Vai trò của Hiệu trưởng trong chương trình mới

13/01/2019 06:59
Thùy Linh
(GDVN) - Cán bộ quản lí, nhất là hiệu trưởng nhà trường có vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa chủ trương giảm tải.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có tác động đến mọi học sinh phổ thông ở các cấp học, chương trình bộ môn rất hay tuy nhiên sẽ đòi hỏi cao ở người giáo viên.

Giải quyết được vấn đề hiệu trưởng là giáo dục sẽ phát triển

Chính vì vậy chuyên gia băn khoăn rằng khi chương trình giáo dục phổ thông mới đi vào triển khai thì việc giảng dạy, sự tự do, sáng tạo của giáo viên sẽ được bảo đảm ra sao khi quản lý hành chính hiện vẫn đang đè lên họ. 

Trước vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc giao quyền chủ động cho giáo viên và tổ/nhóm chuyên môn xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học để thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực đã được Bộ chỉ đạo từ nhiều năm qua. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành chuẩn nghề nghiệp của giáo viên và chuẩn hiệu trưởng mới, trong đó quy định rõ yêu cầu phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên. 

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học khẳng định: “Cán bộ quản lí, nhất là hiệu trưởng nhà trường có vai trò quyết định trong việc hiện thực hoá chủ trương giảm tải..." (Ảnh: Lại Cường)
Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học khẳng định: “Cán bộ quản lí, nhất là hiệu trưởng nhà trường có vai trò quyết định trong việc hiện thực hoá chủ trương giảm tải..." (Ảnh: Lại Cường)

Ông Nguyễn Xuân Thành tiết lộ: “Trong năm 2019, đồng thời với việc Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lí cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, trong đó sẽ quy định cụ thể về cơ chế tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn trong trường phổ thông, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên phát huy tinh thần tự chủ, đổi mới và sáng tạo trong dạy và học. 

Đồng thời, Bộ cũng sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định để bảo đảm việc thực thi chương trình mới đạt hiệu quả cao”. 

Đó là thay đổi về phía giáo viên còn khâu quản lý cơ sở và địa phương có thay đổi gì không khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới?

Bởi lẽ sau 5 năm đổi mới giáo dục, ngành đã có nhiều chuyển biến nhưng nhìn lại những tiêu cực thì lại chủ yếu ở khâu quản lý cơ sở và địa phương. 

Giảm áp lực giáo viên, Bộ quyết tâm nhưng có địa phương vẫn ngó lơ

Về điều này, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học khẳng định: “Cán bộ quản lí, nhất là hiệu trưởng nhà trường có vai trò quyết định trong việc hiện thực hoá chủ trương giảm tải. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Bộ đã không ngừng chỉ đạo đổi mới tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong nhà trường”. 

Cụ  thể, vị này nêu rõ, Bộ đã giao quyền chủ động cho giáo viên, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục. Kết quả triển khai mấy năm qua là khả quan. Trong thời gian tới, cùng với việc bồi dưỡng giáo viên, công tác tập huấn cho cán bộ quản lí, đặc biệt là hiệu trưởng được Bộ đặc biệt coi trọng.

Cùng với đó, Bộ đang xây dựng các văn bản quy định cụ thể và tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm giải pháp then chốt đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TW là “Đổi mới cơ chế quản lí giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo” được thực thi hiệu quả.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới như sau:

Năm học 2020-2021 đối với lớp 1;

Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6;

Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10

Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Thùy Linh