Vai trò của giảng viên trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng

16/03/2021 15:10
Trung tá Hoàng Anh Tuấn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giảng viên ở Học viện Chính trị là lực lượng quan trọng góp phần đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng hiệu quả.

Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng của đội ngũ giảng viên ở Học viện Chính trị có vị trí, vai trò rất quan trọng, trực tiếp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học ở Học viện và chất lượng công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội, xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ giảng viên ở Học viện Chính trị là một bộ phận giảng viên cơ hữu của Học viện, được biên chế ở các khoa, có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thực hiện các nhiệm vụ khác được giao, góp phần trang bị cho học viên kiến thức, kinh nghiệm, rèn luyện phẩm chất, kỹ năng cần thiết của người cán bộ chính trị theo mục tiêu yêu cầu đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Giảng viên ở Học viện Chính trị là những người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, được đào tạo cơ bản, có học hàm, học vị, có trình độ, khả năng, kinh nghiệm trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng.

Vai trò của giảng viên ở Học viện Chính trị trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng thể hiện:

Một là, giảng viên ở Học viện Chính trị là lực lượng quan trọng góp phần đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng hiệu quả.

Các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị luôn được các thế lực thù địch, phản động đưa lên không gian mạng và lưu trữ trên đó với thời gian tương đối lâu, nó thay đổi theo diễn biến đấu tranh và nhận thức của Nhân dân ta.

Hiện nay, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị đều được các cấp các ngành, các lực lượng tham gia.

Trong các lực lượng tham gia sử dụng mạng Intetnet có nhiều lứa tuổi khác nhau, do đặc điểm tâm lý, nghề nghiệp mà các thế hệ khác nhau tham gia sử dụng mạng theo những tiêu chí khác nhau, nên việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng cũng khác nhau.

Trong đó có giảng viên ở Học viện Chính trị - những người có tri thức, kinh nghiệm, trình độ, lại thường xuyên được các cấp giáo dục và định hướng chính trị.

Mặt khác họ thường xuyên sử dụng mạng Internet, họ có cơ hội để đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; họ là lực lượng có bản lĩnh chính trị, có tinh thần cách mạng, có sự giác ngộ cao, lại thường xuyên được cấp ủy, chỉ huy các cấp giáo dục, cung cấp thông tin theo chuyên môn, nên họ đủ trình độ để phân tích thông tin đúng sai; nên họ chính là lực lượng đông đảo ở Học viện góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng có hiệu quả.

Giảng viên ở Học viện Chính trị là lực lượng quan trọng góp phần đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng hiệu quả. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Giảng viên ở Học viện Chính trị là lực lượng quan trọng góp phần đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng hiệu quả. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Hai là, giảng viên ở Học viện Chính trị góp phần chỉ ra các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và định hướng tư tưởng cho cộng đồng sử dụng mạng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học ở Học viện.

Trên không gian mạng chứa đựng nhiều thông tin, có cả thông tin khoa học, thông tin đại chúng và có cả các thông tin là quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị nó hoàn toàn sai lầm và phản khoa học.

Để chỉ ra các thông tin trên đâu là thông tin thuộc quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị đây là công việc khá khó khăn, việc này đòi hỏi chủ thể sử dụng mạng và khai thác thông tin trên mạng phải có trình độ và kinh nghiệm nhất định.

Nếu người khai thác và sử dụng thông tin trên mạng không có kiến thức và trình độ sẽ không biết đâu là thông tin phản ánh đúng, đâu là thông tin phản ánh sai lệch tình hình, dẫn đến tin rằng các thông tin được đăng tải trên mạng đều khoa học, đều phản ánh đúng hiện thực.

Nên họ tin vào một phần hoặc tin vào tất cả các quan điểm đó, vì vậy chính những cá nhân đó khi sử dụng mạng lại là những người chia sẻ thông tin sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên mạng một cách không chủ đích.

Với tính năng tương tác cao và tiện ích cho người sử dụng nhất là sử dụng mạng theo từng lĩnh vực mà cộng đồng sử dụng mạng quan tâm thì những thông tin sai trái, thù địch, cơ hội chính trị thì không những không được chỉ ra và ngăn chặn, mà nó còn được lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng mạng.

Giảng viên ở Học viện Chính trị là những người được đào tạo cơ bản, có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu chức trách nhiệm vụ, đặc biệt họ có phẩm chất chính trị tốt, thường xuyên được sự giáo dục của các cấp, được công tác trong một môi trường có tính định hướng chính trị cao, nên họ có khả năng nhanh nhạy trong nhận biết các thông tin sai trái, thù địch; họ có khả năng tư duy phân tích tìm ra những thông tin đâu là khoa học và đâu là sai lầm, mức độ phản khoa học, sai trái hay thù địch hay cơ hội chính trị.

