Trường nghề nhất định phải gắn kết với các doanh nghiệp

02/09/2019 07:57
Nguyễn Đình Anh
(GDVN) - Với cách lựa chọn hướng đi đúng đắn nên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lôc ngày một phát triển. Hiện tại nhà trường có tổng số 67 cán bộ, giảng viên.

Hơn một năm sau, hôm nay, tôi mới có dịp trở lại với Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc (thuộc huyện Nghi Lộc - tỉnh Nghệ An).

Chỉ hơn một năm mà nhà trường đã thật sự có nhiều thay đổi. Khuôn viên trường đã được mở rộng từ 3 ha trước đây nay rộng tới 8 ha.  

Cơ sở vật chất của nhà trường bề thế hơn nhiều so với trước đây: đã có 3 dãy nhà cao tầng để làm phòng học và thực hành, 1 dãy nhà làm khu hiệu bộ và 1 xưởng hàn bề thế.

Trường đã mua sắm thêm nhiều trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho thực hành, thực tập các ngành: Công nghệ Ô tô, Động lực, Hàn và Chế biến món ăn. Còn các ngành khác đưa học viên đi thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp.

Nhưng, bước phát triển mới nhất, đột phá nhất của trường không phải chỉ ở những điều đã nói ở trên.

Vậy những đột phá để mở rộng quy mô đào tạo, nâng chất lượng đào tạo để nhà trường mỗi năm tiếp nhận 400 học viên đào tạo trình độ trung cấp và 600 học viên học nghề theo các trình độ khác, bảo đảm quy mô hàng năm của nhà trường trên 1.000 học viên các hệ đào tạo là gì?

Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc (Ảnh minh họa: tinhdoannghean.vn).
Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc (Ảnh minh họa: tinhdoannghean.vn).

Giải đáp câu hỏi trên, nhà giáo Thạc sỹ Phạm Xuân Hồng với tâm thế đầy trách nhiệm của một hiệu trưởng trường nghề lâu năm đã tâm huyết chia sẻ với chúng tôi:

Do phụ huynh và học sinh đã có sự thay đổi lớn về nhận thức, về tâm lý, về quan niệm của sự học cho nên chủ trương hướng nghiệp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông mà Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã triển khai từ cuối năm 2009 cho đến thời điểm vài ba năm trở lại đây mới được người dân nhận thức đầy đủ.

Số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chọn hướng đi học nghề đã trở thành xu thế của một tỷ lệ khá lớn học sinh.

Vì vậy, quy mô tuyển sinh của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc và các trường đào tạo nghề ở Nghệ An đã được tăng lên.

Vấn đề đang đặt ra cho thực tiễn đào tạo nghề là các cơ sở đào tạo nghề phải đủ điều kiện và đủ năng lực để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học.

Mỗi năm Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc đã tuyển được trên dưới 400 học sinh tốt nghiệp sau trung học cơ sở vào học trình độ trung cấp.

Số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đăng ký vào học nghề cũng đã có một tỷ lệ khá cao.

Theo dõi trong khoảng 4 năm trở lại đây mọi người dễ dàng nhận thấy: Số lượng tuyển sinh vào trường trung cấp nghề ngày càng tăng.

Phụ huynh không những thay đổi về tâm lý không vì “bằng mọi giá để cho con vào đại học” thì nay họ đã nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc học nghề. “Học nghề mới có cơ hội tìm ngay được việc làm”.

Bởi vậy, để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của phụ huynh và học sinh, các trường nghề  phải có đội ngũ giáo viên giỏi về lý thuyết và thông thạo về thực hành để hướng dẫn học sinh học và truyền cho học viên kỹ năng hành nghề.

Nhận thức đầy đủ về đòi hỏi đó của người dân đối với trường nghề cho nên những năm vừa qua Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi lộc cũng như các trường đào tạo nghề khác trong tỉnh đã tìm mọi giải pháp và chính sách để tuyển chọn đội ngũ giáo viên có năng lực về trường để giảng dạy và hướng dẫn học sinh thực hiện các kỹ năng nghề nghiệp.

Trường nghề sẽ phải thay đổi để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0
Trường nghề sẽ phải thay đổi để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0

Chất lượng đội ngũ giáo viên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc ngày càng được nâng lên và đã được khẳng định qua các kỳ thao giảng giáo viên giỏi cấp tỉnh hàng năm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức.

Trong năm học này, giảng viên của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc đã có những tên tuổi như thầy Phạm Việt Hồng - Trưởng khoa Điện đạt giải nhất giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, môn Điện dân dụng, Điện Công nghiệp.

Trường cũng đã có những giảng viên ngành Chế biến món ăn và ngành Kỹ thuật Hàn đạt giải khuyến khích kỳ thi giáo viên giỏi quốc gia.

Các năm trước đây cũng vậy, năm nào Trường cũng có giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Điều quan trọng hơn, hàng năm 100% học viên các ngành học của trường sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp thu nhận vào làm việc. Thu nhập của học viên các ngành ngành Kỹ thuật từ 7 đến 13 triệu đồng/1 tháng.

Các ngành May, Chế biến món ăn từ 4 đến 5 triệu đồng/1 tháng. Riêng nghề Hàn có em thu nhập 25 triệu đồng một tháng.

Để có thương hiệu thu hút hàng năm có gần 1.000 học viên vào trung cấp nghề và học nghề ngắn hạn nhà trường đã quan tâm nhiều đến việc đổi mới phương thức đào tạo.

Ban giám hiệu nhà trường cho rằng, trong đào tạo nghề có 2 yếu tố hết sức quan trọng:

Chương trình đào tạo phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Muốn cho học viên sau khi ra trường học viên phải làm được công việc mà mình đã được đào tạo.

Muốn học sinh làm tốt công việc sau khi đã được tuyển dụng thì trong thời gian học các em phải được nhà trường tổ chức tốt hoạt động thực hành, thực tập.

Muốn thực hành, thực tập tốt thì nhà trường phải có trang thiết bị hiện đại, đầy đủ. Để có trang thiết bị đầy đủ, hiện đại đi kịp bước phát triển của các doanh nghiệp thì các trường đào tạo nghề không thể đủ kinh phí để mua sắm và mua sắm bổ sung định kỳ các thiết bị hiện đại tương ứng đã có trên thị trường lao động.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nên khuyến khích doanh nghiệp mở trường nghề
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nên khuyến khích doanh nghiệp mở trường nghề

Để giải bài toán này các trường nghề chỉ có một hướng đi tích cực là phải tìm cách để đẩy mạnh gắn kết được với doanh nghiệp trong đào tạo nghề. Đặc biệt là khâu thực hành, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc đã làm được việc này.

Một năm học trường đã bố trí cho học sinh có 6 tháng gắn học và thực hành tại doanh nghiệp. Giảng viên của trường cũng phải có khoảng thời gian 3 đến 6 tháng tới doanh nghiệp để hướng dẫn học viên học tập và thực hành.  

Phát triển mối quan hệ đó với doanh nghiệp trường đã tiến tới lấy doanh nghiệp làm nơi tuyển dụng đầu ra của nhà trường.

Thực hiện phương thức đào tạo như trên nhà trường đã liên hệ và đã được các doanh nghiệp sau đây cho học viên đến học và thực hành, thực tập tại doanh nghiệp:

Ngành Hàn thực tập tại Đơn vị 692 của Công ty Lylama và tại Đơn vị 691 Công ty điện tử Sam Sung (có địa chỉ tại Vĩnh Yên - Bắc Ninh); Ngành Điện thực hành tại Nhà máy Canon Hưng Yên; Ngành Công nghệ Ô tô đi thực hành, thực tập tại Công ty Ô tô  1-5 ở Đông Anh, Công ty  Hy Nô Nhật  Dân (ở Nghi Lộc) và các cơ sở sửa chữa ô tô xe máy trên địa bàn và cả với đơn vị 692 của Công ty Lamlyma.

Tương tự hướng gắn kết như trên ngành Chế biến món ăn học viên được bố trí đi thực tập tại các khách sạn ở thị xã biển Cửa Lò và thành phố Vinh.

Nghề May thì  gắn kết với Công ty Minh Anh, Minh Trí (Thuộc Công ty may Hải Phòng) để thực hành thực tập.

Do gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho nên khi xây dựng chương trình đào tạo Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc đã phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng chương trình.

Mặt khác,  Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc và doanh nghiệp mời các chuyên gia phối hợp để xây dựng chương trình đào tạo.

Với phương thức gắn với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho nên trang thiết bị kỹ thuật cho học sinh là trang thiết bị luôn mới và hiện đại. Chất lượng thực hành thực tập thật sự được nâng cao.

Khi ra trường làm việc học sinh làm chủ ngay được các phương tiện kỹ thuật hiện đại của doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu giáo dục đại học, dạy nghề phải ngang tầm khu vực, quốc tế
Thủ tướng yêu cầu giáo dục đại học, dạy nghề phải ngang tầm khu vực, quốc tế

Ngược lại  nhà trường không tốn kém ngân sách để mua sắm trang thiết bị bổ sung hàng năm. Có vậy, nhà trường mới có kinh phí để đầu tư, trang trải cho các hoạt động khác của trường.  

Với cách lựa chọn hướng đi đúng đắn cho nên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc ngày một phát triển. Hiện tại nhà trường có tổng số 67 cán bộ giáo viên, nhân viên (kể cả giáo viên thỉnh giảng).

Nhà trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về thành tích có nhiều giáo viên giỏi tỉnh và thành tích Đào tạo nghề cho Nông dân và được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen về những thành tích đã nêu trên.

Trong năm học 2018-2019 tỉnh Nghệ An đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho nhà trường.

Riêng cá nhân ông Phạm Xuân Hồng - Hiệu trưởng nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen từ  năm 2014.

Từ thực tiễn thành công nói trên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc đang triển khai nghiên cứu để hoàn chỉnh đề tài khoa học cấp tỉnh: “Gắn đào tạo nghề giữa nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo nghề”.

Với những gì mà Trường trung cấp nghề Nghi Lộc đã thực hiện thành công trong hoạt động đào tạo, đã đến lúc nhà giáo Phạm Xuân Hồng – Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc (Nghệ An) và những người làm công tác đào tạo nghề chúng ta không ngần ngại khi khẳng định lại một lần nữa: Gắn  kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề là một hướng đi đúng đắn của giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Nguyễn Đình Anh