Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu

20/12/2016 06:39
TS.Lê Viết Khuyến
(GDVN) - Sự lẫn lộn về bản chất sở hữu các loại hình trường trong các văn bản là nguyên nhân chính gây tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ nhiều trường ngoài công lập.

LTS: Với tư duy đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986 chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích phát triển. 

Trong lĩnh vực giáo dục đại học một trong những ý tưởng đổi mới là việc chấp nhận sự tồn tại của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập

Theo tinh thần đó cuối năm 1988 Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long được thành lập. 

Sau 5 năm thí điểm hoạt động của Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long, năm 1994 hàng loạt trường đại học ngoài công lập khác ra đời.

Cho đến nay trong cả nước đã có 84 trường đại học và cao đẳng ngoài công lập.

Từ sau năm 2005, Nhà nước đã có nhiều thay đổi lớn liên quan tới chính sách phát triển giáo dục ngoài công lập. 

Bàn về nội dung này, TS.Lê Viêt Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tóm lược lại những văn bản chỉ đạo định hướng cơ chế sở hữu cho các trường đại học ngoài công lập trong thời gian gần đây. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Thứ nhất, về mặt chính sách, Nghị quyết 4 Ban Chấp hành TƯ khoá 7 khẳng định 3 loại hình của giáo dục ngoài công lập là: bán công, dân lập và tư thục.

Nghị quyết 2 Ban Chấp hành TƯ khoá 8 khẳng định tiếp: "… Tiếp tục phát triển các trường dân lập ở tất cả các bậc học. Từng bước phát triển vững chắc các trường lớp tư thục ở giáo dục mầm non, phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và đại học…".

Trên tinh thần đó, quy chế đầu tiên về đại học tư thục đã được ban hành tại Quyết định số 240/TTg ngày 24/5/1993 của Thủ tướng chính phủ. 

Tuy quy chế này vẫn tồn tại, không bị huỷ bỏ, nhưng nó đã không được đưa vào cuộc sống. Do vậy, cho tới năm 2005 vẫn chưa có trường đại học tư thục ở Việt Nam.

Để hướng dẫn hoạt động cho các trường đại học dân lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế tạm thời về đại học dân lập tại Quyết định số 196/TCCB ngày 21/1/1994. 

Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu (Ảnh: fpt.edu.vn)
Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu (Ảnh: fpt.edu.vn)

Đến năm 2000, Quy chế này đã được thay thế bằng Quy chế trường đại học dân lập tại Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quy chế 86 có một số đặc điểm như sau: 

Một là, trường đại học dân lập phải do một tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế đứng đơn xin thành lập trên cơ sở huy động các nhà giáo, nhà đầu tư cùng đóng góp công sức, kinh phí và cơ sở vật chất ban đầu từ nguồn ngoài ngân sách Nhà nước.

Hai là, khẳng định tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của các thành viên trong nhà trường. 

Ba là, khẳng định phần góp vốn của các nhà đầu tư trong tài sản của trường nhưng không khẳng định rõ quyền lợi của họ.

Bốn là, hội đồng quản trị đại diện cho quyền sở hữu tập thể của các thành viên trong nhà trường (cộng đồng nhà trường).

Như vậy với 4 đặc điểm nêu trên có thể xếp trường đại học dân lập theo quy chế 86 thuộc loại hình tổ chức không vì lợi nhuận. 

Thứ hai, những thay đổi lớn liên quan tới chính sách phát triển giáo dục ngoài công lập diễn ra từ sau năm 2005: 

*Theo Luật Giáo dục 2005:  

Điều 20 Luật Giáo dục khẳng định: "Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi". Điều đó cũng có nghĩa là Nhà nước không chấp nhận loại hình cơ sở giáo dục vì lợi nhuận. 

Điều 48 khẳng định có 3 loại hình trường của hệ thống giáo dục quốc dân: công lập, dân lập, tư thục. 

Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu ảnh 2

"Có thể có bạn đồng nghiệp nghĩ chúng tôi điên rồ"

(GDVN) - Nữ giáo sư, Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam, nay đã 83 tuổi nói chuyện về làm giáo dục ngày nay. Hóa ra, câu chuyện đâu phải chỉ có tiền nhiều hay ít?

Tuy nhiên khái niệm trường dân lập theo cách hiểu mới là phải do cộng đồng dân cư thành lập, còn trường tư thục là do các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, kinh tế hoặc do cá nhân thành lập. 

Điều đó cũng có nghĩa là: trường dân lập thuộc hình thức sở hữu chung của cộng đồng (không vì lợi nhuận); trường tư thục thuộc hình thức sở hữu chung (không vì lợi nhuận) hoặc sở hữu cá nhân (vì lợi nhuận).

Điều 66 quy định: "… thu nhập còn lại được phân chia cho các thành viên góp vốn theo tỷ lệ vốn góp" dẫn đến cách hiểu là cả hai loại hình dân lập và tư thục đều có chia lợi nhuận, tức là đều mang thuộc tính vì lợi nhuận. Nội dung này chưa ổn!

Điều 67 khẳng định: "Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở ; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn". 

Nội dung như vậy cho phép hiểu trường dân lập thuộc hình thức không vì lợi nhuận, còn trường tư thục thuộc hình thức vì lợi nhuận.

Tất cả những bất nhất nêu trên ở Luật Giáo dục 2005 vẫn chưa được chỉnh sửa ở Luật giáo dục sửa đổi 2009.

Cũng tại Luật giáo dục 2005 còn khẳng định những ưu đãi của Nhà nước cho các trường dân lập và tư thục (Điều 68) và những chính sách khuyến khích đối với các nhà đầu tư cho giáo dục (Điều 104).

* Theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao ban hành ngày 18/4/2005.

Nghị quyết 05 khẳng định Nhà nước chủ trương: "…phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình: dân lập và tư nhân. Quyền sở hữu của các cơ sở ngoài công lập được xác định theo Bộ luật dân sự… Không duy trì loại hình bán công”.

Mỗi cơ sở ngoài công lập đều có thể hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận hoặc theo cơ chế lợi nhuận. 

Theo cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần được dùng để bảo đảm lợi ích hợp lý của các nhà đầu tư, phần để tham gia thực hiện các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, trợ giúp người nghèo, lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển.

Theo cơ chế lợi nhuận thì lợi nhuận có thể được chia cho các cá nhân và cơ sở phải chịu thuế.

Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu ảnh 3

Chọn người tài không nên phân biệt đối xử về bằng cấp

(GDVN) - Không ít đơn vị tuyển dụng có "ác cảm" với sinh viên tốt nghiệp tư vì họ nghi ngờ về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đây là tư duy có vẻ lỗi thời...

Như vậy, Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận. 

Về các giải pháp, Nghị quyết 05 chỉ rõ phải hoàn thiện: 

"Quy định chế độ tài chính và trách nhiệm thực hiện chính sách và nghĩa vụ xã hội của các tổ chức hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận và áp dụng cơ chế doanh nghiệp đối với các cơ sở hoạt động theo cơ chế lợi nhuận";

"Hỗ trợ khuyến khích các cơ sở ngoài công lập đăng ký hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận";

"Có chính sách ưu đãi đối với các cơ sở ngoài công lập, đặc biệt là với các cơ sở hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận"; 

"Thực hiện việc miễn tiền sử dụng đất, thuế đất đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận";

Và ban hành "chính sách đào tạo và hỗ trợ của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các cơ sở ngoài công lập, chính sách hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập tự đào tạo, phát triển nhân lực".

Đồng thời tại Nghị quyết 05 Chính phủ cũng giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, "nghiên cứu làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất lợi nhuận và phi lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở và hình thức xã hội hoá trong từng lĩnh vực, kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp trong năm 2005". 

Đồng thời "nghiên cứu xây dựng chính sách đấu thầu cung cấp dịch vụ do Nhà nước đặt hàng".

Còn nữa...

TS.Lê Viết Khuyến