Trường học không thể là vương quốc riêng của bất cứ ai

31/10/2017 06:52
Kiến Văn
(GDVN) -Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đánh giá, các cơ quan quản lý đang lầm lẫn giữa quản lý nhà nước với việc quản trị của các cơ sở giáo dục đào tạo.

Chậm phân cấp quản lý gây ra tác hại thế nào với nhà trường?

Từ cuối năm 2013 đã có Nghị quyết 29/TW về quyền tự chủ của cơ sở Giáo dục đào tạo, nhưng đến nay mới đang thử nghiệm ở 35 trường, còn trên 200 trường đại học cao đẳng, các trường phổ thông, trường dạy nghề chưa được thực thi. Vì sao lại có trình trạng chậm chạp, bảo thủ này?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đánh giá: “Do các cơ quan quản lý giáo dục của nhà nước chưa thấy được trong nền kinh tế thị trường, các cơ sở giáo dục đều là những đơn vị sự nghiệm phục vụ dịch vụ công, nó cũng như các đơn vị sản xuất kinh doanh, phải được nhà nước quản lý theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội về kết quả đào tạo của mình.

Các cơ quan quản lý của nhà nước, quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo công lập vẫn mang tư tưởng áp đặt cơ chế quản lý thời bao cấp của kinh tế chỉ huy, kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Đây là cách quản lý trái với quy luật của nền kinh tế thị trường. 

Trong kinh tế thị trường, các cơ sở giáo dục đào tạo phải hết sức năng động sáng tạo và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng giáo dục, về kết quả đào tạo của mỗi nhà trường công lập. 

Từ trường mầm non đến đại học đều phải được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội. Và các cơ sở giáo dục đào tạo mới là nơi tạo ra sản phẩm giáo dục đào tạo, đó là sự phát triển nhân cách, phẩm chất năng lực người học, các cấp quản lý giáo dục chỉ là cơ quan quản lý, chỉ đạo, giám sát để có những kết quả giáo dục đó cao hơn, đồng đều hơn”.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Trường học không thể là vương quốc riêng của bất cứ ai. ảnh: Ngọc Quang.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Trường học không thể là vương quốc riêng của bất cứ ai. ảnh: Ngọc Quang.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhận định, hiện nay các cơ quan quản lý giáo dục đang lầm lẫn giữa quản lý nhà nước về các cơ sở giáo dục đào tạo với việc quản trị của các cơ sở giáo dục đào tạo. 

Mặt khác, trên thực tế có thể còn nhiều cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo chưa đủ năng lực, chưa đủ phẩm chất và chưa thể phát huy khi trao quyền tự chủ. Vì thế, các cơ quan quản lý giáo dục có thể thiếu tin tưởng, chưa dám giao quyền cho đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo về năng lực thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 

Bằng chứng các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập từ mầm non đến Đại học, trong nền kinh tế thị trường họ mới được tự chủ (từ năm 1986 đến nay) và buộc phải tự chủ, chỉ có tự chủ họ mới tồn tại phát triển được. Như vậy các cán bộ quản lý các trường công lập nếu được giao, chắc chắn sau một thời gian có cơ chế, có hướng dẫn họ sẽ làm được và làm tốt.

Trường học không thể là vương quốc riêng của bất cứ ai ảnh 2

Còn bao nhiêu Hiệu trưởng có nguy cơ vướng vòng lao lý?

“Các cơ quan quản lý giáo dục các cấp không thấy được tác hại của việc chậm phân cấp quản lý, chậm trao quyền tự chủ thì càng kéo dài sự trì trệ lạc hậu của giáo dục đào tạo hiện nay.

Hiện nay các cơ sở giáo dục đào tạo công lập vẫn đang hoạt động theo kiểu trên bảo gì dưới làm nấy, đâu cần sáng tạo, ai đánh giá chất lượng cao hay thấp, hết năm học sinh lên lớp 99-100% và tốt nghiệp lúc nào cùng 99 – 100%. 

