Từ phong trào sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục đến "tiến sĩ cầu lông"

13/05/2022 08:28
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phần lớn sáng kiến kinh nghiệm là sao chép, xin xỏ, chấm “theo địa chỉ” nên sau mỗi năm học thì số phận những “đề tài khoa học” này cũng không còn giá trị gì nữa.

Những ngày qua, câu chuyện “tiến sĩ cầu lông” đang làm “nóng” các phương tiện thông tin đại chúng và người ta bàn luận nhiều về những đề tài khoa học vô thưởng, vô phạt bởi nó chẳng giúp ích gì cho xã hội mà chỉ làm lợi cho một số ít cá nhân mà thôi.

Luận án tiến sĩ mà còn như vậy thì thử hỏi những luận văn, khóa luận chắc cũng không ít đề tài sao chép, có nội dung na ná như nhau nhưng đa phần đều xếp loại xuất sắc trong sự hoan hỉ của nhiều người.

Ở các trường mầm non, phổ thông học hiện nay có một dạng na ná như làm nghiên cứu khoa học và được gọi là “sáng kiến kinh nghiệm” cũng đang khiến cho nhiều người ngao ngán nhưng nó vẫn đang tồn tại.

Mỗi năm, trường nào cũng có từ một nửa, thậm chí là 2/3 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị viết sáng kiến kinh nghiệm, tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc nhưng công nhận giải xong rồi phần lớn những đề tài này bỏ xó, gần như chẳng có tác dụng gì về thực tiễn.

Nhiều sáng kiến kinh nghiệm hiện nay chỉ là lý thuyết suông (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhiều sáng kiến kinh nghiệm hiện nay chỉ là lý thuyết suông (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Mỗi năm có hàng trăm ngàn sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục

Hiện cả nước có hơn 1,3 triệu giáo viên và cứ như cách phát động, số lượng người tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm ở những năm qua thì chỉ cần 30% giáo viên trong trường tham gia cũng đã có gần 400 ngàn đề tài sáng kiến kinh nghiệm.

Khi tham gia cấp trường, giáo viên nộp 2 bản in, nếu đạt giải A thì nộp mới 2 bản để gửi về phòng giáo dục và nếu đạt giải A cấp huyện thì tiếp tục in thêm 2 bản nữa để gửi về sở giáo dục và đa phần giáo viên đều in màu để tạo điểm nhấn cho với người chấm.

Điều dễ thấy là phần lớn giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm là đạt giải A, B, C cấp trường. Chỉ những đề tài nào tệ lắm, lấy trên mạng internet nhiều quá thì mới bị rớt. Tất nhiên là trường phải chi tiền cho người chấm (2 giám khảo/ đề tài) và khen thưởng cho người đạt giải.

Những đề tài đạt giải A cấp trường thì sẽ được giám khảo chấm góp ý để thêm bớt một số chỗ không cần thiết và giáo viên đó sẽ tiếp tục in lại 2 bản để gửi về phòng giáo dục. Lên đến cấp phòng thì đương nhiên cũng phải 2 giám khảo chấm/ đề tài và số tiền thù lao sẽ cao hơn cấp trường.

Những đề tài đạt giải từ giải C trở lên là được khen thưởng và cũng là tiêu chí để cuối năm học được xét danh hiệu thi đua từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

Và, những giải A cấp huyện thì được gửi về sở giáo dục để chấm. Những thủ tục chấm cũng tương tự như cấp trường, cấp huyện nhưng khen thưởng đối với cấp tỉnh thì cao hơn nhiều.

Như vậy, chỉ riêng tiền in ấn, tiền giải thưởng, tiền trả thù lao cho người chấm, cho chủ tịch, phó chủ tịch hội, thư ký, một số thành viên hội đồng chấm thì chỉ cấp trường cũng đã tốn kém hàng chục triệu đồng đối với trường loại II, loại III.

Những trường loại I thì số lượng giáo viên tham gia đông hơn và lẽ dĩ nhiên là tiền của giáo viên và nhà trường còn phải chi nhiều hơn nữa.

