Từ 2 đến 6 giáo viên cùng dạy 1 môn/nội dung giáo dục, sao mà rối rắm thế

14/01/2022 06:45
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc nhầm lẫn, sai sót trong việc ghi sổ đầu bài xảy ra thường xuyên vì thời khóa biểu thay đổi liên tục và giáo viên thì không phải ngày nào cũng vào trường.

Ở năm học này, đa phần các trường trung học cơ sở trên cả nước đều phải phân công giáo viên những môn tích hợp ở lớp 6 dạy theo phân môn chứ không thể phân công giáo viên dạy được cả môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chính vì thế, thời khóa biểu năm nay ở các trường thường xuyên thay đổi theo tuần. Điều này đã được thể hiện rõ qua bài viết Thời khóa biểu thay đổi xoành xoạch vì các môn tích hợp của tác giả Lê Mai đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 10/1/2022.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn phản ánh thêm một khó khăn nữa khi giáo viên dạy các môn tích hợp ở lớp 6 trong việc ghi sổ đầu bài đối với những địa phương đang phải dạy và học trực tuyến.

Việc nhầm lẫn, sai sót trong việc ghi sổ đầu bài xảy ra thường xuyên vì thời khóa biểu thay đổi liên tục và giáo viên thì không phải ngày nào cũng vào trường, nhất là giai đoạn mà các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Việc ghi sổ đầu bài đối với các môn tích hợp cũng gặp nhiều khó khăn đối với những nơi đang dạy trực tuyến (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Hanoimoi.com.vn)

Việc ghi sổ đầu bài đối với các môn tích hợp cũng gặp nhiều khó khăn đối với

những nơi đang dạy trực tuyến (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Hanoimoi.com.vn)

Chưa có bao giờ giáo viên dạy các môn tích hợp rối não như năm học này

Năm học 2021-2022 bắt đầu cũng là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam. Chính vì thế, các tỉnh này phải triển khai dạy và học trực tuyến nhiều tháng trời. Hiện nay, đa phần học sinh lớp 6 ở các tỉnh phía Nam vẫn chưa thể đến trường.

Mấy tháng đầu năm học, việc triển khai dạy và học trực tuyến trong một điều kiện vô cùng khó khăn vì phần lớn các địa phương ở phía Nam đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc 16 của Chính phủ.

Vì thế, gần như mỗi xã, phường, khu phố… đều có những trạm kiểm soát dịch bệnh và mọi người ra đường đều phải có giấy đi đường của thủ trưởng đơn vị mới được đi qua nên giáo viên chỉ thực hiện giảng dạy còn việc ghi sổ đầu bài thì gần như phải để dồn lại nhiều tuần, không thể nào đến trường để cập nhật.

Trong khi, thời khóa biểu các môn tích hợp như: Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên, Nội dung giáo dục địa phương thì có nhiều phân môn khác nhau. Tuần này người này dạy nhưng tuần sau có thể người khác. Thậm chí, có những tuần 2-3 giáo viên cùng dạy 1 môn học.

Chẳng hạn như môn Khoa học tự nhiên có đến 3 mạch kiến thức khác nhau, được phân công 3 giáo viên đảm nhận việc giảng dạy, tuần này giáo viên Sinh dạy nhưng tuần sau có thể giáo viên Hóa, giáo viên Lí.

Vậy nên, khi ghi sổ đầu bài phải nói rằng rất khó khăn và phức tạp, nhất là mấy tháng đầu của năm học. Vì giáo viên thì dạy nhiều lớp, trong 1 lớp thì có những môn nhiều giáo viên dạy nên việc ghi sổ đầu bài không phải lớp nào cũng được thực hiện đúng bởi mỗi giáo viên vào trường mỗi thời điểm khác nhau.

Có thể giáo viên dạy sau lại nhầm lẫn ghi số tiết, bài học trước nhưng khi dò lại thì sổ đầu bài không khớp số tiết, tuần, không khớp phân phối chương trình và tất nhiên là giáo viên phải sửa lại.

