Tư duy phản biện trong quá trình học tập

01/05/2019 07:28
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Muốn dạy con trẻ thế kỷ này tư duy phản biện, hãy dạy cho đúng sự thật, cho đến tận nguồn cơn của mọi câu chuyện…chứ đừng nên gây dựng những “huyền thoại" ảo.

LTS: Tiếp tục gửi tới bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về tư duy phản biện trong quá trình học tập, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Nhân kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5 được nghỉ ngơi, tôi có dịp xuống nhà sách Phương Nam (Quận 10) để tìm sách mới. 

Tôi lang thang thư thả, ngó nghiêng xem thử xã hội học tập của Việt Nam, của Sài Gòn, qua góc nhìn của sách thế nào.

Trong lúc đang rưng rưng nhớ lại những cuốn của Nguyễn Hiến Lê nhàu nát thủa nào hồi những năm 1980, đọc lại được một ghi nhớ nhỏ của bác trong cuốn “Tự Học Để Thành Công” (1954), “Làm sao để dân tộc ta có thể tiến mau được?….Giáo dục hóa quần chúng”. 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (8): Bí quyết của Jack Ma

Triết lý này của Nguyễn Hiến Lê không xa lạ gì với tất cả các triết lý giáo dục tiên tiến dành cho con người, mà Abraham Lincoln của Mỹ đã đề cập đến từ thời 1863.

Ấy thế nhưng, một em nhỏ đứng gần nói rất to ra vẻ hiểu biết, chỉ một cuốn viết về Jack Ma, nói với mấy bạn đứng cạnh: “Đây đã từng là thầy giáo đấy, đi buôn và thành tỷ phú”.

Tôi tò mò nhìn sang, định hỏi thử xem mấy nhỏ đó: “Thế con thích làm gì? Nhà giáo hay đi buôn thành tỷ phú?” và có biết con đường nào để làm tỷ phú ở những nước như Trung Quốc, Việt Nam hay kể cả ở Mỹ và thế giới là thế nào không?

Tôi không có quyền và cũng không có vị trí gì để phán xét ai cả. Nhưng nhân em nhỏ đó nói về người thầy, đã từng làm thầy, và đã đi buôn để thành tỷ phú…tất cả đều không có gì sai, chỉ có điều nó chả đủ thông tin và chả nói lên được điều gì.

Và điều này, theo quan điểm cá nhân tôi là sự thất bại rõ trong giáo dục kỹ năng mà người ta gọi là “tư duy phản biện”. 

Có lẽ toàn bộ hệ thống giáo dục và kỹ năng học của chúng ta, mặc dù ở thế kỷ 21, nói rất nhiều đến đủ các loại kỹ năng, nhưng thú thật, khi đọc sang đến mấy cuốn như kiểu trên đây, “Làm thế nào để nghĩ như Obama?” (tôi là một người rất kính trọng và yêu thương Obama, bởi bác là hình ảnh lý tưởng của một nước Mỹ hòa hợp và vươn lên), tôi phát ớn với việc “dùng kỹ thuật marketing” để bán hàng của nước Mỹ, nhất là trong giáo dục.

Xin được có vài phân tích nhỏ, để mọi người cùng suy nghĩ và biết đâu, đến một ngày nào đó, tôi cũng có mặt trên bìa cuốn nào đó, ở đâu đó trên thế giới mạng, giống như Obama! Và người ta cũng “bán” tôi để marketing dịch vụ giáo dục toàn cầu? 

Nếu có nhìn thấy ảnh tôi, giọng nói của tôi, tư duy của tôi, cách viết văn kiểu như thế này của tôi, xin các bạn hãy liên hệ lại, để tôi có thể thực hiện các biện pháp chống “hàng giả, hàng gian”, ăn cắp trí tuệ, cấp độ toàn cầu, cho vinh danh trí tuệ Việt!

Tác giả Nguyễn Thị Lan Hương. Ảnh tác giả cung cấp.
Tác giả Nguyễn Thị Lan Hương. Ảnh tác giả cung cấp.

Tháng 12/2014, khi theo học tiến sỹ về quản trị lãnh đạo đại học tại A&M University – Corpus Christi, tôi phải làm bài luận về Hoạt động của Sinh viên – Thay đổi thế giới (Student Activism – Change the world).

Tôi lựa đại đề tài về Chiến tranh Việt Nam, bởi tôi đã đọc thấy sinh viên Mỹ phản chiến và chết 4 người để phản đối.

Tôi nghĩ đề tài đó phù hợp và “dễ” xơi, bởi tôi là người Việt, học lịch sử Việt Nam và Mỹ, ở nước Mỹ và do người Mỹ viết lại, thật thú vị! 

Nhưng vì đây đang là bài viết về tư duy phản biện và về “Đã từng là Người Thầy”, nên xin được nói đôi chút về việc khác, người khác, Tổng thống Mỹ thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, Lynson B. Johnson [1].

LBJ đã là một người thầy giáo và ở vùng khó khăn của Texas trong nhiều năm, trước khi tham gia vào chính trị và trở thành tổng thống thứ 36, theo hồi ký cá nhân ghi lại “Tôi không thể là Tổng Thống Mỹ đầu tiên thua trận…”.  

LBJ đã từng là một vị tổng thống được ca ngợi rất nhiều về những đề xuất các chủ trương lớn cho một Great Society (Xã hội Vĩ Đại), đưa ra các đề xuất cải cách dân sự triệt để cho người dân Mỹ, đặc biệt dấu ấn của ông là Civil Rights Act (Đạo luật Quyền Dân Sự). 

Tôi xúc động khi đọc đến phần mô tả những cảm xúc của ông thời ông là thầy giáo…“Tôi đi thăm những khu trẻ em nghèo, những căn nhà dột nát và chật chội, và tôi phải dạy dỗ chúng để sao cho, chúng có thể không phải ở những căn nhà đó như thế mãi…”.

Tôi có hỏi giáo sư của tôi, trong môn học Quản Trị Sinh Viên rằng: “Tại sao một tổng thống, một con người biết nghĩ về trẻ em Mỹ, biết nghĩ về người dân nghèo xứ Texas khổ sở của Mỹ như vậy, đã lại là người quyết định đem quân sang Việt Nam đánh chiếm? Mà lại chỉ vì một lý do, “Tôi không thể là Tổng thống Mỹ đầu tiên thua trận?”.

Để có triết lý thì phải trả lời được bản chất của nền giáo dục Việt Nam là gì?

Lúc suy nghĩ như thế, những cảm xúc của một con người, cảm xúc biết yêu thương và lo lắng cho trẻ em, cho người nghèo của Mỹ đã ở đâu?

Hay trẻ em Việt Nam, người Việt Nam không quan trọng trong mọi quyết định của lãnh đạo Mỹ lúc đó?”.

Và tôi nghĩ, nếu lúc đó, LBJ quyết định với tư cách và tâm hồn của một thầy giáo, biết xót thương trẻ em và người nghèo Mỹ, cũng như cho người Việt, có khi chúng ta đã không phải gánh chịu hệ lụy chiến tranh bao năm tháng, một cuộc chiến đã chính thức được thừa nhận “sai bên, sai mục đích, sai đối tác…”.

Cũng nhân nói về người đã từng là thầy giáo của Trung Quốc, nếu ai đã từng lăn lộn với các tập đoàn lớn toàn cầu, chả ai xa lạ gì với cái tên Jack Ma và Alibaba (tên của một người trong cuốn truyện 40 tên cướp nổi tiếng).  

Xin mạn phép không nói dài dòng về lịch sử từ một anh thầy giáo tiếng Anh sang Mỹ, Úc và được những ai “giúp đỡ” gây dựng nên câu chuyện mà giờ này, lại thành như “huyền thoại” với không ít trẻ con mới lớn ở Việt Nam;

Chỉ xin trích dẫn phần phản hồi từ Liên Minh Hiệp Hội Chống Hàng Giả Quốc tế, bảo vệ các Nhà Sản xuất và Thương Hiệu Lớn của Mỹ, từ chối công ty anh này trong Hiệp hội và tẩy chay, buộc anh phải từ bỏ bài phát biểu khai mạc tại Mỹ, do bởi lý do hãng anh đã “chuyên buôn hàng giả, mang thương hiệu của Mỹ” [2]. 

Điều thú vị của câu chuyện này không nằm ở việc anh bị tẩy chay mà ở chỗ, anh lại được Obama mời ăn trưa vào đúng hôm bị tẩy chay đó, để bàn việc “Phát triển doanh nghiệp thương mại điện tử online giữa Mỹ và Trung Quốc” [3].

Và nếu có ai đọc lịch sử của Obama cũng không nên quên, Obama cũng đã từng là người đi dạy học đại học vài năm ở Chicago [4], trước khi tham gia chính trị.

Điều đó để nhắc nhở những ai làm nghề dạy học, người thầy, ở cả Mỹ và Trung Quốc cũng như ở Việt Nam và thế giới rằng, thầy giáo là một nghề cao quý, bởi không chỉ truyền dạy tri thức, mà còn là tư cách đạo đức, tư cách làm người.

Điều khó khăn nhất của nghề giáo không phải là dạy chỉ để biết đọc, biết làm toán, mà biết làm người có nhân cách, dù nghèo dù giàu, chứ không phải để đi buôn trên xương máu, lừa dối kẻ khác, mưu lợi làm giàu cho mình.

Tôi thường dạy học trò biết cãi

Những kẻ lừa thầy phản bạn, đối với liên minh thì sẵn sàng “bán đứng”, đi chơi cùng với những kẻ gọi là “anh em” và sẵn sàng “đâm sau lưng” những người tử tế, đã vì mình mà hy sinh cuộc đời, đó có còn là tư cách của những người Thầy?

Đã từng là Thầy, không có nghĩa là Thầy mãi mãi! Nhất là khi họ không xứng đáng với nhân cách của một người thầy đúng nghĩa.

Muốn dạy cho con trẻ thế kỷ này về tư duy phản biện, hãy dạy cho đúng sự thật, cho đến tận nguồn cơn của mọi câu chuyện…chứ đừng nên gây dựng những “huyền thoại” ảo làm gì.

Hãy dạy sự thật! Và để tự học sinh chúng tư duy, suy nghĩ độc lập, không lệ thuộc vào ai.

Với tôi, tôi rất thương Obama khi đọc được tin trên TechReview thế này…“AI đã có thể làm giả giọng của bạn giống y như Obama” [5], theo đó, giờ này, công nghệ AI, cũng chả khác mấy công nghệ buôn “hàng giả” toàn cầu.

Chào mừng chúng ta đến với thế giới “ảo” và “giả” với cụm từ “alternative” nổi tiếng.

Ai giờ này dám đảm bảo Obama không có Obama giả?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.lbjlibrary.org/lyndon-baines-johnson/lbj-biography;  The Progressive Presidents: Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson, Franklin D. Roosevelt, Lyndon B. Johnson

[2] http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2016/05/18/alibabas-jack-ma-cancels-appearance-at-anti-counterfeiting-conference-amid-fakes-dispute/

[3] http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/1947191/alibabas-jack-ma-cancels-speech-anti-counterfeiting

[4] https://www.biography.com/us-president/barack-obama

[5] https://www.technologyreview.com/s/613033/this-ai-lets-you-deepfake-your-voice-to-speak-like-barack-obama/

Nguyễn Thị Lan Hương