"Ước gì con được đến trường"

21/03/2020 07:57
Nhật Minh
(GDVN) - Cậu bé đang học lớp 1 thốt lên với mẹ sau khi được thông báo lại tiếp tục phải nghỉ học để tránh dịch bệnh Covid-19.

Đến nay, học sinh tại Hà Nội và nhiều tỉnh, Thành phố đã phải nghỉ học gần 2 tháng để tránh dịch Covid-19.

Thời gian quay trở lại trường học của học sinh trên địa bàn Hà Nội là khi nào vẫn chưa ai biết cụ thể. Bởi tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp, số ca nhiễm tại Việt Nam đang tăng lên.

Các bậc phụ huynh cần bày việc cho trẻ làm khi nghỉ tránh dịch Covid-19 kéo dài. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn
Các bậc phụ huynh cần bày việc cho trẻ làm khi nghỉ tránh dịch Covid-19 kéo dài. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Nỗi niềm học sinh khi phải nghỉ học quá lâu

Tại phiên họp giao ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội ngày 18/3, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã quyết định cho học sinh tất cả các cấp học trên địa bàn nghỉ học đến hết ngày 5/4.

Cũng vì nghỉ dịch quá lâu, nhiều học sinh dù bình thường không thích đi học cũng đột nhiên có mong muốn tột đỉnh là được đến trường đi học trở lại.

Chị Nguyễn Ngọc Lan (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: “Con trai tôi đang học lớp 1. Từ lúc vào tiểu học, chưa bao giờ cu cậu thực sự muốn đi học cả.

Vậy mà khi tôi thông báo, con sẽ nghỉ học tiếp. Bạn ý thốt lên “Ước gì con được đến trường”. Đó là câu nói quý nhất từ khi con tôi vào lớp 1. Có lẽ, gần 2 tháng nghỉ học, ở nhà quá cuồng chân tay nên con tôi tự nhiên thấy thích đi học một cách bất ngờ vậy”.

Chị Yến cho biết, đầu tháng 2/2020, học sinh tại Hà Nội bắt đầu nghỉ tránh dịch. Chị và 2-3 gia đình tập trung lại, các bố mẹ thay phiên nghỉ làm trông con.

Lúc đầu, họ cũng tích cực bày rất nhiều trò như mua giấy thủ công về cho chúng cắt dán, giao các bài tập nhỏ để chúng làm. Cánh cửa, tường nhà biến thành giáo cụ học tập.

Tất cả các việc trên là để bọn trẻ nghỉ ở nhà không thấy buồn chán nhưng đến giờ thì trò nào cũng nhàm với chúng.

“Trường có tổ chức học online nhưng với các con lớp 1, khả năng tập trung không tốt. Bố mẹ dù có kèm cặp thì cũng chỉ lớt chớt được ít phút. Bọn trẻ trở nên dễ cáu gắt, rất khó bảo.

Mong rằng, Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh để bọn trẻ quay lại sinh hoạt, học tập bình thường”, chị Yến chia sẻ.

Đừng quên để ý đến tâm lý của con khi nghỉ học kéo dài

Việc nghỉ học dài ngày không chỉ gây buồn chán cho trẻ, sự lo lắng của phụ huynh mà ở góc độ tâm lý, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (từng làm giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, trẻ nghỉ học kéo dài có thể nảy sinh các vấn đề bất ổn về tâm lý. Tiến sĩ Vũ Thu Hương phân tích và đưa ra một số giải pháp để phụ huynh chủ động biết và hành động phù hợp.

Với trẻ dưới 9 tuổi, trẻ có thể trở nên quá hiếu động. Bởi các con tích trữ nhiều năng lượng mà không có môi trường để xả. Khả năng các con bùng phát năng lượng, phá phách, nghịch ngợm là rất cao.

"Lúc này, phụ huynh nên giảm các đồ bồi bổ năng lượng như sữa, đường; tăng cường thể thao trong nhà; tìm cơ hội cho con ra ngoài trời, tới các khu vực vắng người để giải tỏa năng lượng.

Ở một thái cực khác, trẻ có thể cảm thấy cô đơn, chán nản, biểu hiện là mút tay, mút môi, sờ một bộ phận nào đó trên cơ thể, ....Với tình trạng này, cha mẹ nên tìm các việc phù hợp cho con làm, hướng dẫn con làm việc nhà.

Cùng với đó, hãy dành nhiều thời gian cho con, chơi với con, đọc sách cùng con, ôm con trước khi ngủ, tâm sự, nói chuyện với con thật nhiều. Cha mẹ hãy hia sẻ với con nỗi lo lắng của mình và nhờ con cùng mình vượt qua khó khăn", Tiến sĩ Hương chia sẻ.

Cũng vì nghỉ lâu, trẻ dễ phát cáu, gây sự, hay khóc, ăn vạ. Khi trẻ khóc thì nên để con tự nín. Sau khi con ngừng khóc hoàn toàn chừng 15 phút thì hãy nói chuyện, cư xử bình thường, tuyệt đối không nhắc lại vụ việc.

Ngày thường, bố mẹ nên chơi cùng con, giao tiếp, trao đổi, tránh mắng mỏ con. Cố gắng tìm cơ hội cho con ra ngoài không gian để giải tỏa. Đó là những nơi vắng người.

Liệu Bộ Giáo dục có phải điều chỉnh khung thời gian năm học thêm một lần nữa?
Liệu Bộ Giáo dục có phải điều chỉnh khung thời gian năm học thêm một lần nữa?

Với trẻ trên 9 tuổi, ở lứa tuổi này, trẻ dễ khủng hoảng hơn rất nhiều.

"Việc ở nhà nhiều sẽ khiến các con dễ lao vào các việc bị cấm như: chụp ảnh khỏa thân, thử hút bóng cười, thuốc lá điện tử, thử ngủ cùng nhau, đọc truyện cấm, xem phim đen....

Các con còn có thể rủ nhau đi chơi xa, rủ nhau bơi lội, rủ nhau bỏ nhà đi, cũng có thể sẽ gây gổ đánh nhau, nghiện game....

Đối với các tình huống trên, phụ huynh nên bố trí lại thời gian biểu, yêu cầu các bạn ấy sinh hoạt đúng giờ giấc hợp lý, không thức khuya, dậy muộn.

Bố mẹ hãy biến các con thành các quản gia; giao mọi việc từ phân công, quản lý cho các bạn ấy tự xử; cho trẻ đọc thông tin và bàn luận về các vấn đề cuộc sống cùng bố mẹ.

Khuyến khích các bạn ấy vượt qua tính lười biếng để tự học tốt nhất, tìm kiếm thông tin qua sách báo tham khảo, bố trí thời gian để ra ngoài thoải mái cho các bạn ấy giải tỏa", Tiến sĩ Hương hướng dẫn phụ huynh.

Nhật Minh