Trường sư phạm mở lớp chứng chỉ 2 môn tích hợp, phí 3-5,4 triệu đồng

12/07/2021 06:36
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi tín chỉ có kinh phí bồi dưỡng là 150.000 đồng thì chúng ta thấy lớp 20 tín chỉ sẽ có giá là 3.000.000 đồng và lớp 36 tín chỉ sẽ có giá là 5.400.000 đồng.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa 2 môn học tích hợp vào giảng dạy ở cấp Trung học cơ sở từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 đang nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo trên cả nước.

Các môn học ở cấp Trung học cơ sở hiện nay như: Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ được “tích hợp” thành môn Khoa học tự nhiên; các môn Lịch sử, Địa lí sẽ được “tích hợp” thành môn Lịch sử và Địa lí. Chính vì thế mà hiện nay đã có trường Đại học Sư phạm thông báo tuyển sinh để bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp.

Việc giáo viên 5 môn học hiện nay là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí sẽ phải bồi dưỡng chuyên môn để dạy 2 môn tích hợp cho những năm học tới đây cũng là điều hoàn toàn phù hợp.

Nhưng….nếu giáo viên tham gia bồi dưỡng các lớp học này sẽ phải đầu tư một số tiền cũng khá lớn và cùng với quỹ thời gian học tập cũng không hề ít.

Các môn tích hợp sẽ được đào tạo bao nhiêu tín chỉ và mức học phí ra sao?

Tại wesite của trường Đại học Sư phạm Hà Nội thông báo tuyển sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở trường Trung học cở sở, cụ thể như sau:

Môn Khoa học tự nhiên:

Đối tượng tuyển sinh:

– Đối tượng 1: Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đơn ngành sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học hoặc các ngành sư phạm song môn trong đó có 1 môn là Vật lý hoặc Hóa học hoặc Sinh học (Toán học – Vật lý, Vật lý – KTCN, Toán học – Hóa học, Sinh học – TDTT…).

– Đối tượng 2: Người đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm song môn các ngành: Vật lý – Hóa học, Hóa học – Sinh học, Sinh học – Hóa học.

Chương trình bồi dưỡng:

– Đối tượng 1: 36 tín chỉ

– Đối tượng 2 : 20 tín chỉ

Hình thức tổ chức bồi dưỡng: Bồi dưỡng trực tiếp, Bồi dưỡng trực tiếp kết hợp với bồi dưỡng trực tuyến.

Kinh phí bồi dưỡng: 150.000đ/1 tín chỉ/1 học viên.

Thời gian học: Các ngày trong tuần hoặc ngày thứ 7 và chủ nhật và thời gian hè (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không mở lớp nếu số lượng đăng kí dưới 30 học viên/1 lớp)”. [1]

Môn Lịch sử và Địa lí:

Đối tượng tuyển sinh:

Đối tượng 1: Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành Sư phạm Lịch sử hoặc tốt nghiệp cao đẳng các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Lịch sử.

Đối tượng 2: Người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành Sư phạm Địa lí hoặc tốt nghiệp cao đẳng các ngành sư phạm song môn trong có 1 môn là Địa lí.

Chương trình bồi dưỡng: 20 tín chỉ.

Hình thức tổ chức bồi dưỡng: Bồi dưỡng trực tiếp, Bồi dưỡng trực tiếp kết hợp với bồi dưỡng trực tuyến.

Kinh phí bồi dưỡng: 150.000đ/1 tín chỉ/1 học viên.

Thời gian học: Các ngày trong tuần hoặc ngày thứ 7 và chủ nhật (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không mở lớp nếu số lượng đăng kí dưới 30 học viên/1 lớp)”. [2]

Như vậy, nhìn vào thông báo tuyển sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở trường Trung học cở sở thì chúng ta thấy lớp Khoa học tự nhiên sẽ bồi dưỡng cho 2 đối tượng khác nhau, chương trình bồi dưỡng là 20 hoặc 36 tín chỉ.

Đối với môn Lịch sử và Địa lí thì chương trình bồi dưỡng là 20 tín chỉ.

Mỗi tín chỉ có kinh phí bồi dưỡng là 150.000 đồng thì chúng ta thấy lớp 20 tín chỉ sẽ có giá là 3.000.000 đồng và lớp 36 tín chỉ sẽ có giá là 5.400.000 đồng.

Nếu giáo viên phải bỏ tiền học và các chi phí cho học tập thì rõ ràng đây cũng là một số tiền không nhỏ bởi ngoài tiền kinh phí đào tạo ra thì thời gian học tập cũng khá dài nên có thể còn phải phát sinh thêm nhiều chi phí khác nữa.

Bộ nên có hướng dẫn cụ thể về việc đào tạo, bồi dưỡng về 2 môn tích hợp

Ngày 23/6 vừa qua, Bộ Giáo dục đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về 2 môn tích hợp, trong đó có những hướng dẫn như sau: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên”.

Đồng thời, Công văn này cũng đã nhấn mạnh: “Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học”…

Với hướng dẫn như thế này và căn cứ vào thực tế thì việc giáo viên dạy 2 môn tích hợp trong những năm học tới đây ở cấp Trung học cơ sở sẽ dần dần tiếp cận và tiến tới là làm chủ cả môn học là điều chắc chắn.

Việc giáo viên đang dạy đơn môn như hiện nay, khi dạy môn tích hợp sẽ gặp nhiều khó khăn nên chắc chắn phải bồi dưỡng về chuyên môn, nhất là những phân môn mà giáo viên không được đào tạo ở các trường Sư phạm.

Tuy nhiên, việc đào tạo ra sao, kinh phí giáo viên hay nhà trường chi trả thì hiện nay chưa thất Bộ hướng dẫn rõ ràng ở chỗ này.

Trong khi, trường Đại học Sư phạm Hà Nội thông báo chiêu sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí trên website của trường và đã được nhiều người chia sẻ trên các trang facebook cá nhân…

Nếu giáo viên không bồi dưỡng chuyên môn thì sẽ không dạy tốt được môn học, nếu tham gia bồi dưỡng tự nguyện thì kinh phí học tập cũng là một vấn đề phải đắn đo vì mức phí đào tạo như vậy có thể bằng hoặc hơn 1 tháng lương của giáo viên dưới có thâm niên 10 năm đi dạy…

Hy vọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu và có hướng dẫn, chỉ đạo việc bồi dưỡng chuyên môn 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở một cách cụ thể để giáo viên có thể lựa chọn những phương án cho mình nhằm chuẩn bị tốt nhất khi thực hiện giảng dạy các môn học mới trong những năm tới đây.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://phys.hnue.edu.vn/thong-bao-tuyen-sinh-lop-boi-duong-giao-vien-day-mon-khoa-hoc-tu-nhien-o-truong-thcs/

[2] http://dtbdtx.hnue.edu.vn/tuyen-sinh/boi-duong-cap-chung-chi/p/thong-bao-tuyen-sinh-lop-boi-duong-giao-vien-day-mon-lich-su-va-dia-li-o-truong-thcs-146

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN