạy, bao gồm: bộ Cánh diều, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, bộ Chân trời sáng tạo. Tùy thuộc vào điều kiện của địa phương, nhà trường sẽ lựa chọn bộ sách cho phù hợp với thực tiễn.

“Chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy đâu đó còn có những ‘hạt sạn’ cần chỉnh sửa, nhưng với sự thay đổi về cấu trúc tổng thể đã hạn chế rất lớn việc học sinh sử dụng văn mẫu để làm bài tập. Sách giáo khoa mới đã gắn việc học lí thuyết với thực hành văn bản trong cuộc sống.

Ví dụ ở Bài số 1, với câu hỏi số 6 (tr.18) sách giáo khoa Ngữ văn 6 (bộ Cánh diều) có sử dụng các câu hỏi mở rộng: ‘Vì sao Đại hội Thể dục Thể thao dành cho học sinh phổ thông Việt Nam được lấy tên là Hội khỏe Phù Đổng?’.

Với loại câu hỏi này, học sinh trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân theo cách hiểu của mình, đồng thời giúp các em hiểu được ý nghĩa của một hoạt động thể thao diễn ra trong nhà trường”, Tiến sĩ Kiên cho hay.

Bên cạnh việc thay đổi sách giáo khoa, bản thân mỗi thầy cô giáo phải thường xuyên học tập đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả để một mặt chấm dứt tình trạng văn mẫu, mặt khác phù hợp với bối cảnh dạy học hiện nay.

Không dựa vào văn mẫu, bản thân mỗi thầy cô phải dùng chính những kiến thức của chính mình truyền đạt cho các em học sinh. Từ đó mới giúp học trò có cảm hứng, cảm thụ được những giá trị môn học để vận dụng vào đời sống, tạo lối sống nhân văn, ứng xử tốt đẹp.

Tiến sĩ Chu Đình Kiên nhận định: “Trong năm học 2021-2022 và những năm học tiếp theo, bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi hình thức dạy học trực tuyến cũng là cách giáo viên dạy học Ngữ văn thay đổi thói quen sử dụng văn mẫu cho học sinh của mình”.

Cao Kim Anh