Từ thủ khoa thất nghiệp đến thầy giáo điển hình cấp Bộ

08/01/2019 06:16
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Tốt nghiệp Cử nhân Địa lý, với tấm bằng Đỏ, thủ khoa, thế nhưng thầy Phạm Đức Khương lại phải tham gia vào đơn vị “hai trăm ngàn” thất nghiệp.

Cách đây đúng mười năm, thầy Phạm Đức Khương “được” làm nhân vật chính, trong loạt bài phóng sự của Báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh: “Bằng Đỏ” cũng trở nên vô nghĩa";  nay lại “nổi tiếng”, trên loạt phóng sự của Đài Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu “Trường Trung học cơ sở Hòa Hiệp, điểm sáng của phong trào sáng tạo Khoa học kĩ thuật”.

Thế nhưng ít người biết về hành trình gian nan ấy của thầy giáo “Khoa học kĩ thuật” Phạm Đức Khương.

Ảnh chụp bài báo viết về thầy Phạm Đức Khương cách đây 10 năm
Ảnh chụp bài báo viết về thầy Phạm Đức Khương cách đây 10 năm

Tốt nghiệp Cử nhân Địa lý, với tấm bằng Đỏ, thủ khoa, thế nhưng thầy Phạm Đức Khương lại phải tham gia vào đơn vị “hai trăm ngàn” thất nghiệp.

Vốn thích nghề giáo từ nhỏ, am hiểu công nghệ thông tin nhưng yêu môn… Địa lý. Thương học trò thất nghiệp, Khương được thầy giáo cũ giới thiệu làm hợp đồng, nhân viên thiết bị Trường Trung học cơ sở Hòa Hiệp.

Ngày đầu đến trường, gặp thầy Hiệu trưởng, thầy bảo “Cứ tưởng bạn học Lý, Hóa, Sinh. Không ngờ học Địa lý, làm thiết bị, e khó cho bạn. Thử việc một tuần, nếu làm được thì em làm, không thích thì thôi”.

Sau một tuần, thầy Hiệu trưởng xuống phòng thiết bị, “ngăn nắp, khoa học” là nhận xét. Khương làm thiết bị hai năm, được chuyển ngạch, làm giáo viên.

Khương tâm sự “hai năm làm thiết bị, với em là một thời gian vàng, để em thấy mình yêu nghề giáo thế nào; cũng nhờ đó mà em tự học lại các kiến thức trong chương trình, phục vụ chọn lựa, sắp xếp dụng cụ cho giáo viên bộ môn. Giờ kiến thức cơ bản các môn em nắm vững thầy ạ”.

Từ thủ khoa thất nghiệp đến thầy giáo điển hình cấp Bộ ảnh 2Gặp thầy giáo Cơ Tu suýt bị dân làng chôn sống giữa Trường Sơn

Năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục phát động phong trào nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong học sinh phổ thông, Khương tham gia hướng dẫn học sinh từ đó.

Với hiểu biết, đam mê của mình, thầy đã truyền đam mê của mình cho học trò; làm quen với máy tính, lập trình; sản phẩm hướng dẫn học sinh dự thi cấp tỉnh đầu tay là “cánh tay robot”, đạt giải Nhì.

Tính từ năm học 2013-2014 đến nay, cả trường đã có 15 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh, riêng thầy Phạm Đức Khương đã hướng dẫn học sinh thành công 11 sản phẩm.

Trường Trung học cơ sở Hòa Hiệp là điển hình tiên tiến về phong trào nghiên cứu khoa học kỉ thuật của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có công đóng góp không nhỏ của thầy Phạm Đức Khương.

Tiếng lành đồn xa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mời thầy Khương trình bày tham luận “Kinh nghiệm hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật”, trong hội thảo Quốc gia “Chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng thành công đổi mới giáo dục phổ thông” tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thầy Phạm Đức Khương và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, tại hội thảo Quốc gia
Thầy Phạm Đức Khương và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, tại hội thảo Quốc gia

Ngoài nghiên cứu khoa học thầy Khương luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Là Đảng viên gương mẫu, giáo viên được học sinh và phụ huynh yêu mến.

Ghi nhận công lao đóng góp của thầy, đã hai lần liên tục thầy được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Huyện, Giáo viên Chủ nhiệm giỏi, Giáo viên điển hình tiên tiến.

Nghề giáo còn nhiều khó khăn, phải làm thêm đủ nghề tay trái để nuôi nghề tay phải; thế nhưng có lòng yêu nghề, mến trẻ, biết bao thế hệ giáo viên đang lan tỏa những điều tử tế, gieo mầm hạnh phúc trên mọi nẻo đường Tổ quốc. Có đam mê, ta sẽ vượt qua tất cả khó khăn, vượt qua chính mình.

Sơn Quang Huyến