Tự chủ đại học phải bắt đầu từ tự chủ tư duy (phần 1)

17/11/2019 07:26
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (Tấn Tài lược ghi)
(GDVN) - Tự chủ đại học là tự chủ tất cả, chẳng có cái gì là không được tự chủ. Nhưng sự tự chủ ấy phải tuân theo các quy định của pháp luật.

LTS: Ngày 15/11, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (thành phố Hồ Chí Minh), Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức hội thảo: “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập”.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đi sâu phân tích thực trạng tự chủ đại học hiện nay cũng như đề ra các giải pháp để thực hiện tự chủ triệt để.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả ý kiến của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được trình bày tại hội thảo.

Tự chủ về tư duy

Để giải quyết đúng vấn đề tự chủ đại học phải bắt đầu từ tư duy. Tư duy không đúng sẽ thực hiện không đúng. Tự chủ không có mục đích tự thân, không phải để mà tự chủ.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: TT
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: TT

Tư duy về tự chủ là tư duy phát triển. Cho phát triển. Để phát triển. Vì sự phát triển.

Tự chủ và độc lập về tư duy mới có phản biện khoa học. Có phản biện khoa học thì mới có con đường tiếp cận chân lý khách quan. Tự chủ mới có tư duy độc lập và nâng cao trách nhiệm, do đó mà trưởng thành.

Theo nghĩa đó, tự chủ - bản thân nó đã mang ý nghĩa giáo dục và văn hóa, vì nó thúc đẩy phát triển tư duy và hình thành nhân cách. Mục đích của tự chủ là để trưởng thành và có chất lượng cao hơn. 

Giáo sư Trần Hồng Quân gửi 5 kiến nghị về tự chủ đại học

Trưởng thành đối với nhà trường và thầy giáo. Chất lượng cao đối với học sinh - sản phẩm của giáo dục đào tạo.

Nhiều người không có tư duy độc ghép lại thì thành cả một cộng đồng thụ động, lệ thuộc, mất tự chủ, mất nguồn lực nội sinh.

Rời khỏi mục đích phát triển hoặc gây cản trở cho mục đích đó thì tự chủ ấy sẽ là vô nghĩa. Nên nhớ, tự chủ cũng có hai mặt.

Mặt tích cực là chủ yếu. Nhưng mặt tiêu cực cũng không nhỏ và thường song hành không thể chủ quan.

Những trở lực trong quá trình giải quyết vấn đề tự chủ?

Giải quyết vấn đề tự chủ thực chất cũng là phân chia quyền lực. Cấp trên thường không muốn giải quyết cho cấp dưới tự chủ nhiều là vì không muốn giảm quyền hành trực tiếp của mình.

Cấp dưới thường muốn cấp trên giao quyền nhiều là vì muốn có nhiều quyền hơn. Con người có tâm lý muốn có nhiều quyền lực, chưa cần biết và nghĩ kỹ rằng có quyền lực để làm gì.

Vậy là vấn đề phân cấp và tự chủ có liên quan đến chuyện quyền lực, mà việc mong muốn sở hữu nhiều quyền lực cũng là chuyện có tính chất bản năng của con người.

Chính vì vậy, để giải quyết tốt vấn đề tự chủ thì cần phải có đồng thời 4 điều kiện:

Thứ 1, cấp trên đủ độ chín về tư duy, văn hóa, nhân cách, biết chăm lo cho sự trưởng thành của con người hơn là có quyền lực của bản than mình.

Thứ 2, cấp dưới đủ phẩm chất và trách nhiệm, với động cơ trong sáng vì sự nghiệp vinh quang là phát triển con người, không có ý định lợi dụng việc phân cấp để tìm kiếm lợi ích cá nhân.

Thứ 3, xã hội đủ nhận thức để tác động bằng dư luận, phê phán và phản đối cách làm bảo thủ không chịu phân cấp, không cho tự chủ.

Cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học là ai, để làm gì?

Thứ 4, có cơ chế kiểm soát quyền lực tại chỗ và minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình

Trở lại vấn đề, tự chủ là gì?   

Đó là nhà trường tự mình làm chủ mọi công việc, là chủ thể cao nhất của các hoạt động đào tạo. Nhà trường tự mình quyết định các công việc mà không phải chờ đợi xin ý kiến của ai.

Nhà trường đồng thời chịu trách nhiệm trước người học, phụ huynh và xã hội về các quyết định của mình.

Nhà trường tự cân đối nguồn lực về con người, tài chính và vật chất để thực hiện. Tự chủ (chương trình) thường gắn với tự do học thuật.

Tự chủ cái gì?

Thường thì người ta hay nói là tự chủ về chương trình đào tạo, nhân sự và tài chính. Nói vậy không sai nhưng chưa đủ. Thực ra là tự chủ tất cả, chẳng có cái gì là không được tự chủ.

Nhưng mặt khác, đồng thời phải hiểu sự tự chủ ấy tuân theo các quy định của pháp luật, vì nhà trường là bộ phận hợp thành của xã hội, mà xã hội phải có tinh thần thượng tôn pháp luật.

Nếu pháp luật không đủ mở thì làm sao có tự chủ của đại học? Pháp luật không mở thì không thể có tự chủ.

Và đó là pháp luật kìm hảm sự phát triển, cần phải có kiến nghị để sửa đổi pháp luật theo tinh thần tôn trọng sự tự chủ đại học.

(Còn nữa)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (Tấn Tài lược ghi)