Ước gì Bộ trưởng Sơn về Bà Rịa-Vũng Tàu 1 chuyến, có "thuốc" trị ngụy thành tích

05/05/2021 06:47
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ công khai tỷ lệ học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng mà giải pháp của Vũng Tàu đưa ra để khắc phục tình trạng này cũng khác biệt.

Công khai tỷ lệ học sinh khá giỏi, học sinh đạt thành tích xuất sắc thì thấy nhiều nhưng công bố tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán lên đến con số vài nghìn em có lẽ mới thấy tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 23.798 học sinh lớp 1 nhưng trong đó số học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán là 2.239 em, chiếm tỷ lệ 9.4%, rải đều trên tất cả các địa phương, từ thành thị đến nông thôn. [1]

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có tỷ lệ học sinh chưa đạt cao như thế thì nhiều tỉnh thành khác trong cả nước (nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và dân trí thấp) tỷ lệ học sinh chưa đạt sẽ như thế nào?

Tuy thế, ngoài Bà Rịa - Vũng Tàu người viết vẫn chưa thấy có địa phương thứ hai làm được điều này. Tìm các báo cáo, số liệu học sinh giỏi thì nhan nhản, từ nhà trường cho đến sở, phòng, địa phương và cả Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở đâu cũng có. Nhưng tìm số liệu học sinh yếu kém và các giải pháp phụ đạo, giúp đỡ các em, thì có đỏ mắt cũng chỉ mới thấy có Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vì học sinh, hay chỉ đối phó với dư luận?

Mới đây nhất, trước thông tin báo chí phản ánh việc học sinh lớp 6 của trường trung học cơ sở - trung học phổ thông Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đọc chưa thông, viết chưa thạo, ngày 9/4/2021, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Quý Khiêm – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, Sở này yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng các cơ sở giáo dục thường xuyên triển khai thực hiện:

Kiểm tra, rà soát, thống kê số học sinh, học viên còn yếu về kiến thức, kỹ năng tối thiểu, báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở) và Sở (đối với các trường trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục đào tạo) trước ngày 15/4/2021. [2]

Nay đã là 05/05/2021, tức hơn nửa tháng sau thời hạn các trường học ở Đồng Tháp phải báo cáo kết quả rà soát về phòng, sở, nhưng tuyệt nhiên không thấy thông tin nào công bố con số học sinh còn yếu về kiến thức, kỹ năng tối thiểu như chỉ đạo của lãnh đạo Sở.

Năm 2016, các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin em L.S.V, một học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Lê Vĩnh Hòa, thành phố Sóc Trăng tỉnh Sóc Trăng phải quay trở lại lớp 1 vì không biết đọc, không biết viết khiến dư luận ngỡ ngàng.

Điều đáng nói là suốt 5 năm học ở một trường tiểu học đạt "chuẩn quốc gia", gia đình em đã không dưới một lần xin nhà trường cho con không lên lớp để học cho chắc kiến thức. [3]

Đến nay không biết em L.S.V. còn theo học, hay đã rời cánh cổng trường? Hầu hết những vụ "ngồi nhầm lớp" do truyền thông phanh phui, dư luận mới biết nhiều góc khuất về chất lượng thật của bậc học phổ thông. Nhưng sau khi dư luận lắng xuống, thì không thấy địa phương nào chủ động nhắc đến kết quả khắc phục.

Điều ngạc nhiên và khó hiểu hơn nữa, là không thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có động thái chấn chỉnh, theo dõi, nhắc nhở gì.

Liệu việc này có rơi vào quên lãng, hay nói cách khác là một kiểu đánh trống, bỏ dùi?

Bà Rịa - Vũng Tàu chọn cách làm khác, vì học sinh nên dạy thật - học thật - điểm thật

Không chỉ công khai tỷ lệ học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng mà giải pháp của Vũng Tàu đưa ra để khắc phục tình trạng này cũng khác biệt, cũng là lần đầu tiên chúng tôi mới thấy.

Đó là: “lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này, sau khi các em biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo chuyển các em về lại lớp học ban đầu”.

Vì sao chúng tôi nói, giải pháp khắc phục tình trạng học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng của Vũng Tàu là giải pháp khác biệt?

Học sinh yếu kém, chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng thì địa phương nào cũng có. Bà Rịa -Vũng Tàu giao cho nhà trường chịu trách nhiệm nhưng không phải cách đổ trách nhiệm và quy kết mà “lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này, sau khi các em biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo chuyển các em về lại lớp học ban đầu”.

Một giải pháp hay, lần đầu tiên trong gần 30 năm đi dạy chúng tôi mới được nghe đến, nên nói đây là giải pháp khác biệt chẳng có gì là nói quá lên.

Sau thời gian thực hiện, từ 01/3 đến 15/4/2021, đã có 1096/2.339 em đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán (48.5%); vẫn còn 1.156 em tiếp tục được phụ đạo riêng.

Như vậy, sau khi thực hiện văn bản số 368/SGDDT-MNTH, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kéo giảm tỷ lệ học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán từ 9,4% xuống còn 4,9%. [1]

5% thôi, nhưng là nỗ lực của biết bao thầy cô giáo cũng như cán bộ quản lý giáo dục tại Bà Rịa - Vũng Tàu mà có lẽ chỉ có những ai đứng lớp mới thấu hiểu hết. Người viết cũng rất ấn tượng với con số "xuống còn 4,9%" mà không phải là "0,...%".

