"Từng có người đe tôi, học Bách khoa nặng lắm, cẩn thận không ra được trường"

09/09/2020 06:10
Nguyễn Duẩn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là chia sẻ của Phạm Văn Hoàng tân thủ khoa đầu ra Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Mong muốn cải thiện môi trường sống

Với số điểm tổng kết 3,41/4, Phạm Văn Hoàng (Tứ Kỳ, Hải Dương) đã trở thành tân thủ khoa đầu ra Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020.

Chia sẻ về cảm xúc sau khi biết tin mình trở thành tân thủ khoa, Hoàng cho biết bản thân cảm thấy rất vui và tự hào. Cậu coi đây là thành công bước đầu sau quãng thời gian dài phấn đấu trong học tập và nghiên cứu.

Là con cả trong gia đình có hai anh em, bố mẹ đều làm nông nghiệp, ngay từ khi còn nhỏ, Phạm Văn Hoàng đã xác định cho mình mục tiêu theo đuổi con đường học vấn, nghiên cứu.

Vùng quê nơi Hoàng sinh sống nhiều năm trở lại đây đã có nhiều sự thay đổi khi các doanh nghiệp, công ty đến đầu tư, sản xuất.

Việc các công ty mọc lên nhiều bên cạnh mặt tích cực là giải quyết tốt vấn đề việc làm, nâng cao đời sống người dân nhưng cũng khiến môi trường sống của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với số điểm tổng kết 3,41/4, Phạm Văn Hoàng đã trở thành tân thủ khoa đầu ra Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Với số điểm tổng kết 3,41/4, Phạm Văn Hoàng đã trở thành tân thủ khoa đầu ra Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hoàng kể, khi còn học tập tại ngôi trường Trung học phổ thông Tứ Kỳ, chứng kiến hiện trạng trên, bản thân rất muốn theo đuổi một ngành học có tính ứng dụng trong cuộc sống và quan trọng là phải giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Sau khi tham khảo ý kiến của người thân, Phạm Văn Hoàng quyết định nộp hồ sơ theo học tại Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Bên cạnh mong muốn học tập để cải thiện môi trường sống của người dân, em cũng tìm hiểu và được biết hiện vấn đề bảo vệ môi trường đang rất được quan tâm, trú trọng trong định hướng phát triển của đất nước.

Em nghĩ đây sẽ là một ngành học của tương lai với cơ hội việc làm rộng mở nên đã quyết định theo học ngành này”, Hoàng chia sẻ.

Thực tế cho thấy hiện ở Việt Nam có nhiều trường đại học có đào tạo chuyên ngành công nghệ môi trường nhưng theo Hoàng, quyết định chọn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được em đưa ra và đặt mục tiêu phấn đấu từ khi còn học tập trên ghế nhà trường.

Hoàng kể, khi biết tin mình sẽ đăng ký theo học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một người cậu đã nói với Hoàng “vào học Đại học Bách khoa khổ lắm, kiến thức nặng lắm rồi cẩn thận không ra được trường đâu”.

Đáp lại, Hoàng coi lời khuyên đó không phải là sự đe nẹt khiến bản thân nản chí, hoang mang mà biến nó thành động lực phấn đấu của bản thân.

“Trước khi đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, em cũng đã có tìm hiểu nhiều qua mạng và từ phía người thân và ấn tượng với môi trường học tập tại đây.

Em cũng xác định theo học tại Bách khoa sẽ rất vất vả và cần sự cố gắng nỗ lực của bản thân nên đã tự đặt ra cho mình mục tiêu để vào trường này”, Hoàng tâm sự.

Phạm Văn Hoàng trong buổi lễ trao nhận giải thưởng sinh viên 5 tốt cấp Trung ương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phạm Văn Hoàng trong buổi lễ trao nhận giải thưởng sinh viên 5 tốt cấp Trung ương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Quan trọng nhất là tự học”

Những ngày đầu nhập học, Phạm Văn Hoàng choáng ngợp với cách giảng dạy tại môi trường mới mà theo như lời Hoàng chia sẻ “cách học ở đại học nhất là trường Đại học Bách khoa Hà Nội hoàn toàn khác xa so với phương pháp giảng dạy và học tập cấp trung học phổ thông”.

Tuy nhiên, do đã có chuẩn bị sẵn tinh thần nên cậu bạn cũng nhanh chóng bắt nhịp chương trình học được đánh giá là rất căng thẳng tại ngôi trường mới.

Để làm được điều này, Hoàng cho biết luôn giữ cho bản thân mình một tâm lý thoải mái nhất, học hỏi và tự trau dồi kinh nghiệm học tập cho bản thân mình từ những anh chị sinh viên đi trước để có được cách học đúng đắn nhất cho từng môn học.

“Khi học sinh chuyển tiếp từ môi trường cấp trung học phổ thông lên đại học thường sẽ bị hẫng vì cách học khác nhau quá. Ở đại học, những sự quan tâm của các thầy cô giáo không thể sát sao như khi học ở cấp dưới.

Mặt khác, học đại học đồng nghĩa với việc xa nhà và mình sẽ phải chủ động quản lý mọi thứ từ tiền bạc, thời gian nên khi bước chân vào môi trường đại học các bạn cần phải có bản lĩnh nếu không sẽ rất dễ bị xao nhãng và đi lệch hướng”, Hoàng tâm sự.

Theo Hoàng, học tập trong môi trường đại học, việc không hiểu bài là điều xảy ra đương nhiên. Những lúc như thế, ngoài việc mạnh dạn trao đổi với bạn bè, thầy cô, Hoàng còn tự mình tìm hiểu thông tin về bài học và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Trải qua quãng thời gian học tập tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hoàng đánh giá cao việc học tiếng Anh.

Tân thủ khoa đầu ra Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020 cho rằng việc học tập ở môi trường đại học, quan trọng nhất phải là tự học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tân thủ khoa đầu ra Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020 cho rằng việc học tập ở môi trường đại học, quan trọng nhất phải là tự học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Em nhận thấy việc học tiếng Anh và có vốn kiến thức về tiếng Anh là rất quan trọng.

Với mỗi bài học trên lớp, ngoài việc phải tham khảo các tài liệu trong nước, em cũng thường đọc và tìm hiểu thêm nội dung xoay quanh bài học từ các tài liệu tiếng Anh.

Điều này giúp bản thân em mở mang thêm được vốn kiến thức bản thân cũng như nắm bắt những tri thức của thế giới về môn học này”, Hoàng chia sẻ.

Bên cạnh những giờ học trên lớp, Hoàng còn tham gia tích cực các hoạt động đoàn do trường, viện tổ chức với vai trò trưởng mảng học tập.

Với cương vị này, Hoàng có dịp chia sẻ kinh nghiệm học tập của bản thân tới nhiều người đồng thời cũng tích lũy thêm nhiều vốn kiến thức cần thiết cho mình.

Không chỉ giúp ích cho việc học tập, những hoạt động do trường và viện tổ chức còn giúp bản thân Hoàng có thêm vốn sống, khả năng giao tiếp xã hội. Hoàng cho biết, trước đây mình là một người khá rụt rè tuy nhiên, nhờ tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, cậu bạn trở nên linh hoạt và năng động hơn rất nhiều.

“Với em việc học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa các bạn nên cân đối và đề ra kế hoạch một cách chi tiết tránh chú tâm quá nhiều vào các hoạt động này dẫn đến việc sao nhãng việc học. Điều này tùy thuộc vào khả năng của từng bạn”, Hoàng cho biết.

Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp sau thời gian học tập tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hoàng cho biết bản thân rất vui sướng và tự hào.

Cậu bạn cho rằng đây là thành quả cho những nỗ lực và cố gắng không ngừng của bản thân. Tuy nhiên, Hoàng cũng cho rằng bản thân có thể làm được tốt hơn.

“Em rất tâm đắc với một câu nói đó là hãy cứ bước đi dù biết sẽ vấp ngã nhưng quan trọng sau những vấp ngã đó bản thân học được những gì để lần sau sẽ không vấp phải những lỗi tương tự như vậy nữa.

Bản thân em trong quá trình học cũng vấp phải những sai lầm và sau những lần như vậy em cũng đều rút ra cho mình được bài học”, Hoàng chia sẻ.

Nói về dự định trong tương lai, Hoàng cho biết sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục học lên Thạc sĩ về Khoa học & Công nghệ Môi trường tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và tìm kiếm cơ hội được đi du học để trau dồi thêm kiến thức về ngành học của mình.

Nguyễn Duẩn