Lên đến cấp huyện, cấp tỉnh chỉ riêng mỗi năm tiền phát thưởng cho giáo viên cấp huyện được công khai cũng lên đến vài chục triệu đồng. Nhưng có lẽ tiền trao giải thưởng sẽ chưa cao bằng tiền chi cho giám khảo và hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm.

Tuy nhiên, đây mới là tiền giáo viên và ngân sách nhà nước phải chi trực tiếp cho việc in ấn, chấm giải và khen thưởng, còn một khoản nữa mà ngân sách phải chi gián tiếp cho sáng kiến kinh nghiệm cũng tốn kém rất nhiều hàng năm là tiền khen các danh hiệu thi đua.

Tiền ngân sách chi gián tiếp cho sáng kiến kinh nghiệm

Theo hướng dẫn về việc xét thi đua hiện nay ở ngành giáo dục thì chỉ những cá nhân có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải từ cấp huyện trở lên mới được khen thưởng danh hiệu cao như: Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Bằng khen cấp tỉnh; Bằng khen cấp Bộ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Trong những danh hiệu này, số tiền chi cho danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở hiện nay là thấp nhất (đối với những cá nhân có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện trở lên) cũng cao hơn 3 lần danh hiệu Lao động tiên tiến (những cá nhân không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải).

Chính vì thế, số tiền mà ngân sách phải chi hàng năm cho danh hiệu thi đua là một con số cũng rất lớn. Nếu cộng cả tiền chi trực tiếp cho sáng kiến kinh nghiệm ở cả ngành giáo dục thì đã là một con số khổng lồ…

Đó là chưa kể những người có danh hiệu thi đua cao thì đương nhiên họ sẽ được đơn vị xét nâng lương trước hạn.

Nhưng, nếu tất cả những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải mà hữu ích, đem lại những giá trị thực tế cho công việc, cho ngành thì cũng đáng để chi, để khen thưởng. Đằng này, phần lớn sáng kiến kinh nghiệm là sao chép, xin xỏ, chấm “theo địa chỉ” nên sau mỗi năm học thì số phận những “đề tài khoa học” này cũng hết giá trị.

Bỏ tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm trong xét thi đua mới mong “làm sạch” được những giả dối

Trong ngành giáo dục hiện nay có rất nhiều phong trào, hội thi khác nhau nhưng lạ nhất là chỉ có phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm là được đề cao nhất, là tiêu chí bắt buộc trong việc xét thi đua đối với các danh hiệu thì Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

Các công việc quan trọng trong nhà trường đòi hỏi về khả năng, trình độ, tâm huyết của nhà giáo như giảng dạy, kết quả thi tuyển sinh 10, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi giáo viên giỏi các cấp, thậm chí là ôn thi học sinh giỏi đạt giải cao mà không có sáng kiến kinh nghiệm thì cũng chỉ có thể được xét danh hiệu Lao động tiên tiến mà thôi.

Chính vì thế, một bộ phận giáo viên hiện nay họ xem trọng và “đầu tư” để mỗi năm có 1 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là họ có tất cả mà viết sáng kiến kinh nghiệm thì đơn giản mà nhàn hơn rất nhiều các phong trào, các hội thi khác.

Đã đến lúc lãnh đạo Bộ cần nghiêm túc đánh giá khách quan về giá trị và hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm hiện nay của ngành. Đồng thời, cũng cần ràng buộc những cá nhân có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải phải áp dụng vào công việc thực tế chứ không thể “để trên giấy” mãi được.

Nếu không, sáng kiến kinh nghiệm sẽ tiếp tục nổi trôi từ địa phương này sang địa phương khác. Thị trường sáng kiến kinh nghiệm vẫn sôi nổi chuyện bán mua, trao đổi chẳng ai kiểm soát được.

Nhưng, cái mất là niềm tin của những nhà giáo tâm huyết với ngành và ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương luôn phải khen cho những nhà giáo chưa thực sự xứng đáng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG