Trường đại học nào không tham gia xếp hạng, Bộ sẽ xử lý!

14/04/2018 06:38
Thùy Linh
(GDVN) - Bộ trưởng Nhạ khẳng định, các trường không tham gia xếp hạng, Bộ sẽ có biện pháp kiểm tra và công khai. Đồng thời, kiên quyết giải thể những trường yếu kém.

Theo Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng đại học có ảnh hưởng quốc tế ở các mức độ khác nhau.

Giáo sư Nguyễn Hữu Đức cũng khẳng định, việc các trường tham gia bảng xếp hạng nào là tuỳ các trường. Tất cả các bảng xếp hạng đều có cái lõi khoảng 70% tiêu chí là giống nhau. 
 
Tuy nhiên, trong đó 4 bảng xếp hạng phổ biến nhất là Times Higher Education (THE), Quacquarelli Symonds (QS), Webometrics và ARWU của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải.
 
Theo Bảng xếp hạng các trường đại học của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) cho khu vực Châu Á mới nhất năm 2018, Việt Nam có 5 trường đại học lọt vào nhóm 350 trường đại học hàng đầu, tức nằm trong nhóm 3% số trường đại học xuất sắc nhất của châu lục.

Trường đại học nào không tham gia xếp hạng, Bộ sẽ xử lý! ảnh 1Các trường đại học Việt Nam nên lựa chọn tham gia bảng xếp hạng nào?

Đại học Việt Nam nên tham gia bảng xếp hạng nào cho phù hợp là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại hội thảo “Nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam” diễn ra ngày 11/4.

Theo ý kiến của nhiều trường, QS là bảng xếp hạng phù hợp hơn, cụ thể theo Giáo sư Nguyễn Lộc - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, nếu đi theo THE hay ARWU thì việc Việt Nam có mặt trên bảng xếp hạng là rất xa vời. 

Bởi 2 bảng xếp hạng này yêu cầu cao về nghiên cứu và hợp tác quốc tế mà 2 tiêu chí này không phải là thế mạnh của các trường đại học Việt Nam.

Trong khi đó, nhìn nhận từ thực tế, Tiến sĩ Lê Văn Út -Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì cho biết, QS (vốn dĩ là một doanh nghiệp) gần đây mời các đại học tham gia hội thảo rất liên tục.

Những hội thảo này lại mang yếu tố thương mại, phải đóng rất nhiều tiền để tham gia.

Tiến sĩ Lê Văn Út cảnh báo về yếu tố thương mại của việc xếp hạng đại học (Ảnh: Thùy Linh)
Tiến sĩ Lê Văn Út cảnh báo về yếu tố thương mại của việc xếp hạng đại học (Ảnh: Thùy Linh)

“Rõ ràng, về mặt hình thức, xếp hạng là không có kinh phí nhưng bản chất phía sau là yếu tố thương mại. Bộ cần hết sức cảnh giác việc này”, ông Út nhấn mạnh.

Ông Út cũng đề xuất Bộ nên tổ chức các hội thảo có nhiều hơn một tổ chức xếp hạng, không nhất thiết phải là QS, làm sao tách bạch giữa vấn đề xếp hạng và thương mại để đảm bảo yếu tố học thuật của xếp hạng được phát huy tốt.

Xếp hạng là một công cụ để đánh giá chất lượng đại học

Nêu quan điểm tại hội thảo, Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội băn khoăn, sau khi tham gia xếp hạng và nâng thứ hạng lên cao hơn, các trường đại học sẽ có đóng góp như thế nào cho xã hội.    

Và trong quá trình tham gia xếp hạng, phải xem xét đến việc hỗ trợ tài chính như thế nào. Còn nếu không, sẽ dẫn đến việc đây chỉ là cuộc chơi của nhà giàu, khiến các trường lo lắng.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Bộ không nên chỉ dừng lại ở chính sách, mà nên có kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các trường tham gia xếp hạng.

Trường đại học nào không tham gia xếp hạng, Bộ sẽ xử lý! ảnh 3Trăn trở của Bộ trưởng Nhạ về chất lượng giáo dục đại học

Từ những điều đó, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất, Việt Nam nên có bảng xếp hạng riêng.

Các trường sẽ ngồi lại cùng nhau để đưa ra các tiêu chí đánh giá cho xếp hạng. Một hiệp hội sẽ xét duyệt và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là đơn vị công nhận.

Tuy nhiên, đại diện Đại học Duy Tân cho rằng, chúng ta gia nhập quốc tế thì phải thừa nhận tiêu chí của quốc tế, nếu Việt Nam đưa ra tiêu chí riêng thì nó chỉ có giá trị của Việt Nam, không thể thay thế được QS, THE.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Thế Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc cung cấp thông tin về xếp hạng cho người học Việt Nam là quan trọng, nhưng khi chúng ta tổ chức việc này, nguồn lực của xã hội dồn rất nhiều vào đó…

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, xếp hạng là một công cụ để đánh giá chất lượng đại học. 

Đây cũng là biện pháp bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục trong thời gian tới, bởi quy định về xếp hạng sẽ đưa vào Luật Giáo dục đại học và sẽ có nghị định, thông tư để các trường thực hiện.

Bộ trưởng thông tin, sắp tới, Bộ sẽ tăng cường công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường, khuyến khích các trường có điều kiện có thể cùng nhau thực hiện xếp hạng theo một tổ chức độc lập. Bộ sẽ thành lập tổ tư vấn cho các trường thực hiện xếp hạng.

Và Bộ sẽ chọn ra một số trường tiềm năng nhất và xây dựng một nhóm hỗ trợ các trường này ở những điều kiện còn yếu.

Với các trường không tham gia xếp hạng, Bộ sẽ có biện pháp kiểm tra và công khai để dư luận biết. Đồng thời, kiên quyết giải thể những trường yếu kém. Chính sách này sẽ áp dụng trường công và trường tư như nhau.

Thùy Linh