Đây cũng là lực lượng thường xuyên sử dụng mạng nên họ nhanh chóng truyền tải thông tin cho bạn bè và cộng đồng mạng biết.

Mặt khác giảng viên ở Học viện Chính trị khi tham gia mạng họ hoàn toàn có khả năng phân tích nhận định đâu là quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sai trái, thù địch do chủ thể cung cấp thông tin hạn chế về trình độ tri thức khoa học hay do chủ thể cố tình đưa thông tin sai trái, thù địch, cơ hội chính trị lên không gian mạng; họ hoàn toàn có thể kiểm tra nguồn gốc của thông tin được đăng tải bởi cá nhân hay tổ chức với tài khoản nào.

Trung tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị và Thiếu tướng Phạm Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện trao quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn và Quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư cho các nhà giáo đạt tiêu chuẩn Phó Giáo sư năm 2020 của Học viện. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Trung tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị và Thiếu tướng Phạm Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện trao quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn và Quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư cho các nhà giáo đạt tiêu chuẩn Phó Giáo sư năm 2020 của Học viện. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Cho nên học viên sẽ trẻ góp phần định hướng nhận thức cho cộng đồng người sử dụng mạng thông qua bài viết của mình, giải thích rõ đúng, sai của những quan điểm mà người khác đưa ra.

Chính vì vậy giảng viên ở Học viện Chính trị là lực lượng quan trọng chỉ ra các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

Ba là, giảng viên ở Học viện Chính trị đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Nghiên cứu, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những nhiệm vụ chính trị cơ bản, thường xuyên lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Chính trị.

Thông qua các hình thức đấu tranh tham gia vào các hội thảo khoa học, các chuyên đề nghiên cứu, các bài báo, thông tin chuyên đề, nói chuyện chuyên đề; với kỹ năng, vốn kiến thức được đào tạo, với môi trường có điều kiện thuận lợi như tài liệu, thông tin; đồng thời, với kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị đã có giảng viên sẽ góp phần nâng cao hàm lượng trí tuệ, sức thuyết phục sự phong phú về nội dung, hình thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, kịp thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn và các luận điệu xuyên tạc, lừa bịp của các thế lực thù địch, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo vào nghiên cứu đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng.

Bốn là, giảng viên ở Học viện Chính trị đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạngcơ sở quan trọng giữ vững định hướng chính trị trong hoạt động giáo dục, đào tạo của Học viện.

Hiệu quả đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng của giảng viên ở Học viện Chính trị bao hàm tri thức toàn diện, đặc biệt sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng ta.

Đó là những tri thức khoa học và cách mạng nhất về giới tự nhiên, xã hội và tư duy; về sự vận động và phát triển của xã hội; về con đường biện pháp xoá bỏ xã hội áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội công bằng, tự do, hạnh phúc...; về phương pháp, kỹ năng tư duy khoa học và cách thức hoạt động thực tiễn có hiệu quả.

Những tri thức và kỹ năng đó được chuyển tải và thẩm thấu vào người học qua các hình thức dạy học, nghiên cứu khoa học, đấu tranh chống các quan điểm sai trái và các hoạt động khác.

Người học ngày càng mở mang nhận thức, nắm vững bản chất khoa học xã hội. xây dựng và hoàn thiện các phương pháp, kỹ năng nhận thức và hoạt động khoa học, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn công tác và đấu tranh cách mạng; là cơ sở quan trọng, bền vững nâng cao giác ngộ chính trị và xây dựng bản lĩnh chính trị.

Các hoạt động này diễn ra thường xuyên, đan xen, trong mối quan hệ biện chứng, làm tăng chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo.

Từ đó, giảng viên ngày càng nhận thức sâu sắc, toàn diện về các nguyên lý, quy luật vận động, phát triển của xã hội; về con đường, biện pháp xây dựng xã hội mới tốt đẹp; về các khoa học khác, tạo ra bước chuyển hoá từ nhận thức thành tình cảm cách mạng, niềm tin, kiên định mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững định hướng chính trị trong hoạt động giáo dục, đào tạo của Học viện.

Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng của đội ngũ giảng viên ở Học viện Chính trị là tổng thể các chủ trương, nội dung, hình thức, biện pháp của đội ngũ giảng viên để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh chính trị-xã hội, kinh tế, tư tưởng văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các lợi ích khác của quốc gia, nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên không gian mạng.

* Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trung tá Hoàng Anh Tuấn