Tuổi của học sinh lớp 1 cần tính theo tháng ​

15/05/2020 06:00
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Không ấn định độ tuổi tối đa, chính điều này, đã tạo điều kiện cho một số học sinh có cơ hội được nhận vào học khi các em có độ tuổi cao hơn bình thường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, thay thế cho Thông tư  41/2010/TT-BGDĐT hiện đang áp dụng.

Học sinh tiểu học (Ảnh Phan Tuyết)
Học sinh tiểu học (Ảnh Phan Tuyết)

Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học có thời gian góp ý từ ngày 06/5/2020 đến ngày 06/7/2020.

So với thông tư hiện hành, dự thảo có nhiều điểm mới, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ góp ý về Tuổi của học sinh tiểu học.

Dự thảo đã mở rộng hơn về độ tuổi của học sinh tiểu học

Nếu so với Điều 40 Thông tư  41/2010/TT-BGDĐT quy định về Tuổi của học sinh tiểu học trước đây thì Điều 34 Dự thảo đã mở rộng hơn về độ tuổi của học sinh tiểu học.

Trước đây, Điều lệ trường tiểu học quy định học sinh tiểu học độ tuổi tối đa là 14 tuổi.

Điều này đã tước mất cơ hội vào học của một số học sinh.

Đơn cử, có học sinh đã 13 tuổi đang học lớp 3 ở một trường tiểu học A, do gia đình chuyển đến một nơi khác nhưng em học sinh này khi xin vào học không có một trường học nào nơi ấy muốn nhận.

Đơn giản chỉ vì nếu nhận em vào học thì chỉ 1 năm sau em đã hết tuổi học tiểu học mà lúc đó em mới học lớp 4.

Tuổi của học sinh lớp 1 cần tính theo tháng  ​ ảnh 2
Sắp tới, giáo viên tiểu học được trao thêm nhiều quyền!

Cho em nghỉ học sẽ không được mà để em tiếp tục học nhà trường sẽ vi phạm về phổ cập đúng độ tuổi và sẽ ảnh hưởng thi đua.

Một số trường hợp khác như vì điều kiện em học sinh B không được đến trường đúng độ tuổi.

Khi đã 10 tuổi mới xin đi học lớp 1 cũng sẽ chẳng có trường nào dám nhận vì quá tuổi.Thế là, cơ hội được học của em sẽ chấm dứt vì "tuổi cao".

Nhưng trong Dự thảo lần này, không có ấn định độ tuổi tối đa của các em mà học sinh mà có thể, có độ tuổi cao hơn độ tuổi quy định trong những trường hợp sau:

Học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Không ấn định độ tuổi tối đa, chính điều này, đã tạo điều kiện cho một số học sinh có cơ hội được nhận vào học khi các em có độ tuổi cao hơn bình thường.

Bên cạnh những điểm mới tiến bộ hơn thì Dự thảo cũng cần thay đổi quy định độ tuổi vào lớp 1 là 6 tuổi tính theo năm.

Tuổi của học sinh lớp 1 cần tính theo tháng

Cả Điều lệ cũ và Dự thảo mới đều quy định học sinh vào lớp 1 là 6 tuổi và tính theo năm.

Những học sinh sinh vào tháng 1 và học sinh sinh vào tháng 12 học chung một lớp thấy nhiều sự khác biệt.

Nhiều thầy cô giáo dạy lớp 1 cho biết, những học sinh, sinh gần cuối năm thật sự khá non nớt. Nếu tính tháng, những học sinh này mới có 5 tuổi và việc các em học chung với các bạn đã tròn 6 tuổi cũng là sự thiệt thòi.

Trong thực tế giảng dạy, chúng tôi vẫn thường gặp những học sinh sinh vào thời gian gần cuối năm có lực học yếu hơn nhiều những bạn sinh đầu năm. Việc bắt các em học chung với bạn lớn hơn mình, để các em chịu áp lực quả cũng không tốt cho các em tí nào.

Vì thế, chúng tôi có yêu cầu nên quy định học sinh 6 tuổi vào lớp 1 nhưng được tính theo tháng sẽ hợp lý hơn. Hoặc có thể quy định theo mốc thời gian như những học sinh sinh vào tháng 10 trở đi sẽ nhập học lớp 1 vào năm kế tiếp.

Phan Tuyết