Các trường học cộng lập nào được trao giấy khen, cờ thi đua, hiệu trưởng lại càng yên tâm bình chân như vại”, Tiến sĩ Lâm chỉ rõ.

Một nhầm lẫn khác của các cơ quan quản lý nhà nước về các cơ sở giáo dục đào tạo công lập là họ sợ các cơ sở công lập được nhà nước cấp kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất nhà nước cũng bao trọn gói. Đội ngũ nhà giáo do các cấp quản lý tuyển chọn cử đến, nếu giao quyền tự chủ các nhà trường, các cán bộ quản lý dễ làm thất thoát kinh phí, tài sản nhà nước. 

Họ không hiểu được nhà nước chỉ trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo để dễ dàng gắn kết mục tiêu quyền lợi của người quản lý, người dạy với sản phẩm giáo dục mà họ tạo ra theo đúng quy luật kinh tế thị trường. Các cơ sở giáo dục đào tạo chỉ có “thương hiệu” có chất lượng mới tồn tại. 

Nhà nước chỉ trao quyền cho các cơ sở giáo dục đào tạo theo thể chế được quy định, chứ không buông quyền quản lý, hơn nữa tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo phải luôn gắn với công khai, minh bạch, với chịu trách nhiệm xã hội.

Các cơ sở giáo dục đào tạo được thực thi quyền tự chủ vẫn phải chịu sự quản lý chặt ché của các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, lại chịu sự giám sát của tập thể nhà trường, của cộng đồng địa phương.

Phải hiểu các cơ sở giáo dục đào tạo được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là một bước tiến cơ bản để nền giáo dục Việt Nam tiến đến chất lượng giáo dục với đầy đủ ý nghĩa của nó, mới hội nhập các nước. 

Cơ sở giáo dục đào tạo nào được nhà nước trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội là có điều kiện về cơ sở vật chất, về con người và chỉ có thể tự chủ trong vòng “kim cô” quy chế tự chủ của nhà nước định sẵn, không phảo tự do, tự ý muốn làm gì thì làm.

Giao quyền tự chủ sẽ giúp cho các trường sáng tạo tốt hơn. ảnh: Ngọc Quang.
Giao quyền tự chủ sẽ giúp cho các trường sáng tạo tốt hơn. ảnh: Ngọc Quang.

Mặt trái của cơ chế tự chủ ở các trường công lập

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, nếu đội ngũ cán bộ các trường không thay đổi tư duy, không có năng lực, chỉ ngồi chờ sự chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội, nhiều kế hoạch không thực hiện được dễ dẫn đến mâu thuẫn nội bộ… sẽ dễ dàng mất dần lợi thế được nhà nước đầu tư.

Hoặc nếu những cán bộ quản lý thiếu phẩm chất lợi dụng cơ chế tự chủ, thao túng quyền lực, mất dân chủ, chỉ nhằm thỏa mãn quyền lợi cá nhân của người quản lý, họ sẽ đi theo vết xe đổ “Quyền lực càng lớn, sự tha hóa quyền lực càng nguy hiểm”.

Đây là những nỗi lo lắng của cán bộ giáo viên của những cơ sở giáo dục đào tạo không chọn đúng người đứng đầu thật sự có phẩm chất, năng lực sẽ là thảm họa của mỗi cơ sở.

"Nói về tự chủ trong các trường phổ thông hiện nay, ngoài việc tự chủ thực hiện các chương trình giáo dục, trước hết các nhà trường phải được phân cấp triệt để về công tác tổ chức và tài chính. Nếu các trường không được tự chủ về 2 khâu then chốt này thì không thể gọi là tự chủ", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm. 

Đồng thời, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm lưu ý một số giải pháp ngăn chặn mặt trái, phát huy mặt tích cực của cơ chế:

Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo công lập phải sớm được luật hóa bằng một nghị định của Chính phủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm biên soạn và trình dự thảo Nghị định cho các cơ sở giáo dục đào tạo công lập ở phổ thông và mầm non để triển khai đồng thời với chương trình giáo dục phổ thông mới, lưu ý một số điểm sau:

Thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và thực thi các chương trình giáo dục hàng năm.

