Trường phổ thông thực hành gặp khó khăn gì khi tự chủ tài chính?

16/12/2019 06:34
LÃ TIẾN
(GDVN) - Khi thực hiện tự chủ tài chính, các trường phổ thông thực hành phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, đội ngũ giáo viên, kế hoạch dạy học và tuyển sinh.

Trường thực hành nhiều cấp học trong các trường đại học địa phương đã tạo môi trường cho sinh viên rèn nghề, thực hành nâng cao tay nghề, tiếp nhận những đổi mới của giáo dục đang diễn ra thường xuyên ở các cấp học, bậc học.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các trường đại học địa phương thực hiện tự chủ tài chính, mô hình trường phổ thông thực hành nhiều cấp học gặp nhiều khó khăn.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Phan Đăng Lưu (Trường Đại học Hải Phòng), khó khăn lớn nhất là về tài chính.

“Làm thế nào để thu hút học sinh theo học với mức học phí gấp 10 lần các trường công lập được ngân sách bảo đảm?

Đây là câu hỏi khó khiến lãnh đạo các trường thực hành nhiều cấp học trong trường đại học địa phương đang đau đầu tìm lời giải đáp”, Thạc sĩ Nguyệt nói.

Trong bối cảnh Trường đại học Hải Phòng thực hiện tự chủ tài chính, Trường phổ thông Phan Đăng Lưu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
Trong bối cảnh Trường đại học Hải Phòng thực hiện tự chủ tài chính, Trường phổ thông Phan Đăng Lưu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Thạc sĩ Nguyệt cho rằng, muốn thực hiện được tự chủ, người đứng đầu các trường phổ thông thực hành phải loại bỏ tâm lý “sợ”.

Khi bắt tay vào thực hiện tự chủ, tất cả các nguồn thu, chi đều không có sẵn công thức mà hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và sự năng động của người quản lý, đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Toàn bộ kinh phí chi thường xuyên của nhà trường đều từ nguồn thu học phí mà không nhận kinh phí từ ngân sách.

Chỉ cần 1 năm không tuyển sinh được thì nhà trường buộc phải dừng hoạt động. Do đó, thu hút được học sinh là vấn đề sống còn của nhà trường.

Trong khi đó, ở mô hình công lập được cấp ngân sách thì các trường không phải lo lắng bởi cách chi tiêu đã có công thức, không phải vất vả, suy nghĩ nhiều.

Hơn nữa, các trường công lập có lợi thế là học phí rẻ, không phải chứng minh năng lực nhiều mà vẫn thu hút được học sinh.

“Hiện nay, Trường Phổ thông Phan Đăng Lưu đang gặp bất lợi trong cạnh tranh giáo dục với các trường công lập được nhà nước cấp ngân sách đầy đủ.

Tại các trường công lập, hàng năm ngân sách cấp chi đầu tư cho mỗi học sinh khá lớn, nhưng các trường công lập tự chủ thì không có”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Nguyệt chia sẻ.

Tự chủ đại học thế nào khi quyết định của cơ quan chủ quản đè lên Luật?
Tự chủ đại học thế nào khi quyết định của cơ quan chủ quản đè lên Luật?

Cũng theo Thạc sĩ Nguyệt, về nguyên tắc, muốn đẩy mạnh tự chủ thì Nhà nước phải đầu tư cho học sinh bất luận là học sinh đó học trong môi trường nào.

Sau đó, tùy thuộc vào sự phát triển mà nhà trường có thể cung cấp thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị hoặc dịch vụ giáo dục.

Nếu học sinh không học ở trường công lập mà sang học tại trường tư thục hoặc trường công lập tự chủ thì học sinh phải đóng mức học phí rất cao, bởi không đóng như vậy thì các trường không có kinh phí hoạt động.

“Các trường phải làm sao để tự chủ nhưng không bị đánh đồng là thương mại hóa giáo dục.

Muốn như vậy, phải công khai minh bạch các nguồn thu, rõ mục đích chi và quyết toán cuối năm với phụ huynh, học sinh.

Công khai minh bạch là điều bắt buộc với tất cả các trường và phải có trách nhiệm giải trình nếu như các phụ huynh yêu cầu.

Điều quan trọng là các nguồn thu của phụ huynh, học sinh phải phục vụ chất lượng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc dạy và học”, Thạc sĩ Nguyệt đưa ra lời khuyên.

Khó khăn thứ 2 đối với các trường phổ thông thực hành khi thực hiện tự chủ là đội ngũ giáo viên.

