Trường Tiểu học Ngô Gia Tự giúp học sinh thấu hiểu giá trị của việc đọc sách

28/04/2021 08:34
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông qua chuyên đề “Đọc một cuốn sách, đi muôn dặm đường”, học sinh Trường Tiểu học Ngô Gia Tự thấu hiểu giá trị của việc đọc sách, đánh thức tiềm năng Văn học.

Truyền đạt giá trị của việc đọc sách

Ngày 27/4, thực hiện kế hoạch công tác Đội và phong trào thiếu nhi của Liên đội năm học 2020 – 2021, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) tổ chức chuyên đề “Đọc một cuốn sách, đi muôn dặm đường”.

Chuyên đề có sự tham dự của ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; cô Nguyễn Bích Lan, Nhà văn, dịch giả đại diện Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện Hội Sử học thành phố; lãnh đạo quận Hồng Bàng, cùng toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.

Chuyên đề giúp học sinh hiểu được giá trị của việc không ngừng đọc sách (Ảnh: Phương Linh)

Chuyên đề giúp học sinh hiểu được giá trị của việc không ngừng đọc sách (Ảnh: Phương Linh)

Chuyên đề được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu sách, hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, học tập suốt đời của cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh nhà trường, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Đồng thời giáo dục học sinh về ý thức và nâng cao kỹ năng xếp sách có khoa học và trình tự khi ở nhà cũng như ở trường.

Nhà trường tạo điểm nhấn không gian khi trưng bày những tác phẩm đạt giải cao của học sinh (Ảnh: Phương Linh)

Nhà trường tạo điểm nhấn không gian khi trưng bày những tác phẩm đạt giải cao của học sinh

(Ảnh: Phương Linh)

Bên cạnh đó, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách, tôn vinh giá trị của sách, tôn vinh những người tham gia sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu trữ và quảng bá sách.

Cũng thông qua chuyên đề, nhà trường mong muốn tạo được phong trào thi đua sôi nổi trong học tập và rèn luyện cho học sinh nhà trường.

Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc chuyên đề (Ảnh: Phương Linh)

Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc chuyên đề (Ảnh: Phương Linh)

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự phát biểu khai mạc chuyên đề: “Sách là nguồn tri thức bất tận của nhân loại, thắp sáng trong mỗi chúng ta, dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người và hướng đến những giá trị nhân văn cao cả.

Hiểu những giá trị trong cuốn sách giúp người đọc được phát triển bản thân.

Chính bởi vậy, nhà trường luôn quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh.

Nhà trường đã xây dựng thư viện trường khang trang hiện đại, phát triển 38 góc thư viện thân thiện đặt tại các lớp với nhiều đầu sách phong phú, nhiều hoạt động ngoại khóa như vẽ tranh, thi kể chuyện sách báo, thi giới thiệu sách,…đều được các thầy, cô giáo, học sinh cũng như phụ huynh tích cực hưởng ứng.

Hôm nay, nhà trường tổ chức chuyên đề ‘Đọc một cuốn sách đi muôn dặm đường' nhằm tiếp tục khuyến khích, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Đồng thời, đem lại niềm vui, sự say mê khám phá kiến thức trong từng trang sách và truyền cảm hứng với các em”.

Đánh thức tiềm năng sâu trong tâm hồn

Để giúp truyền đạt giá trị vô giá của việc đọc sách, nhà trường đã tạo cơ hội cho học sinh được lắng nghe những chia sẻ của cô Nguyễn Bích Lan (sinh năm 1976, tại Hưng Hà, Thái Bình), tấm gương với nghị lực phi thường vượt qua căn bệnh nan y để trở thành một dịch giả nổi tiếng, một nhà văn với nhiều tác phẩm đóng góp cho nền Văn học Việt Nam.

Theo cô Nguyễn Bích Lan, ngay từ khi 5 tuổi cô đã yêu thích việc đọc sách, mặc dù có rất nhiều quyển sách của ông nội cô đọc không hiểu nhưng vẫn thích và lén chui vào tủ để được đọc.

Đến khi có được những cuốn sách thiếu nhi đầu tiên cô đã thực sự vui mừng, sung sướng.

Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan lan tỏa nghị lực, sự ham học hỏi, ham đọc sách của bản thân tới học sinh nhà trường (Ảnh: Phương Linh)

Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan lan tỏa nghị lực, sự ham học hỏi, ham đọc sách của bản thân tới học sinh nhà trường (Ảnh: Phương Linh)

“Năm 7 tuổi, tôi đã biết Paris ở đâu, biết đến nước Mỹ, biết một số tổng thống nổi tiếng trên thế giới và biết cả sông Amazon, sông Nile,…chính là vì những cuốn sách đưa tôi đi.

So với những trẻ em ở làng, tôi cảm thấy may mắn hơn nhiều khi mình được lạc vào thế giới tưởng tưởng của những quyển sách, được trải qua cảm giác hồi hộp, mong chờ để khám phá.

Chính vì nhờ những cuốn sách đó, năng khiếu văn học trong tâm hồn tôi được đánh thức sớm” cô Nguyễn Bích Lan chia sẻ.

Đến năm 13 tuổi, cô Bích Lan được bác sĩ chẩn đoán mắc căn bệnh nan y loạn dưỡng cơ.

Căn bệnh khiến con đường học tập của cô gặp nhiều trắc trở và phải bỏ dở ước mơ khi mới học hết lớp 8.

Các em học sinh chăm chú lắng nghe những chia sẻ của cô Nguyễn Bích Lan (Ảnh: Phương Linh)

Các em học sinh chăm chú lắng nghe những chia sẻ của cô Nguyễn Bích Lan (Ảnh: Phương Linh)

Cô Nguyễn Bích Lan chia sẻ hành trình chiến đấu với căn bệnh nan y để trở thành một người có ích cho xã hội: “Tất cả nỗ lực chữa bệnh tôi đều có thể vượt qua được dù rất khó khăn nhưng không bằng cảm giác khi nhìn thấy những bạn bằng tuổi mình được cắp cặp đi học.

Nhìn bạn được tung cắp sách đến trường, nhìn nhóm bạn vừa đi vừa ăn kem, tất cả những điều bình thường ấy trở thành ước mơ mà tôi không thể nào với tới được. Được đi học một ngày cũng là một mơ ước cực lớn lao!

Sau một thời gian tuyệt vọng, tôi bắt đầu vùng vẫy để vượt lên.

Chuyện bắt đầu vào ngày em trai tôi lên cấp 3 và bắt đầu được học tiếng Anh.

Khi nghe thấy em trai tôi hào hứng phát âm tôi cảm thấy âm thanh ấy thật lạ, thật cuốn hút.

Tôi bắt đầu ghi nhớ những từ em tôi phát âm, lén chép lại những từ trong sách giáo khoa của em trai.

Tôi cứ học thầm, học vụng như vậy vì gia đình muốn tôi nghỉ ngơi, giữ sức khỏe.

Khi gia đình biết tôi ham học đến thế thì bạn bè, chị em gửi cho tôi những quyển sách tiếng Anh để học.

Tôi tự rút những quy tắc ngữ pháp từ bài tập, tự soạn cho mình một chương trình học.

Rồi dần tôi được nhận nhiều cuốn sách khoa học hơn để tôi có thể tự học.

Tôi tự học trong 6 năm liền, ngày nào cũng học 6 tiếng bất chấp nỗi buồn, những khó khăn do căn bệnh của mình.

Sau 6 năm, tôi đã dạy học cho các học sinh lớp 7, lớp 8, lớp ôn thi đại học trong 5 năm.

Bây giờ, tôi có được 8 em học sinh là giáo viên dạy tiếng Anh tại các trường cấp 3.

Sau một thời gian dạy học, căn bệnh của tôi biến chuyển sang tim nên không thể tiếp tục dạy học được nữa.

Khi tôi không thể làm việc được nữa, tôi cảm thấy quá khủng khiếp khi trở thành một người không biết làm gì với 12 tiếng đồng hồ.

Lúc này, tôi bắt đầu nghĩ mình phải chuyển sang việc gì mà không phải nói, tương tác, có thể im lặng làm việc và tôi bắt đầu dịch Văn học.

Năm 2002, tôi bắt đầu dịch cuốn sách đầu tiên, đến nay tôi đã có kho tàng 41 cuốn sách dịch và 6 cuốn sách sáng tác, hàng trăm bài báo về giáo dục và văn hóa. Trong đó, có 3 tác phẩm dịch được giải Nobel văn chương”.

Nghị lực, tình yêu đọc sách được lan tỏa tới mỗi em học sinh (Ảnh: Phương Linh)

Nghị lực, tình yêu đọc sách được lan tỏa tới mỗi em học sinh (Ảnh: Phương Linh)

Thông qua câu chuyện của bản thân cũng như nhiều những nhân vật nổi tiếng trên thế giới, cô Nguyễn Bích Lan đã truyền nghị lực, cảm hứng đọc sách và yêu sách của bản thân tới các học sinh nhà trường.

“Các em thấy rằng tôi rất nhỏ bé, tôi chỉ nặng 28kg và tôi vẫn mang căn bệnh đó suốt 30 năm nhưng tôi không chờ đợi mà tôi đã tự học, đã đọc sách và làm việc nên tôi sống được đến ngày hôm nay và sống một cách ý nghĩa.

Bởi vậy, chúng ta có giá trị của chính mình, chúng ta hoàn toàn có thể thành công nếu chúng ta chăm chỉ học hành, có được trái tim yêu thương mọi người.

Đọc sách để chúng ta biết rằng tất cả những khó khăn ở bên cạnh, bên trong, bên ngoài của chúng ta đều có thể nằm trong khả năng vượt qua của bản thân.

Chúng ta đọc sách để biết được tất cả chúng ta đều có khả năng tiềm ẩn sâu trong tâm hồn” cô Bích Lan chia sẻ thêm.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tặng hoa cho cô Nguyễn Bích Lan (Ảnh: Phương Linh)

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tặng hoa cho cô Nguyễn Bích Lan (Ảnh: Phương Linh)

Tiếp nối phần chia sẻ của cô Nguyễn Bích Lan, học sinh Dịch Mỹ Linh (học sinh lớp 1A3) đã thể hiện phần kể chuyện về Bác Hồ.

Cùng với đó, nhà trường đã thông qua hoạt cảnh “Dế mèn phiêu lưu ký” do các em học sinh khối 4 biểu diễn để tái hiện những câu chuyện hay và bổ ích, giúp các em học sinh có cái nhìn chân thực, sinh động về các nhân vật trong truyện.

PHẠM LINH