Trường ĐH KTQD không tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp, chuyên gia nói gì?

20/06/2022 06:32
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa dù học giỏi tới đâu nhưng cũng rất khó để tiếp cận với với các chứng chỉ quốc tế", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.

Vừa qua Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố đề án tuyển sinh 2022. Nhưng thông tin gây chú ý là từ năm 2023, trường dự kiến chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu, sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế.

Từ năm 2023, trường không tuyển theo các phương thức còn lại, kể cả sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo kế hoạch, 70% chỉ tiêu đầu vào dành cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc xét hai tiêu chí này cùng nhau, 30% còn lại dành cho những em xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và các điểm học thuật khác.

Ngay khi thông tin này được đăng tải phổ biến, trên các diễn đàn, không ít thí sinh tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Nhiều ý kiến cho rằng, cách xét tuyển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ gây khó khăn hơn cho những em ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Những thí sinh này ít cơ hội tiếp xúc và thi SAT, ACT, IELTS và thường chỉ tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện đang là Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc tuyển sinh từ điểm tốt nghiệp kết hợp với các tiêu chí khác là quyền của các trường đại học.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Tùng Dương

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng nhấn mạnh:

Thứ nhất, khi ra đề án về phương thức tuyển sinh, trường phải tính toán cẩn thận xem có đủ năng lực để đề xuất phương thức xét tuyển đó không và tất nhiên sau khi trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề án được duyệt mới được áp dụng.

Thứ hai, phải chứng minh được kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông - một kỳ thi huy động toàn bộ các lực lượng tham gia vào không đáng tin cậy bằng kỳ thi do một trường tổ chức hoặc không bằng các phương thức xét tuyển khác. Việc trường chứng minh được kỳ thi tốt nghiệp này không đạt yêu cầu thì khi đó đưa ra phương thức xét tuyển khác mới thuyết phục.

Thứ ba, theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng phải tạo thuận lợi, giảm nhẹ thi cử cho học sinh, giảm phiền hà cho phụ huynh. Tuy nhiên, việc vừa tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không dùng để làm phương thức tuyển sinh riêng mà còn phải kết hợp với các phương thức khác, liệu có đang làm ngược với tinh thần của Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương không?

"Học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa dù học giỏi tới đâu cũng đang rất khó để tiếp cận với với các chứng chỉ quốc tế", Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.

Bên cạnh đó, nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho rằng, đề án tuyển sinh dự kiến áp dụng từ năm 2023 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dù sẽ gây thiệt thòi cho các đối tượng học sinh thuộc vùng sâu, vùng xa nhưng sẽ là xu thế chung của các trường đại học trong tương lai.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. Ảnh:NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. Ảnh:NVCC

"Đối với một trường đại học, đặc biệt trong thời đại hội nhập như hiện nay, cái quan trọng là thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn của nhà trường. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân muốn trở thành trường đại học hàng đầu về lĩnh vực kinh tế, thương mại, ngân hàng,.. Những lĩnh vực đó luôn đòi hỏi phải có phương thức tuyển sinh phù hợp bởi đối tượng người học sẽ được dạy chương trình đào tạo đi theo định hướng của nhà trường. Chính vì vậy, ngoại ngữ có vị trí cực kì quan trọng.

Tôi cho rằng, đây là xu thế không thể nào tránh được của các trường đại học trong tương lai. Bên cạnh đó, khi áp dụng phương thức tuyển sinh như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy những thiệt thòi mà học sinh vùng sâu, vùng xa gặp phải trong việc tiếp cận giáo dục của trường", Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung nói.

Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cũng bày tỏ, nhằm hạn chế được tối thiểu những thiệt thòi mà học sinh vùng sâu, vùng xa gặp phải trong vấn đề tiếp cận phương thức tuyển sinh của các trường đại học thì vai trò của trường phổ thông, báo chí, phụ huynh vô cùng quan trọng.

"Tất cả các trường đặc biệt là các trường phổ thông ở tỉnh phải có chính sách để cho học sinh, sinh viên trong tương lai không bị thiệt thòi. Luôn xác định rõ việc đáp ứng đầu vào là vô cùng quan trọng nên phải có sự đầu tư, chuẩn bị kịp thời, sẵn sàng đáp ứng xu thế sắp tới và hội nhập.

Bản thân các trường đại học có nhiệm vụ thông tin rõ ràng và có sự truyền thông rộng rãi đến tất cả học sinh. Bộ phận hướng nghiệp của các Sở Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường phổ thông cần làm tốt nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, các đơn vị báo đài cũng cần có sự quan tâm nhất định, tổ chức những ngày hội để học sinh nắm bắt được thông tin tuyển sinh. Đặc biệt, mỗi thí sinh và gia đình cũng phải chủ động quan tâm và tìm hiểu", Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung nhấn mạnh.

Trần Lý