Thực hiện quyền, nghĩa vụ trong việc thu chi ngân sách nhà nước cấp, ngân sách cha mẹ học sinh đóng để tự chủ trong việc trả lương cán bộ giáo dục, mua sắm trang thiết bị dạy học, tu bổ cơ sở vật chất. Kinh phí khen thưởng giáo viên, học sinh.

Thực hiện quyền tuyển dụng, chọn lựa và trả lương theo tài năng đóng góp của mỗi Cán bộ giáo viên cho mỗi cương vị công tác giáo dục trong nhà trường.

Tự chủ trong việc gắn kết, huy động các nguồn lực trong, ngoài nhà trường cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường.

Có cơ chế đảm bảo quyền dân chủ cho các thành viên mỗi nhà trường: Hội đồng trường, công đoàn, đoàn thanh niên trong nhà trường…

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm: “Chính phủ sớm ban hành Nghị định chừng nào thì quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo công lập, mới sớm được thực thi.

Dân chủ là sản phẩm tinh thần, sản phẩm đỉnh cao của văn hóa nhân loại, chỉ có xã hội văn minh thật sự được điều hành bởi một hệ thống pháp luật chặt chẽ, nhân văn mới có dân chủ.

Đặc biệt trong giáo dục, dân chủ là thể hiện cao nhất sự tôn trọng con người. Giáo dục không trên cơ sở tôn trọng con người, không khuyến khích con người cống hiến, con người tự tin, tự trọng, tự chủ trong mọi việc làm của mình, nền giáo dục đó không thể coi là có chất  lượng. 

Chất lượng giáo dục là chất lượng cuộc sống của con người được đáp ứng, được thỏa mãn những nhu cầu bậc cao. Nói đến chất lượng cao của giáo dục trước hết học sinh phải được giải phóng về tinh thần, được tự do phát triển nhân cách theo cách riêng của mỗi người.

Cán bộ quản lý của mỗi nhà trường phổ thông hiện nay phải nhận thức sâu sắc vấn đề này để chuyển hóa thành những phương pháp quản lý dựa trên dân chủ và quản lý để đạt yêu cầu của dân chủ.

Mặt khác, sản phẩm của giáo dục bao giờ mang tính xã hội cao. Quá trình đào tạo là quá trình tham gia của nhiều lực lượng: giáo viên, công nhân viên, cha mẹ học sinh và cả bản thân mỗi học sinh. Trường học không thể là một vương quốc riêng của bất cứ ai”. 

Hiện nay quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo, Đảng, nhà nước, Bộ Giáo dục đào tạo đã có nhiều văn bản để phát huy dân chủ trong các nhà trường, nhưng thực hiện không được là bao, đó là vì các cấp quản lý giáo dục đào tạo chưa coi đây là biện pháp quan trọng để buộc các nhà trường  tự thay đổi theo đúng nhu cầu nguyện vọng người học, do đó không chỉ đạo đến nơi đến chốn.

Hệ thống quản lý trong các nhà trường không thấy được cái lợi của quản lý theo dân chủ, chỉ quen quản lý theo mệnh lệnh, không thấy được chỉ có quản lý dân chủ các cơ sở giáo dục đào tạo mới tạo ra được động lực cho thầy, trò sáng tạo trong giảng dạy, học tập. 

Tiến sĩ Lâm nêu nói thẳng: “Điều không thể khác là phải công khai minh bạch mọi hoạt động của nhà trường. Cán bộ giáo viên, học sinh được quyền tham gia xây dựng kế hoạch, tham gia đánh giá kết quả của quá trình đào tạo.

Mỗi trường học phải thực thi một cách triệt để quy chế dân chủ trường học. Mỗi thành viên trong nhà trường phải thấy rõ quyền và trách nhiệm khi thực thi quyền dân chủ”.

Kiến Văn