Còn cách giải quyết tỷ lệ học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng ở nhiều địa phương lại theo một mô tuýp quen thuộc, họ đều làm y hệt nhau, giống như một công thức.

Đó là: phòng giáo dục đổ trách nhiệm cho trường học, còn nhà trường lại đổ trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm.

Chỉ đơn thuần là đổ trách nhiệm và không có giải pháp nào ngoài việc chỉ trích chuyên môn nhà trường chưa đi sâu đi sát, chưa chỉ đạo chưa sát sao và đánh vào thi đua của trường ấy.

Còn trường học lại dồn áp lực, sự bực dọc lên đầu giáo viên và quy kết rằng giáo viên giảng dạy chưa nhiệt tình, giáo viên vận dụng sai phương pháp giáo dục nên mới có học sinh chưa đạt.

Nhìn người mà ngẫm đến ta thấy buồn.

Thấy Bà Rịa - Vũng Tàu đưa giải pháp giúp đỡ học sinh yếu kém như thế, chúng tôi thấy làm buồn, làm tủi khi nghĩ đến cách khắc phục tỷ lệ học sinh yếu kém tại địa phương mình.

Cô giáo M.N (đề nghị không nêu tên) Tổ trưởng chuyên môn một trường tiểu học bức xúc kể rằng, sau khi nghe các trường tiểu học báo cáo tỷ lệ học sinh chưa đạt trong học kỳ 1, vị cán bộ phụ trách giáo dục đã tuyên dương những trường học đạt 100% và chỉ trích những trường có tỷ lệ học sinh chưa đạt cao.

Nào là nhà trường chưa chỉ đạo chuyên môn tốt, chưa đi sâu đi sát, nào là giáo viên giảng dạy chưa đúng phương pháp, tại sao trường chuẩn quốc gia lại có học sinh yếu kém?...

Giữa cuộc họp với sự tham gia của dăm chục trường học, vị cán bộ đã yêu cầu Ban giám hiệu những trường có tỷ lệ học sinh chưa đạt nêu nguyên nhân để xảy ra tình trạng này và hướng khắc phục trong thời gian tới.

Có hiệu trưởng than phiền, cách làm này đã làm họ bẽ mặt giữa chốn đông người, và lần sau sao còn dám báo cáo thật?

Lớp học có học sinh yếu kém là điều hiển nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục cần phải làm quen với điều này

Một lớp học có ít nhất 35 học sinh (có nơi sĩ số lên 50 hoặc 60 em/lớp) thì việc có vài ba học sinh yếu kém cũng là chuyện bình thường.

Học sinh yếu kém có nhiều nguyên nhân, ví như có em bị chậm phát triển trí tuệ, em bị tăng động nhẹ nhưng gia đình không thừa nhận, em có vấn đề về nhận thức, em lại yếu khả năng ngôn ngữ, em không được sự quan tâm từ phía gia đình…

Những học sinh như thế dù giáo viên có cố gắng đến đâu đôi khi cũng khó lòng cải thiện được nhận thức của các em. Có em cần thêm thời gian nên để lưu ban là hợp lý.

Tuy thế, khá nhiều vị lãnh đạo không chấp nhận chuyện này mà luôn mặc định học sinh yếu kém là tại thầy cô, tại nhà trường để gây áp lực.

Khi bị áp lực vây tứ phía sẽ dễ dàng nảy sinh tâm lý bảo vệ mình. Và, giải pháp mà nhiều giáo viên, nhà trường chọn nhất là đánh giá sai kết quả giáo dục.

Hậu quả của việc đánh giá sai chất lượng giáo dục khá bi đát. Giáo viên, nhà trường sẽ thoát khỏi sự chất vấn, đánh giá của cấp trên còn học sinh sẽ lãnh hậu quả chấm dứt con đường học tập, khi vừa bước ra khỏi cổng trường tiểu học.

Để không còn cảnh buồn lòng, xót xa như thế, điều cần nhất hiện nay lãnh đạo ngành giáo dục cần thay đổi cách nghĩ, lớp học có học sinh yếu kém là điều hiển nhiên để đưa ra những giải pháp hay như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm.

Đồng thời, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên học tập tư duy và cách làm đột phá của Bà Rịa - Vũng Tàu: dạy thật - học thật - đánh giá thật, công khai số liệu học sinh còn yếu về kiến thức kĩ năng để có kế hoạch phụ đạo, giúp đỡ, bởi suy cho cùng, đây mới là nhóm đối tượng yếu thế cần sự quan tâm đặc biệt của nhà trường, gia đình và ngành giáo dục.

Bộ hoàn toàn có thể yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo, nhưng là một nhà giáo đang đứng lớp, người viết ước gì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trực tiếp về Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm hiểu, nhân rộng cách làm giáo dục thật sự vì con người, nâng đỡ các học sinh gặp khó khăn trong tiếp thu kiến thức, để nhân rộng ra cả nước thay cho những báo cáo thành tích đã thành lối mòn, thì hay biết mấy!

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ban-giam-hieu-phai-day-phu-dao-lop-1-neu-thieu-giao-vien-ket-qua-the-nao-post217477.gd#comment217477

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tre-lop-6-doc-chua-thong-so-chi-dao-khong-giao-chi-tieu-hoc-sinh-len-lop-post216946.gd

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dieu-gi-khien-hoc-sinh-lop-6-roi-nuoc-mat-vi-khong-biet-doc-biet-viet-post171315.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên