Từng trượt ĐH nguyện vọng 1, nữ sinh dân tộc San Chí nỗ lực tốt nghiệp xuất sắc

12/10/2021 06:49
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Sau khi trượt nguyện vọng 1, bố mẹ không muốn em đi học nữa vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng em vẫn luôn khát khao với con đường học tập”, Mỹ Hảo tâm sự.

Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc (GPA đạt 3,72/4,0) là thành quả ngọt ngào sau 4 năm nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập của Hoàng Mỹ Hảo (sinh năm 1998, quê Thái Nguyên) - tân cử nhân năm 2021, ngành Khoa học và Quản lý môi trường, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên.

Quyết tâm học tập để “thoát nghèo”

Là người dân tộc San Chí, sinh ra và lớn lên tại một xã đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa, từ năm cấp 2, Hảo đã phải làm quen với môi trường học tập tại trường nội trú.

Hoàng Mỹ Hảo - tân cử nhân ngành Khoa học và Quản lý môi trường, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Hoàng Mỹ Hảo - tân cử nhân ngành Khoa học và Quản lý môi trường, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Vì điểm số trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không như mong đợi, Mỹ Hảo trượt nguyện vọng 1 vào ngôi trường Quân đội, cơ hội để tiếp tục với con đường học tập cũng trở nên mong manh hơn khi điều kiện kinh tế gia đình em còn nhiều khó khăn.

Hoàng Mỹ Hảo tâm sự: “Lựa chọn xét tuyển vào trường Quân đội vì em muốn bố mẹ không phải lo học phí, sinh hoạt phí cho mình. Nhưng nguyện vọng ấy không thực hiện được, sau đó bố mẹ cũng không muốn em học lên nữa.

Em hiểu những tâm tư và nỗi lòng của bố mẹ, bản thân em cũng từng đấu tranh rất nhiều về việc tiếp tục học tập hay dừng lại, nhưng em đã nghĩ, nếu vì khó khăn trước mắt mà chấp nhận từ bỏ thì mãi mãi không thể thành công, nếu muốn thoát khỏi cảnh nghèo thì phải theo đuổi con đường học tập. Em đã khóc rất nhiều, phải mất một thời gian dài để thuyết phục bố mẹ.

Em vẫn nhớ ngày hôm đó, khi lên nương cùng mẹ, em tâm sự với mẹ, chia sẻ khát khao học tập của mình. Cuối cùng thì mẹ cũng đồng ý. Em vội chạy về nhà mang hồ sơ xuống thành phố để nộp”.

Trước đó, qua truyền hình, Mỹ Hảo biết đến 1 chương trình được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh nên em càng hứng thú, lại đúng ngành học về môi trường mà mình quan tâm nên Hảo đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chỉ chờ đợi cái “gật đầu” đồng ý của bố mẹ.

May mắn được miễn học phí theo diện hộ nghèo và sinh viên người dân tộc thiểu số, song, theo học chương trình tiên tiến, học phí cao hơn mức quy định được miễn nên Hảo vẫn phải đóng bổ sung 8 -10 triệu đồng/học kỳ.

Để có tiền cho con gái trang trải học hành, bố mẹ Hảo cũng phải đi làm thêm nhiều việc. Thương bố mẹ, Hảo càng nỗ lực cố gắng học tập để giành học bổng của khoa, giúp bố mẹ giảm bớt gánh nặng về kinh tế.

Bước vào trường đại học với tinh thần quyết tâm, song, năm học đầu tiên với Mỹ Hảo là khoảng thời gian nhiều thách thức, khó khăn.

Hảo nhớ lại: “Lúc mới vào trường, vốn tiếng Anh của em không được tốt, em áp lực vô cùng khi nghe thầy cô giảng bài mà không hiểu gì. Nhưng cũng may mắn vì chúng em được dành trọn vẹn 1 năm để học tiếng Anh trước khi học các môn chuyên ngành.

Em tận dụng tối đa thời gian để học tập và trau dồi vốn tiếng Anh. Ngoài học trên lớp, đều đặn mỗi tối, em dành 2 giờ đồng hồ để nghe và xem video bằng tiếng Anh.

Đến năm hai, khi kỹ năng nghe - nói của em đã tốt hơn thì em lại phải tiếp cận với những kiến thức khó hơn, với khối lượng kiến thức khổng lồ, phức tạp.

Có lẽ không có bí quyết học tập nào ngoài sự kiên trì, chăm chỉ. Khi lên lớp, em luôn chọn ngồi hàng ghế đầu để tập trung nghe bài giảng tốt nhất, muốn học tốt thì phải dành thời gian tự học, phải hiểu được bản chất của vấn đề thay vì học thuộc lòng và nhồi nhét kiến thức một cách gượng ép”.

Theo Mỹ Hảo, điều quan trọng là phải luôn đặt ra cho bản thân những mục tiêu cần đạt trong từng năm và nỗ lực hết mình để thực hiện mục tiêu đó. Bản thân em luôn xác định từ đầu là mình phải làm được gì? Điểm số đạt được bao nhiêu? Sẽ đi trao đổi ở đâu? Thực tập ở đâu? Mong muốn đạt được học bổng gì?... Khi đã có mục tiêu thì cần có kế hoạch học tập và triển khai hiệu quả để thực hiện hóa những mục tiêu đó.

Cơ hội do chính mình tạo ra

Nỗ lực và kiên trì học tập, Hoàng Mỹ Hảo đã gặt hái được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Nữ sinh Trường Đại học Nông Lâm 3 lần giành học bổng của Khoa, cùng với 2 học bổng giá trị, mở ra cơ hội học tập mới, thêm nhiều trải nghiệm ý nghĩa.

Mỹ Hảo (thứ 2 từ trái sang) cùng bạn bè quốc tế trong thời gian học tập tại đất nước Indonesia. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Mỹ Hảo (thứ 2 từ trái sang) cùng bạn bè quốc tế trong thời gian học tập tại đất nước Indonesia. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Đầu năm học thứ 3, Mỹ Hảo nhận được suất học bổng trao đổi, có cơ hội học tập tại đất nước Indonesia trong một học kỳ - một dấu mốc quan trọng trong hành trình học tập của cô.

“Đây là lần đầu em được ra nước ngoài, được học tập cùng các bạn sinh viên quốc tế, và cũng là lần đầu được trải nghiệm nhiều nền văn hoá của các quốc gia khác nhau, được giao lưu, học hỏi nhiều điều thú vị. Cũng từ đó, em nhận ra, những gì mình học được chưa là gì so với bầu trời tri thức rộng lớn ngoài kia, mình cần phải cố gắng nhiều hơn, trau dồi bản thân nhiều hơn nữa.

Sang năm thứ tư, em vinh dự nhận được học bổng Kova dành cho những sinh viên hoàn cảnh khó khăn và có thành tích xuất sắc trong học tập. Lần này em được đến với thành phố mang tên Bác. Tại đây, em được tham gia rất nhiều hoạt động phát triển bản thân, được tiếp xúc với rất nhiều bạn là tấm gương vượt khó vươn lên ở khắp mọi miền đất nước.

Em rất ngưỡng mộ các bạn, có nhiều bạn đã phải tự bươn chải để chi trả học phí khi không còn bố mẹ, có những bạn ở miền Trung mỗi năm lũ đi qua lại là một năm nhà cửa mất trắng, nhưng bằng mọi cách, các bạn vẫn cố gắng học tập để sau này có thể giúp đỡ bố mẹ và quê hương.

Từ đó em thấy bản thân còn may mắn hơn rất nhiều người, điều này càng thôi thúc em nỗ lực hơn, không cho phép mình bỏ cuộc trước bất cứ khó khăn nào”, tân cử nhân cho biết.

Luôn giữ tinh thần tích cực, lạc quan, Mỹ Hảo tâm niệm khó khăn cũng chính là cơ hội, cơ hội để học tập, để “làm mới” bản thân và để có thành công ý nghĩa hơn. Những thử thách là những bậc thang để chúng ta tiến lên, quan trọng là mỗi người phải biết tạo cơ hội cho chính mình.

Thời gian thực tập, Mỹ Hảo đã bắt đầu chuẩn bị cho đề tài tốt nghiệp của mình, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thể đi lấy số liệu khảo sát thực tế, Hảo phải chuyển sang phương án gọi điện và điền phiếu online. Tuy nhiên, phương thức này không đạt được hiệu quả tối ưu, em chuyển hướng làm đề tài khác.

Hoàng Mỹ Hảo trong lần khảo sát thực tế, thực hiện đề tài tốt nghiệp của mình. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Hoàng Mỹ Hảo trong lần khảo sát thực tế, thực hiện đề tài tốt nghiệp của mình. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Đến khi dịch đã được kiểm soát, Hảo đi khảo sát và phỏng vấn các hộ đồng bào dân tộc H’mông về “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sinh hoạt và sản xuất của người dân tại vùng sâu vùng xa huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn”. Đề tài của Mỹ Hảo thực hiện được thầy cô đánh giá cao và đạt trên 90 điểm.

Thời gian tới, Mỹ Hảo sẽ bắt đầu công việc tại Văn phòng Chương Trình Tiên Tiến của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên. Tân cử nhân tin rằng đây sẽ là một môi trường tốt để phát triển bản thân, giúp em chinh phục những mục tiêu mới.

“Trong 5 năm tới, em mong muốn có cơ hội học thạc sĩ ở nước ngoài, sau này về nước có thể làm việc ở một tổ chức phi chính phủ, để giúp đỡ những bạn dân tộc thiểu số có cơ hội được đi học nhiều hơn, giúp bà con có thể vươn lên thoát nghèo.

Từ câu chuyện của bản thân, em muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên, cơ hội luôn trong tầm tay của bạn, chính bạn sẽ quyết định bạn là ai và con đường bạn muốn đi.

Ngay cả khi trượt đại học hay không vào được ngôi trường mơ ước, hãy tìm cơ hội mới, đặt mục tiêu cho bản thân và nỗ lực để thực hiện ước mơ của mình”, Mỹ Hảo chia sẻ.

Phạm Minh