Ứng viên đại biểu Quốc hội nhiều trăn trở về giáo dục, đời sống giáo viên

20/05/2021 13:42
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc thi nâng ngạch giáo viên hàng năm cần được quan tâm hơn, nhiều giáo viên đủ tiêu chuẩn về nâng ngạch theo chuyên môn nhưng cả chục năm rồi vẫn chưa được thi.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hà Thị Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình, đã chia sẻ:

“Bản thân tôi là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại huyện Mai Châu và đặc thù của vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn thiếu thốn, chính vì vậy trong tôi luôn mong muốn làm sao để đời sống cán bộ giáo viên miền núi được quan nâng cao hơn nữa, các em học sinh vùng cao có cơ hội được tiếp cận với nhưng phương pháp giáo dục hiện đại.

Cô Hà Thị Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: NVCC.

Cô Hà Thị Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: NVCC.

Chế độ học bổng đối với các em học sinh dân tộc ở trường dân tộc nội trú, bán trú hiện nay theo quy định còn khá thấp, hiện tại học bổng của học sinh Trường Dân tộc nội trú được hưởng là 80% mức lương cơ bản của cán bộ viên chức, khoảng 1 triệu hai trăm nghìn đồng 1 tháng cho tất cả mọi sinh hoạt ăn ở tại trường, mức kinh phí này khó có thể đáp ứng được như cầu cơ bản về đời sống, học tập của học sinh, chính vì vậy khẩu phần ăn hàng tháng chưa đủ chế độ dinh dưỡng để giúp các em phát triển toàn diện về trí tuệ lẫn thể chất.

Học sinh bán trú không được bằng các em nội trú về mức học bổng, trong khi các em này cũng sinh hoạt và học tập tại trường cả tuần như nội trú, cuối tuần mới về nhà. Về vấn đề này các trường Nội trú đã có kiến nghị rất nhiều nhưng thực tế là vẫn chưa được thay đổi khiến cuộc sống của các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Tôi mong muốn nhà nước quan tâm hơn, tăng mức học bổng cho các em và so với thời giá hiện nay thì mức học bổng này tối thiểu cũng phải hơn 2 triệu đồng cho một em 1 tháng thì mới tạm đủ được mức sinh hoạt tối thiểu, đảm bảo sức khỏe và chất lượng học tập.

Về đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nói chung, đặc biệt là cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự đáp ứng với nhu cầu phát triển đất nước, thực tế mức lương của giáo viên hiện nay thấp, chưa đảm bảo được cuộc sống.

Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và pháp luật đều khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhưng thực tế vẫn chưa được như mong muốn. Có rất nhiều giáo viên đã hợp đồng nhiều năm nhưng cuối cùng vẫn không “trụ” được với nghề, đành phải ra ngoài tìm kiếm công việc khác để đảm bảo cuộc sống, thậm chí nhiều giáo viên đã được biên chế nhưng mức lương cũng khá thấp nên cũng phải bỏ nghề.

Ví dụ như chương trình sách giáo khoa mới thì phụ huynh chưa thể tự dạy được con em mình một cách hiệu quả nhất, bản thân là giáo viên muốn dạy được theo chương trình mới này cũng phải được tập huấn.

Vậy nên rất nhiều gia đình có nguyện vọng cho con em mình được bồi dưỡng thêm kiến thức nhưng việc dạy thêm, học thêm đã bị cấm. Vậy tôi kiến nghị Bộ cần nghiên cứu, hướng dẫn thêm về vấn đề này, đây cũng là nguyện vọng chính đáng của gia đình học sinh.

Hơn nữa nếu tăng mức lương hoặc tăng thu nhập hàng tháng từ nghề giáo sẽ giúp giáo viên yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp giáo dục, tránh được những tiêu cực không đáng có, các thầy cô không phải phân tâm lo mưu sinh, có như vậy thì chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên và người được thụ hưởng điều đó chính là các em học sinh, là tương lai của đất nước”.

Học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình tại Lễ tổng kết năm học 2019 - 2020. Ảnh: NVCC.

Học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình tại Lễ tổng kết năm học 2019 - 2020. Ảnh: NVCC.

Cần đào tạo, bố trí việc làm đối với sinh viên dân tộc thiểu số

Việc đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên đã đáp ứng nhu cầu chuẩn theo vị trí việc làm, tuy nhiên khi giáo viên học xong bằng đại học thì việc nâng ngạch lại chưa theo đúng bằng cấp được đào tạo để đảm bảo chế độ. Việc thi nâng ngạch cũng chưa được thường xuyên, không đều ở các vùng miền, hơn nữa thi nâng ngạch rất khó đạt và tỷ lệ đạt rất thấp.

Về vấn đề này, cô Dung chia sẻ: “Việc thi nâng ngạch giáo viên hàng năm cần được quan tâm hơn, nhiều giáo viên đủ tiêu chuẩn về nâng ngạch theo chuyên môn nhưng thậm chí cả chục năm rồi vẫn chưa được thi. Không được nâng ngạch cũng đồng nghĩa với việc giảm thu nhập hàng tháng.

Nhiều thầy cô tốt nghiệp đại học, ra công tác nhiều năm, đã đủ chuẩn nhưng vẫn chưa được thi nâng ngạch, điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi chính đáng của đội ngũ giáo viên nói chung”.

Cô Dung kiến nghị: “Các cấp cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa , đặc biệt là việc quy hoạch tạo nguồn cán bộ cơ sở, đào tạo và bố trí việc làm đối với học sinh, sinh viên, con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với các em học sinh dân tộc thiểu số được nhà nước cho đi học, được đào tạo và khi ra trường có mong muốn được trở về phục vụ địa phương nhưng chưa được vì vướng quy định. Nhiều em ở vùng sâu, vùng xa sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều em có năng lực thật sự nhưng không tìm được việc làm. Đây cũng là lãng phí nguồn nhân lực tại chỗ.

Theo tôi, đối với nhưng em tốt nghiệp có bằng khá, bằng giỏi thì lãnh đạo các địa phương nên quan tâm, có cơ chế riêng sắp xếp tạo công việc tại chính nơi các em đó sinh sống, đó cũng là cách để đưa các xã vùng sâu, vùng xa vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân”.

Về việc nhà nước cần quan tâm hơn đầu tư về cở hạ tầng trường lớp, đặc biệt học sinh dân tộc thiểu số ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có trường lớp khang trang, đủ các thiết bị dạy học, kết nối mạng Internet, được thụ hưởng và tiếp cận với công nghệ…cô Dung mong muốn: “Tính theo mặt bằng chung các trường ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.

Các em học sinh miền núi, các xã, các xóm việc giao thông đi lại khó khăn, nhà cách rất xa trường, việc nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng cũng đã có nhưng chưa được đầy đủ hết, nhiều tổ, nhiều xã vẫn là đường đất, đèo dốc…Nhiều nơi khu dân cư cách trường học hơn 10 km, học sinh có hoàn cảnh nhưng vẫn chưa đủ tiêu chuẩn ở bán trú nên việc đi học hàng ngày rất vất vả nhất là với cấp tiểu học, các em phải tự đạp xe, mang cặp lồng cơm trưa….

Chúng tôi rất mong nhà nước quan tâm hơn, xây dựng thêm trường học tại các vùng xa, mở rộng nâng cấp đường giao thông giúp học sinh và người dân đi lại thuận tiện, đó cũng là giúp nâng cao chất lượng giáo dục.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vùng xa miền núi cũng chưa được đầu tư đầy đủ khiến cho học sinh khó có điều kiện tiếp cận với những phương pháp giáo dục, với công nghệ mới”.

Cô Hà Thị Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình. Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV (Nhiệm kỳ 2021 - 2026) tại Đơn vị bầu cử số 01 của tỉnh Hòa Bình.

Lý lịch:

Họ và tên: HÀ THỊ DUNG

Ngày sinh: 18/6/1980 Dân tộc: Thái

Quê quán: Xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình

Hộ khẩu thường trú: Tiểu khu 4, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Trình độ: Đại học Chuyên ngành: Sư phạm Tiếng Anh

Trình độ lý luận chính trị: Trung cấp

Đơn vị công tác: Trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình

Chức vụ: Phó Hiệu trưởng.

Ngày vào Đảng: 15/5/2009, Chức vụ trong Đảng: Chi Ủy viên.

Tóm tắt quá trình công tác:

- Tháng 9/2005 - 8/2006: Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Liên xã Hang Kia - Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình

- Tháng 9/2006 - 3/2014; Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình

- Tháng 4/2014 đến nay: Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình.

Tùng Dương