“Tuyệt đối không để thí sinh vì khó khăn đi lại mà không đến dự thi”

28/06/2016 08:27
Phương Linh
(GDVN) - “Tuyệt đối không để thí sinh nào vì khó khăn đi lại mà không thể đến dự thi. Trường Đại học Kinh tế cần phối hợp với Bình Phước ưu tiên xe cộ cho thí sinh"

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga tại buổi làm việc với Ban giám hiệu trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh sáng ngày 27/6, về công tác chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ở cụm thi số 53 tại tỉnh Bình Phước.

Theo báo cáo của TS. Trần Thế Hoàng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, năm nay là năm đầu tiên, Bình Phước phối hợp với trường tổ chức một cụm thi trung học phổ thông quốc gia.

Số liệu mới nhất cho thấy, toàn tỉnh Bình Phước sẽ có hơn 9 nghìn thí sinh, trong đó có khoảng 2.100 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Toàn tỉnh Bình Phước sẽ tổ chức thi tại 3 địa điểm là thị xã Đồng Xoài, huyện Phước Long và huyện Bình Long.

Ban chỉ đạo kỳ thi của tỉnh cũng đã được thành lập rất sớm, do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo, TS. Nguyễn Đông Phong – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh làm phó ban chỉ đạo.

Các công tác tập huấn cho các thầy cô giáo của trường đi coi thi (400 người) ở Bình Phước đã được chủ động tổ chức rất sớm, với đầy đủ các quy trình, yêu cầu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga làm việc với Ban Giám hiệu trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh sáng 27/6 (ảnh: P.L)
Thứ trưởng Bùi Văn Ga làm việc với Ban Giám hiệu trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh sáng 27/6 (ảnh: P.L)

Trường đặt trường Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh làm công tác sao in đề thi, với đầy đủ hợp đồng chặt chẽ. Đề thi sẽ được bảo quản, bảo mật tối đa, vận chuyển luôn có cán bộ Công an của TP.Hồ Chí Minh hay Bình Phước đi kèm.

Hàng ngày, những diễn biến mới nhất về công tác coi thi sẽ được các điểm thi, cụm thi báo cáo đầy đủ về trường, hay báo về văn phòng đại diện Bộ ở TP.Hồ Chí Minh  hoặc tại Hà Nội.

Đối với công tác chấm thi, trường Đại học Kinh tế chỉ có giáo viên chấm ở môn Toán, tiếng Anh, còn lại là huy động khoảng hơn 300 giám khảo là giáo viên từ các trường trung học phổ thông trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.

Theo TS. Trần Thế Hoàng cho biết, việc này do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố giới thiệu một số trường phổ thông cho trường Kinh tế, và trường tự ký hợp đồng, làm việc với Hiệu trưởng của trường đó.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga (đứng) gặp gỡ các cán bộ coi thi của trường Đại học Kinh tế (ảnh: P.L)
Thứ trưởng Bùi Văn Ga (đứng) gặp gỡ các cán bộ coi thi của trường Đại học Kinh tế (ảnh: P.L)

Đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Chấm thi cũng là một công tác vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo đúng tiến độ chấm bài, công bố điểm thi mà Bộ đã đưa ra.

“Việc huy động một lúc hơn 300 giáo viên của thành phố làm giám khảo là rất căng, do cùng với Hà Nội thì TP.Hồ Chí Minh là 1 trong 2 địa phương cần phải huy động số lượng nhiều giám khảo nhất cho các trường” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói tiếp.

Do đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề nghị, trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cần quy hoạch, bố trí, làm việc với từng giáo viên chấm bài, nhằm đảm bảo chắc chắn rằng giám khảo có đầy đủ, không ảnh hưởng đến tiến độ công bố điểm chung của cả nước.

Với tỉnh Bình Phước, nơi có đông đồng bào dân tộc, nghèo, sau khi nghe trường báo cáo về công tác hỗ trợ thí sinh như: thí sinh nghèo được tặng 300.000 đồng/người, ưu tiên tối đa phương tiện cho thí sinh, huy động hàng trăm sinh viên tiếp sức mùa thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga yêu cầu cần tăng cường hỗ trợ thí sinh.

“Tuyệt đối không bao giờ để tình trạng thí sinh vì gặp khó khăn đi lại mà không thể đến dự thi” – ông Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Phương Linh