Đối với trường Phổ thông Phan Đăng Lưu, từ khi thành lập đến nay, số cán bộ, giáo viên diện biên chế chiếm 70% đội ngũ; còn lại là cán bộ, giáo viên thỉnh giảng, hợp đồng.

Trong các năm học đều có sự luân chuyển giáo viên từ các khoa sư phạm về trường, trong khi các giáo viên này thiếu giờ giảng, hoặc họ sẽ được rút về khoa khi đủ tiết dạy định mức trong năm học.

Số giáo viên này không gắn bó lâu dài hoặc không thể yêu cầu họ lo cho công việc của nhà trường giống như giáo viên cơ hữu được.

Các trường phổ thông thực hành trong trường đại học địa phương đang gặp khó khăn khi tự chủ tài chính (Ảnh: LT)
Các trường phổ thông thực hành trong trường đại học địa phương đang gặp khó khăn khi tự chủ tài chính (Ảnh: LT)

Nếu trường được tự chủ biên chế và tổ chức sẽ rất thuận lợi vì trường là đơn vị trực tiếp sử dụng người lao động nên họ biết cần tuyển giáo viên có năng lực, phẩm chất thế nào là phù hợp với hoạt động giáo dục, năng lực học sinh nhà trường.

“Hiện nay, nhà trường đang tự chủ một phần nhưng vẫn bị ràng buộc quá nhiều bởi các quy định vốn chỉ phù hợp với trường được bao cấp.

Ví du, lẽ ra trường tự chủ phải được chủ động mời thầy giỏi, được phép chấm dứt hợp đồng với giáo viên không đáp ứng yêu cầu.

Nhưng hiện nay còn nhiều quy định cứng cả trong quản lý chuyên môn khiến trường tự chủ nhưng chưa được tự chủ”, thạc sĩ Nguyệt trăn trở.

Khó khăn nữa là khi nhắc đến tự chủ, nhiều người đều hiểu đơn giản là bị cắt một khoản tiền chi thường xuyên từ ngân sách.

Nhưng ở bậc phổ thông, muốn tự chủ trước hết phải tự chủ về kế hoạch dạy học.

Kế hoạch dạy học phải xây dựng phải bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, phù hợp với điều kiện nhà trường;

Không giảm bớt số giờ và đầu điểm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm tính logic của mạch kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học, trải nghiệm sáng tạo…

Quá trình này hiện nay buộc giáo viên phải nỗ lực hết mình những vẫn băn khoăn với việc thi cử.

Muốn tự chủ tài chính phải xây dựng trường phổ thông chất lượng cao
Muốn tự chủ tài chính phải xây dựng trường phổ thông chất lượng cao

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho phép các trường trung học phổ thông thực hiện tự chủ chương trình song vẫn không thể xa rời mục tiêu “thi Trung học phổ thông quốc gia” và chịu một số chỉ đạo khác.

Có lẽ đây cũng là một đặc thù mà các trường tự chủ phải khéo léo, bởi thế, tìm sự đồng thuận từ phụ huynh và đi đúng là 2 yếu tố các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học luôn phải ghi nhớ.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là công việc của “tổng công trình sư”. Chương trình nhà trường đáp ứng đa mục tiêu: đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, yêu cầu của cá nhân học sinh, phát huy tối đa những khả năng, sở thích của học sinh.

Vì vậy, chương trình giáo dục được xây dựng dựa trên những nguyên tắc bảo đảm chương trình giáo dục hiện hành, còn có những chuyên đề dạy học dự án, dạy học trải nghiệm liên môn, đơn môn, những chuyên đề tự chọn cho học sinh.

Khó khăn thứ  là công tác tuyển sinh bởi áp lực đóng góp cho học sinh đi học là rất lớn đối với các trường trung học phổ thông thực hành trong trường đại học địa phương.

“Việc đóng góp phải đáp ứng 2 tiêu chí: phụ huynh, học sinh phải tự nguyện và nhà trường phải bảo đảm chất lượng cao.

Nếu là trường tư thục, việc đóng học phí cao là đương nhiên nhưng đây là trường công lập, lại thu học phí cao hơn cũng không dễ.

Tâm lý của các bậc phụ huynh cho rằng, đã là trường công lập thì trách nhiệm của Nhà nước, nhưng thu tiền học phí cao thì đấy là vấn đề cần thỏa thuận để đạt được sự đồng thuận và tự nguyện.

Nhưng nguyên tắc của sự phát triển là không đều, do đó trong giáo dục, muốn phát triển thì không thể các trường đều như nhau được.

Có những trường phải tiên phong theo mô hình chất lượng cao hơn”, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Nguyệt khẳng định.

LÃ TIẾN