Ứng dụng mô hình học cùng cộng đồng trong giáo dục Đại học

06/12/2020 09:40
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phương pháp dạy và học kết hợp với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, thông qua sự hướng dẫn của người dạy, sự tự phản ánh của người học tăng thêm tính trải nghiệm.

Ngày 5/12, tại trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Qũy viện trợ Ireland và Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững (CSDS) phối hợp với tổ chức Vietnam Campus Engage (VCE) tổ chức hội thảo khoa học: “Ứng dụng mô hình học cùng cộng động trong giáo dục Đại học Việt Nam”.

Các chuyên gia đã cùng chia sẻ về những ứng dụng mô hình học cùng cộng đồng. Ảnh: AN

Các chuyên gia đã cùng chia sẻ về những ứng dụng mô hình học cùng cộng đồng. Ảnh: AN

Tại hội thảo đã giới thiệu những ứng dụng mô hình học cùng cộng đồng tại các trường Đại học Việt Nam hiện nay.

Đồng thời, thông qua quá trình thảo luận cùng các chuyên gia giáo dục đã nâng cao năng lực chuyên môn cho giảng viên về ứng dụng mô hình học cùng cộng đồng trong giảng dạy, nghiên cứu và thực hiện dự án.

"Phương pháp dạy và học kết hợp với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, thông qua sự hướng dẫn của người dạy và sự tự phản ánh của người học, làm giàu thêm những trải nghiệm học tập xây dựng trách nhiệm công dân và làm vững mạnh cộng đồng.

Nhận thấy tính hữu ích và sự phù hợp của mô hình này đối với phát triển giáo dục đại học, tháng 9/2018, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã thành lập Trung học tập gắn kết cộng đồng.

Mục đích là nhằm tăng cường chất lượng giảng dạy, nâng cao kiến thức chuyên môn, ý thức và trách nhiệm của sinh viên đối với cộng đồng và các vấn đề xã hội”, đại diện Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho hay.

Qua ba năm hoạt động, Trung tâm học tập gắn kết cộng đồng (Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) đã giới thiệu, lồng ghép mô hình học cùng cộng đồng đến 12 môn học, 41 lớp học thuộc 10 chuyên ngành.

Trong đó, hơn 20 giảng viên tham gia giảng dạy và 2.035 sinh viên đã được tham gia vào lớp học.

Ngoài ra thì nhiều trường Đại học lớn trên cả nước đã xây dựng được các trung tâm học cùng cộng đồng. Điển hình như: Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh...

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Tươi – Trưởng bộ môn nội thất (Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) chia sẻ: “Việc ứng dụng mô hình học cùng cộng động vào giảng dạy luôn gặp nhiều khó khăn từ nhiều hướng khác nhau.

Việc thay đổi tư duy, thay đổi phương pháp quản lý của bộ môn, khoa là một trong những điều kiện tiên quyết để việc ứng dựng mô hình học cùng cộng đồng mang lại hiệu quả cao”

Thạc sĩ Châu Thị Hiếu – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chia sẻ việc ứng dụng mô hình học tập phục vụ cộng đồng trong sinh học và giáo dục bảo tồn.

“Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn các loài động thực vật cho thế hệ trẻ học sinh, sinh viên là một vấn đề rất cần thiết nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của xã hội loài người.

Để đạt được điều đó, giáo dục, cụ thể hơn là giáo dục bảo tồn phải đóng vai trò tiên phong.

Với mô hình học tập phục vụ cộng đồng trong lĩnh vực sinh học và bảo tồn, học sinh, sinh viên được trực tiếp vận dụng những kiến thức đã học ở trường để nhận thức được các vấn đề liên quan đến tự nhiên.

Giải quyết vấn đề và từ đó nâng tầm ý thức, trách nhiệm của chính mình đối với mỗi một cá thể động thực vật cũng hệ sinh thái trái đất nói chung”, cô Hiếu cho biết.

AN NGUYÊN