Sổ đầu bài mà giáo viên chỉ cần ghi nhảy cóc hay thụt lùi một bài thôi thì kéo theo nhiều tuần phải sửa chữa, khắc phục. Trong khi, mỗi tiết học của sổ đầu bài hiện nay chỉ được thiết kế một dòng với nhiều cột tương ứng để giáo viên ghi số tiết, bài học, nhận xét tiết dạy và kí tên.

Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm – Hướng nghiệp thì những tuần đầu năm học chưa triển khai được nên phải dồn về cuối học kỳ. Vì thế, nhiều giáo viên không chỉ khó khăn trong việc ghi sổ đầu bài mà còn có cả chuyện giáo viên phải dạy dồn để hết tiết.

Có những giáo viên như Âm nhạc, Mĩ thuật phải dạy gấp đôi định mức vì vừa phải dạy số tiết chính khóa theo quy định (19 tiết) cộng thêm phân môn của mình trong Nội dung giáo dục địa phương mỗi lớp 2 tiết/ tuần mà có trường lên tới 10 lớp 6, thậm chí còn nhiều hơn.

Vậy nên, có những tuần cao điểm thì giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật dạy trên dưới 40 tiết trong 5 ngày (trừ ngày chủ nhật và ngày bộ môn dùng để hội họp, sinh hoạt chuyên môn) quả là quá tải kinh khủng.

Việc áp dụng các môn học tích hợp ở lớp 6 trong năm học này đang tồn tại khá nhiều bất cập và dẫn đến việc nhiều giáo viên ở những địa phương đang phải dạy trực tuyến vất vả không chỉ trong giảng dạy và ngay cả những chuyện nhỏ như nhớ thời khóa biểu, ghi sổ đầu bài hằng tuần.

Những sai sót, sửa chữa trong sổ đầu bài đối với những môn tích hợp xảy ra thường xuyên. Những lỗi này, sau này nếu có thanh tra, kiểm tra chuyên môn của cấp trên thì không tránh khỏi việc nhà trường, giáo viên bị phê bình, nhắc nhở và bị ghi vào biên bản.

Chưa có lần đổi mới chương trình nào phức tạp như chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chương trình tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua từ ngày 27/7/2017 - tính đến nay đã được trên 4 năm trời nhưng khi thực hiện giảng dạy các môn học tích hợp ở lớp 6 trong năm học này thì gần như các nhà trường và ngay cả Bộ cũng có phần bị động.

Bị động trong triển khai chủ trương của Bộ, của Sở, của Phòng, còn nhà trường thì khó khăn trong việc phân công, sắp xếp thời khóa biểu. Đối với giáo viên thì gặp không ít khó khăn trong giảng dạy vì họ chưa được trang bị những điều cần thiết để tiếp cận nội dung môn học mới.

Nhìn lại lịch sử đổi mới của ngành giáo dục kể từ sau năm 1945 cho đến nay, người viết nhận thấy có lẽ chưa bao giờ có chương trình giáo dục nào lại phức tạp như chương trình giáo dục phổ thông 2018 bây giờ.

Một môn học mà có tới 2-3 giáo viên cùng đảm nhận giảng dạy, nhận xét, vào điểm chung, thậm chí có môn học (Nội dung giáo dục địa phương) lên đến 6 giáo viên cùng giảng dạy trong 35 tiết/ năm.

Chỉ thế thôi cũng đủ cho nhà trường, giáo viên mệt mỏi trong việc định hướng, ra kế hoạch để phân công, thống nhất việc dạy, kiểm tra, nhận xét và vào điểm cho học trò trong từng học kỳ.

Năm nay là lớp 6, những năm học tới đây sẽ là lớp 7, lớp 8 và lớp 9 vẫn là những môn học tích hợp này. Nếu như giáo viên vẫn còn phải dạy chung môn, lãnh đạo ngành vẫn không có những định hướng rõ nét, cụ thể thì những bất cập có thể sẽ còn xảy ra dài dài.

Vì thực tế cho thấy đang tồn tại nhiều bất cập, đó là sự rối rắm của chương trình, sách giáo khoa, sự bị động trong chỉ đạo, định hướng sẽ kéo theo sự khó khăn, lúng túng của các nhà trường và đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện các môn tích hợp. Và, tất nhiên người thiệt thòi nhất sẽ là học trò - những thế hệ tương lai của chúng ta.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH